LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 30.9.2013

 

sinh_vien_khoa_ngu_van

Sinh viên Khoa Ngữ văn niên khóa 1983-1987 viếng GS, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai. Từ phải: Nhà thơ Trương Nam Hương, nhà báo Thu An (báo Tuổi Trẻ), Đặng Ngọc Lai (báo Pháp Luât TP.HCM), nhà thơ Lê Minh Quốc (báo PN), nhà báo Nguyễn Phong (Văn phòng huyện ủy Hóc Môn). Ảnh: nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/571589/nhung-the-he-hoc-tro-khoc-tien-biet-thay-hoang-nhu-mai.html#ad-image-0)

 

Xay lúa khỏi bồng em. Và ngược lại. Công việc mỗi ngày của y, không khác. Không thể một lúc hai việc. Đã viết báo, làm sao còn thời gian ghi Nhật ký? Từ Hà Nội, nhà biên kịch Đoàn Tuấn comment nhắc nhở. Những câu thơ Bút Tre thân mật:

Bạn mình viết khỏe quá ta

Hôm nay 29 sắp qua tháng rồi

Viết thêm ngày nữa Quốc ơi

Có bao nhiêu chuyện trên đời cần ghi

Vâng, bao nhiêu chuyện cần ghi lại. Để nhớ. Để đến lúc nào đó, ngồi lật từng trang, xem lại từng ngày tháng đã đi qua. Những tháng ngày vô vị? Những tháng ngày nhạt phèo? Ngày tháng nào cũng vậy, dù mang lấy ý nghĩa gì thì cũng đã đi qua. Để nhớ lại xem, y đi qua ngày thứ Bảy như thế nào? Sáng, vẫn phở. Trên đường về nhà, nghĩ lan man đến sự ồn ào quanh tập sách Vác ba lô lên và đi của Huyền Chip. Theo y, “Đâu chỉ Huyền Chip có lỗi”. Bởi tác giả lẫn lộn thể loại văn học đã đành nhưng điều cần nói nhất vẫn là những “người lớn” đứng phía sau. Y viết:

“Chuyện bị đẩy lên đỉnh điểm khi chiều ngày 27.9.2013, Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có công văn gửi NXB Văn học và Quảng Văn Books (đơn vị liên kết XB) để nghị giải quyết và trả lời đơn thư của độc giả liên quan đến Xách ba lô lên và đi của Huyền Chip. Điều này bình thường, bởi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có những quy định cụ thể về “quyền lợi hậu mãi” của  người tiêu dùng. Sách cũng không nằm ngoài thông lệ này. Công chúng đang chờ NXB Văn Học sẽ trả lời ra sao.

Có lẽ, chưa tập sách nào ngay từ lúc ra mắt đã ồn ào như Vác ba lô lên và đi (2 tập - NXB Văn Học) của Huyền Chip. Do tò mò, hiếu kỳ và cũng muốn nghe câu trả lời về vấn đề thuộc loại “siêu tưởng” như vỏn vẹn chỉ có 700 USD người ta có thể chu du đến 25 nước? Xin vi sa từ nước này qua nước nọ có thể bằng cách “nằm vạ” để rồi người ta “thương tình” mà làm thủ tục? Ngay cả ông Vũ Khoan, nhà ngoại giao từng chu du nhiều nước cũng không thể hiểu nổi.

Đó là chưa kể hàng loạt các tình tiết khác nhau, chẳng hạn vào khách khách sạn ma ở Brunei: “Đột nhiên, tôi nghe tiếng nước chảy trong nhà tắm, ai đó mở vòi nước rồi lại đóng lại. Tôi chạy vào xem, thì thấy nước vẫn chảy, bồn cầu đang xả nước và cuộn giấy vệ sinh tự động thả giấy xuống” (!?); hoặc tác giả kể bị xe máy tông gãy chân nhưng sau ba tuần đã có thể… leo núi (?!) v.v… Nếu đọc kỹ, sẽ phát hiện ra khá nhiều chi tiết mơ hồ, khó tin cậy. Vì thế bạn đọc “ném đá” cũng dễ  hiểu. Do đó, khi ra mắt sách tại Hà Nội và TP.HCM, trước nhiều câu hỏi gắt quá, tác giả nói ngang: “Tôi không có trách nhiệm phải trả lời cho anh” (!?).

Tuy nhiên, cần có sự bình tĩnh để nhìn nhận sự việc này. Trước hết, một cô bé 21 tuổi đã dám thực hiện những chuyến đi xa, tự mình phải đối mặt bất trắc, tai ương… đã là một sự dũng cảm. Đừng quên, thời buổi này chỉ cần tra cứu goolge thì mức độ thông tin ấy xác thực đến đâu sẽ được kiểm chứng ngay. Do đó, trước thắc mắc của bạn đọc, không thể trả lời rằng: “Không ai đặt câu hỏi vì sao mà Robinson Crusoe sống ở trên đảo. Chưa một ai nói rằng ông ấy nói dối hay nói thật cả”. Một bên là nhân vật hư cấu, một bên là người thật thì sự đánh tráo khái niệm không thuyết phục. Đừng quên rằng, các tập bút ký du lịch chỉ có giá trị khi nói ghi lại những gì mắt thấy tai nghe, chứ không phải là sự tưởng tượng.

Trong trường hợp Huyền Chip, lỗi này, đừng trút hết lên đầu tác giả. Hãy nghĩ đến những “người lớn” đứng phía sau đã không phân tích, giải thích rõ ràng cho cô biết một thể loại ghi chép du lịch trước hết cần phải tính chân thật. Sự thật, dù đơn giản vẫn có vẻ đẹp, sức hấp dẫn của riêng nó chứ không cần hư cấu thêm. Nếu Xách ba lô lên và đi là tác phẩm văn học thì không sao, khổ nổi đây là thuộc loại “người thật việc thật” nên người đọc có quyền đòi hỏi tính chân thực, sự chính xác. Thay vì có động tác tích cực khuyên bảo, định hướng thì “người lớn” lại “bảo kê” bao biện, lấp liếm các sự nghi ngờ, thắc mắc cần thiết của bạn đọc. Việc đó, vô hình trung đã “châm dầu vào lửa” khiến sự việc càng tồi tệ hơn”.

Bài viết này đã in báo PN sáng nay. Để xem sự việc thế nào, NXB Văn Học sẽ  trả lời thắc mắc của bạn đọc trước ngày 5.10.2013. Dù sao, Huyền Chip vẫn là cây bút trẻ có tài. Văn viết lôi cuốn. Dễ đọc.

Sáng qua, bạn học cũ hẹn nhau cùng viếng thầy tại Nhà Tang lễ (25 Lê Quý Đôn, Q.3). Đại diện thế hệ sinh viên Khoa Ngữ văn niên khóa 1983 - 1987, bạn thơ Trương Nam Hương đã có bài tứ tuyệt Khóc thầy:

Nhớ giọng Thầy đọc thơ Thâm Tâm

Tống biệt hành rung sóng tri âm

Thời gian chợt hóa con sông nhớ

Con tiễn Thầy qua khói - sóng - trầm!


quoc_doc_tho_thay_HNM

Nhà thơ Lê Minh Quốc đọc thơ thầy Hoàng Như Mai tại nhà tang lễ. Ảnh: nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/571589/nhung-the-he-hoc-tro-khoc-tien-biet-thay-hoang-nhu-mai.html#ad-image-0)

 

Sáng qua, bạn học cũ hẹn nhau cùng viếng thầy tại Nhà Tang lễ (25 Lê Quý Đôn, Q.3). Đại diện thế hệ sinh viên Khoa Ngữ văn niên khóa 1983 - 1987, Hương đọc bài thơ này trước linh cữu thầy. Kế tiếp, y đã đọc bài thơ Sân khấu của thầy Mai:

Buông bức màn rồi… danh vọng hết

Người về lòng rũ sạch sầu thương

Người vào cởi áo lau son phấn

Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường

Phong cách của một nghệ sĩ không tách rời tâm thế của nhà sư phạm, chính điều này đã khắc họa nên chân dung độc đáo của nhà giáo Hoàng Như Mai. Lúc trong Nhà Tang lễ, ngồi cùng nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương và cùng đọc lại thơ của thầy Mai in trên báo TT mới phát hành. Sửng sốt khi bắt gặp một góc khác trong sâu thẳm tâm hồn của thầy. Những câu thơ dằn vặt thế sự. Đau đời. Tháng 4 năm 1980, lúc mất xe đạp, thầy liên tưởng:

Hành trình dân tộc còn xa lắm

Đường thế gian truân dãi nắng mưa

Cha đã chậm rồi, con lại chậm

Lang thang chân đất đến bao giờ...

Trong Thư không gửi, có những câu tự vấn của một bậc trí thức, một nhà giáo thuộc “thế hệ vàng” của nền giáo dục nước nhà:

Cái thực nhiều khi là cái mộng

Tầm thường là kẻ rất cao siêu

Kìa trông cái tốt đang hư hỏng

Cái xấu đang khoe vẻ mỹ miều

Bài thơ Tết Nhâm Tuất (1982) cũng có nhiều tâm sự:

Nghĩ mình xuân hết tự bao giờ

Hỏi có gì xuân khai bút thơ

Hòn ngọc Viễn Đông, chồng thất thểu

Hà thành hoa lệ, vợ bơ phờ

Cha là hàn sĩ, con còn khổ

Ông chỉ thường dân, cháu mất nhờ

Năm mới toan tìm phương kế mới

Nhớ ra tuổi đã sáu mươi tư

Đọc mấy bài thơ của thầy Hoàng Như Mai cứ ngẫm nghĩ mãi. Lật ra trang nhất, thấy có bài Những câu hỏi nhức nhối của người bạn là nhà giáo, nhà nghiên cứu Đoàn Lê Giang. Bài viết hay. Trầm tĩnh. Sâu sắc. Đã gợi lên những câu hỏi không dễ trả lời. Mà cũng có thể đã câu trả lời nhưng rồi chẳng ai buồn trả lời? Bài báo có đoạn:

“Môn văn của các thầy là niềm say mê, còn chúng ta là gánh nặng và phương tiện? Môn văn của các thầy là khám phá những tri thức mới mẻ, còn chúng ta thì nhai lại và học thuộc lòng văn mẫu? Môn văn của các thầy là học làm người và truyền cảm hứng cho người khác, còn chúng ta thì học để thi? Các thầy chấm thi là để tìm tài năng, tìm tấm lòng, còn chúng ta thì đếm ý theo một đáp án khuôn mẫu cốt lấy điểm cao mà không cần sáng tạo? Thế thì làm sao học trò chẳng chán môn văn và quay lưng lại với chúng ta?

Nhưng chẳng lẽ tôi đang tâm quy kết trách nhiệm đối với hàng chục, hàng trăm ngàn giáo viên hằng ngày vừa phải khản cổ dạy học trò, vừa mệt nhoài vì bệnh thành tích mà phải nhận đồng lương không đủ sống sao? Tất nhiên là không! Thế thì trách nhiệm ở đâu? Tôi cho rằng trách nhiệm ở nền giáo dục của chúng ta. Nền giáo dục của chúng ta đang vận hành với nhiều căn bệnh trầm kha: bệnh thành tích, bệnh giả dối, bệnh phản khoa học, bệnh lười thay đổi...Chúng ta đang trả giá cho một chính sách ngợi ca ngành giáo dục về ngôn từ còn bạc đãi về chính sách (giáo viên là “kỹ sư tâm hồn” nhưng thực chất thì “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”). Chúng ta đang phát triển một nền giáo dục đại học giá rẻ mà không có chính sách ưu đãi thỏa đáng, khiến cho các trường phải chạy đôn chạy đáo “quảng canh” hạ thấp chất lượng. Về môn văn thì nó đã được vận hành, càng ngày càng xa mục đích của bản thân nó. Những thầy cô nào làm cho học trò yêu thích môn văn có khi lại bị tẩy chay vì dạy không theo văn mẫu!

Nghĩ đến các thầy, chúng ta càng băn khoăn: Nền giáo dục nào đã tạo ra các thầy? Không gian văn hóa nào đã truyền cảm hứng cho các thầy tận tâm với nghề và với học trò như thế?”.

Có những câu hỏi đau đáu nỗi niềm tưởng rằng sẽ vọng lại dư âm, nhưng rồi, không hề. Đời sống của ngày. Đời sống của người. Cứ thế, trôi đi. Dần dà, có những sự việc ban đầu nghĩ ngợi “trầm trọng”, đến lúc nào đó lại “nhẹ hều”. Bình thường. Không gì phải ầm ĩ. Phải lên tiếng. Thậm chí, dù nó đang tồn tại nhưng con người ta cũng quên lãng; hoặc chấp nhận bởi thấy rất đỗi bình thường. Sống chung với các Ác, riết rồi lại thấy bình thường, cứ tưởng nó cũng là cái Thiện. Nguy hiểm là chỗ đó.

Chừng mươi năm trước, có thời gian y gắn bó với khu vực Tân Kỳ Tân Quý. Tối thứ Bảy lại lên đó, lên tận đường Đoàn Giỏi mừng tân gia nhà bạn thơ Phan Hoàng. Tặng bạn bức tranh Nàng thơ, y vẽ từ năm 2007. Như tấm lòng chung vui với bạn. Hoàng học sau chừng bốn năm, cùng Khoa Ngữ văn. Đi lại con đường cũ. Tự nhiên buồn vui lẫn lộn. Đường xá vẫn thế. Không khác trước. Trước đây, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có mở chi nhánh quán Đo Đo tại đường Ấp Bắc; anh của y có mở quán bún bò Huế cũng tại khu vực này. Cuối cùng, cả hai không thành công. Một phần do thu nhập của người dân ngụ cư. Họ cần ăn no hơn ngon. Ngon mà mắc hơn vài ngàn đồng, vẫn không là sự lựa chọn. Khuya rời nhà Hoàng quay về, ghé vào quán phở sạch sẽ, có bảng hiệu đàng hoàng, gọi một tô phở đặc biệt. Ăn ngon. Lúc tính tiền mới ngã ngửa. Tưởng nghe nhầm. Chỉ 30 ngàn. Ngay cả giá cả của từng khu vực đã có sự cách biệt. Tại khu Q.3, trung tâm đã từ 60 ngàn đến 80 ngàn một tô. Nhìn đâu cũng thấy sự cách biệt. Cách biệt lớn nhất vẫn là sự giàu nghèo. Khoảng cách ấy đôi lúc nằm ngoài sự tưởng tượng của chúng ta.

Làm sao có thể tưởng tượng lương của vị giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội Nguyễn Đức Sơn chỉ 10 triệu/ tháng lại có thể chơi golf ở sân Tam Đảo? Chi phí tiền chơi golf như thế nào? Báo Đời sống & pháp luật - cơ quan Trung ương của Hội Luật gia Việt Nam - ngày 29.9.2013 cho biết: “Theo thông báo của Công ty Cổ phần đầu tư Tam Đảo, phí thẻ Hội viên với mức 25 năm đóng một lần 798 triệu và mức 48 năm là 1.544.000 đồng. Sau khi là hội viên, người chơi còn phải nộp phí bảo dưỡng thường niên mà hội viên phải nộp thêm 17,85 triệu. Đối với người chơi lẻ, mỗi lần chơi phải nộp 1, 4 triệu đồng/ ngày thường hoặc 3,5 triệu đồng ngày cuối tuần cho sân golf 18 lỗ, chưa kể chi phí các lại dịch vụ khác”. Chuyện này có đáng để bàn không? Chắc chẳng ai rỗi hơi nếu trên sân golf đó, vị Nguyễn Đức Sơn không cầm gậy quật vào đầu anh công nhân caddie (phục vụ tại sân golf) phải nhập viện vì lý do vớ vẩn. Rất vớ vẩn.

Tự nhiên lại nhớ đến truyện ngắn Răng con chó của nhà tư sản của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Ông viết truyện ngắn này năm 1929. Đọc thời đi học nay vẫn còn nhớ. Đọc lại, vẫn hay. Đại khái, ngày nọ khách đến chơi nhà, tay tư sản khoe có con chó Lu giống Bleu d'Auvergne, mua những bốn trăm đồng. Một số tiền mà dân đen dẩu có nằm mơ cũng không thấy. Sau khi ca ngợi chó, chủ nhà đem thức ăn cho Lu, nó ngúng nguẩy không thèm ăn. Lúc ấy, thằng ăn mày thập thò ngoài cửa, thấy phần ăn của chó mà thèm. Thèm quá. “Nước dãi chảy ròng ròng, không nuốt kịp. Muốn vào ăn trộm một miếng, nhưng chỉ sợ con chó cắn cho một miếng thì chết! Hắn thấy con chó cứ đứng gần đĩa cơm mà không ăn, thì không hiểu ra làm sao. Hắn tưởng con chó chê cơm nhạt, không thèm ăn, thì hắn muốn đánh đổi số phận hắn cho con chó nhà giàu!”. Người và chó gầm gừ, hằm hè nhau. Thằng ăn mày vớ được cục đá đập ngay vào mõm chó, nó ngã vật ra, nằm sóng soài, ẳng rầm lên thảm thiết. “Ông chủ đương ăn cơm, nghe tiếng chó kêu, vội bỏ cả bát đũa, lẫn vợ, lẫn khách, ông cầm đèn hấp tấp chạy ra:

- Thôi chết rồi! Con Lu làm sao thế này! ối giời ơi! Nó gãy hai cái răng rồi! Khổ tôi quá!

Thế rồi thét người nhà váng lên, ông bế con Lu vào. Còn mình thì chạy ra cổng xem ai đánh chó. Bỗng ông trông thấy ở đằng xa, có cái bóng đen đen, chạy nhanh tít, ông bèn bấm đèn ôtô để chiếu theo, thì trông rõ người ăn mày ban nãy đương chạy.

- À, mày đánh gãy răng chó ông, ông chỉ kẹp cho mày chết tươi, rồi ông đền mạng. Bất quá ba chục bạc là cùng!

Nói đoạn, ông tắt đèn pha, phóng xe hết sức nhanh để đuổi theo...”.

Có những câu hỏi không dễ dàng trả lời. Mà cũng có thể đã câu trả lời nhưng rồi chẳng ai buồn trả lời?

Đời, thế mà vui.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment