LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 12.5.2015

dai-hoi-nha-van-lan-8Từ trái: Nhà thơ, nhà văn Nguyễn Trọng Tạo, Lê Minh Quốc (đứng), Nguyễn Đông Thức, Bảo Ninh (ngồi) - chụp tại Hà Nội ngày 5.8.2010

 

Dòng đời vẫn lừ lừ trôi đi. Không gì có thể chống chọi lại thời gian. Sự việc mỗi ngày cứ tiếp diễn từng ngày như vốn có. Những cơm áo gạo tiền, những vợ ốm con đau, những chuyện này tủn mủn, bé nhỏ (nghĩ là thế) lại là mối quan tâm lớn nhất, vẫn thiết thực hơn cả. Mối quan tâm của nhóm người này, cá nhân người kia tưởng rằng to tát, ghê gớm nhưng rồi đám đông hiện tại, chứ nói gì đời sau, cần quái gì phải biết đến. Một đời sống của từng cá thể rời rạc. Chuyện ai nấy làm, chuyện ai nấy biết, không quan tâm gì ngoài cái tôi. Với những chuyện bếp núc văn chương tưởng là ghê gớm lắm, bàn cãi, tranh cãi, cãi cọ vung tí mẹt nhưng than ôi, có ai quan tâm đến đâu. Dòng đời vẫn lừ lừ trôi đi. Mỗi một ngày lại trôi đi. Câu chuyện thời sự trước mắt, chỉ nháy mắt đã trở thành cũ xì, lỗi thời.

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót

Sông dài trời rộng bến cô liêu

Câu thơ của Huy Cận thỉnh thoảng quay về trong trí nhớ. Cũng từ trong trí nhớ của ngày hôm nay ghi nhận câu chuyện nọ, ngày mai có còn ai nhớ đến? Câu hỏi này không dành cho các nhà làm công tác tư liệu; hoặc có ý thức ghi chép biên niên của thời đại mà họ đang sống. Mà thể chế chính trị nào cũng cần có những bộ phận nghiệp vụ làm công tác này. Có như thế, đời sau mới có thể hình dung lại năm tháng của quá khứ. Đã có những tập sách dày cộm này được in ấn. Những ghi chép theo ngày, tháng, năm tưởng rằng đơn điệu, khô khan, tẻ nhạt nhưng đó mới chính là bức tranh sinh động nhất khi nhìn về quá khứ.

Đừng nói gì xa, chỉ với Đại Việt Sử ký toàn thư, dù không cụ thể từng ngày, nhưng ít ra cách ghi theo từng niên đại, triều đại rất hữu ích, cực kỳ giá trị khi đời sau muốn nhìn về quá khứ của cha ông đời Đinh, Lê, Lý, Trần… Còn có thể liệt kê ra nhiều bộ sử khác nữa. Chỉ đến thế kỷ XX, ở nước ta mới có lối ghi, gọi nôm na “chuyện từng ngày”. Có thể kể đến sự đóng góp quan trọng của các ông, bà như Đoàn Thêm, Dương Kinh Quốc, Dương Trung Quốc, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Anh, Trần Quỳnh Cư, Nguyễn Hữu Đạo, Nguyễn Tố Uyên v.v… Và nhiều vị đáng kính khác thuộc Viện Sử Học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam vẫn đang ngày đêm miệt mài làm công việc này.

Họ tiếp cận từ nhiều nguồn tư liệu, có thể từ công báo Nhà nước, từ các văn bản của Chính phủ, từ các quy định của các Bộ, ban ngành, đoàn thể v.v… Và tất nhiên, họ không thể bỏ qua một nguồn tư liệu thời sự cần thiết, chính xác đó là các nhật báo, tuần báo, tạp chí… đã và đang phát hành. Với các tờ báo đó, ngay cả phần tưởng rằng không thèm ghé mắt đến như các trang quảng cáo, rao vặt nhưng cũng hết sức cần. Nhìn qua đó, có thể biết mức sống, nhu cầu sinh hoạt của một thời. Lâu nay, y vẫn nghĩ rằng, để đeo đuổi công việc nhọc nhằn này, ắt phải tác nghiệp như thế. Nhưng rồi, chừng mươi năm lại đây, y đã có sự thay đổi.

Thay đổi như thế nào?

Rằng, nguồn tư liệu trên báo chí chính thống không còn là một kênh thông tin đáng tin cậy. Tại sao? Hoặc phản ánh không đúng mức độ của một sự kiện đang diễn ra; hoặc cố tình bỏ sót, không nhắc đến một sự kiện nào đó. Nếu có nhà nghiên cứu lão luyện, công tâm thử khảo sát lại quá khứ qua các trang báo đã ấn hành từ năm 1975 đến nay, ắt sẽ tìm ra các mảng thời sự, các đề tài thời sự, các thông tin thời sự mà lúc đó đã bỏ quên. Có thể bình luận thêm về điều này, nhưng không, chỉ là một gợi ý. Tuy nhiên, sự ra đời của hệ thống internet đã khắc phục được điều đó. Nghĩa là khó có thể, thậm chí không thể áp dụng biện pháp bưng bít thông tin trong thế giới phẳng. Nhân loại biết ơn khoa học kỹ thuật.

Những ngày này, trên báo chí chính thống hoàn toàn không đưa tin gì về việc đã có một số nhà văn tuyên bố rời bỏ Hội Nhà văn Việt Nam. Với tư cách một nhà báo, một cơ quan ngôn luận cung cấp thông tin cho bạn đọc không thể né tránh thông tin này, không thể liệt nó vào hạng “xe cán chó, chó cán xe”. Với sự am hiểu thiển cận, y nhận ra rằng, đây là lần đầu tiên, kể từ ngày thành lập Hội Nhà văn Việt Nam mới xẩy ra sự việc nhiều nhà văn cùng ra khỏi Hội một lúc. Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra từ tại Câu lạc bộ Đoàn Kết ở Hà Nội từ ngày 1.4.1957 đến ngày 4.4.1957. Không thể phủ nhận thời gian qua đã có công sức tài năng, tâm huyết của nhiều nhà văn trong việc vun đắp, xây dựng nền văn hóa của dân tộc v.v… Hiện nay, sự tuyên bố ra khỏi Hội của một số nhà văn, nhìn nhận qua lăng kính nào chưa bàn đến, nếu chỉ xét về mặt thông tin thì không thể bỏ qua.

Ấy thế, các trang báo chính thống không ghi nhận lấy một chữ, một dòng nào?

Tại sao?

Nếu chưa có internet, thông tin này chỉ có thể rỉ tai nhau. Nay đã khác. Trên các mạng xã hội đã đưa tin, đã bình luận với mức độ dày đặc. Đó là sự kiện báo chí. Mà đã sự kiện báo chí, nó cũng đi qua. Chẳng quan trọng gì lắm đâu. Nói như thế, để thấy rằng, với một nhà văn đã sống bằng nghề cầm bút, dù đứng trong tổ chức này; hoặc có chân trong tổ chức kia, hoặc không có trong tổ chức nào cũng chẳng là gì cả. Điều cuối cùng, duy nhất và còn lại vẫn là đã viết được những gì phụng sự bạn đọc? Sự tự vấn ấy mới ghê gớm làm sao, khốc liệt làm sao, quyết liệt làm sao. Không phải ai cũng đủ dũng khí đối diện với câu hỏi ấy. Khi đặt vấn đề nghiêm túc như thế, nói thật, nghĩ cho cùng cũng là một ảo tưởng nốt. Ảo tưởng về sứ mệnh của văn chương, về tài năng của mình, về quyền lực của chữ nghĩa. Ảo tưởng này đáng yêu và chẳng nên biếm nhẽ làm gì. Đó là chuyện riêng tư cá nhân tự họ trả giá, chịu trách nhiệm chính họ chứ nào có cần phải bắt ai gánh lấy đâu. Nó còn lương thiện, sáng giá, đáng kính trọng hơn một thứ ảo tưởng khác lại liên quan đến một và nhiều số phận khác.

Tiêu điều nhân sự đã xong,

Sơn hà cũng ảo, côn trùng cũng hư.

Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ,

Quán thu phong đứng rũ tà huy.

Phong trần đến cả sơn khê,

Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.

Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy,

Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.

Đau đấy. Nhưng rồi thế nào? Chiều nay, y đọc lại Sống mòn của Nam Cao: “Trên những bãi sông kia, trong những làng mạc, những khóm xanh xanh kia, có biết bao nhiêu người sống như y, không bao giờ dám cưỡng lại đời mình. Đời họ là một đời tù đày. Nhưng cũng như một con trâu, họ vẫn cắm cúi kéo cày, ăn cỏ, chịu roi. Ở bên kia những cánh đồng bùn lầy, là rừng xanh, cuộc sống tự do, cỏ ngập sừng. Con trâu có lẽ cũng biết vậy, nhưng chẳng bao giờ nó dám đi, chẳng bao giờ nó dám dứt đứt sợi dây thừng. Cái gì giữ con trâu lại ở đồng bằng và ngăn người ta đến một cuộc đời rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn? Ấy là thói quen, lòng sợ hãi sự đổi thay, sợ hãi những cái gì chưa tới. Ấy thế mà trên đời này lại chẳng có cái gì tới hai lần. Sống tức là thay đổi...”.


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment