LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 22.4.2015


tap-chi-van-hoc-THO-1973

 

Thơ ích gì cho đời sống?

Trong những tình huống éo le, oái oăm này có thể nhờ cậy đến phép lạ của thơ không?

Này nhá: Ngày 14 g chiều 12.9.2013, Đại Sứ quán Hà Lan tại Hà Nội phát miễn phí 3.000 chiếc áo mưa. Chỉ dăm phút, sau vài lời phát biểu, lập tức đám đông trở nên hỗn loạn, hò hét, chen lấn vì ai cũng muốn giành phần nhiều nhất. Thậm chí có người giật luôn áo mưa từ tay vị đại diện người Hà Lan và các tình nguyện viên.

Ngày 24.10.2013, một nhà hàng Nhật trên phố  Đoàn Trần Nghiệp (Hà Nội) thông báo cho vào cửa ăn miễn phí buffet món sushi trong ngày khai trương. Lập tức hàng nghìn người kéo đến, chen lấn, xô đẩy tràn ra giữa lòng đường tranh giành nhau gây tắc nghẽn cả con phố. Người giành ăn không được hậm hực, văng tục ầm ĩ. Mới đây thôi một nhà hàng tại Q.1 (TP.HCM) cũng tuyên bố cho nhận suất ăn miễn phí cũng tạo nên cảnh tượng ùn ùn như thời nạn đói năm 1945 quyết giành cho bằng được một cái gì bỏ vào mồm để sống.

Chưa hết, thời sự gần đây nhất vẫn là vụ náo loạn vào ngày 19.4.2015 tại Công viên nước Hồ Tây vì có chương trình miễn phí vé vào cửa. Nhiều phụ huynh bế trẻ con bất chấp nguy hiểm trèo qua rào sắt nhọn cao chừng 2 mét  v.v… Báo chí đã đưa tin ầm ầm, không nhắc lại. Tuy nhiên, các vụ việc này, kể cả vụ chặt cây ở Hà Nội vừa qua đã gây động cả nước, đưa tin trước nhất vẫn từ Facebook. Một lần nữa, báo giấy truyền thống đã đi sau thông tin của cộng đồng mạng.

Thử hỏi, nếu lúc ấy có thi sĩ nào nào đứng ra véo von, du dương các vần thơ, có thể lập lại trật tự không?

Hôm trước phì cười với cái tin nho nhỏ in trên báo TN: “Nhiều người đầu tư vào hệ thống báo động hoặc các ổ khóa chắc chắn, thì chủ một ngôi nhà ở Hà Bắc (Trung Quốc) chỉ sử dụng một bài thơ và ngạc nhiên thay, chiêu chống trộm hết sức... tao nhã này lại có hiệu quả bất ngờ. Theo ChinaDaily, sau khi đột nhập vào nhà, thay vì vơ vét tài sản, tên trộm không lấy bất cứ thứ gì, thậm chí còn để lại 100 tệ (khoảng 348.000 đồng) cùng mảnh giấy xin lỗi. Hóa ra, kẻ đạo chích đã bị dòng chữ có nội dung “Hãy tự đứng trên đôi chân của mình ngay cả khi xế bóng”, treo trên tường làm thay đổi ý định”.

Thơ cũng có ích đấy chứ?

Cười chưa kịp khép miệng thì mếu với chuyện khác cũng liên quan đến thơ. Báo TN số 20.4.2015 cho biết, ngày 16.7.1993, ông Nguyễn Đình Phương, nguyên giáo viên Trường THCS Vân Diên (huyện Nam Đàn, Nghệ An) bắt giam 115 ngày chỉ vì làm một bài thơ. Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh nào? Năm 1991, người dân hai xã Nam Tân và Nam Thượng (H.Nam Đàn) tranh chấp đất sản xuất. Hai năm sau, để giải quyết tranh chấp này, lãnh đạo huyện Nam Đàn cho đóng cột mốc phân chia ranh giới hai xã. Nhiều người không đồng tình gọi là "cột ngốc", trong đó có ông Phương. Và ông làm bài thơ “Cột mốc hay là cột ngốc?”, nguyên văn như sau:

Cột mốc cắm ở đường biên

Phân chia ranh giới, nối liền quốc gia

“Cột ngốc” của huyện nhà ta

Chia đôi Tân, Thượng như là khối u

“Cá rán dân biếu mèo mù”

Chỉ đạo kiểu ấy đáng “tù mọt gông”

Vì sao Tân - Thượng bất đồng?

Cần chi cột mốc nằm không giữa trời

Đau lòng Tân - Thượng mình ơi

Nhổ ngay “cột ngốc” vạn đời vui chung

Bài thơ này bị ghép tội “bộc lộ nội dung hô hào, cổ động, kích động người nghe; tác phẩm có ý châm biếm, đả kích, coi thường, cản trở lại tổ chức và cá nhân có chủ trương đóng cột mốc đường biên” như kết luận của cơ quan chức năng. Từ đó, từ ngày được thả tự do đến nay, ông gõ cửa nhiều nơi đòi bồi thường án oan sai nhưng vẫn chưa có tín hiệu sáng sủa nào.

Lâu nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về thành tựu văn học của “miền Bắc xã hội chủ nghĩa” từ 1954 - 1975. Tuy nhiên, chưa ai chỉ ra rằng, trong đó có một thể loại hoàn toàn không hề có một thành tựu nào, đó chính là dòng thơ trào phúng. Nó tụt hậu, đi sau dòng thơ trào phúng thời tiền chiến; nó đi sau dòng thơ này ở “vùng tạm chiếm” miền Nam. Đề tài thu hẹp, quanh quẩn, tủn mủn và nhìn chung chỉ lớt phớt một vào hiện tượng nhỏ nhặt, không đáng kể. Vậy cái cười của nó thế nào? Vì sao lại như thế? Chỉ cần một buổi sáng, thức dậy sớm nhẩn nha cùng ly cà phê là có thể lý giải; hoặc ít  ra cũng phần tích được lý do tại bởi làm sao cái nguyên cớ gì?

Đêm qua, năm đọc lại tạp chí Văn Học (số 1.1973) chuyên đề “Thơ ca Việt Nam”. Hãy đọc lại một bài thơ của thơ trào phúng, thuộc thế hệ sau Tú Mỡ, Đồ Phồn... Họ là những cây bút trào phúng chủ lực, tiêu biểu nhất của thời đó. Một tác giả cho biết đây là bài thơ “đạt nhất” và nhấn mạnh: “Bài thơ đó nói về cái tục thờ đồng đô-la Mỹ. Tục này có thật và hiện còn lưu hành trong các gia đình của bọn tư bản Mỹ:

Trong phòng treo ảnh mẹ cha

Ấy là mỹ tục, ấy là tình sâu

Trải qua một cuộc bể dâu

Hóa ra… Mỹ tục làm đau ông bà

Huê Kỳ thần tượng đô-la

Hất phăng đôi ảnh mẹ cha gầm giường

Trong phòng chính vẻ cao sang

Đóng khung ngự một đồng vàng tòng teng”

Tác giả cho biết bài thơ này đã in trong tuyển tập Đêm tàn Bạch ốc do Sở Văn hóa Hà Nội xuất bản tháng 7.1966.

Mà thôi, không bàn chuyện này nữa. Có những trang viết ở lại với thời gian, cũng có những trang viết sẽ lãng quên khi chưa ráo mực. Chiều rồi. Đã làm xong mấy việc. Cũng bài vở thôi. Nghĩ qua chuyện khác cho vui, Chuyện gì? Chuyện rằng, đã khá lâu, có lần ngồi với người bạn, anh cho rằng, có những từ ghép đẳng lập thì Nam và Bắc chia nhau sử dụng, chằng hạn, xinh đẹp thì Bắc: xinh/ Nam: đẹp v.v… Suy nghĩ thêm một chút để thấy rằng, ngay trong tiếng nói đã thể hiện nước Việt một khối thống nhất. Dẫn chứng thêm bát/ chén; béo/ mập; ảnh/ hình; bơi/ lội; bút/ viết; chăn/ mền; dứa/ thơm; cùn/ lụt; lừa/ gạt; may/ hên; lọ/ chai; ngã/ té;  nhanh/ lẹ; nhìn/ ngó; trông/ ngóng; tránh/ né; tiêm/ chích; thuê/ mướn…

Lại nữa, trong Nam gọi heo/ ngoài Bắc gọi lợn nhưng tại sao trong Nam gọi “bánh da lợn”/ ngoài Bắc lại kêu “toạt móng heo”? Tương tự, Nam: đờn/ Bắc: đàn nhưng ở Sài Gòn vẫn gọi “công viên Tao Đàn”, chứ không phải “công viên Tao Đờn”, Nam: hột/ Bắc: hạt nhưng cả hai miền đều gọi “đau họng hạt”, chứ không hề nói “đau họng hột”; Nam: chánh/ Bắc: chính nhưng cả hai miền đều sử dụng “chánh văn phòng”, “chánh tổng” v.v..; Những từ phiên âm tiếng Pháp, ngoài Bắc có khuynh hướng thêm dấu sắc, trong Nam lại là dấu nặng. Chẳng hạn, Martel: Mác-ten/ Mạc-ten; garde manger: Gác măng-jê/ Gạc măng-jê; garde boue: Gạc-đờ- bu/ Gác-đờ-bu v.v…

Cũng lý thú đấy chứ?

Vừa nhận được Tạp chí Thơ do Hội Nhà văn Việt Nam gửi tặng hội viên. Vẫn thích đọc loạt  bài Thi thoại tản mạn của Hồng Diệu. Kỳ này, anh tìm ra câu thơ hay của nhà thơ Quang Huy: “Ngực thiếu nữ… thời gian tàn nhẫn lắm”. Hôm trước đi chơi với bạn thơ Nguyễn Trọng Tín, anh khen nức nỡ câu thơ này của La Quốc Tiến - viết về những bà mẹ kiếm sống bằng nghề đập đá trên núi An Giang. Nhìn các mẹ cầm búa, búa nặng xệ vai nhưng rồi cũng rướn hết sức vung búa đập vào đá tảng, đập cho đá vỡ ra nhỏ hơn nữa, đập miệt mài trong trưa nắng chang chang, tác giả viết: “Mẹ múa những đường cơm”. Nghe ứa nước mắt. Nhọc nhằn, đau đớn quá.

Sáng mai, về Đà Nẵng.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment