THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh - Về nhà mới

LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh - Về nhà mới

Mục lục
LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh
Quê nội
Một câu chuyện tình
Chú Vinh
Quê ngoại
Ông ngoại
Bà ngoại
Về nhà mới
Cậu Bảo
Cậu Thái
Cậu Thuận
Dì Ba
Hoạt động bí mật
Ngày ba tôi ra tù
Đổi tiền và cải tạo công thương nghiệp
Tự cứu lấy mình
Đổi mới
Phụ lục
* Sửa nhà ông ngoại (2013)
* Nghi lễ đời người
* Thiết lập bàn thờ tổ tiên tộc Lương tại Đà Nẵng
* Giỗ tộc Lương tại Quảng Nam
* Trùng tu nhà thờ tộc Lê tại thôn Kì Vỹ - Gia Khánh - Ninh Bình (này xã Ninh Nhất -TP. Ninh Bình)
* Đám tang mợ Lý
Tất cả các trang

Về nhà mới

 


Năm 1955, khi hồi cư về Đà Nẵng, thời gian đầu ba tôi làm nghề hớt tóc dạo, một cái thùng gỗ đeo lũng lẳng trên vai và ông đi rong ruổi khắp nơi để hớt tóc. Đi bộ thôi chứ chưa có tiền mua xe đạp! Mấy năm sau ông mới mua lại được chiếc xe đạp cũ.

clip_image0015

Ba tôi lúc hồi cư về Đà Nẵng

Tôi còn nhớ mãi không bao giờ quên, hằng tháng ông dẫn bọn tôi ra chỗ cái giếng nước nhà ông ngoại và hớt tóc. Tất cả anh em tôi từ lớn tới nhỏ đều cúp carré ráo trọi. Ngay cả mấy thằng em con dì Hiền nữa. Một kiểu tóc cho bọn con nít chúng tôi hồi ấy là nửa trọc nửa có tóc, cao ráo, trên đầu chỉ còn một ít tóc khoảng ba phân, gọi là kiểu carré ba phân.

 

clip_image0016

Hóc tóc caré ba phân

Mỗi lần ông hớt tóc là bọn tôi ngồi im chịu trận. Ông đè đầu xuống để hớt cho dễ, không nhúch nhích cù cựa chi được, mỏi lắm. Sợ nhất những lúc ông hớt, cái tondeux của ông cắt không ngọt, mấy lưới cắt kẹp tóc đau không chịu được, nhưng không dám rên la ư hữ! Nhớ nhất là thằng Anh Toát Loa con dì Hiền, với thằng Phát em hắn nữa, mỗi lần hớt tóc là hai đứa khóc bù lu bù loa, nước mũi chảy lòng thòng, nhưng khóc cứ khóc, ông vẫn cứ đè đầu hớt cho xong. Chúng sợ cha tôi lắm, sợ nhất là mỗi lần bị kêu ra hớt tóc, mấy cậu tìm cớ lũi, nhưng lũi đâu cho thoát, trốn đâu ổng cũng tìm về hớt cho xong.

clip_image0017
 

Một hình ảnh khó quên của tôi


Sau khi cả bọn được hớt tóc xong, cả bọn được cậu Thái dẫn ra giếng, cậu múc nước xối vào chúng tôi từng đứa một. Tắm xong tất cả anh em chúng tôi sạch sẽ khỏe khoắn chứ không: người không ra người, ngợm không ra ngợm như lời dì Ba có lần nhận xét.

clip_image0018bb

Ba mẹ sau khi mua đất làm nhà


Lúc này mẹ tôi và dì Ba đã tìm xuống chợ Hàn để buôn bán hàng légumes. Đà Nẵng lúc ấy là một thị xã lớn. Dân cư cũng đông đúc, công việc của ba tôi rất trôi chảy. Dần dần ông mua được xe đạp, xe đạp cũ thôi, bây giờ nghề hớt tóc chỉ là tay nghề tay trái. Ông làm y tá chữa bệnh cho người ta, ông trước đây là y tá trưởng của bệnh viện dân y Cây Sanh -Tam Kỳ nên có nhiều kinh nghiệm và mát tay, ông chữa cho nhiều người lành bệnh.

Tiếng lành đồn xa  nhiều người đến nhà tôi để chích thuốc. Những bệnh nhân nặng không tự đến nhà được, ông đến tận nơi để chữa chạy. Dần dần ông không đi xe đạp nữa, ông đổi qua đi xe Vélo Solex. Một loại xe gắn máy của Pháp. Cái máy chạy bằng xăng, treo phía trước, khi chạy phải đạp xe lấy trớn, khi đã có trớn, kéo cần thả máy xuống, máy chạy chuyền động quay một rouleau bằng đá, hòn đá lăn  kéo bánh trước và xe chạy. Xe có thể điều khiển nhanh chậm bằng tay ga. Xe này rất lợi xăng và có thể đạp như xe đạp khi hết xăng. Khoảng năm 1963 trở về trước xe này thuộc vào hạng thời thượng lúc bấy giờ.

clip_image0019


Cha tôi và chiếc Vélo Solex trước cổng nhà

Ba mẹ tôi làm ăn cố gắng tích luỹ, ông hay dạy bọn tôi câu tục ngữ: “Đại phú do thiên, tiểu phú do cần”. Cần kiệm có thể làm giàu được. Trong thời gian đi chích thuốc chữa bệnh cho thiên hạ, ông hỏi mua được một miếng đất trên đường Triệu Nữ Vương. Diện tích miếng đất gần ba trăm mét vuông.

clip_image0020

Ngôi nhà đã hoàn thành năm 1960

Đường này thời Pháp thuộc có tên gọi Rue Labbée. Năm 1958, Rue Labbée được mở rộng và đổi tên thành đường Triệu Nữ Vương và cho đến nay không thay đổi. Năm 1960, ông cho xây 2 gian nhà ngói và gia đình chúng tôi dọn về đây ở sau nhiều năm ở chung với ông bà ngoại tôi. Căn nhà ngang lợp tranh đó được nhường lại cho vợ chồng dì Hiền.

12x12QuocPN01

Anh em tôi

Trên miếng đất này, chủ cũ trồng mấy cây kiền kiền (còn gọi cây giái ngựa) to lắm. Ba tôi cho hạ để lấy gỗ làm đòn và rui mè lợp ngói. Những khúc còn thừa lại ba tôi thuê thợ cắt ra làm mười mấy cái thớt, mang về xóm cũ ông ngoại tôi tặng mỗi gia đình hàng xóm một cái để làm kỷ niệm. Còn hai cây dừa ông để lại, một cây dừa lửa, trái đỏ và một cây dừa cơm vỏ xanh. Hàng năm, ông thuê người lên ngọn làm vệ sinh và bỏ muối sống vào chân mấy tàu lá, nghe người ta bày làm cách này, dừa sẽ sai trái và nước rất ngọt. Khi thu hoạch hai cây dừa này cả trăm trái. Ông lại cho mang về xóm cũ biếu mỗi người một cặp uống lấy thảo, và bà con ở xóm Triệu Nữ Vương này ai cũng có phần.

chi-hong

Chị Hồng và em Ái trước nhà mới

Khi gia đình về sinh sống tại nhà mới, ấn tượng khó quên của tôi là cây đa góc đường Triệu Nữ Vương - Nguyễn Trãi một chút. Cây đa này có tự bao giờ? Chúng tôi không biết, năm 1960, cha mẹ tôi dọn về nhà mới, cây đa là chốn thiên đàng đối với bọn con nít chúng tôi. Quanh gốc đa là một khoảng sân chơi rộng rải và thoáng má . Hằng năm, đến mùa đông, cây rụng hết lá, cành nhánh khô quắt vươn lên bầu  trời xám xịt như những bàn tay của ông khổng lồ, nhìn vào như cây đã chết khô. Vậy mà đến mùa xuân, lộc ra đầy tất cả mọi nhánh, ra mau lắm, một đêm đến sáng đã thấy cây hồi sinh. Những lộc non nhú ra màu đỏ tươi rất đẹp mắt. Vài ngày sau lá non bắt đầu nở từ lộc non này, một màu xanh lá chuối non phủ tất cả mấy cành cây, giống in như một bầy ngựa nhà trời bu trên cây vậy. Sau cỡ một tuần lá đa lớn dần ra to bằng bàn tay và trở màu xanh đậm.

clip_image00221

Cây đa gần nhà tôi

Sang cuối mùa thu đầu mùa đông lá già ngã vang úa và khô rụng vào cuối đông. Sự tuần hoàn thay lá này diễn ra hết năm này qua năm nọ. Trên nhành những trái xanh mọc chi chít. Hồi ấy bọn tôi được mấy anh lớn làm cây khèo xuống cho ăn, vị trái cây đa non ăn có mùi chát chát chua chua, chấm với muối ngon không chi bằng. Những trái xanh cũng lớn và vàng dần, khi chuyễn sang màu đỏ, chúng rụng tơi tã.Trái chín lúc này không ai thèm ăn nữ . Người lớn tuổi bày rằng những hạt bé li ti trong trái có thể đem gieo thành cây con. Mùa hè chơi đùa ở gốc cây mát lắm.

Về cây đa này, lúc bác Thể - thợ mộc bạn cha tôi còn tỉnh táo tôi có hỏi, năm ấy đâu bác thể khoảng hơn 80 tuổi. Bác Thể nói rằng: “Năm 1943, tau dắt vợ con từ Nam Định vào Đà Nẵng làm ăn, đi ngang qua đây, hồi ấy còn đường đất, tau đã thấy cây đa này lớn như vậy rồi”.

Tôi đoan chắc cây đa chỗ gần nhà tôi chắc phải hơn 100 năm? Cái gốc nó lớn lắm, hàng chục người ôm cũng không xuể!

12x12QuocPN04.JPG-1

Mẹ tôi và các em tôi

Sau năm 1975, ủy ban nhân dân quản lý khu đất này, mở cửa hàng ăn uống, giao cho hợp tác xã mua bán coi ngó, uống vào tiểu ra, người ta cho làm mấy cái toilet phía sau, mưa lâu thấm đất, cái giếng xóm trong lành của Nam Vinh ô nhiểm nặng, nước không còn dùng được nữa, mạch nguồn đã thấm đẩm mùi u rê. Hợp tác xã mua bán làm ăn thất bại rả đám.

Miếng đất miễu khối phố Nam Vinh có cây đa tọa lạc nghe đồn được ủy ban rao bán, nhưng không ai dám mua ví có cây đa án ngữ. Không ai dại gì bỏ số tiền lớn ra mà đi làm cái chuyện kinh thiên động địa là đốn hạ cây đa trăm năm tuổi để làm chỗ ở bao giờ, người ta sợ động đến những hồn ma bóng quế trú ngụ bao đời ở đây. Không bán được, ủy ban đã cho xây nhiều dãy nhà bao quanh cho thuê, cây đa đã nằm lọt phủm vào mấy dãy nhà. Đã có người thuê gian nhà phía trước để làm kho chất hàng. Nếu không có cây đa, miếng đất miễu khối phố Nam Vinh cũng mang số phận của miến đất miễu xóm Hải Hạc. Tôi sẽ kể sau.

Hằng năm tại đây có tục tế xuân, thân hào nhân sĩ địa phương cúng kính linh đình lắm. Một hôm học tiểu học trường ông Bãy Cụt về, nghe tiếng trống vang lên thùng thùng, bọn tôi hiếu kỳ tập trung ghé lại coi. Một con bò vàng bị cột sau gốc cây đa. Mặt nó buồn lắm, tôi thấy nó chảy 2 hàng nước mắt, chắc linh tính báo cho nó biết giờ tử hình của nó sắp đến. Tôi thấy buồn buồn.

dua-tre-gia-dinh-trung-luu-DN-thap-nien-50-the-ky-XX-tap-di-xe-dap

Vĩnh lúc về nhà mới

"Nếu bên Mỹ có lễ Tạ ơn để cảm tạ  Đức Chúa Trời. Ở Việt Nam có Lễ Cúng Đất, lễ nầy ở Việt Nam vì không quy định thành văn nên rất đa dạng và phong phú, ngày tháng, cách tổ chức, cách thức trình bày và dâng mâm lễ, các lễ vật trong mâm cũng khác nhau tùy theo địa phương phong tục từng vùng.
Cúng Đất Cầu An là danh từ thuần Việt. Có lẽ người Việt dịch từ “Tạ Thổ Kỳ An” có nghĩa là tạ ơn Thổ thần  nơi mình sinh sống, và cầu bình yên sức khỏe.

Quê tôi ở Quảng nam Đà nẵng, có câu phương ngôn “Cúng Đất, chất Rơm, quảy Cơm luôn thể”. Có nghĩa là chọn một ngày kỵ gỗ nào đó vào mùa xuân, rồi nhân tiện cúng tạ Thổ thần.

Một lễ cúng đầy đủ nhất có đến ba bàn: bàn thượng, bàn trung và bàn hạ. Mỗi bàn đều có hương đèn, hoa quả, cau trầu, trà rượu và giấy vàng bạc. Bàn thượng đặt bộ áo thổ thần, con gà luộc và xôi chè. Bàn trung đặt hai bộ áo bà, năm bộ áo ngũ phương và lễ vật gồm bộ tam sên: thịt heo, cua và trứng luộc, đặc biệt có đĩa rau lang luộc, chén nước ruốc và gắp cá tôm nướng. Bàn hạ đặt bát cháo gạo muối, bánh tráng, hột nổ và khoai đậu nấu..

Ba bàn đặt ở trước nhà, gia chủ đứng từ trong nhà lạy ra và nêu tên đầy đủ các vị thần cai quản trời đất cao cấp nhất, cai quản từng vùng đất cụ thể, đất nhà cửa của gia chủ cho đến thần suối, thần giếng và tổ tiên làng xã, gia tộc. Đặc biệt còn dâng cúng cả những thủ lãnh và dân tộc thiểu số: Chăm... từng cư trú trên địa bàn Quảng Nam, cũng như những hài cốt tiềm ẩn trong đất.

Ở gia đình tôi, ngày giỗ ông nội tôi nhằm tháng giêng, tôi thường thấy ba tôi đặt thêm một bàn riêng chứ không đặt làm ba bàn như tục lệ, ông giải thích đây là bàn để cúng Đất.

Cũng chính vì có đối tượng là những dân tộc thiểu số nên có món rau luộc, nước ruốc, xâu cá tôm. Khi gần xong lễ, gia chủ sẽ sớt một ít phần lễ vào một bẹ chuối cùng một ít giấy âm binh treo ở góc ngả tư hay ngả ba đường.

Ngày nay có lẽ ít còn ai cúng Đất nữa, nhưng nếu cúng Đất mà cúng vái vị thần mình không biết rõ thì không nên cúng còn hơn, không khéo mời thêm tà ma quỷ quái vào trong nhà ngự trị lúc nào mà không hay".

clip_image0022
Mâm cúng đất

Dưới gốc cây đa gần nhà tôi, bá tánh hay đem lễ vật cúng đất ra đặt ở đây. Người ta lấy một cái bẹ chuối, gấp làm đôi dài khoảng 30 - 40 phân, bên trong bỏ đồ cúng vào, thường là một ít rau muống hay rau khoai, một vài cái trứng gà, trái bắp, một cục thịt heo, một ít đậu phụng luộc, củ sắn, củ khoai lang, một con cua nhỏ. Tất cả đã được luột chín và 3 cây hương. Bẹ chuối và 3 cây hương được mang ra treo ở gốc cây đa. Anh Phước và anh Lộc là hai anh em sinh đôi ở với mẹ nhà xéo xéo bên kia đường, hơn tôi khoảng 4 - 5 tuổi hay bày trò nghịch ngợm cho bọn tôi. Và chính hai anh cũng hay ra gốc đa lấy bẹ chuối có đồ cúng về cho bọn tôi ăn. Mấy anh dặn khi nào thấy bẹ chuối còn đỏ hương là đem về ăn được, hương đã tắt đem về ăn không nên, vì hương tắt là ma đã vào vọc rồi. Bọn tôi nghe vậy biết vậy chứ chẳng bao giờ tự tay ra lấy mấy thứ đó về ăn! Có muốn cũng không được, mấy ông anh lớn hàng xóm đã ra tay rồi!



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com