LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 30.5.2015

 

tu-lieu-gia-dinh-bao-c-a-Huu-Khuyen

Các manchette của Gia Định báo. Tài liệu của Th.S Đoàn Hữu Hoàng Khuyên


Nếu ngày nào cũng như sáng hôm qua thì vui. Trong cuộc đời, làm gì có chữ “nếu”. Dậy sớm, đi ăn sáng. “Ngồi gần. Gần nữa. Gần hơn / Chiêm ngưỡng nhan sắc rạ rơm quê nhà”. Rồi đến Nhà hàng Blue Ginger, dự buổi ra mắt tập thơ của người bạn. Đến vui với bạn, nếu cao hứng, phát biểu đôi câu chúc mừng, bằng không cũng có dịp trò chuyện cùng thân hữu. Cà phê. Uống trà. Nhắc lại vài ba câu chuyện cũ, nói cho nhau nghe những chuyện tầm phào. Vô thưởng vô phạt. Mà thân mật. Chân tình. Rồi đường ai nấy đi. Mỗi người mỗi việc. Thỉnh thoảng nghĩ về nhau một chút. Vậy là đủ.

Sáng qua, lại về trường cũ tham dự cuộc Hội thảo khoa học 150 năm thành lập GIA ĐỊNH BÁO và sự phát triển của báo chí Việt Nam. Có mấy ghi nhận: Không có nhiều sinh sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông tham dự. Rất đáng tiếc. Chỉ cần ngồi vài tiếng đồng hồ, có thể lãnh hội được những vấn đề hữu ích mà nhiều người đã lao tâm khổ tứ nghiên cứu, mày mò tìm tò, há chẳng phải là điều may mắn đó sao? Trong vài năm trở lại đây, hầu như trong các tọa đàm, hội thảo khoa học rất ít người trẻ tham dự, kể cả nhà báo, nếu có, chỉ ngồi loáng thoáng, nhấp nhỏm rồi lẻn đi về trước.

Về tờ Gia Định Báo, có mấy thông tin, đối với y là mới, cũng có thể người khác đã biết rồi. Không sao cả. Nghe, ghi chép từ các tham luận trong các cuộc hội thảo, tọa đàm cũng là một cách học.

Trong các mẫu chữ cái tiếng Việt, mẫu tự Đ xuất hiện từ lúc nào? Câu hỏi này dành cho các nghiên cứu ngôn ngữ học. Trong phạm vi khảo sát từ các manchette của Gia Định báo, Th.S Đoàn Hữu Hoàng Khuyên cho biết, những số báo đầu tiên, từ năm 1865 ghi rõ ràng Gia Dịnh Báo. “Sở dĩ có tình trạng này là vì toàn bộ chữ in Gia Định Báo đều phải đúc từ Pháp rồi chuyển về Việt Nam”; “Điều này còn lặp lại nhiều lần trên báo, với nhiều trường hợp dùng từ khác, mẫu tự có dấu bị thiếu nên nhà in dùng tạm một số mẫu tự thay thế. Ví như “Đ” thay bằng “D”, còn “D” thay bằng “J”. Manchette ban đầu, có ba chữ Gia Định Báo được viết theo lối chữ chữ Hán, rồi mới đến chữ quốc ngữ Gia Dịnh Báo. Sau đó, khoảng 1880, vị trí manchette Gia Dịnh Báo viết bằng chữ Hán và chữ quốc ngữ thay đổi ngược lại, nghĩa là chữ quốc ngữ nằm phía trên. Năm 1885, tên báo viết bằng chữ Hán không còn  xuất hiện nữa.

Vậy lúc nào manchette tờ báo ghi rõ ràng “Gia Định Báo”?

Đó là năm 1890. Điều quan trọng, lần này, phía trên manchette còn có thêm hai hàng in bằng tiếng Pháp: “République Française: Liberté - Égalité - Fraternité”. Theo Th.S Đoàn Hữu Hoàng Khuyên: “Nhờ hàng chữ này (Tự do - Bình đẳng - Bác ái) manchette thứ tư càng thêm khẳng định tính chất công báo của Gia Định Báo”. Y lại nghĩ ngược lại. Lúc đó, nó chính thức thoát khỏi tính chất công báo để hướng đến mục tiêu, vài trò đích thực của báo chí. Nghĩ thoáng qua, có đúng không? Ước gì có người am hiểu, nghiên cứu sâu hơn giải thích, bình luận thêm chi tiết này thì hay quá. Đôi khi trong cuộc đời, nhờ quan hệ với những người giỏi, uyên bác, có dịp được họ giúp ích bao điều. Đó cũng là một cách học.

Không riêng chi tiết này, trước đây chưa nghe ai nói đến, lại học thêm ý kiến này nữa. Tham luận của ThS. Nguyễn Văn Hà cho biết: “Ngoài ra, trên Gia Định Báo còn xuất hiện thể loại feuilleton (truyện trang giữa - serial story) với các truyện dịch hoặc phóng tác từ văn học Pháp, đăng nhiều kỳ như Phú bần truyện (700 câu lục bát, 18 số, từ 22.11.1884 đến 11.4.1885), Telemanque (342 câu lục bát, trên các số từ 20.6.1885 đến 22.8.1885), Francinet (văn xuôi, trên các số từ 3.10.1885 đến 22.12.1885)…”. Nói cách khác, thể loại feuilleton đã xuất hiện từ thuở bình minh của nền báo chí nước nhà.

Thử đặt câu hỏi, thời điểm đó, năm 1892, ở ngoài Bắc lần đầu tiên xuất hiện tờ báo Đại Nam Đồng văn Nhật báo, viết bằng chữ Nho thì thể loại feuilleton đã xuất hiện chưa? Chưa khảo sát cụ thể, nhưng có thể kết luận là chưa, bởi đó là tờ công báo. Mãi đến năm 1907, cụ thể từ số báo 793, Đại Nam Đồng văn Nhật báo đổi thành Đại Nam (Đăng cổ tùng báo) mới thực hiện chức năng của tờ báo đương đại, có thêm phần chữ quốc ngữ song song với chữ Hán. Từ đó, suy nghĩ thêm, vì sao báo chí Nam kỳ chuộng thể loại feuilleton, tại sao báo chí ngoài Bắc lại không? Bằng chứng, báo chí miền Nam mãi đến năm 1975 vẫn còn duy trì. Tính cách, tâm lý, nhu cầu đọc báo của vùng miền có khác nhau đó chăng?

Còn nhớ, trên tạp chí Nghệ Thuật do Mai Thảo - chủ nhiệm, chủ bút; Thanh Nam - Tổng Thư ký tòa soạn; Viên Linh - Thư ký tòa soạn có thực hiện chủ đề “Nói chuyện giữa những người viết tiểu thuyết nhật báo”. Đó là số báo 22 “tuần lễ từ 12.3 tới 19.3.1966”. Cung cấp thêm thông tin này cho những ai quan tâm, có thể vào thư viện tìm đọc. Hiện nay, thể loại feuilleton đã hoàn toàn toàn biến mất trên mặt báo. Hồi đó người viết feuilleton, có thể hiểu nôm na "người viết tiểu thuyết nhật báo". Những câu bút quen thuộc thời do phải kể đến nhà văn Bà Tùng Long, Lê Xuyên, Sĩ Trung, Hoàng Hải Thủy, Ngọc Linh, Hoàng Trúc Ly, Duyên Anh v.v... Qua chi tiết này có thể nhìn ra nhu cầu đọc báo của mỗi thời.

 

nghe-thuat-tu-lieu-LMQ

Tạp chí Nghệ thuật số  22 in năm 1966 tại Sài Gòn. Tư liệu L.M.Q

 

Hôm qua, dự hội thảo về Gia Định Báo, y có phát biểu mấy ý:

Có những nhân vật văn hóa tầm vóc rất lớn, nếu nhà cầm quyền xét về quan điểm, thế đứng chính trị của họ mà loại bỏ, ruồng rẫy, đánh giá thiên vị ắt sẽ có một lực lượng khác giành lấy họ. Trường hợp Trương Vĩnh Ký là một thí dụ. Trong ngôi đền văn hóa, có những giá trị cụ thể, nếu loại bỏ nó hoặc  xem nhẹ hoặc không nghiên cứu thấu đáo sẽ là một thiệt thòi về di sản văn hóa của dân tộc. Trường hợp Gia Định Báo là một thí dụ. Lấy quan điểm chính trị xét văn hóa là giết văn hóa.Vậy phải lấy cái gì? Ai cũng có thể trả lời rằng, phải lấy “tâm” và “tầm”. Mà “tâm” thế nào? “Tầm” thế nào? Lấy gì đo lường? Với hoàn cảnh cụ thể, lịch sử nước nhà đã nhiều năm chia cắt, đã có nhiều chủ nghĩa chính trị, nhiều đảng phái khác nhau, xét văn hóa y mạo muội nghĩ rằng, phải từ tinh thần “gạn đục khơi trong”. Mà điểm xuất phát của nó phải lấy tinh thần “hòa hợp, hòa giải dân tộc” làm căn bản. Chỉ mới nghĩ thoáng qua. Ước gì có người cùng tranh luận, phản biện thì tốt quá.

Sực nghĩ, nếu nhà bác học, nhà bách khoa toàn thư kiệt xuất Lê Quý Đôn năm 1776 không được được cử làm chức Hiệp trấn Thuận Hóa thì sao? Thì có người khác, tất nhiên. Nhưng phải là Lê Quý Đôn với một loạt tác phẩm nghiên cứu tìm hiểu phong tục, vật sản, di tích… của xứ Đàng Trong, trong đó có cả văn học thì thế hệ sau mới có điều kiện nhìn nhận rõ mạo văn học Nam Hà. Công đức đó lớn lắm.

Sáng qua, lòng thấy vui. Vui vì được nghe, được đọc những tham luận có nghiên cứu cụ thể từ văn bản học. Chứ không “ăn theo nói leo” như nhiều nhà nghiên cứu đã chép của nhau, dù danh xưng tầm cỡ Tiến sĩ, Giáo sư đã từng xẩy ra. Ấy là do họ không có điều kiện tiếp cận văn bản gốc. Đến nay, chưa một cơ quan văn hóa nào đứng ra in lại sưu tập, in lại toàn bộ Gia Định Báo. Vài năm trước, thị trường sách nước nhà đã “tái bản” các bộ Tri Tân, Tiền Phong… Tuy nhiên, tất cả được xếp chữ lại, chứ không chụp bản gốc. Đó là điều đáng tiếc. Bởi, người đọc không dám quả quyết có thật bản gốc như vốn có hay đã bị chỉnh sửa? Trên nhiều trang mạng đã scan lại những bộ như Nam Phong, Tri Tân, Sử Địa… Công đức đó lớn lắm. Nhưng đọc qua màn hình mỏi mắt, thiếu đi sự hứng thú như cầm đọc trang sách in trên giấy. Vì lẽ đó, sáng qua, y đã sung sướng khi nhờ được cán bộ giảng dạy của Khoa Báo chí và Truyền thông (vừa là bạn, vừa vai em) sao chụp lại toàn bộ Gia Định Báo hiện đang lưu trữ tại Thư viện Quốc gia trong Nam và ngoài Bắc. Tất nhiên, phải trả kinh phí cụ thể. Chẳng sao. Có người nhận làm công việc nhọc nhắn ấy, đáng quý lắm.

Y cần sao chụp lại Gia Định Báo để làm gì?

Nghiên cứu à?

Thưa không. Cứ giữ lại, biết đâu mai sau có người cần nghiên cứu thấu đáo, cần tiếp cận cụ thể từng văn bản thì tặng lại. Đó cũng là một cách làm việc thiện. Cách đây khá lâu, anh bạn đồng nghiệp Trận Nhật Vy hào hứng cho biết có người bán vài tờ Gia Định Báo. Giá một số đến vài triệu đồng. “Vậy anh có mua không?”. “Không, mình chỉ mua bản photocopy, giá chỉ vài chục ngàn”. Đâu phải dân chơi sách cũ mà cần phải sở hữu những trang tư liệu gốc. Y biết có người thường xuyên ăn chay niệm Phật, không sát sinh, không chửi thề, không gái gú lăng nhăng, không bia ôm, không ngoại tình, dù buôn sách cũ nhưng không bao giờ bán bản photocopy; dù chơi sách cũ nhưng không bao giờ cho ai mượn. Kể chuyện này cho anh bạn nhà thơ Trần Phá Nhạc nghe, anh bảo, theo đạo Phật đó là những những người có tội. Vì sách báo quý, tài liệu văn hóa, kinh kệ tôn giáo nếu ai sở hữu, phải phổ biến cho mọi người cùng được đọc. Ngẫm lại, anh nói đúng.

Thứ Bảy. Sáng nay, trời mát, đã có gió. Không oi bức như những ngày trước đó. Vậy y làm gì? Dậy sớm, đi ăn sáng. “Ngồi gần. Gần nữa. Gần hơn / Chiêm ngưỡng nhan sắc rạ rơm quê nhà”.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment