Mẹ của Lê Minh Quốc
“Trẻ cậy cha, già cậy con”. Tâm lý của phụ nữ Á Đông, một trong những lý do kết hôn là vậy. Tưởng là thế, nhưng rồi con cái lớn lên lại chạy rượt theo bóng hình xa lạ nào đó. Có thể khiến nó mất ăn mất ngủ, “chết đi được”, trong khi đó, người mẹ bên cạnh có bao giờ nó quan tâm đến mức đó đâu. Rồi lúc nó có vợ có chồng có con có cái, mối quan tâm về cha về mẹ thế nào?
Những ngày này, y đang ở với mẹ. Sẽ quan tâm, lo lắng nhiều đến bà cụ chăng? Không hề. Mỗi một ngày, mẹ vẫn lo toan cho bữa cơm trưa, chắt chiu từng cọng rau, củ hành, con cá, miếng cơm dẻo bùi... Nhưng rồi có những lúc, đũa bát trên mâm lạnh tanh. Trưa ấy, không về nhà. Mải mê theo nhưng cuộc vui vớ vẩn sa đà chân dài váy ngắn. Mẹ nấu cơm mỗi ngày là mừng. Mừng bởi biết mẹ còn khỏe, còn tỉnh táo, còn có thể đi đứng quán xuyến cửa nhà. Ngày tháng này còn kéo dài bao lâu nữa? Khó có thể đoán biết. Nhưng chắc chắn ngày ấy sẽ đến. Sống với mẹ già, tưởng rằng con nuôi mẹ nhưng thật ra không phải. Mẹ vẫn tiếp tục nuôi con. Sự tồn tại của mẹ già trong ngôi nhà, tự hình ảnh đó, đã gợi lên một sức sống để người con tự ý thức phải sống thế nào cho có trách nhiệm hơn. Vừa rồi đọc trên facebook của anh bạn nhà văn Ngọc trong đá, Vĩnh biệt mùa hè:
Mẹ thành mây trắng đã lâu
Con về thăm mẹ, ngồi đâu cũng buồn
Về ngồi lại trong căn nhà mẹ đã ở, lập tức bao nhiêu kỷ niệm buồn vui, hình bóng, dáng đi, giọng nói của mẹ ùa về như thác lũ. Ngập ngừng chân bước. Lẻ loi. Cô độc. Lúc ấy, con người ta mới thật sự cảm thấy bơ vơ biết chừng nào. Viết những dòng này, khi hay tin mẹ của những đứa em dòng họ Lương - con cậu ruột vừa qua đời đêm qua tại Quảng Ngãi. Chắc chắn rằng mọi tin nhắn, mọi ngôn từ chia sẻ gì trong lúc này cũng nhẹ hều. Đành thôi. Im lặng. Và lặng lẽ chia buồn. Khi mất mẹ, nỗi buồn ấy có gì sánh bằng?
Nhớ đến người đã mất - bà mợ người Huế. Thời nhóc tì, mỗi dịp hè, đều được ba mẹ dẫn vào thăm cậu mợ. Ngôi nhà này ở ngay trong Nhà máy đèn Quảng Ngãi. Nhớ nhất mổi sáng thức dậy, cả nhà ngồi quanh chiếc bàn tròn dưới tàng cây trứng cá. Ăn bánh tráng nướng, đã nhúng nước và chấm với xì dầu có những mảnh ớt xanh cay lè. Món ăn của tuổi thơ luôn ghi đậm trong ký ức đời người. Khó quên. Quảng Ngãi, nơi ấy, y hầu như không có một nỗi nhớ nhung vời vợi nào, vì thuở ấy còn quá nhỏ để nhớ, để ghi nhận trong tiềm thức.
Thật khó có thể tưởng tượng một đứa trẻ vô gia cư, mồ côi, lớn lên không hề có bóng dáng của ông bà, các cô, dì, cậu, mợ thì đời sống tình cảm sẽ thế nào? Đó cũng là một nỗi bất hạnh. Không rõ, những đứa trẻ hôm nay, nếu đọc Chim hót trong lồng của nhà văn Nhật Tiến sẽ có cảm tưởng gì? Trong trí nhớ của y vẫn còn nhớ đến bé Hạnh. Một đứa trẻ ở cô nhi viện, niềm vui lớn nhất mỗi tuần, vào ngày chủ nhật được mẹ đến thăm. Cô bé Hạnh viết thư cho mẹ: “Chủ Nhật ở đây hiu quạnh và buồn lắm. Ngoài vườn thì chỉ có sỏi trắng với lá vàng. Trên hành lang tất cả các dãy thì có những miếng đá hoa trắng, lạnh. Còn trong phòng lại càng chán. Giường nào của chúng nó cũng xếp gọn gàng. Đứa nào cũng háo hức được đi. Thế mà má lại bắt một mình con ở lại. Sao thế má? Sao thế má? Con van má, con lạy má, cho con được ra với má một tuần một lần. Con không đòi ngủ với má nữa, con sẽ về trường vào tối Chủ Nhật. Má bảo gì con cũng nghe, nhưng má phải cho con đi chơi với má, hay nằm với má buổi trưa, để được ôm lấy cổ má, được gãi lưng cho má, con thích thế, và chỉ cầu mong được như thế. Má có nghe con không, má có bằng lòng không, má có biết con khổ thế nào không, nếu con đợi mà không thấy má. Con sắp sửa khóc cho má xem đây này. Cứ nghĩ đến cái hôm phải đứng một mình ở sân sỏi, đỏ mắt lên chờ má, nhìn ai cũng không phải là má, trông ai cũng muốn người ấy là má, mà cuối cùng phải lủi thủi một mình ngồi ở ghế đá, con lại muốn phát khóc. Như thế thì má biết con gái má mong má như thế nào”.
Càng lớn lên, càng hiểu thêm một điều giản dị, bất kỳ ai, dù còn bé hay đã lớn cũng có ước mơ đó. Khi đi xa, ngày trở nhà, trong đầu mỗi người luôn nghĩ đến người đầu tiên gặp ngay cánh cửa vẫn là mẹ.
Mẹ thành mây trắng đã lâu
Con về thăm mẹ, ngồi đâu cũng buồn
Nghĩ đến ngày đó, tự dưng ứa nước mắt.
Sống trên đời dễ hay khó? Khó, rất khó. Dứt khoát là khó. Khó nhất vì thừa biết có lúc chính mình phải vĩnh viễn chia tay, không bao giờ gặp lại nữa, dù đó là mẹ của mình. Nhưng phải chấp nhận. Chấp nhận một sự thật, một vết cắt vô hình nhói buốt theo năm tháng. Nhà văn Võ Hồng có viết truyện ngắn Trận đòn hòa giải. Ba chị em mất mẹ ở với ba. Ba cưng chìu yêu thương lắm. Chị em có lúc hờn giận, giận dỗi nhau rất trẻ con, người cha mệt cả đầu. Rồi mọi việc sau đó thay đổi hẳn. Vì nguyên cớ gì?
Người cha cho các con xem tấm ảnh cũ, ngày ba chị em chụp chung lúc mất mẹ: “Trong ảnh, ba đứng một bên mộ, ông đứng một bên. Hào đứng cạnh ông, tôi đứng cạnh ba. Thủy nhỏ quá, ba phải bế đứng lên thành mộ, gần bên ba. Ba chị em đều mặc áo tang. Màu trắng của áo quần tang nổi lên nền đen của ngọn núi đàng sau. Mặc áo tang vào, trông đứa nào cũng lụng thụng, thật đáng thương hại. Nhất là khi quen mắt với quần áo mặc hàng ngày là kỹ, thẳng nếp. Ðã thế, mặt đứa nào cũng đờ ra. Hào đứng thẫn thờ buông xuôi hai tay như người chán đời. Thủy cúi nghiêng mặt để tránh mặt trời chói. Còn tôi thì tóc bay phờ phạc trước trán như một đứa trẻ ốm dậy. Thấm thoát mà thời gian qua mau làm sao. Tưởng chừng má mới mất khoảng mấy tháng nay thôi, sự đau xót còn thấm thía như một vết thương chưa lành kịp. Ấy thế mà bốn năm đã trôi qua. Nhìn lại bức ảnh mới thấy ba chị em bé bỏng đến tội nghiệp, đến buồn cười. Giá mà nhìn thấy ảnh này, chắc má ôm chầm lấy ba chị em mà òa ra khóc”.
Mẹ thành mây trắng đã lâu
Con về thăm mẹ, ngồi đâu cũng buồn
Nghĩ đến đó, đọc đến đó, lòng đã rười rượi buồn như chạm đến một cơn gió mới vừa đi qua đìu hiu vọng lại tiếng lòng cô quạnh.
Những ngày này, y vẫn còn có mẹ.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|