LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 21.5.2015

ban-kieu-in-nuoc-ngoai-R 

Tập Kim Vân Kiều in tại nước ngoài - Tư liệu L.M.Q

 

Sáng thức dậy sớm, như mọi ngày. Loay hoay cùng công việc mỗi ngày. Tự dưng lại nhớ đến Truyện Kiều. Cuốn sách này đặt trong phòng tắm, vì thế, buổi sáng nào cũng đọc vài trang, đọc đi đọc lại hằng ngày. Hiện nay, Hội đồng chấp hành UNESCO đã ra Nghị quyết 191/EX32 về việc UNESCO cùng các quốc gia thành viên kỷ niệm trong hai năm 2014 và 2015 một số nhân vật có tầm ảnh hưởng đặc biệt trên thế giới. Nghị quyết nêu 93 nhân vật có những đóng góp lớn trong lĩnh vực văn hóa được kỷ niệm, trong đó có đại thi hào Nguyễn Du của Việt Nam. Đón chào sự kiện này, Lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 2015) sẽ Nhà nước ta được tổ chức cấp quốc gia.

Cho đến nay, Truyện Kiều là tác phẩm văn học duy nhất được một dân tộc dùng để bói - “bói kiều”. Dân tộc Ý tự hào với Thần khúc của thi sĩ Dante Alighieri viết từ thời trung cổ, nhưng người Ý không dùng để bói. Người Tây Ban Nha tự hào đã sinh ra đại văn hào Miguel de Cervantes, mới đây họ sung sướng, mãn nguyện khi tìm ra hài cốt của cha đẻ Don Quixote - nhà quý tộc tài ba xứ Mancha, nhưng kiệt tác đó không hề dùng để bói.

Nhân đây nói luôn, năm 1616, đại văn hào Cervantes được chôn cất tại Tu viện Barefoot Trinitarians như ý nguyện của ông. Tu viện này sau đó được xây dựng lại, di cốt ông được dời sang tòa nhà mới vào cuối thế kỷ 17 và từ đó bị thất lạc hàng thế kỷ. Tháng 1.2015, các nhà khoa học đã tìm thấy một quan tài trên nắp có chữ viết tắt MC trong một hốc tường, nơi có nhiều bộ xương người lớn. Bằng các phương pháp khoa học, họ đã xác định được xương của Cervantes cùng vợ ông.

Chẳng hề có dân tộc nào trên trái đất này sử dụng kiệt tác của đất nước mình để bói, dù nó đã trở thành di sản văn hóa của cả nhân loại. Duy nhất chỉ có dân tộc Việt với Truyện Kiều. Tại sao? Có nhiều cách lý giải. Chỉ xin nhắc lại ý kiến của Tiến sĩ Đào Nguyên Phổ. Từ năm 1895, ông  cũng đã đặt câu hỏi như thế và lý giải phải chăng văn chương Truyện Kiều là một “khúc tình từ quán tuyệt thiên cổ… cho nên chẳng những làm say lòng người đọc mà còn cảm thông được thần linh nữa?”. Ít ai nhớ đến Đào Nguyên Phố chính là bố của nhà báo cự phách Đào Trinh Nhất, cũng là một tay mê Truyện Kiều.

Thông thường khi muốn “bói Kiều”, người ta khăn áo chỉnh tề, tay cầm cuốn Truyện Kiều, thành tâm với điều mà mình muốn biết sắp xảy ra như thế nào, nhìn nén hương đang cháy nghi ngút và khấn: “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều con tên là… xin cho con biết chuyện X của con sẽ như thế nào, xin ứng vào trang (phải hoặc trái), dòng thứ… (tính từ dưới lên hoặc từ trên xuống)”. Khấn xong, người bói lật trang Kiều để tìm câu ứng nghiệm, tùy theo tâm thế của mình mà suy ngẫm, so sánh, tính già tính non…

Sáng nay, y cũng bói Kiều.

Bói về chuyện gì?

Dạo gần đây trên các cơ quan truyền thông nước nhà đồng loạt đưa tin về việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng các công trình tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Y đã bói và đã nhận được hai câu 861 - 862:

Sau dầu sinh sự thế nào

Truy nguyên chẳng kẻo lụy vào song thân

Sáng nay, anh bạn đồng nghiệp Lam Điền có viết trên báo TT bài  Nguyễn Du cũng khóc thét! Tại sao có cớ sự này? Tuần qua, nhiều báo đưa tin về việc ông nọ có Triển lãm bộ sưu tập Truyện Kiều tại trung tâm thương mại Crescent Mall (Q.7, TP.HCM), từ ngày 10.5.2015 đến ngày 21.5.2015.

Ngoài những lảm nhảm sơ suất không đáng có, anh cho biết (nguyên văn): “Thứ hai là có những sai sót, như nội dung in chính thức trong tấm bảng giới thiệu “bộ sưu tập” dựng ngay bên cổng vào khu vực triển lãm, như sau: “Truyện Kiều là một bài thơ chữ Hán do Nguyễn Du (1766-1820) sáng tác, và được coi là kiệt tác của văn học Việt Nam. Tác phẩm có tựa gốc tiếng Việt là Đoạn Trường Tân Thanh, nhưng thường được biết đến dưới tên gọi Truyện Kiều. Thể hiện trọn vẹn trong 3.254 câu thơ, viết bằng thể lục bát, bài thơ kể lại cuộc đời, những thử thách cũng như đau khổ của Thúy Kiều - một người con gái trẻ đẹp và tài năng, phải hi sinh thân mình để cứu gia đình. Vì cứu cha và người em trai thoát khỏi tù tội, Kiều buộc phải gả cho một người đàn ông trung niên mà không biết rằng gã là một tay ma cô, và Kiều bị ép phải làm gái lầu xanh”.

Không cần phân tích thêm, ai ai cũng đã nhận ra sự ngô nghê, sai sót quá đỗi trầm trọng này. Truyện Kiều có câu “Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau” là trường hợp này. Còn có thể kể thêm: Năm 2012, NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành quyển Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng do Đỗ Minh Xuân khảo dịch. Cái sự hoang tưởng, điên rồ không thể chấp nhận được là cái ông ấm ớ bệnh hoạn này đã tùy tiện sửa đến 1/3 câu chữ trong Truyện Kiều. Báo chí phê phán dữ dội. Trong nhiều bài thuyết phục, phân tích sâu, có thể nhắc đến bài đã in trên Tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Chuyện cũ này, không bình luận nữa bởi giẻ rách ấy không đáng lưu giữ trong tủ sách, vậy cớ gì phải bận tâm?

Từ nhiều năm nay, các nhà nghiên cứu về Truyện Kiều đã không ngừng tranh cãi về từng chữ - từng viên ngọc "nhất phiến tài tình thiên cổ lụy".  Khó có thể biết đâu là từ gần với nguyên bản nhất. Với trình độ hạn hẹp, y nhận ra rằng, văn bản nào cũng có cái lý riêng và thuyết phục cả. Chẳng hạn câu:

Kể từ lạc bước chân ra

Cái thân liệu những từ nhà liệu đi

Có bản không phải “liệu” “liều”. Vậy “liệu” hay “liều”? Nhiều nhà ngôn ngữ học tranh luận chán chê, vẫn bất phân thắng bại. Thử nghĩ, trong thể thơ lục bát có nguyên tắc “nhất tam ngũ bất luận, nhị tứ lục phân minh”. Có thể hiểu, câu lục: chữ thứ 2 (bằng), chữ thứ 4 (trắc), chữ thứ 6 (bằng) có thể thay đổi âm điệu bằng trắc, miễn xuôi tai, thí dụ bằng trắc trong các câu: “Kể từ lạc bước chân ra"; hoặc "Trăm năm trong cõi người ta” đều được cả.

Nhưng câu bát, dứt khoát: chữ thứ 2 (bằng), chữ thứ 4 (trắc), chữ thứ 6 (bằng), chữ thứ 8 (bằng). Căn cứ vào đó, ta nhận ra rằng câu thơ trên ắt phải: “Cái thân liệu những từ nhà liệu đi”. Câu thơ có sức nặng hơn, xuôi tai hơn hẵn “Cái thân liều những từ nhà liều đi” nhẹ hều. “Liều” là cách chọn của bản Trương Vĩnh Ký, Lê Văn Hòe, Chiêm Vân Thị…; “liệu” là cách chọn của bản Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, Tản Đà, Nguyễn Thạch Giang, Đào Duy Anh…. Mà có lẽ, muốn tìm sự hợp lý còn phải xét thêm chỗ khác nhau và giống nhau giữa hai từ “liều”/“liệu” trong từng chuỗi ngày gian truân của Thúy Kiều.

À, viết đến đây, sực nhớ đến câu thơ khác của Bùi Giáng, ảnh hưởng sâu sắc từ Truyện Kiều:

Kể từ lạc bước chân ra

Cái thân liệu những từ nhà liệu đi

và:

Lỡ từ lạc bước chân ra

Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn

Chừng 20 năm trước, thỉnh thoảng hay qua báo SGGP chơi với nhà văn Trần văn Tuấn. Thấy trên bàn của anh bề bộn bài vở cần biên tập gấp, rồi phải viết các bài báo cho kịp thời sự, bèn hỏi: “Anh viết văn vào lúc nào?”. Anh cười khà: “Mỗi chiều đi làm về, trong lúc chờ vợ nấu cơm, tớ ngồi viết”. Trưa này, y cũng thế, chờ cơm mẹ nấu, y lại lẩn thẩn thêm vài từ khác trong Truyện Kiều. Chẳng hạn, câu này:

Nặng như bấc, nhẹ như chì

Gỡ cho ra nợ còn gì là duyên

Lại có bản thay thế “nợ”“nữa”. Vậy “nợ” hay “nữa”? Văn bản Tản Đà, Lê Văn Hòe, Chiêm Văn Thị, Nguyễn Thạch Giang.. chọn “nợ”; văn bản Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Hoàn... chọn “nữa”.  Sự tranh luận này vẫn chưa kết thúc. Có một thời gian dài trên chuyên mục Chuyện Đông chuyện Tây của tạp chí KTNN, ông An Chi lúc ấy phụ trách, thường nêu nhiều ý kiến khác nhau về các từ trong Truyện Kiều. Theo ông chữ này phải đọc thế này, chứ không phải thế kia v.v.... Sự tranh luận này lý thú, qua đó, có thể học hỏi thêm được nhiều vốn từ, thêm yêu sự uyển chuyển linh hoạt của tiếng Việt.

Thôn ca sơ học ma tang ngữ

Dã khốc thời văn chiến phạt thanh

(Nguyễn Du)

Dịch nghĩa: Tiếng hát nói thôn xóm giúp ta học những câu tả về trồng dâu, trồng gai; Tiếng khóc nơi đồng nội như nhắc lại thời chiến tranh.

Thật vậy, lời ăn tiếng nói trong dân gian đã và đang diễn ra hằng ngày chính là chất liệu quý báu cho bất kỳ ai muốn hiểu về sự phong phú, đa dạng của tiếng Việt. Trong khi đó, mỗi ngày, y lại nhẩn nha với từng trang sách cũ, liệu có ích gì không? Nắng ngoài trời tốt tươi quá, sao không xuống phố, nhập vào dòng chảy tươi mới của mỗi ngày, thu thập thêm những vốn từ mới? Có hay hơn không? Trả lời câu hỏi này thế nào? Bèn thử bói Kiều xem sao, ứng vào hai câu 1875-1876:

Chước đâu rẻ thúy chia uyên

Ai ra đường nấy ai nhìn được ai


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment