Ông ngoại
Khi tôi lớn khôn, ông ngoại tôi đã già lắm rồi. Từ thời trẻ, ông ngoại đã bỏ quê nhà, đi làm ăn sớm lắm. Sau bao nhiêu năm gian khổ, lúc chiến tranh lại tản cư lên Tiên Phước - một huyện trung du nên khí hậu tương đối khắc nghiệt, nhiều hạn hán, thiên tai. Phần lớn diện tích trong vùng là đất nông nghiệp nhưng kém màu mỡ và tỷ lệ đất thịt rất thấp. Đây là một vùng kinh tế nghèo của tỉnh Quảng Nam. Do đặc điểm cấu tạo địa hình nên sông Tiên - con sông chảy quanh địa bàn huyện được mệnh danh là "con sông chảy ngược", không xuôi về biển Đông mà ngược về hướng tây - nam, đổ ra sông Thu Bồn.
Căn cước của ông ngoại tôi
Dù vùng đất không lành để chim đậu, xa xôi cách trở, nhưng đành lòng ông phải đưa gia đình lên đây để tránh giặc giã. Sau gia đình chuyển xuống làng Cẩm Khê, rồi Cây Sanh - Tam Kỳ. Sau đình chiến một năm (năm 1955) ông mang vợ con về Đà Nẵng. Ông học nấu bếp Tây. Trong mấy tác phẩm văn học cổ điển tôi đọc được mấy nhà văn gọi ông tôi là anh Bếp. Gia đình ông chủ Tây đi đâu, ông đi theo để phục vụ. Có năm ông ở tận Bà Nà cả 3 tháng hè mới về nhà.
"Bà Nà - Núi Chúa là một dãy núi thuộc huyện Hòa Vang cách Đà Nẵng 40 km về phía Tây Nam, cao 1.487 m so với mực nước biển. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 17 dến 20 o C. Lên Bà Nà, du khách sẽ cảm nhận được cái cảm giác như đi lạc trong mây và sương khói. Cảm xúc của mỗi người khi lên nơi này có thế có khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng cái ý nghĩ rằng, giữa vùng nhiệt đới gió mùa này mà chọn một nơi như Bà Nà làm nơi nghỉ dưỡng thì khó có nơi nào bằng sẽ luôn là một ý nghĩ chung...
Với những ưu thế tuyệt diệu đó, từ những năm đầu thế kỉ XX người Pháp đã chọn Bà Nà là nơi nghỉ mát và xây dựng nơi đây hàng trăm biệt thự, lâu đài... Thiên tai, địch họa hơn nửa thế kỉ qua đã làm mất đi dấu tích các lâu đài, nhà nghỉ cổ xưa... nhưng vẫn còn đó sự hào phóng của thiên nhiên với những cánh rừng nguyên sinh và một vùng khí hậu ôn hòa mát mẻ với muôn ngàn âm thanh xào xạc của đồi thông hòa quyện cùng khúc nhạc róc rách của những con suối tràn lên trên thành đá hoa cương, rồi lặng lẽ lẫn khuất sau những cánh rừng xanh ngắt".
Ông theo làm cho Tây mà chẳng học được điều hay ở Tây mà chỉ đem về cho gia đình những oái ăm. Ông thường xuyên đánh bài cát tê, xì tẩy, xì lát với mấy anh chauffeur (tài xế) mấy anh lon ton (làm tạp vụ)... Tôi nghe mẹ tôi kể lại, hằng tháng bà ngoại tôi chờ chồng về cầm lấy mấy đồng lương ít ỏi để lo cho con, tháng nào ông về với vẻ buồn xo, cáu kỉnh là “chỉ có nước nhảy sông”! Mà chuyện đó xẩy ra nhiều lần.
Khi ông bà ngoại tôi hồi cư về Đà Nẵng năm 1955, tất cả mấy dì cậu và mẹ tôi đều ở chung một nhà. Nhà ở kiệt 12 đường Hoàng Diệu, xóm Tân Thành, khu phố Nam Dương. Một căn nhà tranh rộng rãi, có cánh cửa chống, cửa sổ thoáng mát. Ba mẹ tôi do con cái nhiều nên được ở bên nhà ngang cũng bằng tranh. Hai dãy nhà, một nằm quay về hướng đông, một quay về hướng nam, phía trước là một khoảng sân rất rộng, với tầm nhìn của tôi lúc ấy, cái sân to bằng sân vận động!
Số là, đất của ông ngoại tôi cho ở, ba mẹ tôi dành dụm được mấy đồng, mua lại cái nhà tranh cũ ngoài đường Phan Chu Trinh, người ta bán đi để xây nhà gạch, mấy cậu và bà con bên ông ngoại xúm nhau khiêng về giúp ba mẹ tôi. Chung quanh bao bằng phên tre cho kín gió. Nhà cha mẹ tôi ở quay ra hướng nam.
Mộ ông ngoại tôi tại Đà Nẵng
Vui nhất là khoảng độ một vài năm ông ngoại và mấy cậu tôi sửa lại nhà. Ông tôi đi qua hàng xóm mua và đốn mớ tre già vác về chất đầy trước sân, mấy bó tranh đã được ông vác về trước đó mấy ngày. Với mấy cây tre, cây thì thay kèo, cây thì thay cột, cây thì chẻ làm rui cây thì vót lạt. Bọn tôi ngồi chồm hỗm nhìn ông làm với vẻ thán phục. Chân ông kẹp mấy làn nẹp tre, tay đánh từng nhúm tranh đan lại. Bốn nẹp giở lên, bốn nẹp kẹp xuống. Chúng được đan so le với nhau từng nẹp một. Ông đan lên đan xuống nhanh như chớp, cuối mí ông lấy dây lạt cột chặt lại, vậy là xong một miếng tranh. Mái nhà phải cần nhiều miếng lợp mới kín mưa.
Mấy ông hàng xóm, ông Thông cha và ông hai Hòa tấm tắc khen ông ngoại tôi giỏi vì nếu đan tơ lơ mơ thì mấy cái nẹp tre nó bén lắm, cắt đứt tay như chơi. Tôi chỉ được coi ông đan tấm tranh một chút rồi phải đi học. Trưa về, tôi đả thấy những mái tranh trắng ngà đã được thay thế, mái nhà cũ xám xịt đã được bỏ đi. Hai chái trước sau được cắt gọt thẳng thớm, như cái đầu bum bê của chị Hồng tôi, đẹp ghê. Chị Hồng là con của dì Ba còn sống sót trong nhiều anh chị em đã chết trong thời chiến tranh đi tản cư tận Tiên Phước. Chuyện này tôi sẽ kể lại sau.
Ba và Lương - Tâm - Vĩnh trước ngôi nhà ngang hướng nam lợp tranh
Ông ngoại tôi có mượn miếng đất cỡ mấy trăm mét vuông, đất làm nghĩa trang gia tộc của gia đình ông Bếp Giò, đi ra sau ngõ bà năm Lý. Ông ngoại tôi trồng đủ thứ như khoai, đậu đũa, đậu phụng, có mè nữa và mấy thứ rau chi chi đó tôi không biết kêu tên. Sướng nhất là khi tới mùa, ông hái đậu đũa về luột, đổ ra cái mẹt cho nguội, anh chị em chúng tôi bu lại lột ra ăn. Ngon dễ sợ. Đến mùa khoai lang, ông đào mấy thúng khoai về đổ trong bếp cho bà tôi hấp cơm. Nè, rình rình ăn trộm một củ, lấy tay phủi cho hết đất rồi cắn mà ăn sống cũng ngon. Ngọt lắm.
Lúc đó, mỗi lần khóc nhè, nghe tiếng bà Năm Lý là tôi sợ khiếp, đái trong quần và nín khóc ngay. Sau năm 1975 bà già yếu, không con cái, phải lê thân tàn đi xin ăn, về nuôi chồng bị mù. Hai vợ chồng bà chết trong đói khổ. Miếng đất làm vườn của ông ngoại tôi nằm trước nhà dì Bốn Chua và dì Sáu Chát. Bây giờ ghé lại thăm, hai ngôi mộ của vợ chồng ông Bếp Giò vẫn còn đó và con cháu đã làm nhà ở chung quanh.
Những năm tháng tuổi thơ của anh em tôi chảy êm đềm trên mảnh đất của ông bà ngoại tôi cũng các em con dì và các cậu. Hàng xóm ai cũng khen, nhà ông Lệ dâu rể đông đúc ở chung một nhà, chẳng bao gi ờ nghe một tiếng ồn ào. Phúc đức thật.
Ba anh em chúng tôi và chị em con dì trước nhà ông ngoại
Ấy là vào khoảng năm 1956.
"Đây là giai đoạn mà kinh tế của Việt Nam Cộng hòa tăng trưởng tương đối nhanh, song vẫn giữ được mức độ tăng giá vừa phải. Ngân sách Nhà nước thời gian đầu cân đối thậm chí có thặng dư, song từ năm 1961 trở đi bắt đầu chuyển sang thâm hụt. Mức độ đầu tư lớn, nông và công nghiệp nói chung đều phát triển mạnh.
Năm 1955, chính quyền Đệ nhất Cộng hòa thời Tổng thống Ngô Đình Diệm quyết định thành lập Ngân hàng Quốc gia, Viện Hối đoái, phát hành đơn vị tiền tệ mới thay cho tiền Đông Dương, ấn định tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam Cộng hòa và dollar Mỹ là 35:1.
Năm 1956, Việt Nam Cộng hòa ban hành hiến pháp trong đó có nêu rõ việc thành lập và vai trò của Hội đồng Kinh tế Quốc gia. Phó Tổng thống sẽ làm chủ tịch hội đồng này. Cũng năm 1956, Việt Nam Cộng hòa gia nhập Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Tháng 3 năm 1957, Ngô Đình Diệm đọc Tuyên ngôn của Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa trong đó có kêu gọi đầu tư của tư nhân trong và ngoài nước, cam kết về những quyền lợi họ và những khuyến khích đầu tư (ưu đãi về thuế thuê mặt bằng sản xuất kinh doanh, thuế lợi tức).
Để khuyến khích phát triển doanh nghiệp, chính phủ đã thành lập Trung tâm Khuếch trương Kỹ nghệ để giúp đỡ các doanh nhân khởi nghiệp, giúp đỡ các doanh nghiệp về công nghệ và tín dụng, hỗ trợ công nghệ và hướng dẫn đầu tư cho doanh nghiệp.
Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã tích cực triển khai chiến lược công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu. Các hàng rào thuế quan và phi thuế quan được dựng lên để bảo hộ một loạt ngành công nghiệp nhẹ. Kết quả phải kể đến nhà máy giấy đầu tiên ở Việt Nam: nhà máy giấy Cogido An Hảo (1961) ở Biên hòa, thỏa mãn 30-40% nhu cầu tiêu thụ giấy trong nước ; hai xưởng dệt Vinatexco và Vimytex với năng suất 13,2 triệu mét vải mỗi năm; nhà máy thủy tinh Khánh Hội năng suất 15.000 tấn/năm; hai nhà máy xi măng, một ở Hà Tiên, một ở Thủ Đức với năng suất 540.000 tấn mỗi năm; và đập thủy điện Đa Nhim, hoàn thành năm 1961. Đồng thời, các loại máy móc, kim loại - những đầu vào cho các ngành được bảo hộ - được ưu tiên nhập khẩu. Trong khi hạn chế nhập khẩu, xuất khẩu được khuyến khích. Một số mặt hàng xuất khẩu còn được chính quyền trợ cấp. Ngay cả tỷ giá hối đoái cũng được điều chỉnh thuận lợi cho xuất khẩu (thông qua trừ đi một mức phụ đảm). Thời kỳ 1955-1965 là thời kỳ tốt đẹp nhất của xuất khẩu của Việt Nam Cộng hòa (Wikipedia).
Lúc đó, dì Ba và mẹ tôi mỗi người có một cái hàng bán légumes (rau củ quả) ở dưới chợ Hàn. Bà mua cây củ từ các vùng quê lân cận chở về, và những giống rau trái từ Đà Lạt chở xuống, nhiều nhất hồi ấy là trái su su, và su lơ… và bán sỉ cho các nhà hàng và tiệm cơm ở thị xã.
Bấy giờ dì Hiền đã có chồng, đi phụ bán vàng với ông gia bà gia ở tiệm vàng Vĩnh Ký ở đường Hùng Vương Chợ Cồn. Chồng dì Hiền là dượng mười Xin - con nuôi của ông bà Vĩnh Ký. Dì dượng vẫn ở chung với gia đình ông bà ngoại tôi, cũng là lần đầu tiên tôi mới nghe tiếng “ở rể”.
Cậu Thái - em dì Hiền, được dượng dắt theo học nghề vàng. Chỉ cậu Thuận, em cậu Thái là còn đi học - học ở Trường TH Phan Chu Trinh.
Ở nhà chỉ còn dì Út chưa có chồng lo việc nấu ăn, tôi còn nhớ, đến bữa ăn, bọn con nít chúng tôi được dọn đồ ăn lên một cái nia do ông ngoại tôi đan bằng tre to bự chảng, đường kính cũng phải hai mét, cả bọn ngồi vào đó ăn chung với nhau cho sạch sẽ chứ không ngồi bệt xuống nền đất. Mâm người lớn và ông bà ngoại tôi ở nhà ngang có bàn ghế đàng hoàng.
Đó là những kỷ niệm đẹp về ông ngoại tôi. Về già ông hay tự pha cà phê sữa buổi sáng, tôi cũng đươc cho hưởng chút chút dưới đáy ly, úi trời, chi mà đắng ngắt, thôi không ham. Lớn khôn rồi, tôi mới thấy mùi vị thơm ngon của cà phê. Ông ngoại tôi không uống rượu và hút thuốc.
Tôi nhớ ngày Tết, ông hay mua một loại rượu, loại Pipermint. Đặc biệt ông có một chai thuỷ tinh được chia làm 4 ngăn, hình cái chai giống củ hành Tây dưới to trên nhỏ dần. Mỗi ngăn ông cho vào một loại rượu, mỗi ngăn đều có nút niền niểng riêng. Rượu Pipermint có màu xanh lá cây lợt rất ưa nhìn. Tôi cũng hay lấy trộm rượu này uống thử, rượu ni hắn the the uống vào mát cổ và thơm ghê. Rượu có pha bạc hà. Ba ngăn còn lại, mỗi thứ rượu có một màu riêng, màu đỏ hồng là rượu Cognac, màu cam là rượu mùi và màu trắng trong là rượu Sica. Mấy loại rượu này được sản xuất ở hãng rượu Sica của chủ người Pháp trên đường bờ sông, nay là Bưu điện Đà Nẵng, phía trước có cây cầu cảng để ghe thuyền ghé vào, dài khoảng 10 mét thường được gọi là cầu chữ I hay là cầu Sica. Cây cầu này bây giờ không còn nữa.
Năm tôi học tới lớp 10 ở trường Sao Mai thì ông ngoại tôi mất. Mấy bạn học lớp có đến chia buồn, tôi nhớ mãi tình cảm của các bạn. Ông mất sau bà ngoại tôi một năm, năm 1971, thọ 73 tuổi. Có một điều cũng khó quên, trong tạp bút Một chỗ ta ngồi, em tôi nhà thơ Lê Minh Quốc có nhắc: “Vườn nhà ông ngoại đã vắng hoa từ lúc nào? Sau ngày ông ngoại tôi về suối vàng yên giấc, trên mỗi cây hoa ấy lũ nhóc con chúng tôi đều buộc lên đó một giải khăn trắng. Dăm ngày sau, lạ thay, các cây hoa hồng, cúc, thược dược, huệ... đều rũ lá, hoa rụng cánh và cây khô héo dần. Người đi, hoa cũng đi theo. Giữa người và hoa có chung một nỗi niềm gì chăng?”. Tôi bổ sung thêm, ngay cả con chó mực đang khỏe mạnh, vậy mà sau ngày ông ngoại mất, nó bỏ ăn để rồi chết dần chết mòn theo…
Anh chị em con cậu dì năm 1971
< Lùi | Tiếp theo > |
---|