LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 1.5.2015

tu-lieu-Le-minh-quoc

Tư liệu L.M.Q


Sau này, có nhiều giá trị đang song hành cùng thế kỷ này, có thể người ta sẽ lãng quên; có những giá trị đang tồn tại, tuy nhiên tùy mỗi góc nhìn, tùy quan điểm chính trị, người ta lại có sự nhìn nhận khác nhau. Có chủ quan không, khi y nghĩ rằng, hôm nay và mai sau, dù Đông hay Tây, dù Thiên đàng hay Địa ngục, dù cơ chế chính trị nào chắc chắn bao giờ thiên hạ cũng dành cho Google nhiều thiện cảm nhất. Chính công cụ này, đã giúp nhân loại rất nhiều tiện ích. Từng nghe, sự phát minh ra chữ viết, chỉ riêng nó thôi, có thể khẳng định còn quan trọng hơn toàn bộ những trận đánh trên thế giới.

Vậy ra đời của Google có ý nghĩa thế nào?

Khi đặt câu hỏi như thế, phải nghĩ rằng, không gì có thể “bịt mắt” được ai khác. Những chứng cứ ấy, ngày sau sẽ đến lúc có người hệ thống, tổng kết nhằm giúp đời sau hiểu rõ hơn thời đại chúng ta đang sống.

Chiều 29.4, ra Sài Gòn ngắm phố đi bộ Nguyễn Huệ trong ngày đầu tiên chính thức mở cửa cho công chúng. Nghe nói có quy định, không dùng từ “phố đi bộ Nguyễn Huệ”, dùng cụm từ "quảng trường tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh"; không dùng từ “nhạc nước”, dùng "phun nước có nhạc". Lúc ý đến, có nhạc truyền thống rất to, có vòi nước phùn phụt phun lên trời, nước một màu trắng xóa. Khác hẳn chừng mươi năm trước, lần đầu tiên vào Đầm Sen ngồi nghe nhạc nước, nước có nhiều sắc màu và rõ ràng dòng nước uốn éo, lên xuống cao thấp theo từng giai điệu. Chiều qua, không có cảm giác ấy. Tối qua, chứng kiến ở quảng trường này cả hàng ngàn người đến vui chơi, không thấy “phun nước có nhạc”.

Sáng nay, đi ngang qua, đường phố thông thoáng hơn. Đã thấy cờ đỏ sao vàng rợp trên phố. Chẳng rõ, có ai nhìn ra: hễ đến ngày lễ, bao giờ hãng taxi Mai Linh  và Vinasun đều có treo lá cờ nhỏ ngay trên đầu xe? Chỉ có 2 hãng này thôi. Khiến, y có tình cảm nhiều hơn. Khi qua Mỹ, những ngày đi ngang qua các công sở, trụ sở tài chính, thương mại, khu kinh doanh sầm uất đều thấy rõ ràng ràng, thấy tận mắt những lá cờ Mỹ phật phật tung bay kiêu hãnh trong gió. Họ đang có ngày lễ gì chăng? Hỏi ra mới biết, không phải, bất kỳ ngày nào trong tuần họ cũng đều treo cờ như một niềm tự hào. Trong khi đó, các công sở của ta thế nào, hay chỉ có đến ngày lễ mới treo cờ?

Chiều qua, ngồi lai rai một chai rượu đỏ. Ngắm không gian phố xá Sài Gòn. Ngày 30.4 trong lòng mỗi người lại có nhiều ngổn ngang khác nhau. Vết thương của vĩ tuyến 17 vẫn chưa liền sẹo trong tâm thức mỗi người? Mỗi người nhìn nhận ở mỗi góc độ, khó có thể tranh luận đúng hoặc sai, tùy góc nhìn, tùy thế đứng chính trị của cá nhân. Câu thơ này của Xuân Diệu:

Đất nước trong tôi là một khối,

Giòng sông Bến Hải chảy qua tim.

Anh bạn thơ, từ Hà Nội bảo: “Có thể đặt tên ngày này là Tết Thống nhất?”. Có người bảo: “Nên gọi là Ngày Tưởng niệm?”. Hôm kia, gặp người bạn từ Hà Nội vào chơi, vừa buột miệng nói: “Ngày Giải phóng…”, anh đã vội xin lỗi vào bảo: “Tớ quên, phải gọi chung là Ngày Thống nhất”. Lại nghe nói, còn có nhiều cụm từ khác nữa, mà thôi,  không nhắc lại và cũng không tranh luận. Rõ ràng, về tên gọi của ngày 30.4, Nhà nước đã có văn bản chính thức, nhưng rồi, trong lòng mỗi người lại có cách nhìn nhận khác nhau. Sự hiển nhiên này, về tên gọi, bao giờ người Việt Nam dù đang sinh sống ở chân trời góc biển nào cùng có được đồng thuận? Bao giờ? Khó có thể biết, tuy nhiên, đây vẫn còn là một đề tài, một tranh luận kéo dài, kéo dài đến bao giờ? Khó có thể biết. Cuộc chiến này đã kéo dài cả thảy bao nhiêu ngày, theo nhà báo Phạm Hồng Phước: “Lấy cột mốc từ ngày 1.11.1955 tới ngày 30.4.1975, Wikipedia tính toán rằng cuộc chiến tranh Việt Nam đã kéo dài 19 năm 5 tháng 4 tuần và 1 ngày” (Xem Đặc san CA.TP.HCM - Số đặc biệt kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước - tr.40). Tại sao chọn ngày này? Kiểm tra lại, Từ điển Wikipedia giải thích: "Chiến tranh Việt Nam được Mỹ coi là bắt đầu từ ngày 1/11/1955 khi Nhóm chuyên gia hỗ trợ quân sự Mỹ (U.S. Military Assistance Advisory Group - MAAG) cho Việt Nam được thành lập".

Trong năm tháng cuối đời, bộ óc bách khoa toàn thư Việt Nam Hoàng Xuân Hãn có viết lá thư gửi 2 nhân vật lỗi lạc Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp. Sau khi đưa thư nhờ Đại Sứ quán Việt Nam tại Paris chuyển giúp, trên đường về, cụ ngã trượt chân, vào viện ít hôm thì mất. Tiêu đề bức thư này, cụ ghi:  “PARIS ngày mồng 2 tháng Giêng năm Bính Tý”. Trên trang cá nhân của nhà nghiên cứu Hán Nôm Ngô Đức Thọ cho biết: “Ngoài ra không dòng nào ghi ngày tháng Dương lịch! Thành ra tôi lại phải làm cái công việc khi sinh thời cụ vẫn làm: tra cứu niên lịch để ghi chú cho dòng niên đại ghi trên: Đó là ngày 20 tháng 2 năm 1996. (xem: Lê Thành Lân, Năm trăm năm lịch Việt Nam 1544-2043; tr.597)".

Trong bức thư quan trọng này, có đoạn cụ Hoàng Xuân Hãn viết: “Tôi đã có lúc biện-luận về điều khác biệt giữa sự thắng ngoại-xâm và sự giải-phóng đất nước. Nước ta chỉ có hai cuộc giải-phóng mà thôi: thời 1416-1427 với Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi, và thời 1945-1975 với Bác Hồ cùng các Anh. Tự nhiên cả hai mặt phải nhờ gắn-bó giữa mưu-lược lãnh-đạo và kiên-cường nhân-dân. Khi ngoại-xâm thì nhân-dân ai cũng căm-tức và lo-sợ cho tương-lai; còn trong cuộc giải-phóng thì địch đã ở chung với nhân-dân lâu trong nước, rồi có thể dùng quyền-lợi để chia rẽ và giảm tinh-thần nhân-dân. Vì vậy, cái cần-thiết nhất trong cuộc giải-phóng là cái ĐỨC của những người lãnh-đạo, cái Đức để cho địch không tìm cách mua-chuộc mình và làm gương cho nhân-dân giữ lòng yêu nước”.

Đọc đoạn này, ta thấy rằng, theo quan điểm cụ Hãn cuộc chiến vừa qua là “sự giải-phóng đất nước”, tuy nhiên, mấu chốt ở chỗ cần phải giải quyết rốt ráo là người Việt máu đỏ da vàng, cùng bọc trăm trứng, cùng có mặt trong cả hai chiến tuyến đối nghịch. Oái oăm là chỗ đó. Cuộc kháng chiến của anh hùng Lê Lợi - Nguyễn Trãi lại khác, chính vì thế từ Dân, chính Nhân Dân thật sự “hồ hỡi phấn khởi’ như reo như hát một dạ một lòng:

Nhong nhong ngựa ông đã về

Cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn

Mà nghĩ cho cùng, dù tên gọi nào, lời tâm sự của cụ Hãn về “cái Đức của người lãnh đạo”,  thời nào, thể chế chính trị nào cũng xem đó là bài học ghi lòng tạc dạ. Ai ai cũng tự ý thức nhưng rồi có làm được hay không mới là cốt lõi của vấn đề.

Trong môt rừng thông tin chính thống từ báo chí trong nước về ngày 30.4.2015, y chú ý đến phát biểu của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư. Báo Thanh Niên số ra ngày 20.4.2015 có bài Bốn mươi năm nhìn lại - đổi mới và phát triển, phỏng vấn TS Vũ Ngọc Hoàng. Theo Hoàng: “Nói 40 năm hòa bình và thống nhất đất nước, nhưng thực chất chỉ có 30 năm xây dựng trong hòa bình. Còn 10 năm đầu thì chiến tranh biên giới tây nam, giúp dân tộc Campuchia anh em khỏi nạn diệt chủng và chiến tranh biên giới phía bắc để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”.

Vậy chỉ với 30 năm qua, ta đã làm được những gì? Được gì, báo chí đã nói nhiều rồi. Vậy cái gì chưa được?

Theo ông Hoàng, “Năng suất lao động là vấn đề cốt lõi của công nghiệp hóa nhưng với ta hiện nay là quá thấp và tụt hậu bậc nhất Đông Á. Chỉ bằng 1/5 Malaysia và Thái Lan, 1/10 Hàn Quốc, 1/15. Singapore. Giá trị GDP hiện nay ta còn cách Thái Lan 17 năm, Indonesia 19 năm, Hàn Quốc 26 năm... Thu nhập bình quân đầu người rất thấp và đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Theo tính toán của các nhà kinh tế, nếu phát triển như thế này thì ít nhất cũng phải 45 năm nữa chúng ta mới vượt qua mức thu nhập trung bình.Chúng ta chưa có sản phẩm công nghiệp gì đáng kể do chính mình làm ra để xuất khẩu, mà chủ yếu là làm thuê và cho thuê mặt bằng. Công nghệ nước ta bị lạc hậu 2 - 3 thế hệ so với trung bình của thế giới. Hiệu quả đầu tư rất thấp, mà muốn có ăn và trả nợ (chưa nói đến tích lũy), thì phải tính từ hiệu quả đầu tư; thất thoát, lãng phí, tham nhũng nhiều và khá nghiêm trọng; nhiều doanh nghiệp nhà nước thua lỗ lớn và kéo dài; nợ nần đã đến mức báo động. Trong 5 năm (2010 - 2014) số doanh nghiệp nội địa phá sản, đóng cửa, ngừng hoạt động đã lên mức gần 300.000 doanh nghiệp... Tới nay, còn 5 năm nữa, chúng ta không thể hoàn thành mục tiêu đã đề ra là năm 2020 cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Nhà báo hỏi tiếp: “Rồi những những vấn đề chủ yếu về xã hội và an sinh?”.

Ông Hoàng phát biểu: “Tuy trình độ dân trí được nâng lên, an sinh xã hội tốt hơn, quyền con người được quan tâm hơn, nhưng mấy năm gần đây rất nhiều người đang quan tâm lớn đến vấn đề đạo đức xã hội suy đồi, tiêu cực và tội phạm gia tăng, “lợi ích nhóm” tiêu cực đang phát triển rất phức tạp, có biểu hiện kiểu như ở các nước trong thời kỳ “chủ nghĩa tư bản hoang dã” (tích lũy và tập trung tư bản bằng mọi thủ đoạn và chi phối mạnh quyền lực, một phần không nhỏ nguồn lực quốc gia tập trung vào tay các “nhóm lợi ích”). Một bộ phận nông dân mất đất là tư liệu sản xuất chủ yếu; công nhân bị bóc lột, quỵt lương và mất khả năng tham gia làm chủ; phân hóa giàu nghèo đang giãn ra…

Xã hội chủ nghĩa (XHCN) là xã hội lý tưởng, là cái gì tốt đẹp thật sự chứ không phải là cái có tên gọi đặt ra. Với cách hiểu ấy, tôi cho rằng trong xã hội ta, nhìn chung, thực tế tạo ra các yếu tố XHCN còn quá ít. (Liên Xô “dinh lũy và thành trì” của CNXH cùng khối XHCN Đông Âu sụp đổ là bài học đáng suy ngẫm về vấn đề danh nghĩa và thực chất). Các nước Bắc Âu còn XHCN hơn nước ta trên nhiều mặt. Chế độ XHCN ở VN phải chăng chủ yếu mới chỉ là tên gọi, là mong muốn, còn về thực chất thì còn quá ít và không loại trừ đang có mặt “chệch hướng” dần sang chủ nghĩa tư bản hoang dã độc quyền nhà nước… (loại hình rất lạc hậu, kìm hãm sự phát triển và khác xa tư bản hiện đại ngày nay có nhiều mặt tiến bộ đáng nghiên cứu)”.

Tư duy, cần nhìn lại để đi tới bao giờ cũng thiết thực. Vẫn biết rằng, sự ghi nhận các thành tựu, thành tích, thành quả, thành công lúc nào cũng cần thiết. Nhưng rồi, đã đến lúc, chắc chắn điều cần thiết hơn cả vẫn thái độ nhìn nhận thẳng thắn sự tụt hậu của mình. Có phải vậy không hỡi anh chàng nhà thơ lơ tơ mơ bước vào dòng đời bằng tâm thế của câu thơ Hồ Dzếnh:

Chân đi ắt hẳn không cần đất

Lạc giữa trần gian bước hững hờ?

Vừa hỏi thế, chưa kịp tự trả lời đã nghe ông bạn văn Nguyễn Đông Thức la toáng trên trang facebook cá nhân: “2g sáng ngày 30-4-2015 tại ga đến ở sân bay quốc tế TSN. Tôi như không tin ở mắt mình khi nhìn thấy cái vali của mình chạy ra từ băng chuyền mà... không còn ống khoá! Tôi là nạn nhân thứ... của trò ăn cắp vặt nổi tiếng ở sân bay này?

Đã quá mệt sau chuyến bay dài và luôn thấu hiểu cái gì mất tức nó không phải của mình, tôi cam chịu đẩy vali ra cổng hải quan để mong ra về cho sớm. Lòng băn khoăn không biết mình đã mất cái gì trong ba món gọi là đáng kể trong cái vali: 1. Cái laptop của bạn Ann Nguyen gởi cho cháu học trò nghèo mồ côi ở Phan Thiết 2. Chai cognac XO bạn Sơn Mộng Đảo tặng tôi đem về uống với bạn bè đi làm học bổng 3. 20 cái hộp quẹt Zippo cổ ông anh Nguyễn Đức Lập sưu tầm được và cho tôi để hy vọng đem về bán đấu giá gây quỹ học bổng.

Có thể là mất hết cả ba?

Khi vali đi qua máy soi, tôi bị người nhân viên gọi lại, kêu tôi đưa hộ chiếu. Sau đó ông gọi tôi vào cùng coi màn hình bên cạnh mà ông đã chụp lại: “-Trong vali của anh có 1 laptop và trong xách tay cũng có 1 cái. Anh nên... bồi dưỡng cho anh em làm việc cực khổ sáng đêm chút ít”. Trời đất! Trước khi tôi đi Mỹ, báo TT đã làm một loạt bài về tệ nạn vòi vĩnh ở cửa khẩu TSN, giờ chính tôi là nạn nhân?

Tôi lễ phép giải thích 1 cái là đồ cũ đem theo làm việc và 1 cái là đồ cho từ thiện, nếu cần tôi sẽ mở vali cho anh ta xem xét, anh ta vẫn lắc đầu không duyệt.Nhìn đồng hồ đã 3g sáng, dù có 2 đứa con có 2 cái thẻ nhà báo TT đang ngồi chờ ngoài kia, tôi chỉ biết thở dài rút 20 đô đưa anh ta coi như thí cô hồn ngày 30-4.

Về nhà. Việc đầu tiên tôi mở ngay cái vali bị mất khoá. 3 món đồ tương đối giá trị nhất vẫn còn nguyên! Có một tờ giấy nhỏ của hải quan Mỹ đặt trên cùng với 2 chữ ký, báo là họ xin lỗi về sự bất tiện phải khui vali khi không có mặt tôi, do soi chiếu thấy có vật dụng có thể gây mất an toàn cho chuyến bay (đó là cái laptop, thời buổi hiện đại có thể đặt chất nổ bên trong rồi kích hoạt gây nổ bằng một thiết bị điều khiển từ xa. Chuyện này tôi coi phim thấy hoài mà ngu không nhớ). Họ mong tôi thông cảm cho việc họ làm dù đó là nhiệm vụ được phép. (Hic, ở VN là tôi đã được gọi tên inh ỏi để quay về cửa an ninh làm việc).

Qua 2 cái máy soi chiếu, có 1 câu chuyện thật đáng suy gẫm...

(Cũng ơn trời khi các nhân viên đưa hành lý từ máy bay về ga đã không phát hiện vali tôi không có khoá).

Bà bắn ai bịa chuyện!”.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment