LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 19.4.2015


150-nam-bo-chi-quoc-ngu

Những ngày này, về văn hóa đọc có gì đáng chú ý?

Cần ghi nhận hai sự kiện: 1. “Triển lãm 150 năm báo chí quốc ngữ giai đoạn 1865-1954” tại Hà Nội; 2. Tọa đàm Phố sách Sài Gòn - TP.HCM, tại sao không? tại TP.HCM.

Nếu xét theo lịch sử, triển lãm 150 năm báo chí lần này là lần thứ tư. Lần thứ nhất, năm 1943 do nhà sách Nguyễn Khánh Đàm tổ chức tại Sài Gòn; lần thứ hai vào năm 1966 cũng tại Sài Gòn; lần thứ ba tổ chức tại Hà Nội năm 2010 do sachxua.net phối hợp cùng Thư Viện Hà Nội và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây tổ chức. Riêng triển lãm lần thứ hai, y đã tận mắt xem tập sách phát hành trong thời gian đó, do anh Phan Kim Thịnh - chủ bút tạp chí Văn Học tại Sài Gòn cho mượn xem. Không rõ tập tài liệu quý này anh còn giữ không?

Lần triển lãm thứ tư này do Diễn đàn Sachxua.net, Thư viện Hà Nội và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây... phối hợp tổ chức - diễn ra từ ngày 18.4.2015 đến 21.4.2015 tại Thư viện Hà Nội. Hơn 180 đầu báo các loại được trưng bày từ nhiều nguồn tư liệu, trong đó có sư đóng góp của nhiều nhà sưu tập như Ngyễn Phát Hà Giang (Hà Nội), Tạ Thu Phong (Hà Nội), Hoàng Minh (TP.HCM) và Trịnh Hùng Cường (Bắc Ninh)… Có hai vấn đề cần lưu ý: Tờ Gia Định báo phát hành ngày 15.4.1865, điều này không còn phải tranh luận nữa; lần đầu tiên công chúng tận mắt nhìn thấy An Hà báo - tờ báo chữ quốc ngữ địa phương đầu tiên, ra đời tại Cần Thơ do Trần Đắc Nghĩa làm giám đốc, Võ Văn Thơm, Nguyễn Tất Đoài làm chủ bút, Đỗ Văn Y làm quản lý.

Theo tài liệu Lịch sử báo chí Việt Nam của Tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng (NXB Trí Đăng - 1973), An Hà báo, phát hành hằng ngày là bản quốc ngữ của tờ Le Courrier de l’Ouest - chủ yếu thông tin về nông nghiệp, thương mại do ông Gallois Monbrun sáng lập (tr.251). Tìm trên mạng hiện nay ở Pháp cũng có tờ Le Courrier de l’Ouest. Trùng hợp ngẫu nhiên chăng? Nhân đây cũng nói thêm, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ là địa phương đầu tiên ra nhật  báo. Đó là ngày 1.1.2001, theo giấy phép của Bộ Văn hóa Thông tin, là tờ báo thứ 8 của các tỉnh ra báo ngày trong cả nước, khổ 42x57cm, 6 trang, giá 1.200 đồng.

À, thì ra Cần Thơ cũng là một trong những nơi có “dấu ấn” quan trọng với sự phát triển báo chí nước nhà. Chi tiết này chắc ít ai lưu tâm.

Cuộc tọa đàm Phố sách Sài Gòn - TP.HCM, tại sao không? do Hội Xuất bản Việt Nam phía Nam và Sở Thông tin truyền thông phối hợp tổ chức -  diễn ra vào chiều ngày 18.4.2015 tại TP.HCM tại đường Nguyễn Văn Bình  - nơi đang diễn ra hội sách chào mừng Ngày sách Việt Nam. Có thể ghi nhận đây là động thái trước nhất nhằm tái lập đường sách từ sau năm 1975. Ai cũng biết trước năm 1975, tại Sài Gòn đã từng có đường sách Đặng Thị Nhu (góc đường Ký Con, Calmette, Q.1). Nhiều ý kiến cho đồng thuận chọn đường Nguyễn Văn Bình - bên hông Bưu điện TP.HCM là đường sách cố định.

Đây là một trong những con đường xưa nhất của Sài Gòn. Thời Pháp mới sang, họ đặt tên Hongkong, lúc xây Bưu điện. Ngày 24.2.1897 đổi tên Cardis. Ngày 19.10.1955, chính quyền Sài Gòn đổi tên Nguyễn Hậu. Nhân vật Nguyễn Hậu ít người biết, tuy nhiên, nếu đọc sách về đạo Chúa ở Việt Nam ắt biết ông sống thời vua Tự Đức, theo đạo Thiên Chúa. Ông là một trong những con chiên ngoan đạo được các vị linh mục người Pháp gửi sang học ở Penang (Mã Lai) và châu Âu. Ra xứ người, tận mắt thấy những điều mới lạ, tiến bộ của khoa học kỹ thuật, trở về nước viết nhiều bản điều trần dâng lên triều đình nhằm canh tân đất nước nhưng nhà vua bác bỏ. Sau đó, ông sang châu Âu học tập, nghiên cứu thêm nhưng bị mất tích ở Ấn Độ dương. Nhắc lại chi tiết này để thấy rằng, tư tưởng canh tân thời triều Nguyễn không chỉ có ở các nhà Nho cấp tiến, học sâu hiểu rộng như Phạm Phú Thứ, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Lộ Trạch...  mà còn phải kể đến các giáo dân có tâm, có tầm như Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện, Nguyễn Hậu... Ngày 7.4.2000, UBND TP.HCM đổi tên đường Nguyễn Hậu thành Nguyễn Văn Bình. Nếu con đường có linh hồn, nói nôm na "có chủ" hẳn không phải ngẫu nhiên trước và sau đều mang tên con chiên của Chúa.

Chà, phải trở lại chuyện đang bàn, không khéo lạc đề mất. Ừ, nhiều ý kiến đồng thuận chọn đường Nguyễn Văn Bình là đường sách cố định Tuy nhiên, cũng có ý kiến chưa đồng tình.

Ai chưa đồng tình?

Trước đây trong một nhậu lai rai, bàn về chuyện này, anh bạn Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc NXB Trẻ có chia sẻ một vài ý. Y hoàn toàn tán thành. Do đó, khi tham dự tọa đàm, y phát biểu đôi điều nhắc lại. Theo báo Thanh Niên sáng nay: “Nhà thơ Lê Minh Quốc thì ủng hộ đường sách, nhưng không đồng ý chọn đường Nguyễn Văn Bình vì cho rằng con đường nhỏ, ngắn không tải hết tất cả các nhà xuất bản hay nhà phát hành hiện có trên thị trường và lo lắng đến tính hiệu quả lâu dài của đường sách nếu làm văn hóa mà không tính được kinh tế cho các đơn vị tham gia. Anh mong muốn, thay vì mô hình như đường Nguyễn Văn Bình đang làm, đường sách tại TP.HCM sẽ được nhân rộng làm đồng bộ cho cả những con đường hiện đang tập trung nhiều nhà sách hiện nay tại TP.HCM”.

Báo điện tử Vnexpress cũng cho biết: “Dù vậy, bên những ý kiến chọn đường Nguyễn Văn Bình, cũng có các ý kiến phản biện lại mô hình đường sách cố định. Nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc dẫn chứng, TP.HCM từng thực hiện chợ đêm Sài Gòn, từng có vài con đường ban đầu hình thành với đầy ắp ý tưởng về văn hóa, du lịch. Nhưng rốt cuộc, những dự án này dần "chết" đi. Theo ông Quốc: "Khi thực hiện không thể chỉ duy ý chí mà còn phải tính đến bài toán kinh tế cho người tham gia". Ông Quốc đưa ra phương án: đường sách không nên hoạt động tập trung cố định ở một chỗ mà nên luân phiên, thay đổi ở nhiều địa điểm với thời gian được thống nhất giữa các đơn vị kinh doanh sách trên khắp thành phố. Theo ông, việc tạo không gian mở, linh động giúp các đơn vị làm sách dễ tham gia hơn, không buộc họ phải tách ra khỏi địa điểm hoạt động có sẵn”.

Tương tự, trang điện tử News.zing.vn cũng tường thuật: "Nhà báo Lê Minh Quốc ủng hộ cho đường sách ra đời nhưng ông cho rằng không nên chọn đường Nguyễn Văn Bình vì đường này quá nhỏ, hẹp. “Bây giờ có rất nhiều nhà xuất bản, mỗi ngày biết bao quyển sách ra đời, nên con đường khó có thể tích trữ được một lượng sách lớn. Vì vậy, nếu bạn đi tham quan phố sách mà lại không thể tìm được quyển mình muốn thì cảm giác ra sao?”, nhà báo đặt câu hỏi. Ông cũng cho rằng, để đường sách tồn tại lâu dài thì cần phải giải quyết một bài toán khó là sự hài hòa giữa văn hóa và kinh tế".

Vấn đề này sẽ còn tranh luận chán chê. Chẳng sao cả. Chỉ biết rằng, đường Nguyễn Văn Bình dài khoảng 148 mét, lộ giới 20 mét là quá ngắn, không đủ sức để hình thành một đường sách đúng nghĩa của nó. Cứ theo đề án của một công ty truyền thông giới thiệu tại tọa đàm, mô hình thực hiện ở đó sẽ là nơi bày bán sách, triển lãm sách, giao lưu bạn đọc với tác giả viết sách, ký bản quyền sách, cà phê sách v.v…

Có một điều lạ, hiện nay Sài Gòn - TP.HCM đã mở rộng rất nhiều, nhiều con đường mới mở, nhiều khu đô thị mới dựng lên,  tại sao không quy hoạch lấy một đường sách đúng tầm vóc của nó, mà cứ chăm bẳm vào một nơi chật chội như hộp diêm? Tất nhiên, địa điểm này nằm ở khu vực trung tâm, là nơi thu hút nhiều khách du lịch, lại sát cạnh các di tích văn hóa - lịch sử như Nhà thờ Đức Bà, Dinh Thống Nhất, Nhà văn hóa Thanh Niên, hồ Con Rùa… Thế nhưng nó chỉ là chiếc áo quá chật so với sự phát triển của ngành xuất bản Nhà nước lẫn tư nhân làm sách hiện nay. Tại sao không phóng một tầm mắt xa hơn mà phải là khu vực trung tâm với những sự bất cập về diện tích?

Ủng hộ nguyện vọng tại TP.HCM có một con đường sách cố định là rất chính đáng, cần hoan nghênh, cần biểu dương. Sau khi phát biểu, y nhấn mạnh cái ý này mà hầu như các báo không nhắc đến: Phải học kinh nghiệm của Hội An. Tết vừa rồi, y có cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Sự - Bí thư thành ủy Hội An, anh cho rằng: “Làm văn hóa muốn thành công phải gắn liền với quyền lợi kinh tế của người dân. Dù nhân danh bất cứ thiện ý nào, mục tiêu to tát nào, nhưng nếu người dân không có quyền lợi về kinh tế thì khó có thể thành công”. Khi thể nghiệm Đêm rằm phố cổ, cứ mỗi rằm tắt đèn cả khu phố cổ, người dân phản ứng rất dữ. Đang buôn bán, làm ăn ngon lành, tự dưng cúp diện thì mua bán là mua bán làm sao? Trả lời câu hỏi này là gì? Là phải có chính sách thuế phù hợp cho người dân trong khu phố cổ. Nhờ vậy, dân đồng tình ủng hộ thử nghiệm và qua vài lần sau đó, Hội An đã thấy mô hình này là đúng và duy trì đến hiện nay.

Vậy thì, nếu vẫn quyết chọn đường Nguyễn Văn Bình làm Đường sách ắt bước đầu phải có chính sách hỗ trợ về thuế, tiền thuê mặt bằng cho các đơn vị làm sách tham gia. Bên cạnh đó, còn phải giải quyết một bài toán khó là nơi giữ xe v.v... Mà thôi, nếu nơi này có trở thành Đường sách cố định thì cũng tốt, có điều về lâu dài chắc chắn diện tích của nó không đủ sức dung nạp các đơn vị làm sách, dẫu là chỉ trưng bày các đầu sách mới phát hành.

Ta hãy chờ xem.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment