LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 28.5.2015

tu-mo-RRRR

Tạp chí Văn Học tại Sài Gòn - số đặc biệt về Tú Mỡ (1.5.1971). Tư liệu L.M.Q

 

Y nhát. Ai cũng biết. Nhát như cáy. Cái gì cũng sợ. Đi ra đường, đang nghiêm chỉnh chấp hành đèn xanh đèn đỏ, đi đúng lề phải, tự dưng có chiếc xe đâm sầm từ đàng sau, y cũng chỉ dám ngó lơ chỗ khác. Chẳng dám hó hé mắng mỏ một câu cho đỡ tức. Chẳng dám. Dù chỉ một lời. Chẳng dại. Thì cứ xem báo chí, ắt rõ. Va chạm ngoài phố, chỉ một hai câu đôi co, cãi cọ lập tức có kẻ nhập hộ tịch tại hụi nhị tì. Người Việt ngày càng dễ tức giận nổi nóng, thiếu kiềm chế. Sẵn sàng đối thoại bằng dao phay, mã tấu. Nếu chọn lại các chuyện bạo lực, ẩu đả, giết người trên mặt báo từ vài năm trở lại đây, có lẽ phải vài dầy đến vài ngàn trang in. Qua đó, khó có thể tưởng tượng ra một vài tình huống như:

A đổ xăng cho B. Nhìn thấy bảng tính tiền báo con số 70 ngàn, B gằn giọng: “Xe tao, mọi lần đổ đầy bình chỉ hết 60 ngàn. Mày ăn gian tao 10 ngàn”. Đôi bên cãi cọ. B chỉ vào mặt A: “Tao giết mày. Đợi đấy”. Nói xong, B phóng xe đi. Chỉ dăm phút sau B quay lại với chừng 10 tên khác, trên tay chúng cầm mã tấu, ống típ sắt… lao vào đánh A tơi bời, tới tấp. Không một ai dám can ngăn. Sau khi chúng rút đi, B được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Tội nghiệp, hôm sau là ngày B được gia đình dẫn qua nhà gái bàn chuyện đám cưới. Vậy mà…

Lại chuyện nữa, A và B là anh em kết nghĩa. Cả hai cùng nghèo. A cho B mượn số tiền là 30 triệu đồng, hằng tháng B phải trả chừng vài triệu để A có tiền mua thuốc cho vợ. Vợ A bị tiểu đường, biến chứng dẫn đến mù mắt. Mấy tháng đầu, B còn trả, sau đó đứt đoạn. A gọi điện thoại nhắc nhở nhưng B không nghe máy, tắt máy luôn. Bẵng đi một thời gian, B đến nhà A, nồng nặc mùi rượu, bảo: “Tao không có tiền trả. Chỉ có cái đầu tao, mày chặt đầu tao đi, trừ nợ”. Nói xong, tự động kê đầu xuống ghế, tiếp tục thách thức. A lúc ấy cũng đã sừng sừng vì có rượu. Nghe B nói lảm nhảm đến phát chán, A bèn xuống bếp rút con dao. Cuối cùng, B hồn lài khỏi xác, A tù chung thân. Đau nhất cả hai nhân thân tốt, lương thiện chứ nào phải dân thiên lôi ba búa!

Lại chuyện nữa. Mà thôi. Nhớ làm gì những cái chuyện u ám này?

Y nhát. Nhát đến độ có những điều suy nghĩ nhưng chẳng bao giờ dám hó hé. Chẳng dại. Người ta chụp lên đầu cái mủ to tổ chảng, che khuất mắt, làm sao thấy được gì nữa? Lang thang trên facebook đọc thông tin này nọ, thích quá bèn vỗ đùi cái đét nhưng chớ hòng like, comment. Chả dại. Biết đâu, “chim mồi” đang nhử. Phiền toái. Mà thật lạ, trong cái cõi mênh mông của thế giới ảo, nếu làm một thống kê nho nhỏ sẽ thấy rằng, các ý kiến châm chích, phê phán, chửi đời đủ mọi sắc thái luôn tràn ngập. Tần số xuất hiện của nó nhiều hơn cả. Đôi khi thấy nặng nề quá. Ban đầu tưởng có thể thư giản chốc lát, nhưng rồi, càng đọc càng thấy chán đời, nặng nề tâm trí, dẫu rằng những sự việc ấy có thật, từng ngày đang diễn ra. Thế rồi, tự hỏi, biết thêm những thông tin đó để làm gì?

Y nhát. Dòng đời đang trôi, y né tránh né, đứng bên lề, chọn lấy một khoảng không gian yên ổn như tự đánh lừa chính mình. Tìm một ảo tưởng. Chìm vào trong cõi riêng tư, mà cõi ấy chẳng giúp ích được gì cho ai khác. Mặc kệ, miễn không phải bận tâm đến những chuyện đao to búa lớn, ngoài tầm tay.

Y nhát. Trong bàn nhậu, giữa lúc mọi người bàn chuyện “chính chị chính em”, y lảng xa, không nghe đến, chả việc gì phải bình luận, chém gió. Chẳng giải quyết được gì mà phải nghĩ ngợi nặng đầu. Đọc cái này cái kia, có lúc bực mình bởi nó trái khoáy, khốn nạn quá nhưng cũng im lặng như chưa hề biết gì. Thật đáng khâm phục cho nhiều người, họ dám nói nhiều chuyện mà có cho vàng y cũng chả dám hót theo. Nói nhiều nhất, oanh liệt nhất, quyết liệt nhất vẫn là những cán bộ đã nghĩ hưu. Nói oang oang cứ như thể người ngoại cuộc, như không hề dính dáng gì đến cái cơ chế đó. Nói hùng hổ nhất, bạt mạng nhất vẫn là các “anh hùng bàn phím”. Y nhát. Chả dám nói một điều gì. Thậm chí cũng không dám giữ nó ở trong đầu, sợ mệt đầu, phải nghĩ ngợi lăn tăn khiến một ngày kém vui. Tóm lại, y nhát và chọn cho mình sự yên bình giả dối miễn là tự hài lòng dẫu nó hèn hèn thế nào ấy. Chả sao.

Tâm sự biết cùng ai giãi tỏ

Non sông sâu thẳm nước sông Lam

Đó là tâm sự của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, theo Đại Nam chính biên liệt truyện, do Nguyễn Du “không thể từ chối, bất đắc dĩ ông phải ra” làm quan triều Nguyễn. Có lần Nguyễn Du bị vua Gia Long quở trách: “Nhà nước dùng người cứ kẻ hiền tài là dùng chứ không phân biệt Nam, Bắc. Ngươi đã làm đến chức Á khanh, biết việc gì phải nói để tỏ cái chức trách của mình, có lẽ đâu lại cứ rụt rè sợ hãi chỉ vâng vâng, dạ dạ hay sao?”. “Vâng vâng, dạ dạ” cũng là sự lựa chọn của nhiều người. Họ không dám nói. Cũng chẳng sao. Chỉ sợ nhất là những trường hợp mà thi sĩ trào phúng Tú Mỡ đã nhìn ra từ thập niên 1930 của thế kỷ XX:

Ông ơi, ông đi đâu về

Có vẻ phỡn phè, phấn chấn hỡi ông?

- Rằng tôi đi họp hội đồng

Mỗi năm một bận, hết lòng vì dân

Gật gù, nghe đọc diễn văn

Vì dân ráng sức mấy lần vỗ tay

Trăm công, nghìn việc, nặng thay!

Vì dân nên phải đêm ngày miên man

Bao chương dự toán luận bàn

Vì dân sái cổ gật tràn đòi phen

Nhờ trời công việc đã yên

Vì dân phải xuống Khâm Thiên giải sầu

Quản gì thức mấy đêm thâu

Vì dân khai trí mấy chầu tổ tôm

Mỗi năm vất vả mươi hôm

Một bầu nhiệt huyết vẫn ôm kè kè

Tóm lại, ví như câu gì mà y không dám nói? À, hôm qua đọc báo TT có bài phỏng vấn “Bỏ tử hình tội tham nhũng, dân không chịu đâu”, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ (phó giám đốc Học viện Quốc phòng, đại biểu Bến Tre) nhấn mạnh: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”. Nghe khiếp quá, y nổi da gà, sợ hãi. Y liên tường đến trường hợp đã ghi nhận trong Nhật ký năm 2014: Chị Mỹ Nhân ngụ tại ấp 5, xã An Xuyên, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã tự tử, để lại thư tuyệt mệnh: “Mẹ chết để giảm gánh nặng cho cha con, để chính quyền biết mà cấp sổ hộ nghèo. Có như vậy, cha mới vay được tiền đóng học phí cho các con”.

Y nhát, không dám nghĩ tiếp nữa. Chỉ buông tiếng thở dài.

Ngẫm lại, các nhà văn tiền bối vẫn dũng cảm hơn người cầm bút thế hệ này nhiều lắm. Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, làm nên diện mạo chói lọi của dòng văn học hiện thực, các nhà văn đã lấy chất liệu từ đâu? Từ chỗ phê phán, chỉ trích, châm biếm tầng lớp quan lại; từ chỗ bênh vực người nghèo, hạng bần cùng mạt rệp, cùng đinh dưới đáy xã hội. Đánh vào tầng lớp quan lại cũng có nghĩa gián tiếp đánh vào bộ máy cai trị của thực dân. Vị thế nhà văn sang trọng lắm, đáng kính lắm. Dòng văn học ấy mới đích thực vì con người, vì quyền được làm người. Hiện tại, người cầm bút đang đứng ở vị thế nào? Không thể trông chờ ở lớp trước 1975, già rồi. Không thể trong chờ ở lớp sau 1975, mấy chục năm qua cái tư duy công chức đã bám rịt, chằng chịt trong não trạng. Khó có thể có bứt phá gì khác. Chưa viết ra, mới nghĩ trong đầu, đã sợ thì nên cơm cháo gì? Y có bi quan lắm không? Mùa gặt nào sẽ tới? Khó có thể đoán định trước một câu trả lời.

Vậy, hãy im lặng và chờ đợi ở những người viết trẻ. Hy vọng là thế.

“Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”. Câu nói ấy, của nhà chính trị mà cũng là trách nhiệm của nhà văn. Với tài năng, sự bức xúc, nỗi đau đời sao không xây dựng được “nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình”? Tài năng? Tâm huyết? Nhà văn đang đứng ở đâu? Cầm bút trong tâm thế nào? Có bao giờ người cầm bút tự vấn hay không?

Mẹ già chạy gạo nuôi anh từng ngày từng buổi

Một tháng bao lần ngô ghế theo khoai

Thế mà anh đi tìm nắm cỏ tiên để hái

Mẹ cần ăn, anh cho nắm cỏ hái trên trời!

(Chế Lan Viên)

Mấy hôm nay, thời tiết nóng bức.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment