Thoát ra khỏi công việc của một ngày. Thú vị. Hào hứng. Nhẹ tênh. Cảm giác đi đứng trên mây. Như ngày thơ ấu, được mẹ dẫn đi chợ. Đã lâu lắm mới được ra khỏi nhà vào ngày chủ nhật. Từng ngày, công việc cứ cuốn đi. Luôn tất bật. Việc gì tất bật? Chỉ có mỗi một việc ghi chép lại những gì đã nghĩ trong đầu. Để làm gì? Để kiếm sống. Đừng "tuyên ngôn" gì to tát. Chõi tai lắm.
Hôm qua về miệt Chợ Lách (Bến Tre). Về nhà của một dòng tộc, người cha mất trong chiến tranh lúc mới ngoài ba mươi, đặt tên các con như sau: Hồi Hôm Nay Chiều Mốt Bữa Kia Bữa Kìa. Cách đặt tên con rất nông dân. Rất Nam bộ. Rất Việt Nam. Người con trai cả là Hồi, hầu như không ai còn nhớ đến tên thật nữa, chỉ gọi Nguyễn Diệt Mỹ, bởi ông đã hai lần được tuyên dương Dũng sĩ diệt Mỹ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Lần trước, đi về, viết tùy bút Lại hiền như xưa.. Viết, bởi khó lý giải tại sao những người nông dân như ông Hồi rất gan góc, quả cảm, gan dạ, sau chiến tranh lại hiền lành như đất. Chỉ nói cười hề hề. Rất mực chân tình. Không thèm nhắc lại quá khứ. Không vỗ ngực xưng tên. Chỉ cái quần tà lỏn, phơi cái bụng phệ xuề xòa, vui tính với bà con chòm xóm.
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn làm quen;
Tập khiên, tập mác, tập giáo, tập cờ, mắt chưa từng ngó.
Sau chiến tranh, họ lại trở về với công việc mưu sinh hằng ngày. Ông cụ thi sĩ mù Nguyễn Đình Chiểu viết thế, là đã nhìn thấy rõ hơn cả thẩy chúng ta. Nói cách khác, trong bất kỳ cuộc chiến nào, thời đại nào đi đầu gữ đất, giữ làng vẫn là những con người bình dị ấy. Vô Danh như cây như cỏ như đất đai như suối như sông như hải đảo mưa nguồn. Không gì ồn ào, lớn lối. Đời sống nhẹ nhàng trôi. Vì thế, mấy hôm nay náo nức đi về Bến Tre. Đi để cụng ly một cái. Có những con người lúc cụng ly, ta không phải cảnh giác, e dè nhìn trước ngó sau, uốn lưỡi bảy lần. Chỉ tình thân. Vậy là đủ.
Ông Hồi ngụ ở Chợ Lách (Bến Tre) - "Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa"
Trên đường đi, quan sát lão "cao bồi già" Nguyễn Đông Thức - người mà anh bạn Nguyễn Nhật Ánh gọi "nhà văn thế sự”. Thấy lão đã thấy râu ria lún phún. Từng sợi đã bạc. Anh cho viết đã viết xong 15 tập kịch bản phim về Sài Gòn, chuyển thể từ tiểu thuyết Không có gì & không một ai của anh. Mỹ Hà đạo diễn. Sẽ phát sóng trên HTV. Chà, dựng lại khung cảnh Sài Gòn của trước 1975 khó khăn đây. Hôm trước, đạo diễn Đinh Anh Dũng cho biết sẽ hỗ trợ hết mình. Để xem phim sẽ thế nào. Còn 15 tập kịch bản nữa, anh đang viết. Bạn bè văn chương chữ nghĩa viết còn sung. Là mừng.
Trên đường đi, sực nhẩm trong đầu tùy bút của thầy Thích Nhất Hạnh viết về Bến Tre, đã in tạp chí Giữ thơm quê mẹ năm 1965. Đến nay, chưa nhà sư nào có một năng lực viết dữ dội, khủng khiếp như tác giả Bông hồng cài áo. Ông trình bày uyên thâm, sâu sắc một cách dễ hiểu về đạo Phật. Thả một bè lau của ông là quyển sách đã giúp y hiểu Truyện Kiều sâu sắc hơn khi nhìn dưới nhãn quan của một người đạo Bụt. Viết hay lắm. Nên đọc. Đọc để xem ông phân tích về Nguyễn Du - “người cha tóc bạc” của nền thơ Việt Nam đã hiểu đạo Phật như thế nào...
Năm ấy, gần năm mươi năm trước, khi qua bắc Mỹ Tho, thầy Thích Nhất Hạnh ghi nhận: “Tôi ra đứng trước mũi thuyền, nhìn con thuyền rẽ sóng tiến tới và mê say ngắm dòng sông đang cuồn cuộn chảy một cách oai hùng. Sông cũng oai hùng như núi, mà hiếu động hơn núi. Nước sông đỏ quá, phù sa nhiều quá… Bến Tre! Bến Tre! Tôi chẳng thấy tre đâu cả. Chỉ thấy toàn dừa. Vâng, chỉ thấy dừa… Nhưng ấn tượng con sông cuồn cuộn trong mùa nước lên vẫn còn sâu đậm trong tâm hồn tôi”. Dĩ nhiên, đến Bến Tre của thời buổi xe hơi máy lạnh đã khác trước, chỉ thiên nhiên không khác, lòng người không khác. Phóng một tầm mắt, chỉ thấy dừa bát ngát. Bình Định hay Bến Tre nhiều dừa nhất? Ca dao Bình Định có câu:
Công đâu công uổng công thừa
Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan
Dừa, ở đâu mà không có? Duy chỉ Bến Tre mới có ông Đạo Dừa. Năm kia, tình cờ mua được “tiểu luận cao học nhân chủng”: Chùa Nam Quốc Phật Kiến Hòa - Định Tường, quay ronéo, do cử nhân văn chương Khoa học nhân văn Sài Gòn là Phan Nghi Luận bảo vệ tại Trường Đại học Văn Khoa (Viện Đại học Sài Gòn) ngày 11.12.1964. Tiểu luận này nghiên cứu về hành trạng, nơi phát tích Đạo Dừa, chùa chiền… và giá trị ở chỗ tác giả đã khảo sát thực địa, gặp ông Đạo Dừa và các nhân chứng từ năm tháng đó.
Chiều qua, ghé lại Cồn Phụng “đại bản doanh” của một “Tu sĩ thường mặc áo chữ Điền có khoét lỗ vuông trước ngực và sau lưng, mới đầu có 4 lỗ sau tăng dần lên 18 lỗ. Ngày đêm luôn tịnh khẩu”. Vì đã đọc tiểu luận trên nên tránh một nhậu hoàng tráng và ầm ĩ. Không cần thiết. Mất thời gian vô ích. Dành thời gian thăm quan nơi này. Mà tại sao phải nhậu, phải bù khú ồn ào, rồi khi bước ra khỏi bàn chẳng ai nhớ đến ai. Chẳng ai nhớ những gì đã nói. Quên. Quên tuốt. Thì có cần phải có mặt trong các cuộc ấy không? Quyết là không.
Chiều rũ nắng xuống cồn Phụng. Lang thang một mình, nhận ra rằng, cảnh đã khác xưa nhiều lắm. Khác ở đây là khác so với những gì đã đọc về địa danh trứ danh này, vì đây là lần đầu tiên y đến. Chỉ còn lại loáng thoáng vài dấu tích của ông Đạo Dừa. Chẳng hạn, nơi lò bát quái đặt trên lưng rùa ngậm gươm, trang trí bằng mảnh vụn của chén, bát kiểu, thấy các mặt có ghi (nguyên văn): “Thích Hòa Bình Nam Nguyễn Thành tự ông Đạo Vừa sanh ngày 15 tháng chạp Kỷ Dậu (1909-1910) tại làng Phước Thạnh, Mỹ Tho, Kiến Hòa, Việt Nam”.
Chà, sao lại gọi “Đạo Vừa”? Ghi sai chính tả? Vô lý? Hoặc là âm D ở đây phát âm thành V? Hỏi như thế vì lúc trưa, vừa đến Bến Tre, mẹ của bạn N.M.Nhựt đã đôn đả tiếp chuyện: “Nhiều người vào ăn tước rồi”. Ủa? Tước là con gì? Hỏi ra mới biết, âm r đã bị nuốt, phải hiểu là “trước. Lại nữa, đang lai rai ba sợi, bạn mình bảo: “Anh em mình gút đi”. Trời, chỉ ăn nhậu chứ nào phải bàn luận gì mà “gút”, “chốt” vấn đề lại? Thì ra, r đã biến hóa thành g!
Mà chuyện phát âm sai dẫn đến ghi sai là thường tình. Nhà văn Sơn Nam tên thật Phạm Minh Tài, nhưng tay thư ký ghi hộ tịch của làng lại ghi thành “Tày”! Huề cả làng. Gần đây thôi, ở Quảng Nam một bạn đọc cho biết rằng: “Có đứa bạn tên Quốc Bảo nhưng người làm hộ tịch lại ghi thành Quốc Bão, nhưng nhờ thế cái tên lạ và độc hơn thì phải. Còn đứa bạn này tội hơn, tên mỹ miều là Hà Ngọc Đào, Phương Thảo hộ tịch ghi thành Hà Ngọc Đồ, Phương Thổ, tội ơi là tội”. Huề cả làng. Thì ra người Quảng Nam đọc vần “ao” thì “ô” hết trọi.
Thử hỏi, khu cồn Phụng này công trình của kiến trúc sư nào? Xem tiếp các tư liệu tên mặt khác của lò bát quái, thấy ghi: “Nhà kiến trúc sư kiêm cẩn khắc gia lỗi lạc Tư sĩ Huỳnh Văn Đại tự Hoàng Đại sinh năm 1900 tại Quảng Trị Việt Nam. Năm 1920 vào kinh thành Huế nhận lãnh công trình kiến trúc lâu đài lăng tẫm hoàng cung. Vào năm 1962 về phụng sự thiên định hòa bình thiên nhơn lành đạo tại Nam quốc Phật tự do Thích Hòa Bình Nam Nguyễn Thành ân tứ. Phật lịch 2510 - Nhâm Tý - 1972”.
Tiểu sử ông Đạo Dừa và kiến trúc sư xây dựng cồn Phụng cẩn trên lò bát quái
May mắn, nhờ nhân viên phục vụ tại đây mới biết hiện chỉ còn có một người đàn bà theo đạo của ông Đạo Dừa là bà Út. Ghé qua nhà thăm bà, gần đó. Bà gầy gò, mặc quần áo của người có đạo, đi chân không. Bà cho biết, đã mấy chục năm qua bà cũng sinh hoạt theo ông Đạo Dừa, bà gọi thân mật “Thầy tôi”, nghĩa là chỉ uống nước dừa. Bà xắn tay áo lên, chỉ nhìn thấy da bọc xương, hằn rõ từng sợi gân xanh. Có điều lạ, mắt bà rất sáng. Bà nói chuyện nhỏ nhẹ, minh mẫn, hiền lành. Trong nhà bà có bàn thờ Phật, có thờ ảnh ông Đạo Dừa. Qua cách nói chuyện, thấy rằng niềm tin của bà thì mọi sự chỉ “bất chiến tự nhiên thành” vì thế nên làm lành, tu tâm tích đức, giữ đạo. Câu chuyện của bà không hề có màu sắc mê tin dị đoan.
Bà Út, người duy nhất theo Đạo Dừa hiện nay ở cồn Phụng
Bà cho biết, sau 1975, các “đạo” (chỉ người nam), các “diệu” (chỉ người nữ) đã tản mát hết, có thể họ về tu ở Châu Đốc, núi Sam, cũng có thể đã hoàn tục. Ngồi trò chuyện với bà, lòng nhẹ nhàng. Nước sông gió mát. Thấy đời sống nhẹ nhàng khi con người ta không sân si, ham hố điều gì. Lúc quay về mới chú ý bàn thờ gia tiên ở nhà bà Út, thấy phía sau có bức tranh kiếng thật lớn, trên cùng ghi ba chữ “Phước lộc thọ”, vẽ phong cảnh thiên nhiên, nhà cửa. Tranh được đặt trên một cái tủ, gọi “tủ thờ”.
Ngó lên nhang thắp đèn lờ
Mẫu thân đâu vắng gường thờ quạnh hiu
“Giường thờ” là nơi ông bà, cha mẹ lúc sinh thời đã từng ngồi, nằm, ngủ. Khi xưa, lúc tang lễ, chủ nhà khiêng cái giường này đặt sát quan tài nhằm tỏ ý kinh trọng như lúc mẹ cha, ông bà còn sống. Lần hồi, giường thờ cải tiến thành "bàn thờ", nhỏ, thấp, đặt sát vách, có các vật dụng mà người quá cố đã dùng như bình vôi ăn trầu, chén trà, khăn quàng vai, thêm lư hương đốt trầm, bộ lư… Dần dà, “giường thờ”, “bàn thờ” cải tiến thành “tủ thờ”.
Tủ thờ đóng bằng gỗ tốt, có cẩn, khắc các tranh như tùng, bách, ngôi đình, cầu kiều, tích truyện xưa, hình ngũ quả… Đến khi tranh kiếng ra đời, trên tủ thờ có thêm tranh kiếng. Tranh kiếng thường vẽ mai, lan, cúc, trúc, hoặc thêm vài câu đối thể hiện đạo lý uống nước có nguồn, cây có gốc mới sinh ra ngọn v.v… Tủ thờ vừa là nơi thờ ông bà, cha mẹ vừa trang trí cho đẹp nhà cửa. Tủ thờ kiểu này, bây giờ ít thấy ở thành thị.
Sáng hôm qua, trên đường đi ăn giỗ ở Bến Tre vẫn còn thấy bạt ngàn dừa. Một màu xanh thẫm tận chân trời. Khi đến một vùng đất mới, trong trí nhớ của ta luôn nghĩ đến sản vật, con người nơi ấy. Lâu nay, lịch sử đã nói đến vai trò của các nhà truyền giáo phương Tây khi gieo hạt giống mới về Tin Mừng. Gieo Đức Tin mới trong lòng người Việt Nam từ những thế kỷ trước. Chợt nghĩ rằng, chính họ còn là những người đầu tiên đã thử nghiệm những giống cây mới ở đây.
Đơn giản, Cái Mơn là một trong những xứ đạo đầu tiên ở Nam bộ, vẫn còn di tích nhà thờ, tượng nhà bác học Trương Vĩnh Ký. Thuở ấy, họ đã thử trồng các loại trái cây xa lạ như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt… và thành công. Bởi các giống cây ấy thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, đất đai của một vùng đất thịt, chằng chịt kênh rạch. Lâu nay, tôi vẫn nghĩ, trái loòng boong là “đặc sản độc quyền” của miền núi Quảng Nam. Đại Nam thực lục chính biên của triều Nguyễn còn ghi rõ, “Đầu đời Minh Mạng, nhà vua ban cho tên là Nam trân”, hằng năm, loòng boong phải “tiến vua”. Phương ngữ địa phương có câu: “Nhất trường thi, nhì trường trái”. Ý nói lúc sĩ tử vào trường thi cũng nhộn nhịp như ngày vào mùa hái trái loòng boong.
Trái loòng boong trong tròn, ngoài méo
Trái thầu đâu trong héo, ngoài tươi
Thương em ít nói, ít cười
Ôm duyên mà đợi chín mười con trăng
Khi đến Bến Tre, tôi hoàn toàn bất ngờ khi biết Bến Tre cũng có loòng boong. Lâu nay, từng biết đến, truyền thuyết lưu truyền trong dân gian: Trong một lần giao tranh với quân Tây Sơn, chúa Nguyễn phải trốn chạy lên vùng đất phía tây Quảng Nam. Trong lúc ngặt nghèo, nguy khốn nhất, bốn phía bị bao vây, lương thực không còn, đang đói rã họng thì chúa tôi gặp một loại trái cây chín mọng. Chưa dám ăn ngay, chúa lấy tay bấm thử, thấy trái mềm, nếm vị ngon ngọt lạ thường. Nhờ trái cây này mà họ thoát khỏi cảnh đói khát. Truyền thuyết này góp phần lý giải (dẫu mơ hồ) vì sao khi cầm loại trái cây này, lột vỏ mỏng, ta đều thấy có dấu móng tay.
Ở Bến Tre, người ta cũng kể vậy, chỉ có khác ở địa danh ở Nam bộ. Biết thêm điều này, tôi nghĩ lan man, phải có cách giải thích khác về tên gọi loòng boong. Liệu có phải đó là phát âm của người Cà Tu thuộc vùng Hiên, Giằng ở Quảng Nam như cách giải thích lâu nay?
Ăn giỗ ở Nam bộ có khác gì ở miền Trung, miền Bắc? Khoan trả lời vội. Ăn giỗ là gì? Gọi nôm na, có thể ban đầu ông cha mình gọi “giỗ lạp” dần dà biến hóa thành giỗ chạp. Bằng chứng Đại Nam Quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của giải thích: “Kỵ lạp là giỗ quải, dùng đồ săn bắn mà quải giỗ”. Lạp có nghĩa “săn bắn”. Từ đó, có thể suy luận giỗ, cúng cơm, kỵ cơm đã đã phong tục có từ thời xa xưa lắm, thời con người còn săn bắn và truyền đến ngày nay. Mục đích cuối cùng của giỗ chạp, đầu tiên là thể hiện chữ Hiếu với người đã khuất; kế đến là dịp anh em, họ hàng, bà con, đồng nghiệp có dịp gặp gỡ, trò chuyện, gắn kết tình thân trong gia tộc, đoàn kết với bà con chòm xóm…
Ăn giỗ ở Nam bộ không có khác gì với miền Trung, miền Bắc. Đúng vậy. Xét về góc độ truyền thống gia đình, sẽ thấy hoàn toàn giống hệt nhau.
Từ đời này qua đời nọ đã trở thành một nề nếp bất di bất dịch. Đó là chỗ mâm trên, nơi cánh đàn ông đang ồn ào “làm chủ tình hình” dạt dào nâng ly, đố ai có thể tìm được bóng dáng của người phụ nữ. Họ chỉ thấp thoáng đôi chút là quay ngược vào bếp. Cái bếp vẫn là nơi chốn của họ, dù tiệc tùng khách khứa ồn nào nhưng họ vẫn lặng lẽ phía sau. Nhìn hình ảnh ấy, bỗng dưng lại nhớ đến mẹ, đến chị mình ngoài quê xa tít. Vẫn bóng dáng lặng lẽ chịu thương, chịu khó ấy. Vẫn lúc khách ra về, gia đình có đám giỗ lại gửi cho khách một ít trái cây đem về, gọi “ăn lấy thảo”.
Lại tần ngần nghĩ “ăn lấy thảo” là ăn ra làm sao? Cách nói của người Việt ở Nam bộ cũng giống hệt ở quê mình. Chẳng khác gì. Vì thế, đến xứ lạ, đất lạ đã thấy lòng ấm áp, thân mật.
Lúc về đến Bến Tre, thầy Thích Nhất Hạnh còn cảm nhận: “Dòng sông cuồn cuộn kia đã nói rất nhiều với tôi rất nhiều về khu vực Bến Tre. Tôi nghĩ đến cuộc đời trên sóng của dân chài bốn mặt sông và một mặt biển. Hình ảnh con sông Cửu Long cuồn cuộc chảy là hình ảnh của những cuộc đời lăn xả vào hành động. Hành động, phải hành động dũng cảm. Phải sẵn sàng đối. Phải trào lên, phải dâng cao. Phải xắn cao tay áo, đi vào cuộc sống một cách tích cực. Từ những cánh đồng nước mặn bằng ngư nghiệp, từ những quận lỵ Bình Đại, Giồng Trôm, Ba Tri, Thạnh Phú, Chợ Cái Quao, Mõ Cày, sức sống trào lên theo những con đường xuôi về tỉnh lỵ như những gân máu chạy về tim. Sức sống của bàn tay nông dân thực thà, hăng hái, gan dạ, quả cảm đã biểu lộ rõ ràng trong sinh hoạt lịch sử Bến Tre”.
Nhận xét này vừa hiện thực vừa thơ mộng. Nghĩ thêm rằng, ở vùng đất nào trên toàn cõi Việt Nam thống nhất lại không sống bằng tâm thế ấy? Tâm thế của những con người bình dị nhất đã tạo nên một dải non sông gấm vóc từ Nam Quan vào tận Cà Mau trường tồn đến ngàn đời sau nữa. Thì trong công cuộc cần lao vĩ đại xương máu đó, không thể không nghĩ đến các mẹ, các chị lặng lẽ, lẳng lặng phía sau bếp.
Về quê bạn ăn giỗ, lại thoáng thoáng nhớ về một vùng quê Quảng Nam. Ngày thơ ấu, ngày xưa đó, mẹ mình, chị mình, các cô, các dì trong giỗ chạp vẫn chọn góc bếp cho riêng mình. Những gương mặt quê mùa ruột thịt ấy dần dần hiện lên khi nhìn thấy các mẹ, các chị trong ngày giỗ chạp ở nhà bạn mình. Lại dần dần hiện lên loáng thoáng trong cốc rượu trắng đang cầm trên tay nên hào hứng ngửa cổ rót ực qua cổ họng. Một dòng men nóng ran. Như lửa. Tê rần rần đầu lưỡi. Thật chậm. Men của lửa trôi dần. Trôi dần. Rất chậm. Lòng rưng rưng và cảm động quá đỗi.
Nắng chiều đã lên.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|