LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 26.3.2015

 

quang-huyRR


Sáng nay, ăn sáng với Nàng như mọi lần, tranh thủ đọc tờ Thể thao & Văn hóa. Kinh ngạc với một thông tin liên quan đến nền giáo dục nước nhà. Bài báo Đề thi hay và đề thi để "câu like", nhà báo Đông Kinh viết nguyên văn như sau:

“Ca sĩ Sơn Tùng M-TP lại được đưa vào đề thi ở cấp bậc phổ thông, nhưng không phải vào môn Văn hay năng khiếu, mà vào môn Hóa học.Cụ thể, trong đề thi khảo sát chất lượng dành cho học sinh lớp 10, trường THPT Hồng Bàng (Hải Phòng), các thầy cô không chỉ muốn kiểm tra các công thức hóa học của các em, mà còn muốn cung cấp thêm cả những kiến thức quý báu về phong cách biểu diễn vô cùng xì-tin của chàng ca sĩ bảnh trai này:"Do thói quen ngậm kẹo ngọt khi biểu diễn nên ca sĩ Sơn Tùng M-TP đã bị  sâu răng. Em hãy chọn hóa chất để giúp Sơn Tùng chữa sâu răng".

Đương nhiên, đề thi lạ ấy lại làm dậy sóng cộng đồng mạng. Đọc đề thi này, người ta có thể bật cười vì sự hóm hỉnh. Hóa ra, các thầy cô giáo của chúng ta đâu phải lúc nào “mô phạm”, mà cũng rất có khiếu hài hước đấy chứ, và đặc biệt cũng rất chịu khó lướt web, vào “phây” (facebook), và có thể còn là tín đồ của các chương trình giải trí trẻ trung trên truyền hình.

Tuy nhiên…

Lại phải nói đến từ “tuy nhiên”, vì tôi không rõ lắm, việc đưa những thứ gọi là “kiến thức xã hội” này vào đề thi để làm gì? Nếu chỉ để cho các em có thể bật cười sảng khoái vì các câu hỏi thú vị thì có lẽ nên cho các em tham gia các liveshow giải trí có tính trắc nghiệm kiến thức trên truyền hình như Đuổi hình bắt chữ, Chiếc nón kỳ diệu…
Ta có thể hiểu, và chắc ca sĩ Sơn Tùng M-TP cũng rất hiểu rằng, đề thi này chỉ có tính hài hước mà thôi, chứ không cố ý “tung tin” anh bị… sâu răng. Nhưng rõ ràng hài hước về một điều không có thật, lại liên quan đến bệnh tật của người khác thì không phải lúc nào cũng… vui. Chưa kể, nếu xét về sự chuẩn mực của kiến thức, thì đề thi cũng không chuẩn. Vì các hóa chất có tính năng diệt khuẩn chỉ có thể phòng ngừa sâu răng, chứ không có tác dụng chữa trị. Xét về kiến thức y học như thế là… sai.

Những phân tích “lặt vặt” như trên chỉ để chứng minh rằng, hài hước cũng là cả một nghệ thuật và phải đặt đúng chỗ, nếu không sẽ chỉ là tầm phào, không có mục đích rõ ràng.

Người ta thường nhầm lẫn giữa một đề thi lạ với một đề thi hay. Không phải cứ đưa thật nhiều các kiến thức xã hội, thời sự, giải trí vào đề thi là đã… năng động, sáng tạo và giàu tính thực tiễn đâu.

Đối với học sinh, không phải cứ biết thật nhiều những thứ ngoài sách giáo khoa đã là giỏi, bởi có khi đó chỉ là những thứ vô bổ, tầm phào, càng biết nhiều càng khiến cho đầu óc xa rời việc học hành một cách nghiêm túc, chuẩn mực.

Một đề thi hay phải kích thích được sự sáng tạo của học sinh, hạn chế được tệ quay cóp, và thói học gạo, học vẹt…. Tôi xin chép lại thông tin trên mạng về cách ra đề thi của của Trường All Souls College, thuộc ĐH Oxford của Anh. Kỳ thi giành học bổng của trường này được đánh giá là kỳ thi khó nhất thế giới. Những người giành được học bổng  được coi là đạt được danh hiệu học thuật cao nhất của nước Anh. Trường này ra đề thi với các câu hỏi như sau: Mua một chiếc túi 10.000 bảng có phải là thiếu đạo đức không?/ Tính đạo đức của một bữa tiệc chè chén có thay đổi không nếu những người tham gia nó mặc đồng phục của Đức Quốc Xã?/Là người nổi tiếng đồng nghĩa với sự mất mát về nhân phẩm?

Và người ta giải thích rằng: “Không có câu trả lời “đúng” cho những câu hỏi này. Thay vào đó, Oxford nói rằng họ “đánh giá suy nghĩ và hiểu biết mà ứng viên thể hiện vượt ra ngoài phạm vi của kỳ thi này, nhưng không kỳ vọng các ứng viên trả lời đúng một cách hoàn hảo về mọi thứ: sự linh động và khả năng phản ứng nhanh được đánh giá cao”.

Liệu ta có thể phân biệt, thế nào là một đề thi hay và thế nào là một đề thi lạ chỉ để “câu like”.

Đọc xong bài báo này, ngẫm nghĩ trong đầu, Nhật ký hôm nay không viết thêm một dòng nào nữa. Bởi mỗi một ngày có một chuyện phải suy ngẫm đã là quá nhiều. Chẳng lẽ, cứ ngẫm nghĩ mỗi ngày? Chả dại. Ngộ độc như chơi. Kể lại câu chuyện thời còn ở chiến trường K: Mỗi lần vào nhà dân, được dân mời “thờ nam chụa”, luôn cố tình vấn một điếu thật to. To bằng ngón chân cái. Bập bập vài hơi, nói dăm ba câu là tìm cách “biến” ngay. Bước chân xuống nhà sàn, dụi ngay điếu thuốc, bỏ vào túi quân. Rồi qua nhà khác, cũng thế. Nhờ láu cá ấy, mới có thuốc lá hút dần. Thời ấy, dù thiếu thốn đến cùng cực, va chạm với cái chết từng ngày nhưng vẫn nghĩ về ngày mai tốt đẹp hơn. Có như thế mới sống được.

Bây giờ cũng thế thôi.

Trong cái sự bùng nhùng, hỗn độn, tạp nhạp cuốn hút phận người, chẳng lẽ suốt ngày cứ nghĩ về nó? Phải suy ngẫm về những cớ sự chẳng ra làm sao, để rồi lại hằn học, bực bội về nó? Chả dại. Để sống, con người ta phải nghĩ khác. Nghĩ khác đến mức độ nào cũng là một loại thuốc an thần đấy thôi. Thuốc an thần dùng quá liều cũng gây ngộ độc. Thế nào là ngộ độc? Là lúc chàng hiệp sĩ trứ danh nhất của văn chương nhân loại Đông Ki Sốt không còn giao chiến với cối xây gió nữa. Trong mắt chàng không còn nhìn thấy người khổng lồ xấu xí, đã thế, biết đâu lại thấy đó là biểu tượng của cái Đẹp?

Đời sống cũng oái oăm, có những con người đã từng giúp mình. Mình quý họ và trong lòng luôn canh cánh có dịp sẽ bày tỏ lòng cám ơn ấy. Thế rồi, cũng không thể. Trưa nay nằm đọc tờ Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam (số 21.3.2015) mới hay tin nhà thơ Quang Huy đã mất. Trước kia, anh là giám đốc NXB Văn hóa Thông tin và cấp giấy phép in tập thơ Tôi vẽ mặt tôi. Tập thơ ra đời đã gây cho anh biết bao phiền toái. Hiện nay, y còn giữ Công văn số 05 do anh ký ngày 5.3.1994 - trả lời Công văn của Cục Xuất bản số 45/CXB ký ngày 8.3.1994. Nhờ vậy, mọi việc mới xuôi chèo mát mái. Thân tình với anh từ dạo đó.

Trước đó, năm 1991, anh còn bị một vụ cũng “tày đình” không kém, đó là ký giấy phép cho in tập Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Anh bị “đánh” vì trong đó có nhân vật Ngô Đình Diệm nhưng không đưa vào chi tiết mà sách sử đương thời thường viết “Diệm ký Luật 10.59, kéo lê máy chém khắp miền Nam chém đầu người kháng chiến”. Sót chi tiết này thì gay quá chứ gì? Thế mà cũng “cãi” bằng được. Cãi thế nào? Này đó y ra Hà Nội và đến Lò Đúc thăm anh, anh dẫn đi ăn thịt dê và cho biết, đại khái anh vin vào quy ước, phong cách viết / làm từ điển v.v… Nói tóm lại, anh “qua truông” mọi sự.

Trước cứ nghĩ nhà thơ Quang Huy người Nghệ An, nay đọc báo mới biết anh quê ở Cẩm Giàng (Hải Dương). Cẩm Giàng là cái nôi của anh em Tự Lực Văn Đoàn. Thâm Tâm Tống biệt hành cũng quê Hải Dương. Nghĩ về một vùng đất, tự dưng có cảm tình còn do một phần yêu mến những con người tài hoa đã sinh  ra ở nơi ấy. Yêu mến vì đọc thơ văn, tác phẩm của họ chứ không hẳn do đã gặp mặt, đã qua lại thân tình. Còn nhớ lúc viết bộ sách Kể chuyện danh nhân Việt Nam, lần đầu tiên đến Nghệ An/ Hà Tĩnh trong lòng dạt dào biết bao xúc động. Ngay cả hàng cây bình thường bên đường cũng gợi lên điều hấp dẫn, bởi lẽ trong đầu cứ phân vân với câu hỏi vì sao thế kỷ XIX đến nửa đầu XX vùng đất này lại sinh ra nhiều con người kỳ tài đến thế? Lại nhớ lúc đến vùng đất “bàn chân Nam Định rất chiêm bao” (thơ Nguyễn Tất Nhiên), việc đầu tiên cần phải làm là đến thăm ngôi nhà mà Tú Xương đã từng trú ngụ v.v…

Nhà thơ Quang Huy mất vào đúng sáng mồng Một Tết năm nay (19.2.2015), thọ 79 tuổi. Chép lại bài thơ tiêu biểu nhất của anh như một nén nhang thắp muộn:

HƯ VÔ

Cái gì cũng có một thời
Bao nhiêu máu chảy trong lời vua ban

Cái gì rồi cũng tiêu tan
Bao nhiêu xương trắng nằm oan dưới mồ

Cái gì rồi cũng hư vô
Bao nhiêu tượng gỗ lên chùa ngồi chơi

Cái gì rồi cũng rụng rơi
Qủa trên Vườn Cấm, hoa nơi Địa Đàng

Chỉ còn mãi với thời gian
Tình yêu tự thuở hồng hoang dại khờ

Gắng ngồi viết cạn bài thơ
Bài thơ rồi có hư vô như mình?

Câu hỏi ấy, không riêng gì anh. Mỗi thân phận, mỗi phần kiếp trên hành trình đi về cõi Chết, đôi lúc, lại nghĩ đến. Và cứ thế, không cần có câu trả lời, cả thẩy chúng sinh đều đi, đi như những vạt mây trắng đang dần dần chìm khuất bể dâu không còn dấu vết. Tuy nhiên, cũng có những cánh chim vụt bay qua trần gian, chỉ một lần, nhưng ngàn năm sau dấu vết vẫn còn in bóng trên nền trời thăm thẳm...

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment