Dì Ba
Năm kia 2009, tôi dắt mẹ tôi vào Quảng Ngãi để dự đám cưới đứa cháu nội của cậu Sáu. Cậu không may qua đời sớm, và người con trai cậu cũng bạo bệnh cũng không còn nữa. Thằng Hùng, thằng mà tôi đã kể chuyện nó dám cả gan xô tôi xuống hồ nước nóng và sau đó, đã tập tôi bơi khi tôi có dịp vào Quảng Ngãi chơi năm học lớp đệ lục, đứa cháu nội côi cút - gọi mẹ tôi bằng bà cô - lên xe hoa với người bạn cùng lớp.
Ở nhà bàn bạc cùng nhau, tôi là người rảnh nhất nên được nhận nhiệm vụ dắt mẹ tôi vào dự đám cưới cháu. Hai mẹ con hôm ấy dậy thật sớm để đón xe thồ ra ga Đà Nẵng đi chuyến tàu chợ, chuyến 5 giờ sáng. Mẹ tôi năm ấy đã 83 tuổi, tinh thần còn minh mẫn, nhưng tại có bệnh say xe nên mẹ con phải đi tàu chợ. Đúng là tàu chợ, chạy cà rịch cà tang, ga nào cũng ghé, ga thì đón khách và hàng hóa lên; ga thì phải đợi tránh tàu… Theo lộ trình chạy là 5 tiếng đồng hồ, nhưng hôm ấy tàu chạy mất 7 giờ đồng hồ. Hai mẹ con đi trước ngày cưới một ngày nên chẳng có gì phải nôn nóng, vả lại tàu chạy càng chậm mẹ tôi lại càng khỏe, bà nói mẹ ngồi trên tàu giống y như ngồi ở nhà nên chẳng mệt mỏi chi.
Dì Ba và chị Hồng (ảnh chụp năm 1955)
Suốt chặng đường, mẹ tôi với quá khứ đau buồn đã được chôn chặt bỗng ùa về, những năm tháng khổ ải của thời con gái, nay đây mai đó theo gia đình suốt thời gian giặc giã. Những năm tháng cũ hồi sinh lại trong mẹ tôi và bà thao thao bất tuyệt kể lại cho tôi nghe.
Hồi ấy gia đình ngoại tôi tản cư vào Cẩm Khê, không biết Cẩm Khê theo lời mẹ tôi kể lại là một địa danh của xã thôn nào thuộc thị xã Tam Kỳ lúc ấy? Sau này đi lại nhiều và tìm hiểu thêm, tôi được biết đây là một địa danh thuộc xã Tam Dân - Tam Kỳ. Xã này đã được xác nhập cùng nhiều xã khác vào huyện mới Phú Ninh, một địa danh cách Tam Kỳ phỏng chừng ba mươi cây số.
Sau Cách mạng tháng 8/1945, huyện Tam Kỳ có huyện lỵ là thị trấn Tam Kỳ. Đến ngày 30/01/1951 thị xã Tam Kỳ được thành lập và được chọn là tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam. Sau hiệp định Genève năm 1954, dưới chính quyền Sài Gòn, huyện Tam Kỳ được gọi là quận Tam Kỳ và tỉnh Quảng Tín.
Hồi ấy đói lắm, mẹ tôi chẳng nhớ năm nào, chỉ nhớ là hồi ấy chưa có chồng. Dì Ba tôi là chị cả đã có chồng theo kháng chiến. Ông Mười cụt - chồng dì là thợ may, hồi ấy không ở nhà, ông công tác trong xưởng may quân phục tận đâu đâu. Dì Ba dẫn dắt mấy đứa em đi buôn để kiếm sống, nuôi cha nuôi mẹ nuôi em. Hồi ấy, phải mua tận gốc bán tận ngọn mới có cái ăn. Mà đường xá đi lại rất khó khăn, làm chi có xe mà đi, tất tật chỉ trông vào đôi chân. Sáng dậy ăn vội mấy miếng cơm ghế khoai rồi gánh đôi bầu mà chạy. Mẹ tôi nói đi bộ lâu tới Tam Kỳ lại thêm mau mỏi chân, chạy mau đến hơn mà không mỏi chân. Cả đoàn do dì Ba dẫn đầu chạy trước, mấy chị em chạy sau xuống Tam Kỳ. Rồi từ Tam Kỳ rồi phải chạy xuống phía miền biển, mỗi người mua mỗi món hàng, mẹ tôi chọn mua một đôi bầu mắm cá cơm.
Mẹ và dì Ba (áo trắng) tại căn nhà mới
Mua xong hàng rồi tất cả lật đật quay trở về, không ăn uống chi cả, ăn hàng ăn quán cho mà hết vốn mau à? Mà có muốn ăn cũng chẳng có hàng quán. Chạy trên đường về, đến lúc đói không chịu được nữa mới nghỉ chân, dọn đồ ra ăn tôi hỏi mắm cái mặn chát vậy mẹ ăn trừ cơm à? Không phải vậy, mấy dì có mua bánh tráng, nghỉ lại bên đám rau muống nào đó, xuống ngắt mấy ngọn rau, rửa xạch bằng nước ruộng, múc mắm ra pha thêm ít nước, cũng nước ruộng đó pha cho đỡ hao mắm! Rồi nhúng bánh tráng ướt rồi cuốn rau chấm mắm ăn cho no. Tôi có hỏi, ai trồng rau mà mình ngắt ăn tự nhiên như vậy? Rau muống có chủ chứ, nhưng nhà và ruộng xa nhau, vài ba chuyến nhắn gặp họ và lại trả tiền, mấy xu chi đó, dân hồi ấy dù nghèo nhưng rất thương yêu nhau. Khi nào họ khấm khá lại mua mắm của mình với giá rẻ. Ăn no xong nghỉ ngơi đôi chút rồi bắt đầu gánh gánh chạy tiếp, chạy về Cẩm Khê. Mẹ tôi kể rằng, hồi ấy đường xá hẹp lắm, lau lách um tùm, chị em phải chạy cùng nhau theo đoàn chứ lớ quớ chạy chậm không theo kịp có thể cọp ra tha người chạy sau. Đường đi có dốc cao cũng phải ráng chạy theo đoàn! Không dám chậm trể .
Về đến Cẩm Khê rồi mà đâu có được nghỉ ngơi, lại phải tản ra chạy tiếp về các xóm nhà mà bán hàng. Chiều tối, ăn uống qua quít cho no rồi tìm chỗ quen mà xin nghỉ lại để ngày mai bán tiếp, khi nào hết hàng thì về. Hồi ấy, giao thông khó khăn nên vài ngày hết hàng, chị em mới về lại Cẩm Khê, nơi ngoại tôi tản cư. Rồi tính vốn tính lời, bàn bạc cùng nhau chuyến sau lại về Tam Kỳ mua hàng tiếp, mỗi chuyến mua mỗi món hàng tùy theo nhu cầu của dân trên ấy. Dân địa phương trên ấy cũng nghèo lắm, chủ yếu là sống với nghề nông và đốn củi. Người ta bó từng bó củi to, rồi cũng chạy từng đoàn xuống Tam Kỳ bán, dân ở những nơi khác tìm về tản cư làm ăn cũng làm nghề ấy, nhưng nhọc nhằn và lao lực nhiều hơn.
Dì Ba tôi hồi ấy đã có chồng được mấy đứa con, nhưng con dì mỗi anh mỗi chị đều đã qua đời vì bệnh tật vì thiếu ăn, vì bệnh tật thiếu thuốc thiếu men! Dì chỉ còn sống sót một người con gái duy nhất, khi dì đi buôn đi bán thì gởi con lại cho ông bà ngoại coi ngó. Chị này cũng thiếu ăn, thiếu thuốc nên rất èo uột, chỉ da bọc xương. Mỗi chuyến đi hàng về, ở nhà lấy cái đầu con mắm cái và thêm ít rau ra nấu cháo cho chị ăn, chứ có gì hơn! Chỉ ăn được cái đầu mắm thôi, còn cái thân mắm để bán kiếm lời mà nuôi sống gia đình. Mẹ tôi bảo vậy.
Bây giờ đất nước đã sung túc, lương thực thực phẩm chẳng thiếu món gì, muốn ăn món chi được nấy, nhưng tôi vẫn thỉnh thoảng dặn mấy đi buôn ở quê ra mua giùm vài kí khoai lang khô để ghế cơm ăn dần. Nhìn những lát khoai lang khô mộc mạc, lấy thân mình ốm tong ốm teo của mình cõng mấy hạt gạo trắng muốt. Tôi thương mẹ tôi vô vàn, bà và mấy dì tôi như những lát khoai lang khô quắt cõng mang anh chị em vào đời, to mập trắng trẻo đến ngày hôm nay.
Sắn cõng cơm
Sau đó mẹ tôi lập gia đình (1950). Ba tôi là anh lớn trong nhà, mọi ý kiến của ông đóng góp đều được mọi người nghe theo và gia đình ông ngoại rất quý trọng ba tôi. Biết bệnh của chị Hồng, ông về tuốt Tam Kỳ mua mấy ống thuốc về chích cho chị. Ba tôi không nói ra, nhưng bây giờ tôi đoán đó là thuốc bổ. Chị ơi, chừ chị đã có cháu ngoại rồi, cuộc sống đã đến hồi sung túc hơn. Nếu không có mấy ống thuốc mua từ Tam Kỳ chắc chị cũng đã theo ông theo bà từ hồi nào rồi. Dì Ba tôi dưới mí mắt có một hột nút ruồi, như giọt nước mắt, mấy ông thầy tướng bảo dì tôi có số khóc con!
Năm 1954, bác Mười chồng dì Ba tập kết ra Bắc được dắt theo vợ con. Dì Ba có hỏi ý kiến ba tôi. Kể từ ngày ông cứu sống chị Hồng, những chuyện hệ trọng gì, dì Ba tôi cũng hỏi ý kiến ba tôi. Ông bảo, tình hình tập kết ra Bắc cuộc sống chưa biết ra sao, chị Hồng tôi còn èo uột quá, ông sợ dài đường gian khổ, dì tôi không giữ lại sự sống của chị. Mà có lâu dài chi cho cam, đi hai năm rồi về chứ có lâu đâu. Thôi chị hãy ở lại với ba mẹ, tìm đường hồi cư về Đà Nẵng làm ăn sinh sống chờ anh Mười, 2 năm sau sum họp. Năm 1955, dì Ba tôi dắt chị Hồng cùng ông bà ngoại về Đà Nẵng làm ăn sinh sống. Ở vậy nuôi con. Bà chờ chồng suốt 21 năm!
Năm đó tôi mới được 11 tháng, biết nắm tay cậu Thuận chạy lúp xúp qua nổng cát trắng theo đoàn một đoạn, nóng chân quá cậu Thuận mới cõng tôi lên. Sau một trận sốt cao tôi bị bại liệt chân trái. Ba tôi về hành nghề hớt tóc dạo và y tá tư. Thời gian này, gia đình cha mẹ tôi rất xào xáo, lúc ấy cha mẹ tôi mới có 4 đứa con.
Tại sao?
< Lùi | Tiếp theo > |
---|