LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 25.9.2013

 

sachmoiE

 

Khi ra ngoài chợ, vào siêu thị, lúc ấy, quan sát các loại hàng hóa và ta thường muốn mua một thứ nào đó. Thử hỏi, ta chủ động chọn mua nó hay nó giục ta phải mua? Hỏi gì mà ngớ ngẩn. Hết khôn dồn đến dại rồi chăng? Ai cũng bảo, ta chủ động đấy chứ. Nếu không, đừng hòng. Có đúng vậy không? Không. Thật ra, hàng hóa đó nó chọn ta, buộc ta phải mua đấy thôi. Từ lâu lắm rồi, nó đã nằm sâu trong tiềm thức dưới nhiều hình ảnh khác nhau. Không rõ hình. Không rõ tướng. Ta không biết rõ, chỉ lờ mờ loáng thoáng cảm nhận nhưng chắc chắn có. Rồi đến một lúc, tình cờ nhìn một vật nào đó bỗng nhiên sự thôi thúc trong lòng buộc ta phải chọn lấy nó. Ta chọn lấy bởi đã từ lâu, nó đã có ở trong ta rồi.

Yêu một người đàn bà cũng thế. Mỗi ngày đi qua, trong con mắt thu gọn hình ảnh bao nhiêu con người nhưng tại sao ta chỉ có thể ngất ngây bởi cô này mà không mê đắm bởi nàng kia? Gặp người đó, chọn người đó tự dưng ta cảm thấy thân quen tự thuở nào. Mắt, môi, hương thơm, giọng nói, cử chỉ ấy… ta đã gặp, có thể từ nhiều người khác nhau. Và đến khi lần đầu tiên gặp người này, tự nhiên ta có cảm tưởng gặp từ lâu lắm rồi. Và buộc ta phải chọn lấy.

Sao lại ngẫm nghĩ dông dài chuyện này giữa trưa hè trên đường về nhà trưa nay?

À, sáng nay, họp báo với Công ty Phan Thị ra mắt tập 1 bộ truyện tranh thiếu nhi về Hoàng Sa - Trường Sa. Trên đường về cơ quan, nhà báo Lam Điền báo tin 3 tập sách đầu của bộ Lời Người Man di hiện đại của nhà văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh đã chuyển từ Hà Nội vào rồi. Vì lẽ đó, phải đi mua ngay thôi. Đã có một cái nhìn khác về Nguyễn Văn Vĩnh. Cũng như với Phạm Quỳnh và nhiều nhân vật khác. Bộ sách của ông Vĩnh cả thảy 15 tập. Sẽ in dần. Đồ sộ chưa? Quyển Nguyễn Văn Vĩnh (NXB Tân Việt - 1957) của Nhất Tâm cho biết lúc ông Vĩnh qua đời, nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải có khóc câu đối:

“Mười mấy năm xoay sở một trò đời, nào khi vào nghĩa đảng Đông Kinh, lúc từ huy chương Bắc đẩu, khi hò hét Âu Tây tư tưởng, lúc giảng diễn Niên lịch thông thư, vang từng giọng nói câu văn, nóng lạnh trái tim, đậy nắp quan tài chưa hẳn định;

Bao nhiêu bạn đi về cùng lớp trước, nay người ta đã Thượng thư Tổng đốc, kẻ còn Tân Đảo Côn Nôn, người ca tụng Pháp Việt đuề huề, kẻ theo đuổi quân dân hiến pháp, rộn rịp đường ngay lối dọc, sang hèn cuộc thế, trông chừng dân nước vẫn đang say”.

Những ai hiểu rõ sự nghiệp Nguyễn Văn Vĩnh phải “chịu” câu đối này là hay, đúng. Từ điển văn học bản in năm 1984, không có Nguyễn Văn Vĩnh. Bản in năm 2003 với tựa Từ điển văn học bộ mới, Nguyễn Văn Vĩnh mới được bổ sung. Mà đâu chỉ có thế. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, một cán bộ thuộc Viện KHXH tại TP.HCM đã cho in tập sách dày trên 850 trang: Văn hóa văn nghệ phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mỹ tại Nam Việt Nam 1954 -1975. Trong tập sách này có công bố Danh mục sách cấm lưu hành với sự liệt kê đầy đủ. Bản liệt kê này, đem so với những gì đã diễn ra ở thị trường sách thì nay đã khác xa. Một trời một vực. Không ít tác phẩm thuộc Danh mục sách cấm lưu hành đã tái bản và không ít tác giả đã  “tái xuất giang hồ”. Điều này cho thấy, cái nhìn về văn hóa văn nghệ của Sài Gòn cũ đã khác trước. Thậm chí, trong bộ sách Từ điển văn học bộ mới, lần đầu tiên có không ít nhà văn thuộc diện có “sách cấm lưu hành” cũng được ghi nhận.

Sự ghi nhận này rất đáng kể, có thể xem như một động thái “cấp giấy thông hành” cho các nhà văn đó trở lại với bạn đọc. Hoặc ít ra cũng là sự thừa nhận vai trò của họ trong một giai đoạn của văn học miền Nam. Nói như thế vì Từ điển văn học bộ mới  từng được đánh giá “ghi nhận một dấu mốc cho loại sách công cụ chuyên ngành về Khoa học Xã hội ở Việt Nam ở VN”. Nhóm chủ biên là những nhà nghiên cứu uy tín, tâm huyết, công tâm như Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá và sự cộng tác của hàng trăm chuyên gia nghiên cứu văn học. Bộ sách này gồm 2.625 mục từ với 2.180 trang chữ và 188 hình ảnh, lần đầu tiên những tên tuổi như Bùi Giáng, Cung Trầm Tưởng, Đinh Hùng, Lê Văn Siêu, Nguyên Sa, Phan Du, Võ Hồng, Sơn Nam, Nhật Tiến, Kim Định ... được lựa chọn đưa vào từ điển.

Sự trở lại các cây bút tiêu biểu của miền Nam trong giai đoạn trước 1975, thiết nghĩ cũng là điều hết sức bình thường, hợp với lẽ tự nhiên, vì không ai có thể phủ nhận những đóng góp của họ trong tiến trình văn học nước nhà - nếu những tác phẩm ấy thật sự có giá trị lâu bền. Có lẽ, cú phát pháo mở đầu gây nhiều sóng gió nhất mà sau đó “tịt ngòi” luôn là cái năm NXB Văn Nghệ TP.HCM & Công ty văn hóa Phương Nam phối hợp tái bản. Đợt đó có Dương Nghiễm Mậu với Nhan sắc, Cũng đành, Tiếng sáo người em út, Đôi mắt trên trời; Lê Xuyên với Nguyệt Đồng Xoài (3 tập)... Thế nhưng khi loạt sách này ra đời lập tức có sự phản hồi dữ dội. Có ý kiến, đại loại tại sao lại in một lúc đến 4 tác phẩm của một “nhà văn cũ”? Sự “trở lại” như vậy là quá “hớp”. Ý kiến này không vững vì một tác phẩm văn học khi đã phát hành, phải xem nó như một giá trị hàng hóa. Với người kinh doanh, họ có quyền tính toán trong kế hoạch sản xuất. Vấn đề quan trọng vẫn là giấy phép có đúng Luật Xuất bản hay không? Đành rằng, những cuốn sách trên đã được Cục XB cấp phép hẳn hòi thì không có gì đáng bàn nữa.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ người đọc, rõ ràng cần có sự thẩm định kỹ để “kiểm chứng” giá trị của nó, không phải tất tần tật những gì của các nhà văn trước 1975 cũng đều có thể tái bản. Mặt khác, cần phải có sự giới thiệu, đánh giá lại "tác giả - tác phẩm" để qua đó bạn đọc hiểu thêm về bối cảnh ra đời đặng tiếp nhận một cách khách quan. Nói như thế, vì lúc đọc nếu không có sự chú thích chu đáo, cặn kẽ với những câu đại loại như “Bộ mình cưới nhau liền được sao? Anh còn lo vấn đề động viên. Việc gì mà mình phải gấp rút như vậy?” (tr. 7 - Nguyệt Đồng Xoài) khác nào đánh đố người đọc, bởi từ “động viên” không hẳn mang ý nghĩa như hiện nay v.v...

Nghĩ cho cùng, khi nhìn lại diện mạo văn học nước nhà cũng giống như lúc ta bước vào một phòng tranh. Nếu phòng tranh ấy thiếu đi những tác phẩm tiêu biểu, xứng đáng thì chỉ còn là những mảng tường trắng vô hồn. Nhưng phòng tranh ấy cũng trở thành bát nháo, gây phản cảm cho người thưởng ngoạn (thậm chí độc hại) nếu tất tần tật “bức tranh” nào cũng được trưng bày - bởi đó chỉ là động thái đánh đồng “cá mè một lứa”. Mà việc làm ấy đòi hỏi bản lĩnh người làm văn hóa và có tâm với bạn đọc.

Lan man nghĩ về chuyện này bởi sáng nay đi mua 3 tập sách của Nguyễn Văn Vĩnh, rồi nhân tiện hỏi mua luôn bộ Tự điển văn học bộ mới giúp cho N.K.Luân. Tìm đỏ con mắt. Chưa ra. Tật xấu nhất của y, khi vào nhà sách là quên mất trời trăng mây gió. Không còn nhớ đến thời gian. Có những tính cách đã hình thành từ lúc ấu thơ, mãi về già vẫn còn đeo bám, bám theo con người đó. Thời nhỏ, đã đọc câu này trong Úc viên thi thoại của nhà thơ Đông Hồ, nay vẫn còn nhớ như in trong óc: “Mặt giấy nõn nường so với làn da ngọc của giai nhân, nét mực đen nhánh so với gợn tóc đen nhánh của giai nhân, lưng sách dịu thon so với đường lưng uốn thon của giai nhân, lòng sách trinh bạch so với lòng trinh bạch của giai nhân, trang giấy ngỏ ra như nếp áo lụa giai nhân phong phanh, bụi hương giấy vương vương như bụi phấn của giai nhân trang sức. Giai nhân là ai? Là trang sách, là nàng thơ, là nàng văn chương kiều diễm đang giữa xuân đời kiều diễm”. Thú tao nhã của người yêu sách cỡ Đông Hồ tiên sinh liệu có còn không?

Sáng nay, đứng trước một rừng giai nhân, chợt rúng người lúc quét một tầm mắt và dừng lại ở tập thơ Hóa thân (NXB Phương Đông) của Viên Linh vừa tái bản. Từ những năm 1973, y đã đọc tập san Thời tập do Viên Linh chủ trương. Số 1 phát hành ngày 14.12.1973. Do đó, sáng nay gặp tập thơ của ông bỗng trong lòng thức dậy một cảm tình xa xăm. Cảm tình của lúc thiếu thời mới chập chững gửi thơ đăng báo. Cảm tình dành cho Viên Linh dù chưa hề gặp mặt, chưa đọc nhiều thơ của ông. Không cảm tình sao được, bởi lúc ấy, y đã gửi bao nhiêu là thơ nhưng nào có được Viên Linh chọn đăng trên Thời tập đâu. Không cảm tình sao được, lúc ấy, tạp chí này mở chuyên mục “Tiếp xúc với người đọc về kinh nghiệm sáng tác” dành cho bạn đọc đặt câu hỏi với các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng.

Trên Thời tập số 12 ra ngày 10.10.1974, các nhà văn Võ Phiến, Vũ Hoàng Chương, Võ Hồng, Lê Tất Điều, Vũ Hạnh, Du Tử Lê trả lời câu hỏi bạn đọc. Lần đầu tiên bút danh Thiên Bất Hủ được xuất hiện với câu hỏi: “Ông Vũ Hoàng Chương, ông làm thơ và có bài đăng báo lần đầu năm đó ông bao nhiêu tuổi?  Ông có thể cho bọn trẻ chúng tôi một lời khuyên nào khi chúng tôi đeo đuổi nàng thơ? Thưa ông, đó là câu hỏi mà chúng tôi tấm tức mãi mong ông giải đáp giùm”. Còn nhớ, với câu hỏi ấy, y nắn nót trên giấy học trò,  viết bằng mực tím. Và không sợ thư thất lạc, thay vì vào bưu điện nhỏ gần nhà, y đạp xe xuống tận bưu điện trung tâm ngay bờ sông Hàn gửi cho chắc ăn. Gửi về địa chỉ tòa soạn 51/51B Nguyễn Trãi, Sài Gòn 5. Gửi xong, hồi hộp chờ ngày ra báo. Chao ôi! Ngày đó, đọc xong câu trả lời của thi sĩ Đời vắng em rồi say với ai, thất vọng não nùng. Thất vọng như chắc mẩm cùng người tình cuộc hò hẹn đầu tiên nhưng lại bị cho leo cây, không một lời giải thích. Câu hỏi của y, thi sĩ Vũ Hoàng Chương trả lời như sau: “Đã cùng đeo đuổi nàng thơ tất chúng ta sẽ gặp nhau. Và cùng nhau tâm sự. Đâu có vội gì!”. Hết. Chấm hết. Ngắn gọn. Cụt lủn. Ức lắm. Sau này, ít nhiều được công chúng biết đến, khi đi giao lưu, trả lời câu hỏi của bạn đọc, lạ thay, y cũng gặp lại câu hỏi đáng yêu và ngây thơ như thuở vừa 14, 15 tuổi ấy. Thì ra, thời nào cũng có những người mê văn nghệ hồn nhiên, trong sáng đến thế.

Trở lại với tập thơ Hóa thân của Viên Linh. Mua hay không mua? Sở dĩ hỏi như thế, bởi dạo này đã quá chán đọc thơ. Bội thực. Thỉnh thoảng lại nhận thơ do bạn thơ gửi tặng. Đủ lắm rồi. Mua hay không mua? Cuối cùng, Hóa thân đã chọn y. Quay về cơ quan lại nhận được tập Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 (NXB Văn hóa Văn nghệ) của Nguyễn Lê Tuyên - Nguyễn Đức Hiệp do Công ty Phương Nam vừa gửi tặng. Nghĩ buồn cười, ngày nào cũng sách. Ngày nào cũng tiền có phải hay hơn không? Mà thôi, phân vân làm gì, hãy đọc lại bài thơ mở đầu tập Hóa thân. Tìm lại một kỷ niệm cũ của thời niên thiếu đã xa:

Đầu thai

Sớm nay trả lại ưu phiền

Đời ta đã nhẹ trăm miền hợp tan

Xuân hồng chỉ đỏ ngồi đan

Lưới thưa giăng một trần gian đứng chờ

 

Đừng khô sợi chỉ đừng khô

Trăm năm sống vội ngựa thồ xe bon

Ngón này chỉ nọ đan luôn

Lưới ơi mau rộng thân buồn sắp rơi.

 

Sớm nay trả lại ơn đời

Thâu canh bụi phủ thân người lãng du

Giọt mòn gieo mái thiên thu

Chân mưa dạ héo hon bù lúc vui

 

Sớm nay rộng đất xa trời

Trăm tay tượng đá nghe rời chỗ xưa

Lưới ơi chỉ hỡi đừng thưa

Bên kia dương thế hồn chưa chịu về.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment