Lại chuyện chữ với nghĩa.
Từ nhiều năm nay, có một ông nọ kinh doanh ngành nghề cà phê. Ông ta cho in hàng trăm triệu bản những quyển sách dịch của nước ngoài như Quốc gia khởi nghiệp, Khuyến học, Nghĩ giàu làm giàu, Đắc nhân tâm, Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách. Sách này, chỉ dùng để tặng. Nghĩ cho cùng cũng là một cách thực hiện ước mơ của nhà cải cách giáo dục Mỹ Horace Mann (1796 - 1859): “Nếu tôi có uy quyền, tôi sẽ gieo rắc sách khắp mặt đất như người ta gieo lúa trong luống cày vậy”. Việc làm này tốt quá phải không? Vâng, rất tốt, nếu đi kèm với việc tặng sách, ông chủ cà phê không nghĩ ra câu slogan như sau: “Những cuốn sách đổi đời, bên tách cà phê đổi đời”. Nghe chõi tai ở chỗ “tách cà phê đổi đời”. Làm gì trên đời có những tách cà phê đem lại tác dụng này? Trong khi đó, sách thì có thể bởi từ những gì đã học, đã đọc ở sách có thể thay đổi số phận một con người. Nếu mọi sự chỉ dừng lại ở đó, chẳng sao. Đáng tiếc nhất, lại còn có thòng theo một câu cực kỳ kiêu ngạo: “Những cuốn sách đổi đời do chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ chọn cho thanh niên Việt”. Đừng quên "chọn giúp", "chọn giùm" hoàn toàn khác với "chọn cho" rất trịch thượng kia. Câu này khi xin giấy phép xuất bản không có, nhưng lại nằm chình ình trên các bìa sách, trên các bảng quảng cáo v.v.... Báo chí mấy hôm nay đã phê phán ầm ầm, không nhắc lại làm gì. Đã có lệnh tháo gỡ các bảng hiệu ghi câu đó, lệnh từ UBND tỉnh Đắk Lắk, do chữ nghĩa gây hiểu lầm.
Nghĩ rằng, đã có không ít doanh nhân, doanh nghiệp sau khi đã giàu sụ lên thường có nhu cầu quan hệ thân thiết với văn nghệ sĩ, nhà báo, trí thức tiếng tăm... Thích ngao du với những người có chữ nghĩa để bàn luận về các vấn đề triết học, chính trị, văn hóa và nhất là về tôn giáo. Chuyện này cũng bình thường. Có điều, nhiều người đã bị lòe mắt, bịt mắt bằng cách đểu cáng rất êm ái: Hễ một lời nói, một hành động, một bước đi, một cái hắt hơi của doanh nhân đó thốt ra, lập tức chúng hùa vào tán dương, ca ngợi đến chín tầng mây xanh. Dần dà, “lộng giả thành chân”, có doanh nhân ảo tưởng đã trở thành vĩ nhân, có sứ mệnh phải thay đổi số phận của dân tộc lầm than, dốt nát này; hoặc ít ra cũng phải chọn sách đổi đời cho bọn nhải ranh mới chập chững vào đời kiếm sống. Do đó, từ cách phát ngôn đến hình thức bên ngoài cũng phải thay đổi, chẳng hạn, cạo trọc như thiền sư, bước vào quán thịt chó nhai nhồm nhoàm, hễ há mồm ra lại bàn về triết lý Phật giáo; hoặc đội cái mũ bê rê, ngậm điếu xì gà Cu Ba cho ra dáng dấp anh hùng Che Guevara v.v…
Muốn nổi danh, muốn được nhiều người biết đến “cái tên”, “cái tôi” của mình chẳng có gì sai. Nhưng nếu ai đó thèm khát đến độ háo danh, làm mọi cách để có danh, e rằng sẽ khó nhận được sự đồng thuận. Nhìn lại thời gian qua, công luận đã quá chán ngán với những trường hợp tìm danh bằng nhiều cách rất quái đản. Có thể liệt kê một số cách thô thiển đã được “vận dụng” như: tuyên bố gây sốc giữa thanh thiên bạch nhật về những điều thầm kín chỉ có thể phát ngôn ở chốn phòng the; sẵn sàng lột bỏ mọi vật dụng che thân để khoe tất tần tật những gì cần phải che đậy nơi công cộng...Những “thủ pháp” này “rẻ tiền” quá.
Đã mang danh “trí thức” thì phải có cách “sang trọng” hơn!
Thiên hạ chưa quên tập sách có cái tựa rất “kêu”: Tài năng và đắc dụng của một NXB cấp quốc gia ấn hành do hai Giáo sư - Tiến sĩ khoa học biên soạn. Chưa nói đến nội dung, chỉ với liên từ “và” ở tựa sách, đã mắc một lỗi sơ đẳng về cú pháp. Nhà nghiên cứu An Chi - một trong những chuyên gia hàng đầu về tiếng Việt phân tích: “Ta gọi từ “và” là “kết từ” hoặc “từ nối” dành cho cho hai từ cùng từ loại (chẳng hạn danh từ/ danh từ; tính từ/ tính từ…). Ở đây “tài năng” là danh từ; “đắc dụng” là tính từ, vì thế sử dụng kết từ “và” ở đây là không chính xác. Muốn chính xác phải là Tài năng và sự đắc dụng”.
Nghĩ cũng lạ, có những chuyện đã rành rọt, minh bạch như ban ngày nhưng rồi nhiều người có học hàm, học vị vẫn nhầm lẫn. Cho đến tận bây giờ vẫn còn nhiều vị đang giảng dạy cho sinh viên vẫn còn rổn rảng những câu như Người Việt cao quý là tác phẩm của nhà văn Ý A. Pazzi, Nguyễn Trãi là tác giả Gia huấn ca, Truyện Kiều là tác phẩm viết bằng chữ Hán v.v… Mới ngày hôm nay thôi, NXB nọ vừa đình chỉ phát hành quyển Phùng Há - Trọn đời trả nợ dâu cũng vì những sai sót tương tự.
Trở lại với Tài năng và đắc dụng. Cuốn sách này đề cập đến một loạt danh nhân Việt Nam và nước ngoài được đề cập đến (theo thứ tự trong sách): Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Hồ Chí Minh, Chulalongkorn, Lê Quý Đôn, Trần Văn Giàu, Albert Einstein, Thomas Edison, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi, Đặng Lê Nguyên Vũ và Bill Gates. Đọc thoáng qua đã thấy sắp xếp này cẩu thả, lộn xộn, hoàn toàn ngẫu hứng. Ai cũng biết, cấu trúc chung của một cuốn sách, tùy theo tầm quan trọng, sự đóng góp của nhân vật mà người viết sử dụng số lượng chữ dành cho các nhân vật khác nhau. Số lượng chữ này cũng được ngầm hiểu là sự đánh giá của người viết về vai trò của từng nhân vật. Ở đây, nhân vật Đặng Lê Nguyên Vũ chiếm kỷ lục với 42 trang, trong khi các danh nhân Trần Quốc Tuấn được 15 trang, Nguyễn Trãi có 10 trang, Đào Duy Từ chỉ 6 trang và Chủ tịch Hồ Chí Minh 25 trang!
Một con người bình thường, không hoang tưởng, không có triệu chứng về trí não, khi ai đó vì lẽ gì đó ca ngợi mình, xếp mình “ngồi” chung với các danh nhân thì vì sự tự trọng và liêm sỉ, cũng nên biết cách thoái thác, rút lui. Nếu không, sự háo danh ở đây chỉ có thể gọi là “xú danh”. Cái sự nhàm nhí đó, thời nào cũng có. Mỗi ngày lướt web, đọc vô số thông tin còn nhờm, còn lợm hơn nhiều lắm. Biết thế, càng thêm quý nhiều người không ồn ào, không huênh hoang, khoác lác, không lên mặt dạy dỗ ai, cứ lẵng lặng làm việc. Hữu ích cho đời biết bao nhiêu.
Nghĩ rằng, mẫu người trí thức khiêm tốn, thật sự uyên bác như cỡ cụ Nguyễn Văn Tố, thời buổi này có còn không? Theo hiểu biết hạn hẹp của y, thuở sinh thời, cụ Tố chưa in một tác phẩm nào, hầu hết chỉ công bố trên báo chí. Cụ viết nhiều lắm. Nhưng với y, đáng nể nhất là loạt bài Tài liệu để đính chính những bài văn cổ in nhiều kỳ trên Tri Tân. Lầm lũi hết ngày này qua tháng nọ, cụ khảo cứu từng chữ, chép lại từng văn bản, chỉ ra những cái sai mà nhiều người đã nhầm lẫn. Công việc ấy, nếu không say mê, không tâm huyết, không tận tụy, không có một lối làm việc chỉn chu, không có một kiến văn uyên bác có lẽ khó đeo đuổi lâu dài. Mệt mài từng trang viết. Bền bĩ đi qua ngày tháng. Nhẫn nại. Lặng lẽ. Đáng khâm phục quá. Mấy hôm nay, vẫn đọc Kinh Thánh, chép lại câu này: “Ai nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống. Còn ai hạ mình xuống sẽ được cất nhắc lên cao” (Lc 14:11).
Vừa nhận thêm được vài quyển sách hay. Hay ở chỗ, nhiều người vẫn lặng lẽ làm việc, không ồn ào. Có thể kể đến vài cuốn liên quan đến Sài Gòn như Từ Bến Nghé đến Sài Gòn (Trần Nhật Vy), Sài Gòn - Chuyện đời của phố I & II (Phạm Công Luận), Văn hóa dân gian người Việt ở Nam bộ (Thạch Phương, Hồ Lê, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quang Vinh), Ngôn ngữ văn hóa vùng đất Sài Gòn và Nam Bộ (Lý Tùng Hiếu)… Rồi sáng nay, vừa nhận thêm quyển Sài Gòn đất và người của anh bạn nhà giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi. Mừng vì biết, từ nhiều năm nay, anh đã dành nhiều thời gian viết về vùng đất Sài Gòn. Đọc và thích thú với những địa danh bị viết sai mà nay đã trở thành quen thuộc:
An Thít (Ăn Thịt: vùng này ngày xưa nhiều cọp dữ, hay ăn thịt người); Bến Lức (Bến Lứt: người miền Nam không phân biệt phụ âm cuối -c và -t), Cát Lái (Các Lái: các lái buôn ghe bầu từ miền Trung vào Gia Định); Rạch Chiếc (Rạch Chiết: chiết là thứ cây mọc hoang, thấp nhỏ, lá lớn hay mọc hai bên mé sông vùng nước lợ, thường ra lá non, mùi chát chát, có thể ăn như rau); Gò Vấp (Gò Vắp: gò có nhiều cây vắp, một loại cây cứng như lim), Hàng Xanh (Hàng Sanh: sanh là thứ cây lớn, nhánh có tua, thuộc về cây da, mà lá nhỏ); Rạch Ông (Rạch Ong: mật ong được khai thác nơi này và đem bán vùng bên cạnh, nay còn địa danh Cầu Mật), Dần Xây (Giằng Xây: tên một loại gỗ tạp), Hốc Hươu (Hóc Hươu)/ Hốc Môn (Hóc Môn): Hóc là dòng nước nhỏ; Trao Trảo (Trảo Trảo); Thạnh Đa (Thanh Đa: về sau do bỏ dấu khi in trên bản đồ thời Pháp, nên địa danh Thạnh Đa biến thành Thanh Đa)…
Đọc khoái chưa?
Cứ từ từ mà đọc. Chẳng việc gì vội. Ngày đọc vài ba trang, vậy là vui rồi, phải không?
L.M.Q
Các manchette của Gia Định báo. Tài liệu của Th.S Đoàn Hữu Hoàng Khuyên
Nếu ngày nào cũng như sáng hôm qua thì vui. Trong cuộc đời, làm gì có chữ “nếu”. Dậy sớm, đi ăn sáng. “Ngồi gần. Gần nữa. Gần hơn / Chiêm ngưỡng nhan sắc rạ rơm quê nhà”. Rồi đến Nhà hàng Blue Ginger, dự buổi ra mắt tập thơ của người bạn. Đến vui với bạn, nếu cao hứng, phát biểu đôi câu chúc mừng, bằng không cũng có dịp trò chuyện cùng thân hữu. Cà phê. Uống trà. Nhắc lại vài ba câu chuyện cũ, nói cho nhau nghe những chuyện tầm phào. Vô thưởng vô phạt. Mà thân mật. Chân tình. Rồi đường ai nấy đi. Mỗi người mỗi việc. Thỉnh thoảng nghĩ về nhau một chút. Vậy là đủ.
Sáng qua, lại về trường cũ tham dự cuộc Hội thảo khoa học 150 năm thành lập GIA ĐỊNH BÁO và sự phát triển của báo chí Việt Nam. Có mấy ghi nhận: Không có nhiều sinh sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông tham dự. Rất đáng tiếc. Chỉ cần ngồi vài tiếng đồng hồ, có thể lãnh hội được những vấn đề hữu ích mà nhiều người đã lao tâm khổ tứ nghiên cứu, mày mò tìm tò, há chẳng phải là điều may mắn đó sao? Trong vài năm trở lại đây, hầu như trong các tọa đàm, hội thảo khoa học rất ít người trẻ tham dự, kể cả nhà báo, nếu có, chỉ ngồi loáng thoáng, nhấp nhỏm rồi lẻn đi về trước.
Về tờ Gia Định Báo, có mấy thông tin, đối với y là mới, cũng có thể người khác đã biết rồi. Không sao cả. Nghe, ghi chép từ các tham luận trong các cuộc hội thảo, tọa đàm cũng là một cách học.
Trong các mẫu chữ cái tiếng Việt, mẫu tự Đ xuất hiện từ lúc nào? Câu hỏi này dành cho các nghiên cứu ngôn ngữ học. Trong phạm vi khảo sát từ các manchette của Gia Định báo, Th.S Đoàn Hữu Hoàng Khuyên cho biết, những số báo đầu tiên, từ năm 1865 ghi rõ ràng Gia Dịnh Báo. “Sở dĩ có tình trạng này là vì toàn bộ chữ in Gia Định Báo đều phải đúc từ Pháp rồi chuyển về Việt Nam”; “Điều này còn lặp lại nhiều lần trên báo, với nhiều trường hợp dùng từ khác, mẫu tự có dấu bị thiếu nên nhà in dùng tạm một số mẫu tự thay thế. Ví như “Đ” thay bằng “D”, còn “D” thay bằng “J”. Manchette ban đầu, có ba chữ Gia Định Báo được viết theo lối chữ chữ Hán, rồi mới đến chữ quốc ngữ Gia Dịnh Báo. Sau đó, khoảng 1880, vị trí manchette Gia Dịnh Báo viết bằng chữ Hán và chữ quốc ngữ thay đổi ngược lại, nghĩa là chữ quốc ngữ nằm phía trên. Năm 1885, tên báo viết bằng chữ Hán không còn xuất hiện nữa.
Vậy lúc nào manchette tờ báo ghi rõ ràng “Gia Định Báo”?
Đó là năm 1890. Điều quan trọng, lần này, phía trên manchette còn có thêm hai hàng in bằng tiếng Pháp: “République Française: Liberté - Égalité - Fraternité”. Theo Th.S Đoàn Hữu Hoàng Khuyên: “Nhờ hàng chữ này (Tự do - Bình đẳng - Bác ái) manchette thứ tư càng thêm khẳng định tính chất công báo của Gia Định Báo”. Y lại nghĩ ngược lại. Lúc đó, nó chính thức thoát khỏi tính chất công báo để hướng đến mục tiêu, vài trò đích thực của báo chí. Nghĩ thoáng qua, có đúng không? Ước gì có người am hiểu, nghiên cứu sâu hơn giải thích, bình luận thêm chi tiết này thì hay quá. Đôi khi trong cuộc đời, nhờ quan hệ với những người giỏi, uyên bác, có dịp được họ giúp ích bao điều. Đó cũng là một cách học.
Không riêng chi tiết này, trước đây chưa nghe ai nói đến, lại học thêm ý kiến này nữa. Tham luận của ThS. Nguyễn Văn Hà cho biết: “Ngoài ra, trên Gia Định Báo còn xuất hiện thể loại feuilleton (truyện trang giữa - serial story) với các truyện dịch hoặc phóng tác từ văn học Pháp, đăng nhiều kỳ như Phú bần truyện (700 câu lục bát, 18 số, từ 22.11.1884 đến 11.4.1885), Telemanque (342 câu lục bát, trên các số từ 20.6.1885 đến 22.8.1885), Francinet (văn xuôi, trên các số từ 3.10.1885 đến 22.12.1885)…”. Nói cách khác, thể loại feuilleton đã xuất hiện từ thuở bình minh của nền báo chí nước nhà.
Thử đặt câu hỏi, thời điểm đó, năm 1892, ở ngoài Bắc lần đầu tiên xuất hiện tờ báo Đại Nam Đồng văn Nhật báo, viết bằng chữ Nho thì thể loại feuilleton đã xuất hiện chưa? Chưa khảo sát cụ thể, nhưng có thể kết luận là chưa, bởi đó là tờ công báo. Mãi đến năm 1907, cụ thể từ số báo 793, Đại Nam Đồng văn Nhật báo đổi thành Đại Nam (Đăng cổ tùng báo) mới thực hiện chức năng của tờ báo đương đại, có thêm phần chữ quốc ngữ song song với chữ Hán. Từ đó, suy nghĩ thêm, vì sao báo chí Nam kỳ chuộng thể loại feuilleton, tại sao báo chí ngoài Bắc lại không? Bằng chứng, báo chí miền Nam mãi đến năm 1975 vẫn còn duy trì. Tính cách, tâm lý, nhu cầu đọc báo của vùng miền có khác nhau đó chăng?
Còn nhớ, trên tạp chí Nghệ Thuật do Mai Thảo - chủ nhiệm, chủ bút; Thanh Nam - Tổng Thư ký tòa soạn; Viên Linh - Thư ký tòa soạn có thực hiện chủ đề “Nói chuyện giữa những người viết tiểu thuyết nhật báo”. Đó là số báo 22 “tuần lễ từ 12.3 tới 19.3.1966”. Cung cấp thêm thông tin này cho những ai quan tâm, có thể vào thư viện tìm đọc. Hiện nay, thể loại feuilleton đã hoàn toàn toàn biến mất trên mặt báo. Hồi đó người viết feuilleton, có thể hiểu nôm na "người viết tiểu thuyết nhật báo". Những câu bút quen thuộc thời do phải kể đến nhà văn Bà Tùng Long, Lê Xuyên, Sĩ Trung, Hoàng Hải Thủy, Ngọc Linh, Hoàng Trúc Ly, Duyên Anh v.v... Qua chi tiết này có thể nhìn ra nhu cầu đọc báo của mỗi thời.
Tạp chí Nghệ thuật số 22 in năm 1966 tại Sài Gòn. Tư liệu L.M.Q
Hôm qua, dự hội thảo về Gia Định Báo, y có phát biểu mấy ý:
Có những nhân vật văn hóa tầm vóc rất lớn, nếu nhà cầm quyền xét về quan điểm, thế đứng chính trị của họ mà loại bỏ, ruồng rẫy, đánh giá thiên vị ắt sẽ có một lực lượng khác giành lấy họ. Trường hợp Trương Vĩnh Ký là một thí dụ. Trong ngôi đền văn hóa, có những giá trị cụ thể, nếu loại bỏ nó hoặc xem nhẹ hoặc không nghiên cứu thấu đáo sẽ là một thiệt thòi về di sản văn hóa của dân tộc. Trường hợp Gia Định Báo là một thí dụ. Lấy quan điểm chính trị xét văn hóa là giết văn hóa.Vậy phải lấy cái gì? Ai cũng có thể trả lời rằng, phải lấy “tâm” và “tầm”. Mà “tâm” thế nào? “Tầm” thế nào? Lấy gì đo lường? Với hoàn cảnh cụ thể, lịch sử nước nhà đã nhiều năm chia cắt, đã có nhiều chủ nghĩa chính trị, nhiều đảng phái khác nhau, xét văn hóa y mạo muội nghĩ rằng, phải từ tinh thần “gạn đục khơi trong”. Mà điểm xuất phát của nó phải lấy tinh thần “hòa hợp, hòa giải dân tộc” làm căn bản. Chỉ mới nghĩ thoáng qua. Ước gì có người cùng tranh luận, phản biện thì tốt quá.
Sực nghĩ, nếu nhà bác học, nhà bách khoa toàn thư kiệt xuất Lê Quý Đôn năm 1776 không được được cử làm chức Hiệp trấn Thuận Hóa thì sao? Thì có người khác, tất nhiên. Nhưng phải là Lê Quý Đôn với một loạt tác phẩm nghiên cứu tìm hiểu phong tục, vật sản, di tích… của xứ Đàng Trong, trong đó có cả văn học thì thế hệ sau mới có điều kiện nhìn nhận rõ mạo văn học Nam Hà. Công đức đó lớn lắm.
Sáng qua, lòng thấy vui. Vui vì được nghe, được đọc những tham luận có nghiên cứu cụ thể từ văn bản học. Chứ không “ăn theo nói leo” như nhiều nhà nghiên cứu đã chép của nhau, dù danh xưng tầm cỡ Tiến sĩ, Giáo sư đã từng xẩy ra. Ấy là do họ không có điều kiện tiếp cận văn bản gốc. Đến nay, chưa một cơ quan văn hóa nào đứng ra in lại sưu tập, in lại toàn bộ Gia Định Báo. Vài năm trước, thị trường sách nước nhà đã “tái bản” các bộ Tri Tân, Tiền Phong… Tuy nhiên, tất cả được xếp chữ lại, chứ không chụp bản gốc. Đó là điều đáng tiếc. Bởi, người đọc không dám quả quyết có thật bản gốc như vốn có hay đã bị chỉnh sửa? Trên nhiều trang mạng đã scan lại những bộ như Nam Phong, Tri Tân, Sử Địa… Công đức đó lớn lắm. Nhưng đọc qua màn hình mỏi mắt, thiếu đi sự hứng thú như cầm đọc trang sách in trên giấy. Vì lẽ đó, sáng qua, y đã sung sướng khi nhờ được cán bộ giảng dạy của Khoa Báo chí và Truyền thông (vừa là bạn, vừa vai em) sao chụp lại toàn bộ Gia Định Báo hiện đang lưu trữ tại Thư viện Quốc gia trong Nam và ngoài Bắc. Tất nhiên, phải trả kinh phí cụ thể. Chẳng sao. Có người nhận làm công việc nhọc nhắn ấy, đáng quý lắm.
Y cần sao chụp lại Gia Định Báo để làm gì?
Nghiên cứu à?
Thưa không. Cứ giữ lại, biết đâu mai sau có người cần nghiên cứu thấu đáo, cần tiếp cận cụ thể từng văn bản thì tặng lại. Đó cũng là một cách làm việc thiện. Cách đây khá lâu, anh bạn đồng nghiệp Trận Nhật Vy hào hứng cho biết có người bán vài tờ Gia Định Báo. Giá một số đến vài triệu đồng. “Vậy anh có mua không?”. “Không, mình chỉ mua bản photocopy, giá chỉ vài chục ngàn”. Đâu phải dân chơi sách cũ mà cần phải sở hữu những trang tư liệu gốc. Y biết có người thường xuyên ăn chay niệm Phật, không sát sinh, không chửi thề, không gái gú lăng nhăng, không bia ôm, không ngoại tình, dù buôn sách cũ nhưng không bao giờ bán bản photocopy; dù chơi sách cũ nhưng không bao giờ cho ai mượn. Kể chuyện này cho anh bạn nhà thơ Trần Phá Nhạc nghe, anh bảo, theo đạo Phật đó là những những người có tội. Vì sách báo quý, tài liệu văn hóa, kinh kệ tôn giáo nếu ai sở hữu, phải phổ biến cho mọi người cùng được đọc. Ngẫm lại, anh nói đúng.
Thứ Bảy. Sáng nay, trời mát, đã có gió. Không oi bức như những ngày trước đó. Vậy y làm gì? Dậy sớm, đi ăn sáng. “Ngồi gần. Gần nữa. Gần hơn / Chiêm ngưỡng nhan sắc rạ rơm quê nhà”.
L.M.Q
Tạp chí Văn Học tại Sài Gòn - số đặc biệt về Tú Mỡ (1.5.1971). Tư liệu L.M.Q
Y nhát. Ai cũng biết. Nhát như cáy. Cái gì cũng sợ. Đi ra đường, đang nghiêm chỉnh chấp hành đèn xanh đèn đỏ, đi đúng lề phải, tự dưng có chiếc xe đâm sầm từ đàng sau, y cũng chỉ dám ngó lơ chỗ khác. Chẳng dám hó hé mắng mỏ một câu cho đỡ tức. Chẳng dám. Dù chỉ một lời. Chẳng dại. Thì cứ xem báo chí, ắt rõ. Va chạm ngoài phố, chỉ một hai câu đôi co, cãi cọ lập tức có kẻ nhập hộ tịch tại hụi nhị tì. Người Việt ngày càng dễ tức giận nổi nóng, thiếu kiềm chế. Sẵn sàng đối thoại bằng dao phay, mã tấu. Nếu chọn lại các chuyện bạo lực, ẩu đả, giết người trên mặt báo từ vài năm trở lại đây, có lẽ phải vài dầy đến vài ngàn trang in. Qua đó, khó có thể tưởng tượng ra một vài tình huống như:
A đổ xăng cho B. Nhìn thấy bảng tính tiền báo con số 70 ngàn, B gằn giọng: “Xe tao, mọi lần đổ đầy bình chỉ hết 60 ngàn. Mày ăn gian tao 10 ngàn”. Đôi bên cãi cọ. B chỉ vào mặt A: “Tao giết mày. Đợi đấy”. Nói xong, B phóng xe đi. Chỉ dăm phút sau B quay lại với chừng 10 tên khác, trên tay chúng cầm mã tấu, ống típ sắt… lao vào đánh A tơi bời, tới tấp. Không một ai dám can ngăn. Sau khi chúng rút đi, B được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Tội nghiệp, hôm sau là ngày B được gia đình dẫn qua nhà gái bàn chuyện đám cưới. Vậy mà…
Lại chuyện nữa, A và B là anh em kết nghĩa. Cả hai cùng nghèo. A cho B mượn số tiền là 30 triệu đồng, hằng tháng B phải trả chừng vài triệu để A có tiền mua thuốc cho vợ. Vợ A bị tiểu đường, biến chứng dẫn đến mù mắt. Mấy tháng đầu, B còn trả, sau đó đứt đoạn. A gọi điện thoại nhắc nhở nhưng B không nghe máy, tắt máy luôn. Bẵng đi một thời gian, B đến nhà A, nồng nặc mùi rượu, bảo: “Tao không có tiền trả. Chỉ có cái đầu tao, mày chặt đầu tao đi, trừ nợ”. Nói xong, tự động kê đầu xuống ghế, tiếp tục thách thức. A lúc ấy cũng đã sừng sừng vì có rượu. Nghe B nói lảm nhảm đến phát chán, A bèn xuống bếp rút con dao. Cuối cùng, B hồn lài khỏi xác, A tù chung thân. Đau nhất cả hai nhân thân tốt, lương thiện chứ nào phải dân thiên lôi ba búa!
Lại chuyện nữa. Mà thôi. Nhớ làm gì những cái chuyện u ám này?
Y nhát. Nhát đến độ có những điều suy nghĩ nhưng chẳng bao giờ dám hó hé. Chẳng dại. Người ta chụp lên đầu cái mủ to tổ chảng, che khuất mắt, làm sao thấy được gì nữa? Lang thang trên facebook đọc thông tin này nọ, thích quá bèn vỗ đùi cái đét nhưng chớ hòng like, comment. Chả dại. Biết đâu, “chim mồi” đang nhử. Phiền toái. Mà thật lạ, trong cái cõi mênh mông của thế giới ảo, nếu làm một thống kê nho nhỏ sẽ thấy rằng, các ý kiến châm chích, phê phán, chửi đời đủ mọi sắc thái luôn tràn ngập. Tần số xuất hiện của nó nhiều hơn cả. Đôi khi thấy nặng nề quá. Ban đầu tưởng có thể thư giản chốc lát, nhưng rồi, càng đọc càng thấy chán đời, nặng nề tâm trí, dẫu rằng những sự việc ấy có thật, từng ngày đang diễn ra. Thế rồi, tự hỏi, biết thêm những thông tin đó để làm gì?
Y nhát. Dòng đời đang trôi, y né tránh né, đứng bên lề, chọn lấy một khoảng không gian yên ổn như tự đánh lừa chính mình. Tìm một ảo tưởng. Chìm vào trong cõi riêng tư, mà cõi ấy chẳng giúp ích được gì cho ai khác. Mặc kệ, miễn không phải bận tâm đến những chuyện đao to búa lớn, ngoài tầm tay.
Y nhát. Trong bàn nhậu, giữa lúc mọi người bàn chuyện “chính chị chính em”, y lảng xa, không nghe đến, chả việc gì phải bình luận, chém gió. Chẳng giải quyết được gì mà phải nghĩ ngợi nặng đầu. Đọc cái này cái kia, có lúc bực mình bởi nó trái khoáy, khốn nạn quá nhưng cũng im lặng như chưa hề biết gì. Thật đáng khâm phục cho nhiều người, họ dám nói nhiều chuyện mà có cho vàng y cũng chả dám hót theo. Nói nhiều nhất, oanh liệt nhất, quyết liệt nhất vẫn là những cán bộ đã nghĩ hưu. Nói oang oang cứ như thể người ngoại cuộc, như không hề dính dáng gì đến cái cơ chế đó. Nói hùng hổ nhất, bạt mạng nhất vẫn là các “anh hùng bàn phím”. Y nhát. Chả dám nói một điều gì. Thậm chí cũng không dám giữ nó ở trong đầu, sợ mệt đầu, phải nghĩ ngợi lăn tăn khiến một ngày kém vui. Tóm lại, y nhát và chọn cho mình sự yên bình giả dối miễn là tự hài lòng dẫu nó hèn hèn thế nào ấy. Chả sao.
Tâm sự biết cùng ai giãi tỏ
Non sông sâu thẳm nước sông Lam
Đó là tâm sự của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, theo Đại Nam chính biên liệt truyện, do Nguyễn Du “không thể từ chối, bất đắc dĩ ông phải ra” làm quan triều Nguyễn. Có lần Nguyễn Du bị vua Gia Long quở trách: “Nhà nước dùng người cứ kẻ hiền tài là dùng chứ không phân biệt Nam, Bắc. Ngươi đã làm đến chức Á khanh, biết việc gì phải nói để tỏ cái chức trách của mình, có lẽ đâu lại cứ rụt rè sợ hãi chỉ vâng vâng, dạ dạ hay sao?”. “Vâng vâng, dạ dạ” cũng là sự lựa chọn của nhiều người. Họ không dám nói. Cũng chẳng sao. Chỉ sợ nhất là những trường hợp mà thi sĩ trào phúng Tú Mỡ đã nhìn ra từ thập niên 1930 của thế kỷ XX:
Ông ơi, ông đi đâu về
Có vẻ phỡn phè, phấn chấn hỡi ông?
- Rằng tôi đi họp hội đồng
Mỗi năm một bận, hết lòng vì dân
Gật gù, nghe đọc diễn văn
Vì dân ráng sức mấy lần vỗ tay
Trăm công, nghìn việc, nặng thay!
Vì dân nên phải đêm ngày miên man
Bao chương dự toán luận bàn
Vì dân sái cổ gật tràn đòi phen
Nhờ trời công việc đã yên
Vì dân phải xuống Khâm Thiên giải sầu
Quản gì thức mấy đêm thâu
Vì dân khai trí mấy chầu tổ tôm
Mỗi năm vất vả mươi hôm
Một bầu nhiệt huyết vẫn ôm kè kè
Tóm lại, ví như câu gì mà y không dám nói? À, hôm qua đọc báo TT có bài phỏng vấn “Bỏ tử hình tội tham nhũng, dân không chịu đâu”, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ (phó giám đốc Học viện Quốc phòng, đại biểu Bến Tre) nhấn mạnh: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”. Nghe khiếp quá, y nổi da gà, sợ hãi. Y liên tường đến trường hợp đã ghi nhận trong Nhật ký năm 2014: Chị Mỹ Nhân ngụ tại ấp 5, xã An Xuyên, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã tự tử, để lại thư tuyệt mệnh: “Mẹ chết để giảm gánh nặng cho cha con, để chính quyền biết mà cấp sổ hộ nghèo. Có như vậy, cha mới vay được tiền đóng học phí cho các con”.
Y nhát, không dám nghĩ tiếp nữa. Chỉ buông tiếng thở dài.
Ngẫm lại, các nhà văn tiền bối vẫn dũng cảm hơn người cầm bút thế hệ này nhiều lắm. Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, làm nên diện mạo chói lọi của dòng văn học hiện thực, các nhà văn đã lấy chất liệu từ đâu? Từ chỗ phê phán, chỉ trích, châm biếm tầng lớp quan lại; từ chỗ bênh vực người nghèo, hạng bần cùng mạt rệp, cùng đinh dưới đáy xã hội. Đánh vào tầng lớp quan lại cũng có nghĩa gián tiếp đánh vào bộ máy cai trị của thực dân. Vị thế nhà văn sang trọng lắm, đáng kính lắm. Dòng văn học ấy mới đích thực vì con người, vì quyền được làm người. Hiện tại, người cầm bút đang đứng ở vị thế nào? Không thể trông chờ ở lớp trước 1975, già rồi. Không thể trong chờ ở lớp sau 1975, mấy chục năm qua cái tư duy công chức đã bám rịt, chằng chịt trong não trạng. Khó có thể có bứt phá gì khác. Chưa viết ra, mới nghĩ trong đầu, đã sợ thì nên cơm cháo gì? Y có bi quan lắm không? Mùa gặt nào sẽ tới? Khó có thể đoán định trước một câu trả lời.
Vậy, hãy im lặng và chờ đợi ở những người viết trẻ. Hy vọng là thế.
“Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”. Câu nói ấy, của nhà chính trị mà cũng là trách nhiệm của nhà văn. Với tài năng, sự bức xúc, nỗi đau đời sao không xây dựng được “nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình”? Tài năng? Tâm huyết? Nhà văn đang đứng ở đâu? Cầm bút trong tâm thế nào? Có bao giờ người cầm bút tự vấn hay không?
Mẹ già chạy gạo nuôi anh từng ngày từng buổi
Một tháng bao lần ngô ghế theo khoai
Thế mà anh đi tìm nắm cỏ tiên để hái
Mẹ cần ăn, anh cho nắm cỏ hái trên trời!
(Chế Lan Viên)
Mấy hôm nay, thời tiết nóng bức.
L.M.Q
Lê Minh Quốc vẽ Đoàn Thạch Biền (sơn dầu - 2007)
Trong nhà có nhiều sách, kể ra cũng có thể không nhàm chán lấy chính mình. Lúc quá đỗi rảnh rỗi, chẳng biết phải đụng tay vào việc gì, ngồi thừ người, nghĩ vẩn vơ và cảm giác đầu tiên ùa tới vẫn là chán lấy cái bản mặt của y. Cái mặt đó, nhìn vào gương lại thấy tẻ nhạt quá. Thân xác đó, nhìn lại, thấy vô tích sự quá. Ngày tháng vùn vụt đi. Vòng quay 24 giờ của một ngày vụt qua chóng vánh, mở mắt dậy, nào đã làm được những gì? Chẳng làm được gì. Đã thời gian một ngày tuồn tuột qua khỏi kẽ tay. Lọt xuống nền đất. Có thời gian lọt xuống nền đất, nở hoa, đâm chồi nảy lộc. Có thời gian, chỉ đọng lại trên nền đất một vũng bùn lầy nước đọng. Chỉ cần nghĩ đến thế, câu hỏi thường trực vút ngang qua óc: “Một ngày, đã làm gì rồi hả Q?”. Không biết phải trả lời thế nào, bèn vớ tay tìm đọc quyển sách nào đó. Đọc như tìm cách né tránh câu trả lời. Như một sự thoát ly khỏi sự vận động của đời sống. Y thoát ly ngay chính con người tầm thường tẻ nhạt của y.
Hôm qua đọc gì?
Đọc lại Kinh Thánh. Đoạn, sau trận đại hồng thủy, con người bắt tay vào xây dựng tháp Ba-bên (Babel). Lúc ấy, “Đức Giê-hô-va bèn ngự xuống đặng xem cái thành và tháp của con cái loài người xây nên. Đức Giê-hô-va phán rằng: Nầy, chỉ có một thứ dân, cùng đồng một thứ tiếng; và kia kìa công việc chúng nó đương khởi làm; bây giờ chẳng còn chi ngăn chúng nó làm các điều đã quyết định được. Thôi! chúng ta hãy xuống, làm lộn xộn tiếng nói của chúng nó, cho họ nghe không được tiếng nói của người nầy với người kia. Rồi, từ đó Đức Giê-hô-va làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất, và họ thôi công việc xây cất thành. Bởi cớ đó đặt tên thành là Ba-bên, vì nơi đó Đức Giê-hô-va làm lộn xộn tiếng nói của cả thế gian, và từ đây Ngài làm cho loài người tản ra khắp trên mặt đất." (Kinh Thánh, Sáng Thế Ký 11:9). Trong ngữ cảnh này, có thể biết chắc Ba-bên có nghĩa “lộn xộn”.
Tưởng dễ dàng nhất, nhưng thật ra khó khăn nhất của con người ta chính là lúc sử dụng tiếng nói. Cứ nhìn trên các phương tiện truyền thông hiện nay, sẽ rõ. Có hằng hà sa số tiếng nói, nhưng rồi có ai thèm nghe ai đâu. Mỗi một ngày, lại thấy nhiều chuyện đã xẩy ra, dù khác nhau về thời gian, địa điểm nhưng bản chất của sự việc vẫn na ná nhau. Trước một sự việc cụ thể đang xẩy ra, ai nói gì thì nói; lần sau, lúc khác nó lại tái hiện dưới một hình thức khác. Oái oăm thật. Vẫn y chang hoặc tồi tệ hơn. Không thèm thay đổi, dù trước đó, ngay lúc đó đã có nhiều tiếng nói cảnh tỉnh, phê phán, kiến nghị v.v…
Có cảm giác cái sự trì trệ, ao tù, rị mọ, nhùng nhầy, lằng nhằng trong xã hội nó vẫn cứ thế. Nó xộc xệch lê thê léch thếch kéo dài từ ngày này qua tháng nọ. Chẳng hứa hẹn ngày sau, ban mai sẽ rực lên một thứ ánh sáng mới mẻ nào. Đứt thì không đứt hẳn, cứ cù nhằng, cù nhây, cù nhầy, không ra khoai ra môn, ra nếp ra tẻ, ra đầu ra đũa cái gì cả. Người Việt ví von “nước đổ đầu vịt”, “nước đổ lá môn”. Nghe ra ấn tượng quá. Vậy hóa ra, nói không khó, biết nghe mới khó. Than ôi, một trong lạc thú ở đời chính là được nói, há mồm ra mồm ra nói chứ không phải được nghe.
Đọc sách, nghĩ cho cùng cũng là một cách nghe.
Hôm qua đọc gì?
Đọc lại mấy câu ngô nghê của trẻ nhỏ thời xưa. Đọc thật nhanh, đọc liên tục chắc chắn nhiều người sẽ vấp. Ai nghĩ ra những câu ngộ nghĩnh thế này ta? Có lẽ chẳng phải nhà văn nào đâu, chỉ là tiếng nói cà rỡn trong dân gian đó thôi. Lưu truyền từ đời này qua đời khác. Thử đọc nhiều lần, đọc nhanh xem sao:
Ăn cơm dưới đò, lên đèo mà đói;
Một con ngựa kéo đá; (đọc tăng dần số lượng con ngựa ở các câu lặp lại như hai con ngựa kéo đá v.v...);
Một con cá mòi béo, để con mèo đói ăn;
Mượn cái xanh, nấu bát canh, cho hẹ cho hành;
Quần tía rách để trên vách đất;
Một con cò xanh nhảy quanh hòn đá, chờ cho nước cạn cho cá ăn tôm;
Nồi đồng nấu ốc, nồi đất nấu ếch v.v…
A, đọc liến láu một hồi, đọc thật nhanh là vấp, là trẹo lưỡi rồi, phải không? Trẻ con của thời đại dễ dàng sản sinh ra “anh hùng bàn phím “ chắc chắn không có trò chơi lý thú này. Thi sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải nổi tiếng với mấy bài thơ Mong anh khóa, Tiễn anh anh khóa xuống tàu đầm đìa nước mắt:
Anh khoá ơi! Đường bắc nam bao xiết nỗi ai hoài,
Gạt sầu pha lệ, viết mấy lời tỏ dạ nhớ mong.
Nước non xa muôn dặm vẫy vùng,
Quê nhà đất cũ xin thấu tấm lòng cho ai.
Này hỡi anh khoá ơi!
“Khóc tiễn đưa”, thường nghe rồi. Chẳng ai nghe ai nói “khóc đãi” bao giờ. Ấy thế mà có. Thời còn sinh viên, đi sưu tầm văn học dân gian ở An Giang, lần đầu tiên biết đến bông điển nhưng chưa được thưởng món ăn từ bông điên diển mà cụ Vương Hồng Sển miêu tả các cô gái Nam bộ lúc dùng xuồng: “đem theo chảo đựng mỡ thắng mới, nào bột gạo có trộn sẵn đường và hột vịt cho vừa sệt sệt, rồi ban mai dậy thật sớm, chị em chèo xuồng ấy ra đồng… vói tay kéo nhánh hoa tươi tốt trên cành, nhúng nhánh ấy vào vịm bột cho thắm hoa rồi nhúng cũng nhánh hoa ấy vào chảo mỡ nóng… Ôi! Còn bánh nào ngon lành hơn bánh linh động trên cành hoa tươi như vậy” (Di cảo năm 1994). Cũng lần đầu tiên nghe được câu ca dao :
Anh ra về, em khóc đãi đưa anh
Nợ duyên, duyên nợ không thành thì thôi
Nghe da diết ngậm ngùi, nhưng đọc lần nữa lại bật cười khi phát giác và hiểu “khóc đãi”, chỉ là một cách nói tinh nghịch của người Việt. Đọc lại câu này, để thấy rằng âm vị tiếng Việt cực kỳ phong phú:
Con công nó qua chùa Kênh, nó nghe tiếng cồng, nó kềnh cổ lại
Con cóc leo cây vọng cách, nó rơi xuống cọc, nó cạch tới già.
Mấy âm Kênh, cồng, kềnh, cách, cọc, cạch… nghe ra thế nào?
Nghe và cảm được nhịp đi của một thời đại, đến nay, trong nhận thức của y, giai đoạn của năm 1944 - 1945, nhà văn nắm bắt tài tình nhất, chân thật nhất vẫn là Sống mòn của Nam Cao. Ở đó, những nhân vật như Thứ, San, Đích… sống mòn mỏi trong không khí dằn vặt, hèn mọn, nhỏ nhen, ti tiện, tủn mủn của đời thường, mặt tối sầm những âu lo, nhưng có khát vọng “sống phải làm một cái gì đẹp hơn, cao quý hơn”. Tình hình chính trị bấy giờ ngày càng ngột ngạt, oi bức như đang báo hiệu một cơn sấm sét sẽ đến. Tháng 3.1945, Nhật nhảy vào Đông Dương tước khí giới của Pháp. Rồi những gì đã xẩy ra? Bài thơ Chuyến xe xác đi qua phường Dạ Lạc của Văn Cao cũng gợi lên không khí bi thảm, đứt đoạn, mạch đời sắp đứt, buồn não lòng…
Thời đại đang sống, ta nghe ra nhịp sống từng ngày đang thế nào?
Sáng chủ nhật vừa rồi, vào cửa hàng sách Kim Đồng lựa một ít sách. Nhiều tác phẩm đã có rồi nhưng vẫn mua. Mua thêm một ấn bản mới. Đơn giản chỉ vì thích mùi thơm của mực in, giấy mới. Nhân đó, đọc loáng thoáng qua một ít sách đã chọn. Thì ra, dù viết cho thiếu nhi nhưng với Nam Cao, ngay cả người lớn đọc vẫn thấy thích thú, vẫn tìm thấy hình bóng, suy tư, tâm trạng của của mình. Tài năng nhà văn ở chỗ đó. Viết, đối tượng nào cũng có thể đọc. Cảm nhận và thích thú. Ở Việt Nam, chưa nhiều nhà văn có bút lực viết những tác phẩm dành cho độc giả cỡ từ mới lên 9 đến 99 xuân xanh. Vẫn say mê. Náo nức tìm đọc.
Chưa có nhà văn tài năng tầm cỡ ấy, nhưng trong đời, y biết, có những người có thể thân tình, “bồ tèo” từ ông già 99 xuân hồng đến trẻ mới vừa lên 9. Ai đời, sinh nhật chỉ có ăn với nhậu lai rai, không khoa trương ồn ào mà cũng được “lên báo”. Oách quá nhỉ? Thì đây, anh bạn Hà Đình Nguyên vừa viết trên TNCN ngày 26.5.2015: “Dù đã bước qua lứa tuổi U.70 nhưng nhà văn Đoàn Thạch Biền (sinh năm 1947) luôn được anh em văn nghệ công nhận là... “nhà văn trẻ”. “Trẻ” không chỉ ở sắc diện, ngoại hình mà còn trẻ tự tâm hồn. Đầu thập niên 1990, Đoàn Thạch Biền là một trong những người chủ trương xuất bản tập san Áo Trắng. Tập san này không chỉ đăng thơ văn, mà còn giới thiệu những cây bút trẻ, triển vọng... Suốt 25 năm qua, đã có rất nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà báo... xuất thân từ “lò Áo Trắng” của ông Biền. Vì thế, dù sinh vào ngày 10.5 nhưng mỗi dịp sinh nhật của “thầy Biền” thường kéo dài gần suốt tháng 5, dù nhà văn không hề muốn như thế, nhưng đàn em, học trò ai cũng muốn dành một ngày cho riêng thầy, nên thầy đành tắc lưỡi, chiều theo ý trò”.
Ở đời, trở thành một Tống Giang, quy tụ được anh em bè bạn cõi Lương Sơn Bạc mới là cái khó. Lại nữa, nói, cất lên tiếng nói, không khó, biết nghe mới là khó. Sáng hôm nay, nghe gì? Viết thêm đôi dòng, mượn thơ Huy Cận gửi đến một người, một cái tên vỏn vẹn chỉ một từ “Nàng”:
Người khẽ nắm tay, tôi khẽ nghiêng mình
Như sắp nói, nhưng mà không; khóm trúc
Vừa động lá, ta nhận vào một lúc
Cả không gian hồn hậu rất thơm tho;
Gió hương đưa mùi, dìu dịu phất phơ...
L.M.Q
Tập Kim Vân Kiều in tại nước ngoài - Tư liệu L.M.Q
Sáng thức dậy sớm, như mọi ngày. Loay hoay cùng công việc mỗi ngày. Tự dưng lại nhớ đến Truyện Kiều. Cuốn sách này đặt trong phòng tắm, vì thế, buổi sáng nào cũng đọc vài trang, đọc đi đọc lại hằng ngày. Hiện nay, Hội đồng chấp hành UNESCO đã ra Nghị quyết 191/EX32 về việc UNESCO cùng các quốc gia thành viên kỷ niệm trong hai năm 2014 và 2015 một số nhân vật có tầm ảnh hưởng đặc biệt trên thế giới. Nghị quyết nêu 93 nhân vật có những đóng góp lớn trong lĩnh vực văn hóa được kỷ niệm, trong đó có đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam. Đón chào sự kiện này, Lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 2015) sẽ Nhà nước ta được tổ chức cấp quốc gia.
Cho đến nay, Truyện Kiều là tác phẩm văn học duy nhất được một dân tộc dùng để bói - “bói kiều”. Dân tộc Ý tự hào với Thần khúc của thi sĩ Dante Alighieri viết từ thời trung cổ, nhưng người Ý không dùng để bói. Người Tây Ban Nha tự hào đã sinh ra đại văn hào Miguel de Cervantes, mới đây họ sung sướng, mãn nguyện khi tìm ra hài cốt của cha đẻ Don Quixote - nhà quý tộc tài ba xứ Mancha, nhưng kiệt tác đó không hề dùng để bói.
Nhân đây nói luôn, năm 1616, đại văn hào Cervantes được chôn cất tại Tu viện Barefoot Trinitarians như ý nguyện của ông. Tu viện này sau đó được xây dựng lại, di cốt ông được dời sang tòa nhà mới vào cuối thế kỷ 17 và từ đó bị thất lạc hàng thế kỷ. Tháng 1.2015, các nhà khoa học đã tìm thấy một quan tài trên nắp có chữ viết tắt MC trong một hốc tường, nơi có nhiều bộ xương người lớn. Bằng các phương pháp khoa học, họ đã xác định được xương của Cervantes cùng vợ ông.
Chẳng hề có dân tộc nào trên trái đất này sử dụng kiệt tác của đất nước mình để bói, dù nó đã trở thành di sản văn hóa của cả nhân loại. Duy nhất chỉ có dân tộc Việt với Truyện Kiều. Tại sao? Có nhiều cách lý giải. Chỉ xin nhắc lại ý kiến của Tiến sĩ Đào Nguyên Phổ. Từ năm 1895, ông cũng đã đặt câu hỏi như thế và lý giải phải chăng văn chương Truyện Kiều là một “khúc tình từ quán tuyệt thiên cổ… cho nên chẳng những làm say lòng người đọc mà còn cảm thông được thần linh nữa?”. Ít ai nhớ đến Đào Nguyên Phố chính là bố của nhà báo cự phách Đào Trinh Nhất, cũng là một tay mê Truyện Kiều.
Thông thường khi muốn “bói Kiều”, người ta khăn áo chỉnh tề, tay cầm cuốn Truyện Kiều, thành tâm với điều mà mình muốn biết sắp xảy ra như thế nào, nhìn nén hương đang cháy nghi ngút và khấn: “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều con tên là… xin cho con biết chuyện X của con sẽ như thế nào, xin ứng vào trang (phải hoặc trái), dòng thứ… (tính từ dưới lên hoặc từ trên xuống)”. Khấn xong, người bói lật trang Kiều để tìm câu ứng nghiệm, tùy theo tâm thế của mình mà suy ngẫm, so sánh, tính già tính non…
Sáng nay, y cũng bói Kiều.
Bói về chuyện gì?
Dạo gần đây trên các cơ quan truyền thông nước nhà đồng loạt đưa tin về việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng các công trình tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Y đã bói và đã nhận được hai câu 861 - 862:
Sau dầu sinh sự thế nào
Truy nguyên chẳng kẻo lụy vào song thân
Sáng nay, anh bạn đồng nghiệp Lam Điền có viết trên báo TT bài Nguyễn Du cũng khóc thét! Tại sao có cớ sự này? Tuần qua, nhiều báo đưa tin về việc ông nọ có Triển lãm bộ sưu tập Truyện Kiều tại trung tâm thương mại Crescent Mall (Q.7, TP.HCM), từ ngày 10.5.2015 đến ngày 21.5.2015.
Ngoài những lảm nhảm sơ suất không đáng có, anh cho biết (nguyên văn): “Thứ hai là có những sai sót, như nội dung in chính thức trong tấm bảng giới thiệu “bộ sưu tập” dựng ngay bên cổng vào khu vực triển lãm, như sau: “Truyện Kiều là một bài thơ chữ Hán do Nguyễn Du (1766-1820) sáng tác, và được coi là kiệt tác của văn học Việt Nam. Tác phẩm có tựa gốc tiếng Việt là Đoạn Trường Tân Thanh, nhưng thường được biết đến dưới tên gọi Truyện Kiều. Thể hiện trọn vẹn trong 3.254 câu thơ, viết bằng thể lục bát, bài thơ kể lại cuộc đời, những thử thách cũng như đau khổ của Thúy Kiều - một người con gái trẻ đẹp và tài năng, phải hi sinh thân mình để cứu gia đình. Vì cứu cha và người em trai thoát khỏi tù tội, Kiều buộc phải gả cho một người đàn ông trung niên mà không biết rằng gã là một tay ma cô, và Kiều bị ép phải làm gái lầu xanh”.
Không cần phân tích thêm, ai ai cũng đã nhận ra sự ngô nghê, sai sót quá đỗi trầm trọng này. Truyện Kiều có câu “Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau” là trường hợp này. Còn có thể kể thêm: Năm 2012, NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành quyển Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng do Đỗ Minh Xuân khảo dịch. Cái sự hoang tưởng, điên rồ không thể chấp nhận được là cái ông ấm ớ bệnh hoạn này đã tùy tiện sửa đến 1/3 câu chữ trong Truyện Kiều. Báo chí phê phán dữ dội. Trong nhiều bài thuyết phục, phân tích sâu, có thể nhắc đến bài đã in trên Tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Chuyện cũ này, không bình luận nữa bởi giẻ rách ấy không đáng lưu giữ trong tủ sách, vậy cớ gì phải bận tâm?
Từ nhiều năm nay, các nhà nghiên cứu về Truyện Kiều đã không ngừng tranh cãi về từng chữ - từng viên ngọc "nhất phiến tài tình thiên cổ lụy". Khó có thể biết đâu là từ gần với nguyên bản nhất. Với trình độ hạn hẹp, y nhận ra rằng, văn bản nào cũng có cái lý riêng và thuyết phục cả. Chẳng hạn câu:
Kể từ lạc bước chân ra
Cái thân liệu những từ nhà liệu đi
Có bản không phải “liệu” mà “liều”. Vậy “liệu” hay “liều”? Nhiều nhà ngôn ngữ học tranh luận chán chê, vẫn bất phân thắng bại. Thử nghĩ, trong thể thơ lục bát có nguyên tắc “nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh”. Có thể hiểu, câu lục: chữ thứ 2 (bằng), chữ thứ 4 (trắc), chữ thứ 6 (bằng) có thể thay đổi âm điệu bằng trắc, miễn xuôi tai, thí dụ bằng trắc trong các câu: “Kể từ lạc bước chân ra"; hoặc "Trăm năm trong cõi người ta” đều được cả.
Nhưng câu bát, dứt khoát: chữ thứ 2 (bằng), chữ thứ 4 (trắc), chữ thứ 6 (bằng), chữ thứ 8 (bằng). Căn cứ vào đó, ta nhận ra rằng câu thơ trên ắt phải: “Cái thân liệu những từ nhà liệu đi”. Câu thơ có sức nặng hơn, xuôi tai hơn hẵn “Cái thân liều những từ nhà liều đi” nhẹ hều. “Liều” là cách chọn của bản Trương Vĩnh Ký, Lê Văn Hòe, Chiêm Vân Thị…; “liệu” là cách chọn của bản Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, Tản Đà, Nguyễn Thạch Giang, Đào Duy Anh…. Mà có lẽ, muốn tìm sự hợp lý còn phải xét thêm chỗ khác nhau và giống nhau giữa hai từ “liều”/“liệu” trong từng chuỗi ngày gian truân của Thúy Kiều.
À, viết đến đây, sực nhớ đến câu thơ khác của Bùi Giáng, ảnh hưởng sâu sắc từ Truyện Kiều:
Kể từ lạc bước chân ra
Cái thân liệu những từ nhà liệu đi
và:
Lỡ từ lạc bước chân ra
Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn
Chừng 20 năm trước, thỉnh thoảng hay qua báo SGGP chơi với nhà văn Trần văn Tuấn. Thấy trên bàn của anh bề bộn bài vở cần biên tập gấp, rồi phải viết các bài báo cho kịp thời sự, bèn hỏi: “Anh viết văn vào lúc nào?”. Anh cười khà: “Mỗi chiều đi làm về, trong lúc chờ vợ nấu cơm, tớ ngồi viết”. Trưa này, y cũng thế, chờ cơm mẹ nấu, y lại lẩn thẩn thêm vài từ khác trong Truyện Kiều. Chẳng hạn, câu này:
Nặng như bấc, nhẹ như chì
Gỡ cho ra nợ còn gì là duyên
Lại có bản thay thế “nợ” là “nữa”. Vậy “nợ” hay “nữa”? Văn bản Tản Đà, Lê Văn Hòe, Chiêm Văn Thị, Nguyễn Thạch Giang.. chọn “nợ”; văn bản Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Hoàn... chọn “nữa”. Sự tranh luận này vẫn chưa kết thúc. Có một thời gian dài trên chuyên mục Chuyện Đông chuyện Tây của tạp chí KTNN, ông An Chi lúc ấy phụ trách, thường nêu nhiều ý kiến khác nhau về các từ trong Truyện Kiều. Theo ông chữ này phải đọc thế này, chứ không phải thế kia v.v.... Sự tranh luận này lý thú, qua đó, có thể học hỏi thêm được nhiều vốn từ, thêm yêu sự uyển chuyển linh hoạt của tiếng Việt.
Thôn ca sơ học ma tang ngữ
Dã khốc thời văn chiến phạt thanh
(Nguyễn Du)
Dịch nghĩa: Tiếng hát nói thôn xóm giúp ta học những câu tả về trồng dâu, trồng gai; Tiếng khóc nơi đồng nội như nhắc lại thời chiến tranh.
Thật vậy, lời ăn tiếng nói trong dân gian đã và đang diễn ra hằng ngày chính là chất liệu quý báu cho bất kỳ ai muốn hiểu về sự phong phú, đa dạng của tiếng Việt. Trong khi đó, mỗi ngày, y lại nhẩn nha với từng trang sách cũ, liệu có ích gì không? Nắng ngoài trời tốt tươi quá, sao không xuống phố, nhập vào dòng chảy tươi mới của mỗi ngày, thu thập thêm những vốn từ mới? Có hay hơn không? Trả lời câu hỏi này thế nào? Bèn thử bói Kiều xem sao, ứng vào hai câu 1875-1876:
Chước đâu rẻ thúy chia uyên
Ai ra đường nấy ai nhìn được ai
L.M.Q
Ngày hôm qua, ngày 19.5.2015, một ngày khó quên: Kỷ niệm 40 năm ngày Báo Phụ Nữ TP.HCM phát hành số báo đầu tiên. Thoáng đó, y đã có 30 năm công tác tại tờ báo này. Một nơi, đã từ lâu, y xem như gia đình thứ hai. Thân thương. Trìu mến. Nghĩa tình chan hòa. Mọi việc xẩy ra trên đời là cái lẽ nhân duyên. Dù hư ảo, lờ mờ khó nhận ra nhưng nó lại rất thật, có thật dưới vòm trời này.
Ngày kia, sau khi rời khỏi TT, vì theo nhận định của Ban biên tập là y khó có thể theo đuổi nghề báo, vì tâm hồn bay bổng quá, suốt ngày chỉ thơ thẩn, hết in thơ báo này đến báo kia. Trong khi đó, các bài phản ánh thời sự lại viết ạch đụi vì ít chịu đi thực tế. Đúng thế, “đi thực tế” trong khoảng thời gian làm việc ở TT, với y chính là thư viện của báo. Nơi này còn lưu trữ khá nhiều tạp chí, báo chí, sách báo in ấn, phát hành trước năm 1975. Mê quá. Mỗi ngày vào cơ quan, y chui tọt vào đó lục lọi, tìm đọc tất tần tật. May, thuở ấy, chú Dậu - thủ thư, do thương tình nên tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất. Kể cả những buổi trưa, ngủ luôn trong thư viện.
Rời khỏi báo TT, y đi xin việc nơi khác. Trước đó, do một dịp tình cờ, y đã gặp nhà báo Nguyễn Công Khế và có trình bày nguyện vọng. Anh đồng ý, một phần vì anh có thời gian ở tù chung với ba của y tại nhà lao Đà Nẵng. Một buổi sáng đẹp trời của năm 1989, y qua báo TN theo lời hẹn với anh Khế, trên đường đi, bỗng dưng gặp nhà báo Thanh Bình ngay trước cổng báo PN. Anh gọi vào tòa soạn ngồi chơi, uống trà. Ngày đó, trước cổng báo PN tại 188 Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM còn có giàn hoa giấy, thêm một khoảng sân rộng trồng cây xanh (sau này trở thành nơi phát hành, quảng cáo, tiếp bạn đọc, phát nhuận bút - tất nhiên các phòng đó đều nhỏ nhắn, xinh xắn như hộp diêm). Qua trò chuyện, anh Thanh Bình gợi ý nên xin về báo PN. Chần chừ, chưa biết trả lời sao, lúc ấy, chị TBT Thế Thanh đi ngang qua, biết được câu chuyện, chị cũng bảo thế. Câu thơ của nhà văn Nguyễn Vỹ (1910 - 1971), từ đó “vận” vào cuộc đời y:
Còn tôi bưng thúng theo đàn bà
Ra chợ bán văn, ngày tháng qua
Đến bây giờ vẫn chưa có dịp hỏi lại, vì sao ngày đó chị Thế Thanh nhận ngay y về Báo PN dù chưa xem qua sơ yếu lý lịch, chưa xem đơn xin việc?
Há chẳng phải nhân duyên đó sao?
Ngày đó, Báo PN còn ít phóng viên nam, y được giao viết mảng công tác Hội ở ngoại thành, thay cho chị Hồng Tuyến. Sau ngày nhận nhiệm vụ, hai chị em phóng chiếc xe Honda cà tàng của cơ quan đi khắp quận huyện, xã. Đi nhằm mục đích, chị giới thiệu và "bàn giao" y cho các chị, các cô, dì tại cơ sở Hội các cấp. Lúc ấy, y ký bút danh Trần Thị Vĩnh Phúc, sau đổi qua Huyền Sương. Do ký bút danh nữ nên mới có lắm chuyện buồn cười. Trên tạp chí Nghề báo của Hội Nhà báo TP.HCM (số phát hành tháng 7.1995), y có kể trong bài Hoa lạc giữa rừng gươm:
“Thời đó, tôi còn trẻ. Mỗi lần đi xa như thế thì tôi không quên chở theo “mèo” để tâm sự suốt đoạn đường xa hun hút. Đó là thời gian thú vị, vừa đi công tác, vừa hẹn hò tán tỉnh, thử hỏi có mấy nhà báo được như tôi? Nhưng có một lần làm tôi tởn tới già! Trong một lần tôi về huyện Nhà Bè để viết về phong trào vận động sinh đẻ có kế hoạch, mặc dầu tôi đã đưa ra giấy giới thiệu, nhưng mấy chị trong Hội vẫn khăng khăng cầm tay… cô bồ của tôi mời vào phòng làm việc. Còn tôi thì nghe được câu phán ngọt ngào: “Anh là chồng của cô nhà báo hả? Vậy anh ngồi ngoài đợi một chút nhé!”. Không đợi tôi trả lời, thế là tôi được kéo ra ngoài.
Sau hơn một giờ làm việc, cô bồ của tôi mặt bí xị! Cô ta ném trả lại tôi tờ giấy giới thiệu, thì ra trong giấy ghi rõ “PV Trần Thị Vĩnh Phúc”. Các chị ở Hội hiểu lầm là phải.
Sau vụ “động trời” này, may mà Ban biên tập không biết, tôi bèn lẳng lặng bỏ bút hiệu này. Sau đó, tôi chuyển qua ký hiệu “Huyền Sương”. Tên này nghe cũng tuyệt đấy chứ!
Có một lần, một bạn đọc mày râu bặm trợn xộc vào tòa soạn tìm nữ phóng viên Huyền Sương! Tôi phải ra tiếp khách. Sau một hồi khen ngợi những bài viết của Huyền Sương, anh ta muốn gặp mặt nữ phóng viên này, tôi đáp: “Cô ta đi vắng. Anh có nhắn lại gì không? Tôi sẽ chuyển giúp”. Sau một lúc ngồi suy nghĩ, anh ta lấy trong túi áo một cánh hoa hồng và lá thư tỏ tình viết bằng mực tím đưa cho tôi! Trời đất! Tôi hoảng quá! Không thể không nói rõ với anh ta về sự oái oăm này, tôi nén tiếng thở dài: “Thưa anh, chính tôi là phóng viên ký tên Huyền Sương”.
Chuyện gì sẽ xảy ra?
Anh ta đứng bật dậy và đi ra khỏi tòa soạn một mạch mà không thèm bắt tay tôi! Đấy, làm báo phụ nữ mà ký tên cho giống phụ nữ thì hãy… liệu hồn (!)”.
Chiều qua, tại cơ quan đã diễn ra cuộc họp mặt tri ân các thế hệ làm báo cựu trào, và những anh chị em đã từng công tác. Tại tòa soạn 311 Điện Biên Phủ, Q.3, nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên có kể, khoảng thời gian 1990 - 2002, anh bút danh Quỳnh Vy - tên con gái đầu lòng. Một bạn đọc nam đòi gặp cho bằng được nữ nhà báo Quỳnh Vy, mới cung cấp tài liệu “mật”! Cuối cùng, không còn cách nào khác anh đành "lật bài ngửa" là cũng trường hợp tương tự. Chuyện nhà báo nam ký bút danh nữ đã có "truyền thống" từ lâu trong nền báo chí nước nhà. Chẳng hạn, nhà báo, nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh ký Đào Thị Loan, Nguyễn Vỹ ký Lệ Chi, Diệu Huyền, Phạm Cao Củng ký Phạm Thị Cả Mốc, Lê Văn Trương ký Cô Lý, Hồ Dzếnh ký Lưu Thị Hạnh, Vũ Bằng ký Cô Ngã (lúc làm tờ Vịt Đực), Hoàng Thiếu Phủ có lúc ký Hà Tiên Cô, Vũ Hạnh ký cô Phương Thảo, Trần Văn Thạch ký Trần Như Liên Phượng v.v...Những câu chuyện tác nghiệp, nghiệp vụ của nhà báo, nếu chính nhà báo kể lại sẽ hữu ích cho các bạn trẻ mới vào nghề nhiều lắm.
Sau cuộc hàn huyên tâm sự, mọi người cùng qua Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức phụ nữ của báo PN (số 20 Nguyễn Văn Giai, Q.2, TP.HCM). Nơi ấy cũng đang tiếp đón nhiều quan chức, văn nghệ sĩ, khách mời khác đến tham dự lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Báo. Buổi lễ này, Ban biên tập đã tổ chức long trọng, ấm cúng, chan hòa tình nghĩa. Cuộc gặp giỡ với các đồng nghiệp cũ đã lưu luyến trong lòng nhiều cảm xúc chân thành. Y quay về nhà, viết gấp bài bài báo Người trong một nhà, kịp in số báo phát hành sáng nay.
Còn có nhiều kỷ niệm đáng nhớ của năm tháng đã qua. Sực nghĩ, điều may mắn của một thanh niên khi vào đời, không phải thu nhập cao mà chính là sự tử tế trong quan hệ đối xử giữa các đồng nghiệp, giữa nhân viên và người lãnh đạo tại cơ quan ấy, công ty ấy. Y đã có may mắn đó. Nếu đọc kỹ, sẽ thấy có không ít bài thơ, y đã viết cũng từ các sự kiện do Báo PN đã tổ chức trong 40 năm qua. Có thể kể đến các cuộc thi có tính tiên phong do một cơ quan báo chí tổ chức như Hoa hậu áo dài, Đua xe đạp nữ, Thời trang tuổi 40, Thời trang Mẹ và Con v.v… Những dịp ấy, các chị trong Ban Biên tập - nhất là chị TBT Thế Thanh thường “đặt hàng” mà thật ra là chỉ đạo: “Q có thơ gì không?”. Được lời như cởi tấm lòng. Thơ dào dạt tuôn ra. Còn nhớ bài thơ Hoan hô xe đạp in trên PN - số báo phát hành dịp 8.3.1992 tặng các vận động viên tham gia giải đua xe đạp:
Không phải Maika trên trời rơi xuống đất
Sáng hôm nay, em bỗng hóa thiên thần
Ồ! Mỵ Nương lần đầu đi xe đạp
Trương Chi nhìn đắm đuối những bàn chân
Tâm hồn reo lên theo nhịp bánh xe lăn
Đang chạy vòng quanh trong sân Phú Thọ
Tôi thèm hóa thân thành vuông cỏ xanh
Đón nhận vòng xe đang lăn qua đó
Tôi đột ngột thèm hóa thành ngọn gió
Thổi lời tự tình theo tóc em bay
Đời sẽ vui khi cười trên xe đạp
Xin chở tôi theo qua những dốc đường dài
Nếu Rômêô tồn tại đến ngày nay
Chàng sẽ chở người yêu dạo chơi bằng xe đạp
Guilliet thong thả tựa vào vai
Lắng nghe trái tim tình nhân run nhịp đập
Tôi hy vọng một niềm tin trong sạch
Sau hiến dâng kia, Thị Nở ước mơ rằng:
Nếu trúng số thì cũng mua xe đạp
Tặng Chí Phèo dạo mát dưới đêm trăng
Và cuộc đua bắt đầu - tôi ca ngợi muôn năm
Hỡi cổ động viên reo hò như trẻ nhỏ
Cái Đẹp thể thao là nhan sắc vĩnh hằng
Lần đầu tiên tình yêu bay trong gió
Nhà thơ đi làm báo còn có lợi thế, không chỉ viết những bài báo phản ánh sự kiện đang diễn ra mà có thể kịp thời tác nghiệp bằng… thơ. Rồi sau này, các bài thơ khác viết về xe đạp cũng chính từ cảm hứng đó. Câu chuyện về năm tháng làm báo còn dài. Một dịp khác sẽ kể tiếp.
L.M.Q
Mẹ của Lê Minh Quốc
“Trẻ cậy cha, già cậy con”. Tâm lý của phụ nữ Á Đông, một trong những lý do kết hôn là vậy. Tưởng là thế, nhưng rồi con cái lớn lên lại chạy rượt theo bóng hình xa lạ nào đó. Có thể khiến nó mất ăn mất ngủ, “chết đi được”, trong khi đó, người mẹ bên cạnh có bao giờ nó quan tâm đến mức đó đâu. Rồi lúc nó có vợ có chồng có con có cái, mối quan tâm về cha về mẹ thế nào?
Những ngày này, y đang ở với mẹ. Sẽ quan tâm, lo lắng nhiều đến bà cụ chăng? Không hề. Mỗi một ngày, mẹ vẫn lo toan cho bữa cơm trưa, chắt chiu từng cọng rau, củ hành, con cá, miếng cơm dẻo bùi... Nhưng rồi có những lúc, đũa bát trên mâm lạnh tanh. Trưa ấy, không về nhà. Mải mê theo nhưng cuộc vui vớ vẩn sa đà chân dài váy ngắn. Mẹ nấu cơm mỗi ngày là mừng. Mừng bởi biết mẹ còn khỏe, còn tỉnh táo, còn có thể đi đứng quán xuyến cửa nhà. Ngày tháng này còn kéo dài bao lâu nữa? Khó có thể đoán biết. Nhưng chắc chắn ngày ấy sẽ đến. Sống với mẹ già, tưởng rằng con nuôi mẹ nhưng thật ra không phải. Mẹ vẫn tiếp tục nuôi con. Sự tồn tại của mẹ già trong ngôi nhà, tự hình ảnh đó, đã gợi lên một sức sống để người con tự ý thức phải sống thế nào cho có trách nhiệm hơn. Vừa rồi đọc trên facebook của anh bạn nhà văn Ngọc trong đá, Vĩnh biệt mùa hè:
Mẹ thành mây trắng đã lâu
Con về thăm mẹ, ngồi đâu cũng buồn
Về ngồi lại trong căn nhà mẹ đã ở, lập tức bao nhiêu kỷ niệm buồn vui, hình bóng, dáng đi, giọng nói của mẹ ùa về như thác lũ. Ngập ngừng chân bước. Lẻ loi. Cô độc. Lúc ấy, con người ta mới thật sự cảm thấy bơ vơ biết chừng nào. Viết những dòng này, khi hay tin mẹ của những đứa em dòng họ Lương - con cậu ruột vừa qua đời đêm qua tại Quảng Ngãi. Chắc chắn rằng mọi tin nhắn, mọi ngôn từ chia sẻ gì trong lúc này cũng nhẹ hều. Đành thôi. Im lặng. Và lặng lẽ chia buồn. Khi mất mẹ, nỗi buồn ấy có gì sánh bằng?
Nhớ đến người đã mất - bà mợ người Huế. Thời nhóc tì, mỗi dịp hè, đều được ba mẹ dẫn vào thăm cậu mợ. Ngôi nhà này ở ngay trong Nhà máy đèn Quảng Ngãi. Nhớ nhất mổi sáng thức dậy, cả nhà ngồi quanh chiếc bàn tròn dưới tàng cây trứng cá. Ăn bánh tráng nướng, đã nhúng nước và chấm với xì dầu có những mảnh ớt xanh cay lè. Món ăn của tuổi thơ luôn ghi đậm trong ký ức đời người. Khó quên. Quảng Ngãi, nơi ấy, y hầu như không có một nỗi nhớ nhung vời vợi nào, vì thuở ấy còn quá nhỏ để nhớ, để ghi nhận trong tiềm thức.
Thật khó có thể tưởng tượng một đứa trẻ vô gia cư, mồ côi, lớn lên không hề có bóng dáng của ông bà, các cô, dì, cậu, mợ thì đời sống tình cảm sẽ thế nào? Đó cũng là một nỗi bất hạnh. Không rõ, những đứa trẻ hôm nay, nếu đọc Chim hót trong lồng của nhà văn Nhật Tiến sẽ có cảm tưởng gì? Trong trí nhớ của y vẫn còn nhớ đến bé Hạnh. Một đứa trẻ ở cô nhi viện, niềm vui lớn nhất mỗi tuần, vào ngày chủ nhật được mẹ đến thăm. Cô bé Hạnh viết thư cho mẹ: “Chủ Nhật ở đây hiu quạnh và buồn lắm. Ngoài vườn thì chỉ có sỏi trắng với lá vàng. Trên hành lang tất cả các dãy thì có những miếng đá hoa trắng, lạnh. Còn trong phòng lại càng chán. Giường nào của chúng nó cũng xếp gọn gàng. Đứa nào cũng háo hức được đi. Thế mà má lại bắt một mình con ở lại. Sao thế má? Sao thế má? Con van má, con lạy má, cho con được ra với má một tuần một lần. Con không đòi ngủ với má nữa, con sẽ về trường vào tối Chủ Nhật. Má bảo gì con cũng nghe, nhưng má phải cho con đi chơi với má, hay nằm với má buổi trưa, để được ôm lấy cổ má, được gãi lưng cho má, con thích thế, và chỉ cầu mong được như thế. Má có nghe con không, má có bằng lòng không, má có biết con khổ thế nào không, nếu con đợi mà không thấy má. Con sắp sửa khóc cho má xem đây này. Cứ nghĩ đến cái hôm phải đứng một mình ở sân sỏi, đỏ mắt lên chờ má, nhìn ai cũng không phải là má, trông ai cũng muốn người ấy là má, mà cuối cùng phải lủi thủi một mình ngồi ở ghế đá, con lại muốn phát khóc. Như thế thì má biết con gái má mong má như thế nào”.
Càng lớn lên, càng hiểu thêm một điều giản dị, bất kỳ ai, dù còn bé hay đã lớn cũng có ước mơ đó. Khi đi xa, ngày trở nhà, trong đầu mỗi người luôn nghĩ đến người đầu tiên gặp ngay cánh cửa vẫn là mẹ.
Mẹ thành mây trắng đã lâu
Con về thăm mẹ, ngồi đâu cũng buồn
Nghĩ đến ngày đó, tự dưng ứa nước mắt.
Sống trên đời dễ hay khó? Khó, rất khó. Dứt khoát là khó. Khó nhất vì thừa biết có lúc chính mình phải vĩnh viễn chia tay, không bao giờ gặp lại nữa, dù đó là mẹ của mình. Nhưng phải chấp nhận. Chấp nhận một sự thật, một vết cắt vô hình nhói buốt theo năm tháng. Nhà văn Võ Hồng có viết truyện ngắn Trận đòn hòa giải. Ba chị em mất mẹ ở với ba. Ba cưng chìu yêu thương lắm. Chị em có lúc hờn giận, giận dỗi nhau rất trẻ con, người cha mệt cả đầu. Rồi mọi việc sau đó thay đổi hẳn. Vì nguyên cớ gì?
Người cha cho các con xem tấm ảnh cũ, ngày ba chị em chụp chung lúc mất mẹ: “Trong ảnh, ba đứng một bên mộ, ông đứng một bên. Hào đứng cạnh ông, tôi đứng cạnh ba. Thủy nhỏ quá, ba phải bế đứng lên thành mộ, gần bên ba. Ba chị em đều mặc áo tang. Màu trắng của áo quần tang nổi lên nền đen của ngọn núi đàng sau. Mặc áo tang vào, trông đứa nào cũng lụng thụng, thật đáng thương hại. Nhất là khi quen mắt với quần áo mặc hàng ngày là kỹ, thẳng nếp. Ðã thế, mặt đứa nào cũng đờ ra. Hào đứng thẫn thờ buông xuôi hai tay như người chán đời. Thủy cúi nghiêng mặt để tránh mặt trời chói. Còn tôi thì tóc bay phờ phạc trước trán như một đứa trẻ ốm dậy. Thấm thoát mà thời gian qua mau làm sao. Tưởng chừng má mới mất khoảng mấy tháng nay thôi, sự đau xót còn thấm thía như một vết thương chưa lành kịp. Ấy thế mà bốn năm đã trôi qua. Nhìn lại bức ảnh mới thấy ba chị em bé bỏng đến tội nghiệp, đến buồn cười. Giá mà nhìn thấy ảnh này, chắc má ôm chầm lấy ba chị em mà òa ra khóc”.
Mẹ thành mây trắng đã lâu
Con về thăm mẹ, ngồi đâu cũng buồn
Nghĩ đến đó, đọc đến đó, lòng đã rười rượi buồn như chạm đến một cơn gió mới vừa đi qua đìu hiu vọng lại tiếng lòng cô quạnh.
Những ngày này, y vẫn còn có mẹ.
L.M.Q
Từ trái: Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Trọng Tạo, Lê Minh Quốc (đứng), Nguyễn Đông Thức, Bảo Ninh (ngồi) - chụp tại Hà Nội ngày 5.8.2010
Dòng đời vẫn lừ lừ trôi đi. Không gì có thể chống chọi lại thời gian. Sự việc mỗi ngày cứ tiếp diễn từng ngày như vốn có. Những cơm áo gạo tiền, những vợ ốm con đau, những chuyện này tủn mủn, bé nhỏ (nghĩ là thế) lại là mối quan tâm lớn nhất, vẫn thiết thực hơn cả. Mối quan tâm của nhóm người này, cá nhân người kia tưởng rằng to tát, ghê gớm nhưng rồi đám đông hiện tại, chứ nói gì đời sau, cần quái gì phải biết đến. Một đời sống của từng cá thể rời rạc. Chuyện ai nấy làm, chuyện ai nấy biết, không quan tâm gì ngoài cái tôi. Với những chuyện bếp núc văn chương tưởng là ghê gớm lắm, bàn cãi, tranh cãi, cãi cọ vung tí mẹt nhưng than ôi, có ai quan tâm đến đâu. Dòng đời vẫn lừ lừ trôi đi. Mỗi một ngày lại trôi đi. Câu chuyện thời sự trước mắt, chỉ nháy mắt đã trở thành cũ xì, lỗi thời.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu
Câu thơ của Huy Cận thỉnh thoảng quay về trong trí nhớ. Cũng từ trong trí nhớ của ngày hôm nay ghi nhận câu chuyện nọ, ngày mai có còn ai nhớ đến? Câu hỏi này không dành cho các nhà làm công tác tư liệu; hoặc có ý thức ghi chép biên niên của thời đại mà họ đang sống. Mà thể chế chính trị nào cũng cần có những bộ phận nghiệp vụ làm công tác này. Có như thế, đời sau mới có thể hình dung lại năm tháng của quá khứ. Đã có những tập sách dày cộm này được in ấn. Những ghi chép theo ngày, tháng, năm tưởng rằng đơn điệu, khô khan, tẻ nhạt nhưng đó mới chính là bức tranh sinh động nhất khi nhìn về quá khứ.
Đừng nói gì xa, chỉ với Đại Việt Sử ký toàn thư, dù không cụ thể từng ngày, nhưng ít ra cách ghi theo từng niên đại, triều đại rất hữu ích, cực kỳ giá trị khi đời sau muốn nhìn về quá khứ của cha ông đời Đinh, Lê, Lý, Trần… Còn có thể liệt kê ra nhiều bộ sử khác nữa. Chỉ đến thế kỷ XX, ở nước ta mới có lối ghi, gọi nôm na “chuyện từng ngày”. Có thể kể đến sự đóng góp quan trọng của các ông, bà như Đoàn Thêm, Dương Kinh Quốc, Dương Trung Quốc, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Anh, Trần Quỳnh Cư, Nguyễn Hữu Đạo, Nguyễn Tố Uyên v.v… Và nhiều vị đáng kính khác thuộc Viện Sử Học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam vẫn đang ngày đêm miệt mài làm công việc này.
Họ tiếp cận từ nhiều nguồn tư liệu, có thể từ công báo Nhà nước, từ các văn bản của Chính phủ, từ các quy định của các Bộ, ban ngành, đoàn thể v.v… Và tất nhiên, họ không thể bỏ qua một nguồn tư liệu thời sự cần thiết, chính xác đó là các nhật báo, tuần báo, tạp chí… đã và đang phát hành. Với các tờ báo đó, ngay cả phần tưởng rằng không thèm ghé mắt đến như các trang quảng cáo, rao vặt nhưng cũng hết sức cần. Nhìn qua đó, có thể biết mức sống, nhu cầu sinh hoạt của một thời. Lâu nay, y vẫn nghĩ rằng, để đeo đuổi công việc nhọc nhằn này, ắt phải tác nghiệp như thế. Nhưng rồi, chừng mươi năm lại đây, y đã có sự thay đổi.
Thay đổi như thế nào?
Rằng, nguồn tư liệu trên báo chí chính thống không còn là một kênh thông tin đáng tin cậy. Tại sao? Hoặc phản ánh không đúng mức độ của một sự kiện đang diễn ra; hoặc cố tình bỏ sót, không nhắc đến một sự kiện nào đó. Nếu có nhà nghiên cứu lão luyện, công tâm thử khảo sát lại quá khứ qua các trang báo đã ấn hành từ năm 1975 đến nay, ắt sẽ tìm ra các mảng thời sự, các đề tài thời sự, các thông tin thời sự mà lúc đó đã bỏ quên. Có thể bình luận thêm về điều này, nhưng không, chỉ là một gợi ý. Tuy nhiên, sự ra đời của hệ thống internet đã khắc phục được điều đó. Nghĩa là khó có thể, thậm chí không thể áp dụng biện pháp bưng bít thông tin trong thế giới phẳng. Nhân loại biết ơn khoa học kỹ thuật.
Những ngày này, trên báo chí chính thống hoàn toàn không đưa tin gì về việc đã có một số nhà văn tuyên bố rời bỏ Hội Nhà văn Việt Nam. Với tư cách một nhà báo, một cơ quan ngôn luận cung cấp thông tin cho bạn đọc không thể né tránh thông tin này, không thể liệt nó vào hạng “xe cán chó, chó cán xe”. Với sự am hiểu thiển cận, y nhận ra rằng, đây là lần đầu tiên, kể từ ngày thành lập Hội Nhà văn Việt Nam mới xẩy ra sự việc nhiều nhà văn cùng ra khỏi Hội một lúc. Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra từ tại Câu lạc bộ Đoàn Kết ở Hà Nội từ ngày 1.4.1957 đến ngày 4.4.1957. Không thể phủ nhận thời gian qua đã có công sức tài năng, tâm huyết của nhiều nhà văn trong việc vun đắp, xây dựng nền văn hóa của dân tộc v.v… Hiện nay, sự tuyên bố ra khỏi Hội của một số nhà văn, nhìn nhận qua lăng kính nào chưa bàn đến, nếu chỉ xét về mặt thông tin thì không thể bỏ qua.
Ấy thế, các trang báo chính thống không ghi nhận lấy một chữ, một dòng nào?
Tại sao?
Nếu chưa có internet, thông tin này chỉ có thể rỉ tai nhau. Nay đã khác. Trên các mạng xã hội đã đưa tin, đã bình luận với mức độ dày đặc. Đó là sự kiện báo chí. Mà đã sự kiện báo chí, nó cũng đi qua. Chẳng quan trọng gì lắm đâu. Nói như thế, để thấy rằng, với một nhà văn đã sống bằng nghề cầm bút, dù đứng trong tổ chức này; hoặc có chân trong tổ chức kia, hoặc không có trong tổ chức nào cũng chẳng là gì cả. Điều cuối cùng, duy nhất và còn lại vẫn là đã viết được những gì phụng sự bạn đọc? Sự tự vấn ấy mới ghê gớm làm sao, khốc liệt làm sao, quyết liệt làm sao. Không phải ai cũng đủ dũng khí đối diện với câu hỏi ấy. Khi đặt vấn đề nghiêm túc như thế, nói thật, nghĩ cho cùng cũng là một ảo tưởng nốt. Ảo tưởng về sứ mệnh của văn chương, về tài năng của mình, về quyền lực của chữ nghĩa. Ảo tưởng này đáng yêu và chẳng nên biếm nhẽ làm gì. Đó là chuyện riêng tư cá nhân tự họ trả giá, chịu trách nhiệm chính họ chứ nào có cần phải bắt ai gánh lấy đâu. Nó còn lương thiện, sáng giá, đáng kính trọng hơn một thứ ảo tưởng khác lại liên quan đến một và nhiều số phận khác.
Tiêu điều nhân sự đã xong,
Sơn hà cũng ảo, côn trùng cũng hư.
Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ,
Quán thu phong đứng rũ tà huy.
Phong trần đến cả sơn khê,
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.
Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy,
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.
Đau đấy. Nhưng rồi thế nào? Chiều nay, y đọc lại Sống mòn của Nam Cao: “Trên những bãi sông kia, trong những làng mạc, những khóm xanh xanh kia, có biết bao nhiêu người sống như y, không bao giờ dám cưỡng lại đời mình. Đời họ là một đời tù đày. Nhưng cũng như một con trâu, họ vẫn cắm cúi kéo cày, ăn cỏ, chịu roi. Ở bên kia những cánh đồng bùn lầy, là rừng xanh, cuộc sống tự do, cỏ ngập sừng. Con trâu có lẽ cũng biết vậy, nhưng chẳng bao giờ nó dám đi, chẳng bao giờ nó dám dứt đứt sợi dây thừng. Cái gì giữ con trâu lại ở đồng bằng và ngăn người ta đến một cuộc đời rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn? Ấy là thói quen, lòng sợ hãi sự đổi thay, sợ hãi những cái gì chưa tới. Ấy thế mà trên đời này lại chẳng có cái gì tới hai lần. Sống tức là thay đổi...”.
L.M.Q
(Ảnh: Lam Điền)
Có mấy thông tin cần ghi lại:
- Đài Truyền hình Việt Nam, cụ thể VTV3 trong chương trình Điệp vụ tuyệt mật phát sóng vào tối 2.5.2015 đã xẩy ra một sự cố nghiêm trọng: Hình minh họa đường bay cho thấy vị trí thủ đô Hà Nội bị "di dời" sang lãnh thổ Trung Quốc.
- Báo Người Lao động cho biết, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã thực hiện với chi phí không ai ngờ tới “25,8 triệu USD xây 1 km đường”. Với những nhà thơ vốn dốt về toán học, dù có mày mò tính tính toán toán suốt một ngày cũng không thể biết rằng số tiền đó tương đương 554 tỉ đồng. Lại thêm chi tiết này: “Điều bất thường nữa của một số tuyến đường cao tốc ở Việt Nam là trong cùng một điều kiện tự nhiên nhưng chi phí cho 1 km đường cao tốc lại vênh nhau. Chẳng hạn, chi phí cho 1 km đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây gấp đôi đường cao tốc TP HCM - Trung Lương. Và nay, chi phí cho 1 km đường cao tốc Bến Lức - Long Thành gấp đến 3 lần tuyến TP HCM - Trung Lương” (báo NLĐ số ra ngày 4.5.2015).
Rõ ràng, thực tế hằng ngày đang diễn ra khốc liệt. Bi và hài, tốt và xấu, nghiêm túc và nhiễu nhại, xây dựng và phá bĩnh, hoan hô và phỉ báng v.v… đan chéo, pha trộn cấu thành một hình thức nhộn nhạo khác. Nhà văn tài năng của đất nước Đại Cồ Việt ta dù có hư cấu, tưởng tượng đến cỡ nào vẫn không theo kịp. Nói gì thì nói, dù viết theo phương thức nào, dù hiện thực, dù huyền ảo, dù cách tân gì gì đi nữa nhưng rồi bạn đọc cũng có cảm tưởng người cầm bút đang đứng ngoài rìa đời sống. Điều gì đã tạo nên sự bi đát đó? Tài năng nhà văn? Y không tin. Tài năng thì thừa nhưng sự dũng cảm có dám đi đến tận cùng của tài năng đó hay không mới là điều cốt lỏi. Do cái gì, lâu nay người viết tự uốn éo, tự thỏa hiệp với những điều mình căm thù, ghét cay ghét đắng để để chọn lấy một cách viết an toàn nhất, “phải đạo” nhất?
Câu hỏi này, nhiều thế hệ cầm bút đã tự hỏi, sau này sẽ lặp lại, còn lặp lại đến bao giờ? Nếu không có câu trả lời rốt ráo và dứt khoát, chẳng khác gì bọn kép hài trên sân khấu làm nhộn lên một hai tiếng cười nhạt thếch. Ngẫm lại thấy Cao Bá Quát nói đúng, sau những thăng trầm lên voi xuống chó, ông nghiệm ra, văn chương thơ phú chẳng qua chỉ là trò chơi trẻ con “Hướng tích văn chương đẳng nhi hí”. Biết thế, dặn lòng thế đặng đừng quá ảo tưởng về cái gọi là “sứ mệnh của người cầm bút” trong thời buổi này.
Ta có gì hơn bác thợ cày,
Dọc ngang đồng đất chẳng ngơi tay.
Mỗi trang ta cuốc, ta khoe chữ,
Kẻ đói, người hèn: ta bó tay.
Thơ của ai đó? Thơ của Nguyễn Đổng Chi.
Một sự kiện văn hóa cần ghi nhận trong thời gian gần đây: Hội thảo Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn hóa Nguyễn Đổng Chi (1915-2015), do Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học TP.HCM, Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên và NXB Trẻ tổ chức ngày 7.5.2105. Mấy hôm nay, đọc lai rai các bài tham luận đã in trong tập kỷ yếu. Dừng lại với chi tiết này, năm 18 tuổi, Nguyễn Đổng Chi cùng anh ruột là bác sĩ Nguyễn Kinh Chi thực hiện tập sách Mọi Kontum. Công trình này, Mộng Thương thư trai xuất bản ở Huế năm 1937. Nhân đây, giải thích luôn: Sau khi thi đậu Thành chung, năm 1936, Nguyễn Đổng Chi trở về quê phân loại lại kho sách của gia đình để lập Mộng Thương thư trai - mở rộng cửa cho người dân trong làng cùng đến đọc để nâng cao tri thức. Ngôi nhà này, mặt cửa chính trông ra vườn và hồ sen, ông cho làm một vòm mái hiên, trên có đắp hình một cuốn sách dang mở ra, có ghi câu của bố - cụ Nguyễn Hiệt Chi: “Học tập làm lụng ta ngó lên, ăn mặc ta nhìn xuống”, và hai bên có một thanh kiếm và một quản bút giao nhau. Có thể nói, kho sách này đã giúp ích không ít cho Nguyễn Đổng Chi hình thành những tri thức cần thiết trong nghiên cứu văn hóa.
Năm 2011, quyển sách Mọi Kontum được Viện Viễn Đông bác cổ Pháp ở Hà Nội dịch ra tiếng Pháp và NXB Tri thức tái bản (in song ngữ) với tên gọi Người Ba-na ở Kon Tum.. Tại sao tựa đề bị đổi, phải chăng người ta dị ứng với từ “mọi” - một từ khinh miệt người dân tộc thiểu số? Tại sao gọi là "mọi"? Với người khác thế nào, không rõ, với y là một điều mới mẻ và lý thứ khi đọc những dòng giải thích này từ quyển sách trên:
“Chữ “Mọi” ở đâu mà ra? Xét trong tiếng nói cả người Bahnar có tiếng “tơmoi” nghĩa là khách. Người Bahnar dùng tiếng ấy để chỉ những người làng khác hoặc bộ lạc khác đến làng hoặc bộ lạc mình. Ví dụ người Djarai hoặc Xơđang đến xứ Bahnar thì người Bahnar kêu là tơmoi Djarai, tơmoi Xơđang nghĩa là khách Djarai, khách Xơđang. Người Annam đến xứ họ, họ cũng kêu là tơmoi.
Vậy theo thiển ý của chúng tôi thời tiếng “mọi” có lẽ ở trong tiếng tơmoi của người Bahnar mà ra, chứ không phải là một tiếng của người Annam đặt ra để chế nhạo giống người ở trên rừng núi, như nhiều người nói. Có lẽ khi người Annam mới giao thiệp với người Bahnar, thường nghe những thứ tiếng là tơmoi Djarai, tơmoi Xơđang v.v… bèn bắt chước mà nói theo. Lần lần lại bỏ tiếng “tơ” mà chỉ giữ lấy một tiếng “moi” (vì tiếng mình là tiếng độc âm).
Sau lâu ngày tiếng “moi” hóa ra một tiếng chỉ tên chung cho cả dân thổ trước ở trên rừng về phía Nam, cũng như những tiếng “Mán, Mường” ở ngoài Bắc. Hai tiếng này cũng là tiếng của thổ nhơn mà ta dùng theo. Còn như ngày nay người Annam dùng những tiếng: Mọi, Mán, Mường để chỉ người hoặc việc có tính chất khờ dại thì không khác chi người Pháp dùng tiếng “chinoiserie” để chỉ những việc kỳ quặt khó hiểu”.
Cách giải thích này hoàn toàn hợp lý. Thuyết phục hơn cách giải thích của nhà nghiên cứu Lê Gia trong quyển Tiếng nói nôm na: ""Mọi": Do từ "mỗi" là sắc đen đúa trên da, vẻ hắc ám của mặt mày. Ta dùng để chỉ người có thân hình thô kệch và màu da đen đúa" (NXB Văn Nghệ TP.HCM - 1997). Hiện tượng nói gọn lại, bỏ đi một vài từ mà người nghe vẫn hiểu là lẽ hiển nhiên, có thật. Ở Đà Nẳng, thưở hoa niên, y đã nghe nói đến "chợ sông Hàn", sau chỉ còn "chợ Hàn"; "Hoài Phố" dùng để chỉ Hội An; "Cửa Hàn" chỉ Đà Nẵng sau chỉ còn mỗi từ "Phố", "Hàn". Bằng chứng phương ngữ có câu: "Đi Phố: Hội An, đi Hàn: Đà Nẵng"... Tương tự, ở Sài Gòn có "ngã tư ông Bảy Hiền" nói gọn thành "ngã tư Bảy Hiền", rồi "Bảy Hiền"; Lăng Ông (ở) Bà Chiểu, chỉ còn "Lăng Ông" v.v... Ngày trước, chừng thập niên 1960, ngay chợ Cồn (Đà Nẵng) còn thấy đồng bào dân tộc ít người. Họ mặc khố, đeo gùi, bán các lá cây, rễ cây dùng làm thuốc. Thuở ấy, chẳng nghe ai gọi "mọi", mà gọi người "Thượng". Có phải "Thượng" là từ chung dùng để chỉ người ở vùng cao, vùng núi rừng? Nếu thế, người "Thượng" phải gọi người ở vùng đồng bằng là người "Hạ" chứ? Không, gọi chung là người Kinh. Tại sao gọi là Kinh, y nghĩ rằng, do mối quan hệ làm ăn, mua bán, kể cả các quan chức nhà nước lên trấn giữ ở vùng ngược, vùng đất phên giậu của Tổ quốc. Các dân tộc ít người gọi chung họ là người của Kinh đô, Kinh thành, Kinh kỳ rồi dần dà nói gọn lại thành "Kinh", các từ phía sau rơi rụng dần theo thời gian.
Đồng ý với cách giải thích của Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Kinh Chi, y tự hỏi: Không rõ từ bao giờ và do lý do gì, từ “mọi” lại mang một hàm nghĩa khác, chỉ sự khinh miệt? Chính vì thế, các văn bản chính thức lâu nay quy định phải gọi “dân tộc ít người”, “dân tộc thiểu số”, hạn chế tối đa từ “mọi”. Ngày nọ, đi ra Bắc công tác, anh em văn nghệ Hà Thành chiêu đã đặc sản “heo mọi”, nghe đâu nay các quán nhậu đó phải sửa lại thành “heo tộc”…
Và trong vốn từ tiếng Việt lại có “rợ”, vậy “mọi rợ” xuất hiện từ lúc nào? Có lẽ chẳng ai có thể trả lời được. Lại từng nghe nói đến “bí rợ” - nhà từ điển tài ba Huình Tịnh Paulus Của từ năm 1895 giải thích “thứ bí tròn có nhiều khía, thổ sản của mọi”; hoặc ai cũng biết “tính rợ” là tính nhẩm trong đầu hoặc từng nghe "man di mọi rợ"… Thế “rợ” nghĩa là gì? Từ thế kỷ XV, từ “rợ” xuất hiện chưa? Đọc Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển của Trần Trọng Dương, ta biết chắc chắn khi khảo sát Quốc âm thi tập hoàn toàn không có từ “rợ”. Ông Lê Gia giải thích: “Rợ: Do chữ “rũ” (cũng đọc là “rụ”) là thô xấu, xấu xa, xấu xí" (SĐD). Tạm chấp nhận cách giải thích này chăng? Một khi “mọi” đã gắn với “rợ” có hàm nghĩa như đã biết, rõ ràng câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan phải là:
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông rợ mái nhà
Xét theo phép đối xứng trong thơ thất ngôn bát cú, dứt khoát “rợ” chứ không thể “chợ” như nhiều bản đã in. "Tiều", tiều phu - chỉ về người; "rợ" có ý nghĩa tương tự, cũng chỉ về người dù hàm ý miệt thị. Bút lực cỡ Bà Huyện Thanh Quan không thể đem "người" đối với... "chợ", rất ngô nghê. Chọn "rợ", hợp lý hơn. Có ai cãi không? Cãi đi.
Quái quỷ thật, vừa nhắc đến Bà Huyện Thanh Quan, sực nhớ đêm qua ngồi lai rai cùng nhà văn Đoàn Thạch Biền, nhà thơ Phan Hoàng, tiếp đãi vài cán bộ của Viện Văn Học mới từ Hà Nội vào đây công tác. Ngồi ăn lẫu cá kèo tại đường Bà Huyện Thanh Quan, sát lề đường có trồng nhiều cây me. Anh Biền có nhận xét tinh tế: “Lá me thật lạ, hễ đã úa vàng thì rụng. Do đó, nhìn lên vòm me chỉ thấy những tầng lá biếc xanh”. Giật mình nhìn xuống đất, thấy lá me vàng như trải thảm. Ngước nhìn lên trời, đem tối, lấp lóa ánh đèn vàng chỉ một màu xanh dịu mắt. Rồi mỉm cười một mình. Bởi lúc ấy chỉ có mỗi mình y biết rằng lướt ngang qua đầu y trong khoảnh khắc ấy là câu thơ của Lê Thị Kim:
Tay tôi như có ai cầm
Thì ra một lá me nằm trong tay
Nhớ chưa, đừng có mà tưởng bở nhá!
L.M.Q
Trang 26 trong tổng số 58