Đêm qua, thấp thỏm âu lo, hơn một giờ sáng mới có thể chợp mắt. Trước đó, chập chờn, nửa mê nửa ngủ. Ai đời, đã bước qua 0 giờ rồi, vẫn chưa thấy về. Gọi điện thoại chỉ nghe chuông reng. Không bắt máy. Chuyện là hai đứa cháu du học nhân nghỉ hè về quê, từ quê vào Sài Gòn chơi và thăm bà nội. Tối qua, xin phép đi ăn sinh nhật. Đường sá không rành. Lạ nước lạ cái. Đã khuya, vẫn chưa thấy vác xác về nên không thể chợp mắt.
Ngẫm nghĩ, dòng đời bất an quá. Mỗi ngày, lật trang báo đập vào mắt biết bao là thông tin hãi hùng. Liên quan đến đâm chém. Chết chóc. Tai nạn. Cưỡng hiếp… Tội phạm ngày càng trẻ tuổi hơn. Sát thủ máu lạnh. Những đứa trẻ mặt búng ra sữa đã phạm tội. Chỉ cần đôi co, cãi cọ dăm câu là chém. Va chạm cỏn con trên đường phố là chém. Nhìn thấy ghét là chém. Cướp cạn sẵn sàng ăn tươi nuốt sống những chú thỏ, nai tơ ngơ ngác bước vào đời. Quán bia, quán rượu tràn lan trên phố bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể hiên ngang bước vào, nghễnh chân, hất mặt nhìn đời và nếu khoái, cứ việc chửi tục dăm câu đỡ ngứa miệng nhạt mồm. Cám dỗ giăng bẫy. Mẹ mìn chung chạ.
Vậy mà, đoàn thể nào dạy cho đứa trẻ kỹ năng sống? Giúp các em có thể ứng phó, tự bảo vệ trong một xã hội bất an?
Mỗi ngày đi ra đường đã nhìn thấy những vụ thanh toán rợn người. Chỉ lẳng lặng phóng xe đi. Không ngoái lại nhìn. Một tiếng kêu "cướp" thất thanh. Một tiếng kêu "cướp" cầu cứu giữa phố. Không vọng lại một âm thanh nào. Vô vọng. Ánh mắt nhìn dửng dưng. Không việc gì phải day vào. Phiền toái. Thiên hạ quay mặt chỗ khác. Phóng xe đi vội. Lục Vân Tiên vội lánh xa đời. Đông-Ki-Sốt đã mệt mỏi với cối xay gió. Chỉ ánh mắt vô cảm. Dửng dưng. Đường phố mỗi ngày trôi qua. Đêm khuya trên đường phố trôi qua. Cảm giác bất an vẫn ám ảnh.
Cổ thi có câu: “Trú đoản khổ dạ trường, hà bất bỉnh chúc dạ du?” (Ngày ngắn khổ đêm dài, sao chẳng đốt đuốc chơi đêm?). Đốt đuốc chơi đêm, dù nhìn nhận từ góc độ nhân sinh quan nào, cũng phải xét theo nghĩa đen nữa, rằng, ít ra thời đại đó đi chơi đêm vẫn còn là sự an toàn. Bóng đêm không rình rập, ẩn giấu những tai họa, che giấu sự bất trắc có thể xẩy ra bất cứ lúc nào, trên đoạn đường nào...
Bây giờ ư? Tự tìm lấy câu trả lời.
Vậy thì, làm sao có thể nhắm mắt ngủ yên khi con em mình về nhà sau mười giờ đêm? Có con phải giữ lấy con. Nhiều người đã tự nhủ vậy. Giữ lấy con mình. Phòng thủ đầu tiên và cuối cùng an toàn nhất vẫn là nếp nhà. Chỉ nếp nhà cũng không đủ, làm sao có thể bảo vệ đứa trẻ mọi lúc, mọi nơi trong môi trường chung đã ô nhiễm?
Có lúc nghĩ rằng, một xã hội lành mạnh, ổn định thì nó phải hoàn thiện cả ba hệ thống: Hệ thống giáo dục, hệ thống y tế và hệ thống tòa án. Ngày nọ, chừng hai năm trước cùng cơ quan sang Q.7 tham quan một trường học dành cho con em người nước ngoài, những gia đình người Việt giàu có. Thật bất ngờ, người quản lý chính là đồng nghiệp trước làm báo TT, sau đầu quân qua báo LĐ rồi bỏ nghề thực hiện mô hình giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế. Vào nơi đó, liên tưởng những ngôi trường con em mình đang học. Đừng nói đến vùng núi, vùng sâu, vùng xa. So sánh với các ngôi trường tại thành phố, đô thị lớn đã có sự cách xa. Một trời một vực. Tiền nào của đó.
Ở đây, mỗi phòng học chỉ chừng mươi học trò, có máy lạnh, có hệ thống vi tính, màn hình lớn. Học xong để sách vở tại lớp, không phải đem về. Trong trường có hồ bơi, sân đá bóng, sân bóng rổ. Cỏ mượt như nhung. Xanh biếc. Có phòng rộng dành cho các em học vẽ, tô màu. Có hội trường lớn, cấu trúc như rạp chiếu bóng dành cho các em thuyết trình, biểu diễn văn nghệ. Có cả máy móc làm phim, các em được hướng dẫn quay phim, tự quay lại các sinh hoạt tập thể, rồi dàn dựng thành phim chiếu trong hội trường này. Ngoài cầu thang đi bộ, còn có cả thang máy. Hằng ngày, có xe đến tận nhà đón đến trường và chiều đưa về nhà.Trưa ăn, ngủ tại trường. Uống nước tiệt trùng. Vào toalet thấy sạch sẽ, nền gạch bông mát mắt. Ngoài cổng có bảo vệ. Có bãi đậu xe hơi. Ai muốn vào phải trình giấy tờ. Xong, vào phòng đợi chứ đừng hòng xớn xác vào bên trong...
Hai thế giới học đường hoàn toàn khác nhau hẳn. Không khỏi ngậm ngùi. Cay đắng.
Đã nhiều lần, tự huyễn hoặc, tự nhủ mỗi ngày không nên đọc báo. Để ảo tưởng về thế giới chung quanh. Ảo tưởng lấy sự bình yên. Cuối cùng, cũng không thể. Sáng nay, thức dậy, báo mỗi ngày đã gởi đến nhà.
Cầm tờ báo, rúng động với cái tin vào lúc 16g 20 chiều 27/8 tại trước cổng Trường tiểu học Tân Tạo A (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM): “Cùng thời điểm này, một người đàn ông (khoảng 40 tuổi) mặc quần dài, áo thun xám dài tay điều khiển chiếc xe tay ga hiệu Airblade màu đen đỏ đến dựng xe trước cổng trường rồi tiến vào bên trong ngôi trường. Tuy nhiên, không lâu sau, người đàn ông này vội vàng bước ra cổng. Lúc vừa ra tới cổng trường, bất ngờ người đàn ông lấy dao trong tay áo lao đến cắt cổ anh Phan Văn Phúc (28 tuổi, quê Vĩnh Long, tạm trú phường Tân Tạo, quận Bình Tân) đang ngồi trên xe máy chờ đón cháu học lớp 1 trong trường. Chưa dùng lại, tên hung thủ tiếp tục lao tới cắt cổ anh Hồ Đức Luận (31 tuổi, quê Vĩnh Long, tạm trú tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) cũng chờ đón con em đi học về” (báo TN).
Khiếp đảm. Lạnh cả xương sống.
Ly cà phê của mỗi ngày, sáng nay hết ngon.
Sực nghĩ so với các em hiện nay, thời tuổi mới lớn của thế hệ y may mắn hơn. Trước hết, sự trang bị về nhận thức. Thị trường báo chí miền Nam thập niên 1970 thế kỷ XX đã có nhiều tờ báo dành cho lứa tuổi chíp hoi chanh cốm. Môi thơm yaout. Hơi thở ô mai. Nhìn cuộc đời lá mới. Thế hệ ấy, được đọc tờ Thằng Bờm của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Vỹ; Thiếu Nhi của ông Nguyễn Hùng Trương (Nhà sách Khai Trí) và nhà văn Nhật Tiến; Tuổi Hoa của linh mục Chân Tín; Ngàn thông của nhà văn Quyên Di; đến lúc:
Vậy đó bỗng dưng mà họ lớn
Tuổi hai mươi đến, có ai ngờ!
Một hôm trận gió tình yêu lại:
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ
(Huy Cận)
Có tờ Tuổi Ngọc của nhà văn Duyên Anh, tờ Mây Hồng nhà thơ Từ Kế Tường “phụ tá chủ nhiệm” Phạm Quang Nùng v.v… Đọc lại những tờ báo này, rất rõ một điều về tôn chỉ của nó là giáo dục, văn chương, giải trí, phổ biến kiến thức, gieo mầm thương yêu… Những cây bút sáng tác hàng đầu, những nhà giáo tâm huyết cùng cộng tác. Mỗi tuần, lật trang báo ra được học tập biết bao điều lý thú.
Vậy, đứa trẻ hôm nay được đọc gì? Có đấy chứ, ở phía Nam có tờ Áo trắng, Mực Tím, Khăn Quảng Đỏ, Nhi Đồng; ở phía Bắc có tờ Thiếu niên tiền phong… Có một điều cần nhận ra, quan hệ giữa người làm báo và độc giả chỉ đơn thuần là bán báo và mua báo.
Giấy chứng nhận sinh hoạt Gia đình Thiếu Nhi của Lê Minh Quốc (1973)
Trong khi đó, không chỉ làm báo, trước năm 1975 người làm báo còn tạo ra một sân chơi nhằm hướng dẫn, giáo dục bạn đọc thông qua tổ chức đoàn thể của tờ báo đó. Chẳng hạn, tờ Thiếu Nhi có Gia đình Thiếu Nhi, tờ Thằng Bờm có Gia đình Thằng Bờm…Hầu hết mỗi địa phương, nơi đó đều thành lập “chi nhánh” của Gia đình đó. Lúc học lớp 7, y đã tham gia Gia đình Thiếu Nhi ở ĐN thuộc báo Thiếu Nhi. Hằng tuần, Gia đình Thiếu Nhi sinh hoạt tập thể tại Nghĩa trũng Nam Dương (nay đã giải tỏa). Các anh, các chị dạy cho từng tí. Chẳng hạn, từ cách nấu cơm đến ủi quần áo, từ cách ra ăn mặc khi ra phố đến cách xưng hô. Tập hát các ca khúc cộng đồng. Chơi các trò chơi mật mã v.v... Một tuần mong qua nhanh đến ngày chủ nhật để được đi sinh hoạt tập thể. Vui lắm.
Lúc đó, những anh trong ban điều hành như Phan Lê Sơn (Mừng Hoang Vu), Kim Vũ, Dấu Cô Liêu, Trần Trung Khai chỉ mới học lớp 9, 10. Vậy mà những lúc tổ chức sinh hoạt qua đêm, cắm trại, chơi trò chơi lớn, đốt lửa trại v.v… ở Huế, Lăng Cô, Nhượng Nghĩa, Sơn Chà… các anh đến nhà xin phép ba mẹ là nhận được sự đồng ý ngay. Các phụ huynh luôn yên tâm. Ngoài ra, các bạn khác nếu thích có thể gia nhập Gia đình Phật tử, Hướng đạo…
Những sinh hoạt đó giúp cho y rất nhiều thời gian mới chập chững vào bộ đội. Trong khi các tân binh khác còn ngẩn tò te với cách cột võng, xem hướng gió, kinh nghiệm đi rừng, xem la bàn, cách tìm ra suối, lội qua sông mùa lũ, nấu cơm giữa trời trong lúc mưa v.v… thì y đã thao tác ngon ơ!
Ít ai biết, hiện nay, các cựu thành viên trong Gia đình Thằng Bờm vẫn còn giữ mối liên hệ thân tình như ngày miệng còn thơm mùi sữa. Chừng mươi năm trước đây, đến họp mặt chung với anh em Gia đình Thằng Bờm tại nhà riêng của cựu Tổng Thư ký tòa soạn Phan Thị Thu Mai (trên đường Cao Thắng) mới thấy hết sự gắn bó, đoàn kết của họ. Tiếc cho các em mình thời buổi này không có thời gian được sinh hoạt cộng đồng tự nguyện như trước. Đừng trách các em. Hãy trách đoàn thể của mình. Các đoàn thể hiện nay có quá nhiều, có luôn cả nhà văn hóa to vật vã nhưng không thu hút được thanh thiếu niên.
Tại sao?
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|