(Ảnh: Lam Điền)
Có mấy thông tin cần ghi lại:
- Đài Truyền hình Việt Nam, cụ thể VTV3 trong chương trình Điệp vụ tuyệt mật phát sóng vào tối 2.5.2015 đã xẩy ra một sự cố nghiêm trọng: Hình minh họa đường bay cho thấy vị trí thủ đô Hà Nội bị "di dời" sang lãnh thổ Trung Quốc.
- Báo Người Lao động cho biết, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã thực hiện với chi phí không ai ngờ tới “25,8 triệu USD xây 1 km đường”. Với những nhà thơ vốn dốt về toán học, dù có mày mò tính tính toán toán suốt một ngày cũng không thể biết rằng số tiền đó tương đương 554 tỉ đồng. Lại thêm chi tiết này: “Điều bất thường nữa của một số tuyến đường cao tốc ở Việt Nam là trong cùng một điều kiện tự nhiên nhưng chi phí cho 1 km đường cao tốc lại vênh nhau. Chẳng hạn, chi phí cho 1 km đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây gấp đôi đường cao tốc TP HCM - Trung Lương. Và nay, chi phí cho 1 km đường cao tốc Bến Lức - Long Thành gấp đến 3 lần tuyến TP HCM - Trung Lương” (báo NLĐ số ra ngày 4.5.2015).
Rõ ràng, thực tế hằng ngày đang diễn ra khốc liệt. Bi và hài, tốt và xấu, nghiêm túc và nhiễu nhại, xây dựng và phá bĩnh, hoan hô và phỉ báng v.v… đan chéo, pha trộn cấu thành một hình thức nhộn nhạo khác. Nhà văn tài năng của đất nước Đại Cồ Việt ta dù có hư cấu, tưởng tượng đến cỡ nào vẫn không theo kịp. Nói gì thì nói, dù viết theo phương thức nào, dù hiện thực, dù huyền ảo, dù cách tân gì gì đi nữa nhưng rồi bạn đọc cũng có cảm tưởng người cầm bút đang đứng ngoài rìa đời sống. Điều gì đã tạo nên sự bi đát đó? Tài năng nhà văn? Y không tin. Tài năng thì thừa nhưng sự dũng cảm có dám đi đến tận cùng của tài năng đó hay không mới là điều cốt lỏi. Do cái gì, lâu nay người viết tự uốn éo, tự thỏa hiệp với những điều mình căm thù, ghét cay ghét đắng để để chọn lấy một cách viết an toàn nhất, “phải đạo” nhất?
Câu hỏi này, nhiều thế hệ cầm bút đã tự hỏi, sau này sẽ lặp lại, còn lặp lại đến bao giờ? Nếu không có câu trả lời rốt ráo và dứt khoát, chẳng khác gì bọn kép hài trên sân khấu làm nhộn lên một hai tiếng cười nhạt thếch. Ngẫm lại thấy Cao Bá Quát nói đúng, sau những thăng trầm lên voi xuống chó, ông nghiệm ra, văn chương thơ phú chẳng qua chỉ là trò chơi trẻ con “Hướng tích văn chương đẳng nhi hí”. Biết thế, dặn lòng thế đặng đừng quá ảo tưởng về cái gọi là “sứ mệnh của người cầm bút” trong thời buổi này.
Ta có gì hơn bác thợ cày,
Dọc ngang đồng đất chẳng ngơi tay.
Mỗi trang ta cuốc, ta khoe chữ,
Kẻ đói, người hèn: ta bó tay.
Thơ của ai đó? Thơ của Nguyễn Đổng Chi.
Một sự kiện văn hóa cần ghi nhận trong thời gian gần đây: Hội thảo Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn hóa Nguyễn Đổng Chi (1915-2015), do Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học TP.HCM, Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên và NXB Trẻ tổ chức ngày 7.5.2105. Mấy hôm nay, đọc lai rai các bài tham luận đã in trong tập kỷ yếu. Dừng lại với chi tiết này, năm 18 tuổi, Nguyễn Đổng Chi cùng anh ruột là bác sĩ Nguyễn Kinh Chi thực hiện tập sách Mọi Kontum. Công trình này, Mộng Thương thư trai xuất bản ở Huế năm 1937. Nhân đây, giải thích luôn: Sau khi thi đậu Thành chung, năm 1936, Nguyễn Đổng Chi trở về quê phân loại lại kho sách của gia đình để lập Mộng Thương thư trai - mở rộng cửa cho người dân trong làng cùng đến đọc để nâng cao tri thức. Ngôi nhà này, mặt cửa chính trông ra vườn và hồ sen, ông cho làm một vòm mái hiên, trên có đắp hình một cuốn sách dang mở ra, có ghi câu của bố - cụ Nguyễn Hiệt Chi: “Học tập làm lụng ta ngó lên, ăn mặc ta nhìn xuống”, và hai bên có một thanh kiếm và một quản bút giao nhau. Có thể nói, kho sách này đã giúp ích không ít cho Nguyễn Đổng Chi hình thành những tri thức cần thiết trong nghiên cứu văn hóa.
Năm 2011, quyển sách Mọi Kontum được Viện Viễn Đông bác cổ Pháp ở Hà Nội dịch ra tiếng Pháp và NXB Tri thức tái bản (in song ngữ) với tên gọi Người Ba-na ở Kon Tum.. Tại sao tựa đề bị đổi, phải chăng người ta dị ứng với từ “mọi” - một từ khinh miệt người dân tộc thiểu số? Tại sao gọi là "mọi"? Với người khác thế nào, không rõ, với y là một điều mới mẻ và lý thứ khi đọc những dòng giải thích này từ quyển sách trên:
“Chữ “Mọi” ở đâu mà ra? Xét trong tiếng nói cả người Bahnar có tiếng “tơmoi” nghĩa là khách. Người Bahnar dùng tiếng ấy để chỉ những người làng khác hoặc bộ lạc khác đến làng hoặc bộ lạc mình. Ví dụ người Djarai hoặc Xơđang đến xứ Bahnar thì người Bahnar kêu là tơmoi Djarai, tơmoi Xơđang nghĩa là khách Djarai, khách Xơđang. Người Annam đến xứ họ, họ cũng kêu là tơmoi.
Vậy theo thiển ý của chúng tôi thời tiếng “mọi” có lẽ ở trong tiếng tơmoi của người Bahnar mà ra, chứ không phải là một tiếng của người Annam đặt ra để chế nhạo giống người ở trên rừng núi, như nhiều người nói. Có lẽ khi người Annam mới giao thiệp với người Bahnar, thường nghe những thứ tiếng là tơmoi Djarai, tơmoi Xơđang v.v… bèn bắt chước mà nói theo. Lần lần lại bỏ tiếng “tơ” mà chỉ giữ lấy một tiếng “moi” (vì tiếng mình là tiếng độc âm).
Sau lâu ngày tiếng “moi” hóa ra một tiếng chỉ tên chung cho cả dân thổ trước ở trên rừng về phía Nam, cũng như những tiếng “Mán, Mường” ở ngoài Bắc. Hai tiếng này cũng là tiếng của thổ nhơn mà ta dùng theo. Còn như ngày nay người Annam dùng những tiếng: Mọi, Mán, Mường để chỉ người hoặc việc có tính chất khờ dại thì không khác chi người Pháp dùng tiếng “chinoiserie” để chỉ những việc kỳ quặt khó hiểu”.
Cách giải thích này hoàn toàn hợp lý. Thuyết phục hơn cách giải thích của nhà nghiên cứu Lê Gia trong quyển Tiếng nói nôm na: ""Mọi": Do từ "mỗi" là sắc đen đúa trên da, vẻ hắc ám của mặt mày. Ta dùng để chỉ người có thân hình thô kệch và màu da đen đúa" (NXB Văn Nghệ TP.HCM - 1997). Hiện tượng nói gọn lại, bỏ đi một vài từ mà người nghe vẫn hiểu là lẽ hiển nhiên, có thật. Ở Đà Nẳng, thưở hoa niên, y đã nghe nói đến "chợ sông Hàn", sau chỉ còn "chợ Hàn"; "Hoài Phố" dùng để chỉ Hội An; "Cửa Hàn" chỉ Đà Nẵng sau chỉ còn mỗi từ "Phố", "Hàn". Bằng chứng phương ngữ có câu: "Đi Phố: Hội An, đi Hàn: Đà Nẵng"... Tương tự, ở Sài Gòn có "ngã tư ông Bảy Hiền" nói gọn thành "ngã tư Bảy Hiền", rồi "Bảy Hiền"; Lăng Ông (ở) Bà Chiểu, chỉ còn "Lăng Ông" v.v... Ngày trước, chừng thập niên 1960, ngay chợ Cồn (Đà Nẵng) còn thấy đồng bào dân tộc ít người. Họ mặc khố, đeo gùi, bán các lá cây, rễ cây dùng làm thuốc. Thuở ấy, chẳng nghe ai gọi "mọi", mà gọi người "Thượng". Có phải "Thượng" là từ chung dùng để chỉ người ở vùng cao, vùng núi rừng? Nếu thế, người "Thượng" phải gọi người ở vùng đồng bằng là người "Hạ" chứ? Không, gọi chung là người Kinh. Tại sao gọi là Kinh, y nghĩ rằng, do mối quan hệ làm ăn, mua bán, kể cả các quan chức nhà nước lên trấn giữ ở vùng ngược, vùng đất phên giậu của Tổ quốc. Các dân tộc ít người gọi chung họ là người của Kinh đô, Kinh thành, Kinh kỳ rồi dần dà nói gọn lại thành "Kinh", các từ phía sau rơi rụng dần theo thời gian.
Đồng ý với cách giải thích của Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Kinh Chi, y tự hỏi: Không rõ từ bao giờ và do lý do gì, từ “mọi” lại mang một hàm nghĩa khác, chỉ sự khinh miệt? Chính vì thế, các văn bản chính thức lâu nay quy định phải gọi “dân tộc ít người”, “dân tộc thiểu số”, hạn chế tối đa từ “mọi”. Ngày nọ, đi ra Bắc công tác, anh em văn nghệ Hà Thành chiêu đã đặc sản “heo mọi”, nghe đâu nay các quán nhậu đó phải sửa lại thành “heo tộc”…
Và trong vốn từ tiếng Việt lại có “rợ”, vậy “mọi rợ” xuất hiện từ lúc nào? Có lẽ chẳng ai có thể trả lời được. Lại từng nghe nói đến “bí rợ” - nhà từ điển tài ba Huình Tịnh Paulus Của từ năm 1895 giải thích “thứ bí tròn có nhiều khía, thổ sản của mọi”; hoặc ai cũng biết “tính rợ” là tính nhẩm trong đầu hoặc từng nghe "man di mọi rợ"… Thế “rợ” nghĩa là gì? Từ thế kỷ XV, từ “rợ” xuất hiện chưa? Đọc Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển của Trần Trọng Dương, ta biết chắc chắn khi khảo sát Quốc âm thi tập hoàn toàn không có từ “rợ”. Ông Lê Gia giải thích: “Rợ: Do chữ “rũ” (cũng đọc là “rụ”) là thô xấu, xấu xa, xấu xí" (SĐD). Tạm chấp nhận cách giải thích này chăng? Một khi “mọi” đã gắn với “rợ” có hàm nghĩa như đã biết, rõ ràng câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan phải là:
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông rợ mái nhà
Xét theo phép đối xứng trong thơ thất ngôn bát cú, dứt khoát “rợ” chứ không thể “chợ” như nhiều bản đã in. "Tiều", tiều phu - chỉ về người; "rợ" có ý nghĩa tương tự, cũng chỉ về người dù hàm ý miệt thị. Bút lực cỡ Bà Huyện Thanh Quan không thể đem "người" đối với... "chợ", rất ngô nghê. Chọn "rợ", hợp lý hơn. Có ai cãi không? Cãi đi.
Quái quỷ thật, vừa nhắc đến Bà Huyện Thanh Quan, sực nhớ đêm qua ngồi lai rai cùng nhà văn Đoàn Thạch Biền, nhà thơ Phan Hoàng, tiếp đãi vài cán bộ của Viện Văn Học mới từ Hà Nội vào đây công tác. Ngồi ăn lẫu cá kèo tại đường Bà Huyện Thanh Quan, sát lề đường có trồng nhiều cây me. Anh Biền có nhận xét tinh tế: “Lá me thật lạ, hễ đã úa vàng thì rụng. Do đó, nhìn lên vòm me chỉ thấy những tầng lá biếc xanh”. Giật mình nhìn xuống đất, thấy lá me vàng như trải thảm. Ngước nhìn lên trời, đem tối, lấp lóa ánh đèn vàng chỉ một màu xanh dịu mắt. Rồi mỉm cười một mình. Bởi lúc ấy chỉ có mỗi mình y biết rằng lướt ngang qua đầu y trong khoảnh khắc ấy là câu thơ của Lê Thị Kim:
Tay tôi như có ai cầm
Thì ra một lá me nằm trong tay
Nhớ chưa, đừng có mà tưởng bở nhá!
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|