THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh - Quê nội

LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh - Quê nội

Mục lục
LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh
Quê nội
Một câu chuyện tình
Chú Vinh
Quê ngoại
Ông ngoại
Bà ngoại
Về nhà mới
Cậu Bảo
Cậu Thái
Cậu Thuận
Dì Ba
Hoạt động bí mật
Ngày ba tôi ra tù
Đổi tiền và cải tạo công thương nghiệp
Tự cứu lấy mình
Đổi mới
Phụ lục
* Sửa nhà ông ngoại (2013)
* Nghi lễ đời người
* Thiết lập bàn thờ tổ tiên tộc Lương tại Đà Nẵng
* Giỗ tộc Lương tại Quảng Nam
* Trùng tu nhà thờ tộc Lê tại thôn Kì Vỹ - Gia Khánh - Ninh Bình (này xã Ninh Nhất -TP. Ninh Bình)
* Đám tang mợ Lý
Tất cả các trang

Quê nội

"Dọc theo quốc lộ 1 ra Bắc, đi cuối hết tỉnh thuộc cực Bắc Trung bộ. Ninh Bình là một tỉnh nằm ở cửa ngõ cực nam miền Bắc và khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Ninh Bình giáp với Hòa Bình, Hà Nam ở phía bắc, Nam Định ở phía đông, Thanh Hóa ở phía tây, biển (vịnh Bắc Bộ) ở phía đông nam. Trung tâm tỉnh là thành phố Ninh Bình cách Hà Nội 93 km về phía nam. Ninh Bình bao gồm cả ba loại địa hình. Vùng đồi núi bán sơn địa ở phía Tây và  vùng đồng bằng ven biển ở phía Đông Nam. Xen giữa 2 vùng lớn là vùng chiêm trũng chuyển tiếp. Ninh Bình có bờ biển dài 18km. Bờ biển Ninh Bình hàng năm được phù sa bồi đắp lấn ra trên 100m.

clip_image001

Quê cha năm 2004


Ba tôi được sinh ra và lớn lên tại thôn Kỳ Vỹ, xã Ninh Thành, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình. Nay đã được hợp nhất vào huyện Hoa Lư. Chuyện tách và nhập của huyện Gia Khánh quê nội tôi cứ giống như chuyện cổ tích “cây tre trăm đốt”. Được biết rằng:

"Huyện Hoa Lư được thành lập ngày 27/4/1977 do hợp nhất huyện Gia Khánh (phủ Tràng An) và thị trấn Ninh Bình, khi đó thuộc tỉnh Hà Nam Ninh. Thị xã Ninh Bình chuyển thành thị trấn Ninh Bình, huyện lỵ huyện Hoa Lư. Ngày 9/4/1981, tái lập thị xã Ninh Bình, tách khỏi huyện Hoa Lư. Trụ sở huyện Hoa Lư chuyển về xã Ninh Khánh. Sau đó nhiều lần tách đất huyện Hoa Lư nhập vào thị xã Ninh Bình. Từ năm 1991, Hoa Lư thuộc tỉnh Ninh Bình với trung tâm là thị trấn Thiên Tôn. Trong tương lai, do sức ép phát triển đô thị của thành phố Ninh Bình, rất có thể diện tích huyện Hoa Lư tiếp tục sẽ dần được chuyển nhập về thành phố này".

clip_image002

Sông Vân núi Thúy ( Ninh Bình )

Gia khánh xưa là một vùng đồng chiêm trũng, mỗi năm chỉ làm được một mùa lúa, còn thời gian trong năm nước nổi tứ bề. Một dãy núi đá vôi trùng trùng điệp điệp kéo dài về cũng là một trong những lẽ ấy. Kinh đô nằm lọt vào giữa vùng núi đá vôi trùng điệp. Giặc ngoại xâm muốn chiếm kinh đô phải đi qua nhiều thành lũy thiên nhiên bằng đá trùng điệp. Truyền rằng sau khi Đinh Bộ Lĩnh băng hà, Người được an táng trên một ngọn núi cao nhất, muốn lên đến đó phải khổ nhọc vượt qua gần 200 bậc cấp thiên nhiên khúc khuỷu. Cho đến nay tương truyền vẫn vậy, nhưng người làng tôi thật tình mà nói chẳng có ai biết Ngài được an táng tại nơi nào. Đến năm 910, vua Lý Thái Tổ dời kinh đô về Thăng Long. Hoa Lư trở thành một trong những cố đô của Việt Nam.

Từ quê nội tôi đến cố đô Hoa Lư thời vua Đinh Bộ Lĩnh khoảng 7 cây số. Vùng này có thế đất hình con cá chép, quê nội tôi là cái đuôi, cái đuôi cá chép vẩy lên cao, như  muốn hóa thành rồng để bay về trời. Làng Kỳ Vỹ. Cái đầu cá chép ở mãi tận Hoa Lư.

clip_image003

Phần mộ cụ Tổ  (ngành hai) dòng họ Lê Trọng

Ba tôi là con một nhà Nho, dòng họ Lê Trọng, gia định cụ kị đến đây lập nghiệp từ lâu đời, theo lời kể của ông khi còn sinh tiền, gia phả có ghi chép cẩn thận. Năm 1945, Việt Minh lên nắm chính quyền, lúc ấy ông đã lớn khôn nhưng chẳng làm gì được để cứu vãn tình thế, nhà thờ tộc bị trưng dụng để làm nơi hội họp, lư hương bát nước bị bỏ phế và đau buồn nhất là toàn bộ gia phả của dòng họ bị đốt sạch. Tất cả những tài liệu, sách vở gì được ghi chép bằng chữ Nho đều bị quy là tàn dư của phong kiến, phải đốt sạch sành sanh! Anh em chúng tôi không biết chi nhiều về dòng dõi bởi sự đốt phá này. Năm 1947, theo chính sách tiêu thổ kháng chiến, nhà thờ tộc cũng không thoát khỏi cảnh đập phá thành bình địa theo chính sách chủ trương lúc ấy. Những cột đá tiền sảnh bị xô ngã khắp nơi, những người thân trong tộc xót thương, xin mang về chôn cất giấu cùng những vật dụng gì còn sót lại của ngôi từ đường .

Sau năm 1975, ba tôi ở Đà Nẵng cùng chú tôi  ở thị trấn Cồn - Nam Định về lại quê Kì Vỹ -  Ninh Bình, hợp sức với tất cả bà con trong dòng Lê Trọng, đóng góp kinh phí, xây dựng lại ngôi Từ đường. Những gì đào lên lại từ nền từ đường cũ là những cổ vật, rồi dựa theo đó phục dựng lại. Ngôi từ đường được dựng lại trên nền đất cũ và lối kiến trúc theo trí nhớ của các vị cao niên, dù sao đi nữa cũng không thể nào giống in hệt ngôi từ đường cũ. Nhưng còn đó những cột đá xanh Ninh Bình được những nghệ nhân làng đá Hoa Lư tài ba thuở nào tạo tác. Ngôi từ đường vẫn còn cái nét thuần Việt cổ xưa của nó đã từng có. Trong danh sách được khắc bảng đá ghi công, những người góp công góp của xây dựng lại ngôi từ đường có tên cha tôi. Ngôi từ đường họ Lê Trọng bây giờ toạ lạc tại thôn Kỳ Vỹ, xã Gia Khánh, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

clip_image001a


Phần mộ tổ tiên ở thôn Kì Vỹ - Ninh Bình

Ba tôi từ nhỏ theo ông nội học chữ Nho, đi phụ việc cho ông bếp Từa gọi bằng chú ruột để kiếm cơm. Năm 1944, ba tôi được sự đồng ý của gia đình đã đi hỏi cô gái tận bên Hoa Lư. Sau nạn đói năm 1945 người làng mất nhiều lắm. Gia đình tôi hồi ấy cũng mất đi 2 người trong một năm. Cô Út mất sớm khi còn trẻ. Ông nội tôi buồn rầu, rồi cũng mất sau đó mấy tháng.

Ông nội tôi  là một nhà Nho. Ông làm những công việc nhàn hạ của kẻ sĩ thời đó như dạy học, chấm số tử vi, coi ngày lành tháng tốt, dựng vợ gả chồng, xem ngày giờ tang ma và huyệt mộ cho người chết, coi mạch bốc thuốc… Nói chung là làm công việc của nhà Nho là Nho, Y, Lý, Số. Ông không giàu có chi, nhưng nhàn nhã lắm. Chẳng bù với bà nội tôi một nắng hai sương vất vã làm nông. Hằng ngày bất kể nắng mưa, cứ ở ngoài đồng, mặt cúi xuống đất, lưng phơi lên trời. Bà không bao giờ than van gì. Bà lấy những công việc nặng nhọc đó làm thú vui hằng ngày. Ba tôi kể nói bà nội tôi luôn đầu tắt mặt tối.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com