Đêm qua, về đến sân bay. Từ Đà Nẵng lại vào Sài Gòn. Những công việc của mỗi ngày đã đến. Đường phố vắng hơn. Có lẽ do nhiều người về quê, đi nghỉ ngơi nơi xa nhân dịp này. Nghỉ đến 6 ngày chứ ít ỏi gì.
Sáng nay, ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Ngày mồng 10.3 âm lịch hằng năm. Trước đây, do việc tổ chức còn ngẫu hứng, chưa quy củ nên ngày 25.7 năm Khải Định thứ nhất (1917), Bộ Lễ triều Nguyễn có gửi công văn “Các vị ở phủ viện đường đại nhân tỉnh Phú Thọ cùng nhau tuân thủ điều sau đây: “Xã Hy Cương, phủ Lâm Thao có miếu lăng phụng thờ Hùng Vương ở núi Hùng, trải các năm, cả nước đến tế, thường lấy kỳ mùa thu, chọn vào ngày tốt làm lễ, chưa có việc định rõ ngày, mà tục lệ của dân xã đó lấy ngày Mười Một tháng Ba, kết hợp với thờ thổ kỳ, làm lễ riêng… (Sự thể này dẫn tới chỗ) thường hứng bất kỳ, hội họp cũng lãng phí theo sở thích, còn lòng thành thì bị kém đi… (Vì thế) cẩn thận định lại rằng, từ nay về sau, lấy ngày mồng Mười tháng 3, lĩnh tiền chi vào việc công, phụng mệnh kính tế trước một ngày so với ngày hội tế của bản hạt, khiến nhân sĩ mọi miền đến đây có nơi chiêm bái…”.
Năm nay, Hội đồng xác lập kỷ lục VN đã trao chứng nhận kỷ lục “Bức tranh Vua Hùng lớn nhất được ghép từ các viên khối hình chữ nhật”. Sản phẩm này của Trung tâm Thương mại SC VivoCity, Q7 (TP.HCM) thực hiện, được lắp ghép từ 3.258 khối chữ nhật. Cư dân mạng xã hội nhận xét gương mặt vua Hùng trông na na... ông già trong bộ bài Tây. Nhận xét này không hẳn ác ý. Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần AVINAA cung tiến chai rượu kỷ lục: cao 5,2m, đường kính 1,2m với dung tích hơn 4.000 lít được đặt tại sảnh chính lễ hội.
Những năm trước, chuyện cung tiến lễ vật có tính “kỷ lục” đã xẩy ra nhiều điều tiếng không hay. Tuy nhiên "nổi tiếng" nhất vẫn là cái bánh chưng, bánh giầy do Công ty Văn hóa Đầm Sen cung tiến, nặng cả tấn, báo TT (số ra ngày 17.4.2008) ghi nhận: “Sáng 16.4, chúng tôi có mặt để chứng kiến hàng chục người dân trong xã "mổ" chiếc bánh chưng. Bánh chưng đã vữa và lên men, có mùi khó chịu, còn bánh giầy bị mốc xanh, bên ngoài là một lớp mỏng bột, bên trong bánh hoàn toàn được làm bằng... mút xốp. Anh Hoàng Hữu Nghị - phó ban Công an xã Hy Cương - một tay cầm con dao dài 25cm thọc sâu vào trong ruột bánh và xẻ xung quanh, tay kia rút ra miếng xốp dày 20-25cm”. Mất vệ sinh quá.
Cái thói ham hố cái gì của mình cũng to nhất, cao nhất, lớn nhất hình thành trong tư duy người Việt tự bao giờ và do đâu? Do cái háo danh mà ra chăng?
Mấy ngày qua, về Đà Nẵng tham dự Hội sách Hải Châu tại Đà Nẵng. Lần đầu tiên có một đơn vị hành chánh cấp quận đứng ra tổ chức. Người "kết nối" là Nguyễn Văn Sanh - phó phòng văn hóa thông tin quận Hải Châu - bạn thời trung học, sinh hoạt chung trong Gia đình Thiếu Nhi. Thời lớp bảy, lớp tám ấy, Sanh làm thơ ký bút danh Cỏ Non. Bút hiệu ấy có "vận" vào người không? Ngay cả bây giờ đã trải qua bao thăng trầm đời sống, Sanh vẫn như đáng yêu như cỏ non, vẫn hồn nhiên, lành tính như trẻ thơ, luôn chìu bạn như thời đi học. Nhìn nụ cười ấy, gương mặt ấy, tính cách ấy là tin cậy.
Điều bất ngờ, ngoài dự kiến, công chúng yêu mê sách tham dự rất đông, số lượng sách bán chạy rôm rã khiến ai nấy đều hài lòng. Rõ ràng văn hóa đọc vẫn còn là một nhu cầu cần thiết của mọi người. Về lâu dài, từ thành công lần này, năm sau, quận Hải Châu lại tiếp tục duy trì hằng năm. Trong chuỗi hoạt động giao lưu cùng bạn đọc, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói về ích lợi của việc đọc sách; Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn nói chuyện về đề tài Chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa qua tư liệu và sự thật lịch sử, y nói chuyện về Tính cách con người và văn hóa Xứ Quảng... Khó có thể trình bày chu đáo một đề tài rộng lớn, có tính cách chuyên sâu trong một khoảng thời gian chừng 90 phút. Trước hết, trong nhận thức của y, Quảng Nam và Đà Nẵng là một. Tại sao? Sẽ phân tích sau. Có thể gạch đầu dòng những gì y muốn trình bày ngẫu hứng về Xứ Quảng, chẳng hạn, vùng đất này là nơi:
- Mở đầu lịch sử cận đại Việt Nam với cuộc xâm lược của liên quân Pháp - Tây Ban Nha vào ngày 1.9.1858; nơi đầu tiên lính Mỹ đổ quân trong cuộc chiến tranh Việt Nam (1965);
- Nơi sớm nhất hình thành chữ Quốc ngữ;
- Người mở đầu Thơ mới Việt Nam: nhà văn hóa Phan Khôi với Tình già (1932); người phụ nữ đầu tiên viết tiểu thuyết in thành sách: nhà văn Bảo Hòa với Tây Phương mỹ nhân (1927);
- Chủ bút tờ báo sống thọ nhất Trung kỳ: chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng với Tiếng Dân; chính cụ Huỳnh Thúc Kháng là người trước nhất nhắc lại chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam trên báo Tiếng Dân.
- Người đầu tiên nghiên cứu có hệ thống về tuồng: GS Hoàng Châu Ký;
- Người trước nhất cổ xúy phong trào cải lương Nam bộ: nhà báo Lương Khắc Ninh;
- GS toán học Hoàng Tụy với Tối ưu toàn cục;
- Nơi đầu tiên khởi xướng mặc Âu phục, cắt tóc ngắn; lập Hội mặc đồ Tây bằng vải nội hóa.
-Nơi ra đời của Duy tân Hội (1904) với vai trò của “kiến trúc sư” tài ba lỗi lạc Tiểu La Nguyễn Thành.
Từ Duy tân Hội mới hình thành phong trào Đông Du; sau đó cải thành Việt Nam Quang phục Hội (1911). Từ Việt Nam Quang phục Hội mới có tổ chức Tâm Tâm xã, tổ chức này là những nhân tố đầu tiên hình thành Thanh Niên cách mạng đồng chí Hội (1925). Nói cách khác đây chính là hạt giống đầu tiên hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Nơi mở ra phong trào Duy tân với các nhà nho cấp tiến Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp… Từ đó, có sự thay đổi lớn lao trong nhận thức “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, các nhà nho Việt Nam bắt đầu làm doanh nghiệp, mở trường học theo lối mới…
- Nơi nổ ra cuộc chống sưu thuế vĩ đại năm 1908 lan rộng đến nhiều tỉnh thành khác.
- Lần đầu tiên có nhà nho đòi chém đầu nhà vua: Phan Châu Trinh. Nói cách khác, do tiếp thu Tân thư, các nhà nho cấp tiến đã có một nhận thức mới: không dâng sớ cải cách lên nhà vua mà khi chế độ quân chủ đã lỗi thời thì phải lật đổ nó;
- Làm quân sư cho nhà vua: Trần Cao Vân, Thái Phiên trong cuộc khởi nghĩa 1916 phò vua Duy Tân;
- Lãnh sự đầu tiên trong quan hệ ngoại giao Pháp - Việt: đại sứ Nguyễn Thành Ý;
- Nơi duy nhất có danh xưng “Quảng Nam quốc”;
- Nơi có số lượng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nhiều nhất nước;
- Người Việt Nam duy nhất bị chém ngang lưng: Trần Quý Cáp;
v.v…
Buổi giao lưu còn sôi nổi với “đặc sản” trứ danh “Quảng Nam hay cãi”. Nguyên cớ cãi này do đâu mà có? Các anh Hồ Trung Tú, Mai Hữu Phước, Lê Nguyên Vỹ, Lê Quang Minh và nhiều bạn đọc khác đã có ý kiến sôi nổi. Tuy nhiên, theo y:
- Do vùng đất này có cảng biển nên giao thương với nhiều luồng văn hóa (đã có từ thời chúa Nguyễn), kể cả sau này;
- Học rộng, hiểu sâu.
- Tính cách nóng nẩy, trực tính của người Xứ Quảng.
Nó trở thành “đặc sản” vì chính người Quảng cũng cãi luôn cả những điều mà địa phương khác tung hô, ca ngợi, chẳng hạn, danh xưng Ngũ phụng tề phi, họ cho rằng không thực chất, không đáng tự hào vì các vị đỗ đạt ấy chẳng để lại một công nghiệp gì đáng kể cho đời sau; hoặc chiến thuật dân quân Xứ Quảng sử dụng trái mù u đã gây nhiều thiệt hại cho xâm lược Pháp, họ không tin xẩy ra chuyện đó vì xét thấy không hợp lý, hoặc nếu có, tại sau nhật ký viễn chinh của người Pháp không ghi nhận? v.v… Chính tính cách hay cãi đó đã góp phần tích cực làm dậy lên làn sóng thay đổi nhận thức của quốc dân nửa đầu thế kỷ XX qua vai trò của các nhà nho tiên phong đã tiếp thu Tân thư, không chấp nhận cái cũ kỹ, lỗi thời...
Những “gạch đầu dòng” này, chỉ lướt qua, không có thời gian phân tích sâu. Mà thật ra những suy nghĩ này, y đã phân tích kỹ trong chuyên luận Người Quảng Nam. Nhìn chung mấy ngày qua, đã có trạng thái tâm lý dễ chịu cùng bạn đọc Đả Nẵng và cũng là dịp cà kê với các bạn văn, anh em ở quê nhà. Vẫn những buổi chiều vào Hội An, lang thang đến một vài vùng quê Xứ Quảng như khách du lịch nhàn tản, thẩn thơ ngắm cảnh và thưởng thức những món ăn ngon. Lần này, ngủ nghỉ tại Naman Retreat, cách Đà Nẵng chừng 15 km.
Tối qua, về lại Sài Gòn. Sáng nay, xuống phố đã thấy nhộn nhịp các quày báo lề đường. Khó có thể tìm thấy ở những địa phương khác, kể cả Hà Nội. Đã thấy tràn ngập hình ảnh, bài vở về kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước. Dịp này, theo y, bài báo hay nhất và thẳng thắn nhất?
Ngày mai sẽ trở lại câu hỏi này, nếu còn cảm hứng.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|