LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 24.8.2013

 

Sáng hôm qua, trời đẹp. Vừa phóng xe vừa nghĩ lan man. Nghĩ về đồng đội của môt thời cùng đi vào cuộc chiến. Đã lãng quên. Không cờ xí. Không hoan hô. Không mấy ai quan tâm đến nữa. Máu đã khô. Cuộc sống cứ thế trôi đi. Không chờ đợi một ai. Quay về dĩ vãng là dấu hiệu của tuổi già. Do đã già nên y thường khoái đọc những thông tin ngớ ngẩn. Để cười. Có thể xếp mẫu chuyện này vào chuyện cười trong ngày. Chuyện rằng:

Vào một ngày đẹp trời giữa tháng 3.2012, lúc nắng lên cao hơn ngọn tre và trăng thanh gió mát, ông bà Trần Thị Sắc ở xã xã H’bông, huyện Chư Sê (Gia Lai) bèn cao hứng thuê người đào ao lấy nước tưới trong vườn trồng tiêu. Hì hục đào, cuốc họ phát hiện dưới đất có khối đá lạ khối lượng hơn 3,2 m3; nặng khoảng 7,8 tấn. Khoái quá, liền thuê máy cẩu cục đá lên làm cảnh. Hay tin, đoàn kiểm tra của huyện tới lập biên bản, tịch thu khối đá và phạt luôn 2 triệu đồng với lý do “vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp”.

Từ “vận chuyển” nên hiểu thế nào? Từ điển tiếng Việt giải thích: “Mang chuyển đồ vật nhiều, nặng từ nơi này đến nơi khác tương đối xa, bằng phương tiện hoặc bằng sức loài vật”. Cục đá này, khi phát hiện được cẩu lên đặt ngay tại nhà chứ đâu phải từ nơi khác vận chuyển về. Nó chỉ được vận chuyển khi đưa từ nhà bà Sắc về trụ sở UBND huyện. Đem hòn đá về, chính quyền huyện có sáng kiến tối ưu là làm chiếc lồng sắt kiên cố để... “nhốt” hòn đá nặng hàng tấn. Ông Ksor Hiền ở huyện này bình luận: “Mình thấy lạ hung! Tưởng đâu chính quyền đóng cũi nhốt con cọp bắt được từ trên núi chạy xuống chớ. Hóa ra là hòn đá! Hòn đá nó có chân đâu mà sợ nó chạy mất? Buồn cười thiệt đó!”.

Sự việc trái khoáy vô tiền khoáng hậu này đã khiến đôi bên lôi nhau ra tòa vào ngày 22.8.2013.

Cũng theo nguồn tin báo TN : “Tham gia tố tụng với tư cách bên bị kiện theo ủy quyền của Chủ tịch UBND H.Chư Sê, ông Nguyễn Đình Viên, Trưởng phòng TN - MT, cho rằng: “Việc bà Sắc cẩu hòn đá đem về khi chưa được cơ quan chức năng cho phép là hành vi trái pháp luật, bởi cho dù là đá gì cũng là khoáng sản, mà như thế thì đây là tài sản của nhà nước”. Ông Viên cũng khiến những người có mặt tại phiên tòa bật cười khi khẳng định: “Mọi tác động vào đất làm biến dạng đất đều phải xin phép, nếu không thì trái quy định”. Trong phần tranh luận, luật sư Võ Thị Tiết (Văn phòng LS Võ Luật - Bình Định), đại diện cho bên khởi kiện, đã nói thẳng: “Không có quy định nào của pháp luật nêu rằng người dân muốn đào giếng tưới tiêu trong phần đất của mình phải đưa đơn lên xin phép chính quyền”. LS Tiết tiếp tục hỏi thêm một số vấn đề liên quan đến việc tịch thu hòn đá, thay vì giải thích theo đúng các quy định của pháp luật thì vị cán bộ đại diện cho chính quyền cấp huyện này vẫn kiên trì: “Tôi nghĩ thế là đúng” (TN ngày 23.8.2013).

 Cười được chưa? Chưa à?

Vậy thử đố chơi. Đố rằng, toàn cõi nước ta hiện nay có cả thay bao nhiêu họ? Trước đây ông Lê Trung Hoa có viết quyển Họ và tên người Việt Nam (NXB KHXH - 1992), ta có thể tìm đọc để có câu trả lời chính xác chăng? Không thể. Cách đặt họ của người Việt đã có những "ngoại lệ" mà không ai có thể biết hết được. Chỉ nêu một ví dụ, dó là họ NGUYỂN (xin nhấn mạnh là dấu hỏi, chứ không phải NGUYỄN dấu ngã). Lạ chưa? Ắt ông trời bà trời cũng thấy lạ bởi ngày nọ tại xã Phú Thịnh, huyện Tam Bình (Vĩnh Long) có ông Nguyễn Hòa Khởi làm cán bộ Tư pháp, Hộ tịch của xã từ năm 1994 đến năm 2005 có thói quen viết sai chính tả.

Dù họ Nguyễn nhưng ông luôn viết cho thiên hạ là Nguyển! Từ đó, giấy khai sinh họ ghi Nguyển, còn các giấy tờ khác như hộ khẩu, chứng minh nhân dân... đều Nguyễn. Rắc rối là chỗ đó! Báo Xa lộ pháp luật (ngày 24.8.2013) cho biết, nhân chứng "dòng họ" này phát biểu: "Trong lúc đó, chỉ còn vài ngày nữa là đến kì thi đại học, để tránh mọi phiền toái có thể xẩy ra, cả nhà quyết định đi sửa giấy tờ lại cho đúng. Nhưng để xác minh lại chính xác họ của anh Cường thì rất phức tạp, trong khi đó giấy khai sinh của anh lại bị viết sai, nếu muốn chứng minh đúng thì phải tìm giấy khai sinh của cha anh đã mất từ lâu. Đắn đo mất mất mấy ngày, cuối cùng anh quyết định đổi hết họ của mình và hai con trong hộ khẩu và chứng minh nhân dân thành Nguyển để theo đúng với giấy khai sinh của con gái".

Cái lạ nhất ở đây là gì? Là đã đến năm 1994 mà hệ thống chính quyền của ta vẫn còn sử dụng cán bộ xã có trình độ i tờ đến thế. Thời mới giải phóng, do cần người làm việc nhà nước phải thu nhận, miễn là họ có trách nhiệm với công việc, trình độ yếu kém một chút chẳng sao, có gì tổ chức cho học bồi dưỡng thêm. Rất tiếc là cách sử dụng nhân sự không chuẩn hóa kéo dài, quá dài khiến cuối cùng, gánh lấy hậu quả  là người dân phải gánh chịu biết bao phiền toái.

Chuyện Việt Nam ta  đã có thêm họ Nguyển, cười được chưa? Chưa hả? Vậy bó tay luôn.

Dòng văn học hiện thực phê phán trước 1945, sở dĩ tồn tại, hấp dẫn bởi ngoài yếu tố phê phán còn có cả tiếng cười. Đọc Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Trọng Lang… lúc nào ta cũng có thể bật ra tiếng cười. Khi hóm hỉnh. Lúc chua chát. Phụ trương văn chương số 10, thứ bảy 4.7.1931 của báo Trung Lập xuất bản tại Sài Gòn, ông Phan Khôi có bàn về chuyện viết văn trào phúng, hài hước: “Làm một bài văn trang hoàng điển nhã, trong mười tay văn học, tay nào cũng làm được hết; chớ làm một bài văn khôi hài cho hay, đọc lên cho ai cũng mở miệng cười và lấy làm thích ý, thì trong mười tay ấy chưa chắc đã có một tay làm được đâu. Văn khôi hài nó thường làm cho cảm động người ta một cách rất mạnh mà người ta không tự biết. Giả như tôi có một cái tật xấu gì, có kẻ làm bài hài văn để ám chỉ vào cái tật xấu ấy của tôi; trong khi tôi đọc đến, tôi phải tức cười nôn ruột mà tôi không giận được; rồi dần dần tự nhiên tôi bỏ cái tật xấu ấy đi bao giờ mà chính tôi cũng không hay. Đó mới thật là một bài hài văn hay đó; và cái công dụng của nó là như thế".

Ông còn nhấn mạnh: "Trong nghề khôi hài, kỵ thứ nhứt là sự quá thô tục. Những tay hoạt kê giỏi đời xưa, không khi nào văng câu tục tĩu từ mồm mình ra bao giờ... Tôi lại từng đọc sách, thấy người ta nói dân tộc nào phổ thông có tánh hay khôi hài, ấy là biểu lộ ra dân tộc ấy có tư chất thông minh. Mà giọng khôi hài càng sâu sắc chừng nào thì lại càng tỏ ra cái trình độ thông minh cao chừng nấy.... Phải lắm! Có thông minh mới nói ra câu bông lơn có thú vị mà cũng duy thông minh lắm mới biết ngửi thấy cái thú vị của câu bông lơn hay... Theo tư trào văn học của thế giới ngày nay, tôi muốn nhắc cái địa vị khôi hài lên cao một chút trên văn đàn nước ta. Từ nay ta hãy coi trọng nhân tài khôi hài và hài văn, rồi thì nhân tài và văn ấy mới sản sanh ra được”.

Thưa cụ Phan Khôi, hiện nay làng văn của nước ta đã coi trọng nhân tài khôi hài và hài văn nhiều lắm rồi cụ ạ, bằng chứng là cả nước có đến 2 tờ chuyên về cười là Tuổi Trẻ Cười, Làng Cười. Hơn nữa, thời buổi này đã, đang và sẽ có quá nhiều chuyện khôi hài, nhìn vào đâu cũng thấy có chuyện để cười, đều có thể là chất liệu của văn học trào phúng nhưng tại sao vẫn chưa có tác phẩm nào tương xứng? Vẫn chưa có nhiều truyện ngắn, tiểu phẩm humour, hí lộng. Do cái gì? Do nhà văn ngày càng ít biết cười chăng? Hay đã quên cách làm sao cười? Đã có câu trả lời hợp lý từ lâu rồi. Trong Chúng ta, qua cách viết, NXB Giao Điểm in năm 1972 tại Sài Gòn, nhà văn Võ Phiến đã phân tích. Đọc lại, vẫn thấy nhiều gợi mở lý thú. Nhắc lại chỉ ngại rày rà. Ai có quan tâm thì nên tìm đọc để có câu trả lời vậy.

Chà, hết muốn cười nữa rồi. Bèn lánh qua chuyện khác. Sực nhớ, sáng mai về Bến Tre ăn giỗ ở nhà bạn N.M. Nhựt. Cũng là dịp thư giản cuối tuần cùng anh em. Mấy hôm nay đã bắt đầu vẽ lại. Cố gắng tìm lại sự hào hứng như lúc tập vẽ của năm 2007. Vẽ lại, cũng là lúc nhà thơ Trương Trọng Nghĩa từ Tiền Giang báo tin tập thơ của bạn Trần Đỗ Liêm đã in xong. Bìa là tranh của y.  Nhìn kỹ lại, tự khen rằng: “Tranh vẽ đẹp”. Ô hay! Không khiêm tốn chút nào. Ai đời, tự mình đi khen mình. Lạ nhỉ?

Chẳng có gì lạ. Bởi chưa ai khen, y đành tự khen vậy.

Thì có làm sao?

 

tranh-cua-Q-tho-Liem-ti-n-giag

Tranh Sơn dầu Lê Minh Quốc

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment