LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 15.4.2015

 

tra-loi-phonng-van--HTV--6R

Lê Minh Quốc trả lời phỏng vấn chươn g trình Chào ngày mới của Đài HTV nhân kỷ niệm 40 năm Khoa Văn học và Ngôn ngữ (12.4.2015)

 

“Mấy hôm nay có gì vui không Q?”. Vẫn tin nhắn quen thuộc của Đoàn Tuấn. Chẳng trả lời gì. Ngày nào chẳng thế. Đã thành nếp. Đang test lại chính mình: Nếu trong một ngày, không bước ra khỏi nhà, có thể viết được bao nhiêu ký tự? Viết vừa phải. Không gắng sức. Cảm thấy thỏa mái. Công việc đều đặn này kéo dài trong thời gian bao lâu? Khó có thể biết. Chẳng ai có thể toàn tâm toàn ý “ngày như mọi ngày”, đôi lúc, phải dừng lại nhằm “đối đế” với một vài quan hệ khác như họp hành, bia bọt bạn bè  lâu ngày mới gặp, xã giao này nọ, ngoài công việc…

Những khoản thời gian này, khó ai có thể tránh né.

Làm sao có thể không về tham dự nhân kỷ niệm Khoa Văn học và Ngôn ngữ? Nhiều bạn học tâm sự chân tình: “Trở về trường, nhiều người hỏi em học khóa nào? Em ưỡn ngực tự hào và bảo, học chung lớp với nhà thơ Trương Nam Hương và Lê Minh Quốc. Chỉ cần giới thiệu như thế là khối người trố mắt hỏi thật không? Trời, sao không thật!”.

Nghe thấy vui vui.

Tình bạn thời đi học như rượu quý. Còn có thể ngồi chung, uống chung với cốc rượu hòa lẫn những câu chuyện thân tình. Đơn giản chỉ vì cả thảy cùng làm chung ngành nghề, chung nhận thức. Bạn thời bộ đội cũng thế chăng? Dù đã một thời sống chết mịt mù lửa đạn, chia sớt cho nhau từng nguồn ánh sáng của sự sống, cứ ngỡ rằng mãi mãi là tri kỷ, tâm đầu ý hợp. Không hẳn thế. Rời khỏi quân ngũ, mỗi người rẽ một nhánh khác trên vạn dặm đường dài. Lúc gặp lại, có ngoài kỷ niệm cũ, đa phần chẳng biết nói thêm những gì. “Sau này gửi hình ảnh cho bạn thì thế nào?”. “À, dễ quá, cứ gửi qua email hoặc facebook cho mình”. “Ủa, có phải địa chỉ nhà riêng không? Sao lại không thấy có số nhà, tên đường?”.

Những mẩu chuyện nho nhỏ, cứ tưởng như đùa mà lại thật, rất thật.

Thương bạn lắm, nhưng rồi biết thế nào?

“À, mấy hôm nay có gì mới không?”. “Trời, báo chí đưa tim ầm ầm, ông không đọc báo, không lướt web à?” “Báo thì biết rồi nhưng web là cái gì?”. Thương quá. Có những người bạn bộ đội sau khi rời quân ngũ, trở về lại quê nhà, vẫn “lạc quẻ” với nhịp sống.Vẫn sống như thời còn ở chiến trường. Có người bảo chắc chắn có “hội chứng chiến tranh” ở những người lính từng tham gia chiến trường K. Không rõ thế nào. Chẳng có một cuộc điều tra nào về tâm lý, xã hội học nên khó có một kết luận rõ ràng. Vấn đề này, Đoàn Tuấn suy ngẫm nhiều. Sau bút ký Những người không gặp lại nữa, đã in, hiện anh đang tiếp tục với Trung đoàn viễn chinh. Đã viết đến đâu rồi?

Từ năm 1977, thế hệ ra đi từ Quân khu 5, rồi có nhiều đợt bổ sung tân binh từ các vùng miền, nhưng rồi, viết trong thời gian đó, chỉ có tập thơ Đất bên ngoài Tổ quốc. Quá ít ỏi. May mà còn có, nếu không ai sẽ lại người ghi lại vết tích năm tháng đó? Ở Quân khu 7 có Phạm, Sỹ Sáu và một vài người khác nhưng thật ra cũng quá ít ỏi. Cuộc chiến này, hầu như chưa thể hiện nhiều trên các trang viết. Chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Cuộc chiến này, chưa kịp hình thành một lực lượng viết mới. Viết với tâm thế của người lính mang gương mặt học trò. Viết với những gì mà cuộc chiến trước đây chưa có. Viết từ chiến hào dưới ngọn đèn dầu khộp. Viết nhọc nhằn trên quê hương Chùa Tháp. Thế hệ y hối hả viết. Rồi sau đó, vì nhiều lý do nên cuộc chiến này ít nhắc ai nhắc đến nữa. Một khi nhà cầm quyền không muốn nhắc lại cuộc chiến đó, điều này cũng ảnh hưởng đến sự lan truyền của các tác phẩm đã viết trước đó.

Có lẽ, đến lúc này, tập thơ Đất bên ngoài Tổ quốc vẫn được… photo copy nhiều nhất. Hằng năm, các cuộc họp mặt anh em thuộc sư đoàn 307 từ các cấp tiểu đội, trung đội, đại đội, trung đoàn thì các chiến hữu lại photo chuyền tay nhau đọc. Nghĩ vậy, đã thấy vui. Bài thơ tình tặng một người, chỉ một người đọc, đã vui. Hà huống gì đồng đội cũ năm nào cũng đọc lại. Đọc để nhớ về ngày tháng đã hằn một vết sẹo từ trong ký ức.

Mấy hôm nay, đã xa lánh những cuộc họ hội hè, đoàn thể của cái hội nghề nghiệp văn chương. Vô bổ quá. Nhiều anh em đi họp về la toáng tên là bị lừa. Không nhắc lại nữa. Những quy chế, quy định từ đời tám hoánh, từ thập niên 1960 nay vẫn còn nhai lại, vẫn còn áp dụng một cách máy móc. Mà nghĩ cho cùng, cuối cùng, mỗi nhà văn cũng tự thân vận động, tự mình đóng cửa hì hục viết mỗi ngày, cái hội nọ, cái đoàn thể kia nó có giúp ích được gì đâu. Ấy thế, nó vẫn cứ tồn tại và Nhà nước hằng năm vẫn đều đặn rót kinh phí. Vô lý quá. Rồi có lẽ, đến một lúc nào đó, người ta cũng phải xóa bỏ đi thôi. Cái sự hữu danh vô thực tồn tại đã nhiều năm rồi. Ai cũng thấy, ai cũng biết nhưng chẳng ai nói hoặc cũng không buồn nói. Cứ thế "đến hẹn lại lên", lại đại hội, lại bầu bán nhân sự để rồi có giúp gì cho người sáng tác? Đôi lúc tự hỏi, người sáng tác đứng ở đâu trong vòng quay nghiệt ngã của đời sống nhiều xáo trộn?

Mỗi một ngày đi đứng trên mây

Bụi bặm không lem dưới gót giày

Tiếng hót viễn mơ du dương quá

Vẽ nhọ tân trang cái mặt mày

Y đang mắng y đấy thôi. Rồi cuối cùng, biết thế nào được, người cầm bút lại chọn cho mình một góc nhìn, một thế đứng vừa có thể giữ được mình không lem luốc, vừa có thể bày tỏ ý thức trách nhiệm với đất nước. Đôi khi nhớ đến những câu thơ đã đọc, tìm về những câu thơ như một sự thanh lọc tâm hồn:

Tôi yêu đất nước này lầm than

Mẹ đốt củi trên rừng cha làm cá ngoài biển

Ăn rau rìu rau éo rau trai

Nuôi lớn người từ ngày mở đất

Bốn ngàn năm nằm gai nếm mật

Một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ

Một tiếng nói cũng đẩy hồn Thánh Gióng

Tiếng kêu vang vọng của anh bạn thi sĩ Trần Vàng Sao vẫn vọng lại, thỉnh thoảng đôi lần.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment