THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh - Phụ lục

LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh - Phụ lục

Mục lục
LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh
Quê nội
Một câu chuyện tình
Chú Vinh
Quê ngoại
Ông ngoại
Bà ngoại
Về nhà mới
Cậu Bảo
Cậu Thái
Cậu Thuận
Dì Ba
Hoạt động bí mật
Ngày ba tôi ra tù
Đổi tiền và cải tạo công thương nghiệp
Tự cứu lấy mình
Đổi mới
Phụ lục
* Sửa nhà ông ngoại (2013)
* Nghi lễ đời người
* Thiết lập bàn thờ tổ tiên tộc Lương tại Đà Nẵng
* Giỗ tộc Lương tại Quảng Nam
* Trùng tu nhà thờ tộc Lê tại thôn Kì Vỹ - Gia Khánh - Ninh Bình (này xã Ninh Nhất -TP. Ninh Bình)
* Đám tang mợ Lý
Tất cả các trang


Phụ lục

Những thơ, tùy bút này đã in trong tập thơ của tôi, trên báo chí có thể tìm trên trang web này. Nay tôi ghép vào phần phụ lục vào tập Khêu ngọn đèn xanh của anh Lê Minh Tâm - như một cách chia sẻ tình cảm về đấng sinh thành của mình.

LÊ MINH QUỐC


BA TÔI

Xuân năm 1945, tại làng Kỳ Vỹ, huyện Gia Khánh (Ninh Bình) dưới cơn mưa phùn xám xịt, dưới bờ ruộng có một thiếu niên nằm co quắp, xanh xao, yếu đuối - bên cạnh là những xác người đã chết vì đói, khi lưỡi hái tử thần chuẩn bị gặt lấy linh hồn chàng đem về trời thì may thay lúc ấy có một tốp bộ đội đi ngang qua. Họ nhặt chàng đem đi. Hình ảnh khủng khiếp của một thiếu niên quằn quại trong cơn đói, sau này chính là ba tôi. Rồi trên chuyến xe lửa của đoàn quân Nam tiến với những tráng sĩ như bước ra từ dòng thơ Đường, họ mặc áo trấn thủ, đội mũ nan và từ lồng ngực thanh tân bật ra tiếng hát phóng khoáng, yêu đời: “Đoàn giải phóng quân một lần ra đi. Nào có sá chi, đâu ngày trở về…” thì có cả nhịp vỗ tay của ba.

Từ đó, ba tôi trở thành người lính, suốt năm tháng kháng chiến, ông là bộ đội quân y phục vụ ở chiến trường Quảng Nam. Rồi đình chiến, không trở ra Bắc, ông hồi cư về Đà Nẵng và trở thành “Việt cộng nằm vùng”. Khi tôi lớn lên, tôi chỉ biết ông làm nghề hớt tóc dạo. Ba tôi là người hà tiện tiếng cười, dù đang vui hoặc buồn. Có lẽ nỗi ám ảnh của cơn đói năm xưa đã khiến ông dạy con cái phải ăn uống kham khổ. Tôi còn nhớ đến món khoai chà dự trữ trong nhà. Ở Quảng Nam, sau khi thu hoạch khoai, người ta để dành bằng cách đem bào ra thật nhỏ, phơi khô, bỏ trong hũ. Mỗi lần muốn ăn, đem ra và đổ nước sôi vào, nó sền sệt, ăn thật bùi, thật ngọt. Đến bây giờ, tưởng như vị ngọt ấy chưa tan trên lưỡi.

Vậy mà, thuở ấu thơ, có lần tôi chê món ăn này, cứ đòi ăn món cá diếc thật ngon. Chiều ý tôi, ông đồng ý, chẳng may tôi bị mắc xương. không nói không rằng, cả đĩa cá diếc tươi roi rói như thế được ông hất tung xuống đất. Thái độ đột ngột của ông đã khiến tôi nghĩ rằng, đừng bao giờ cãi lại lời của ba.

Rồi mùa xuân năm 1968 do bị điểm chỉ, nhiều cơ sở nằm vùng bị đánh phá khốc liệt. Tôi đã thấy những “Việt cộng nằm vùng” bị xiềng tay dẫn đi trên đường, có người tìm cách trốn chạy, bị chúng bắn vỡ sọ, rồi đạp xác xuống cống ven đường. Xa xa có những tiếng pháo mừng Xuân mới vọng về… Bọn đầu trâu mặt ngựa, quần áo rằn ri, lăm lăm súng ống trên tay, đằng đằng sát khí xộc vào nhà tôi. Chúng bẻ quặt tay ba tôi ra sau lưng. Chiếc còng số tám lạnh lùng siết chặt. Tống lên xe bít bùng. Tôi sợ hãi khóc không thành tiếng. Thời gian này, ba tôi bị giam ở nhà lao Đà Nẵng. Ấn tượng dữ dội đã tạo một vết sẹo không phai trong ký ức. Do bị bệnh nặng, chúng đã chuyển ông ra bệnh viện Đa khoa. Ông mặc áo tù, nằm trên giường, gương mặt tím bầm. Hai chân của ông bị treo ngược lên cao bằng những sợi dây xích. Mỗi lần ông cựa quậy thì tiếng sắt va chạm vào nhau tạo nên một âm thanh khô khốc đến rợn người. Âm thanh ấy đập vào tai tôi và vang vọng suốt một đời. Sau đó, chúng đày ông ra Côn Đảo.

Chúng bí mật đưa ra đảo nên gia đình tôi không hề biết. Mẹ tôi cùng bà ngoại đã đi khắp chùa chiền để nguyện cầu. Nghe chỗ nào có thầy bói hay là lại tìm đến để dò hỏi tông tích của ba. Nhưng tất cả đều đoán trật lất. Từ đó, mẹ tôi không còn tin gì vào thần thánh. Cuối cùng, bọn đầu trâu mặt ngựa mới bắn tin đã đưa ba ra Côn Đảo và đòi hối lộ. Lúc bấy giờ, gia đình tôi đã khá giả, cả họ hàng bên ngoại đều bán vàng ở chợ Cồn với những hiệu lừng lẫy một thời: Vĩnh Châu, Vĩnh Thái, Vĩnh Phát, Vĩnh Thuận… Mẹ tôi mới sai thợ làm sáu chiếc lắc, mỗi chiếc năm lượng vàng ròng. Với yêu cầu đó, không thợ nào làm nổi. Sau cùng, cậu tôi phải đứng ra làm, ròng rã nửa tháng trời mới xong. Những tưởng hối lộ xong thì ba sẽ được tự do, nào ngờ mãi đến năm 1972 ông mới được trở về đất liền. Lúc ấy, ba bị phù thủng nên mỗi lần cười thì gương mặt méo xệch. Ông trở nên trầm ngâm hơn, ít nói. Mỗi lần ba dẫn tôi đi ăn mì Quảng. Những hột đậu phộng rơi vãi trên bàn, ông cẩn thận nhặt lấy bỏ vào tô của tôi. Vì đậu ngon hay ông tiết kiệm? Ăn xong, hai cha con đứng dậy trở về nhà. Đến đầu đường Nguyễn Trãi, tôi chợt thấy một người đeo kính đen, y ngồi trên xe honda kín đáo nhìn theo. Ít lâu sau, ba tôi lại bị bắt. Ông ăn cơm tù nhiều hơn cơm nhà.

Tôi lại nhớ đến tủ sách của ba tôi. Ông là người mê đọc sách. Trong tủ gụ làm bàn thờ Tổ tiên và trong tủ búp-phê của ông chứa nhiều sách lắm. Tôi đã lục lọi và đọc hết. Tôi biết yêu văn chương chính là nhờ những quyển sách này. Thử tưởng tượng những ngày thu mơn man nắng ấm, tôi trèo lên cây để nằm đọc sách. Trưa yên tĩnh lạ thường. Có ai nghe được tiếng gà gáy giữa trưa mới cảm nhận được sự yên ả của một vùng quê đất Quảng. Đến bây giờ, tôi vẫn còn thấy:

Những mái ngói phơi trong nắng mai

Chim chóc bay về làm tổ

Hót ríu ran vườn cây nhà ông ngoại

Ngày giỗ chạp mẹ tôi về lại

Thắp nén nhang thơm ngát tuổi thơ tôi.

Trong tuổi thơ, chỉ một lần tôi được nhìn thấy ba tôi cười như trẻ thơ. Đó là lúc ông nhận được thư của họ hàng từ miền Bắc gửi vào. Lá thư ấy được ông khoe khắp xóm. Rồi cải tạo công thương nghiệp - những sóng gió đi ngang trên mái nhà, xáo tung tất cả. Gương mặt ba tôi rắn lại như một thanh sắt nguội. Trước ngày tôi lên đường đi bộ đội, ông trầm tĩnh: “Rồi người ta cũng sẽ hiểu mình”. Tôi nghiệm thấy điều này đúng.

Sau này, lao vào trường văn trận bút với biết bao hăm hở đầu đời, tôi đã vấp ngã tưởng chừng không đứng lên được. Bởi lẽ tôi quan niệm viết văn, làm thơ không phải để nổi danh. Danh vốn bọt bèo và nhiều đố kỵ. Mà để làm vui lòng ba mẹ tôi. Từ năm 1989, tôi bắt đầu in những tập thơ: Trong cõi chiêm bao, Ngày mai còn lại một mình tôi, Tôi vẽ mặt tôi, Nếu không còn cổ tích, Thơ tình rồi in tiểu thuyết Sân trường kỷ niệm, Hoa cúc không phải màu vàng, Về nơi nào để nhớ, Thời của mỗi người, Xin lỗi ông là ai? Và trước đó, từ năm 1985, tôi đã đoạt giải nhất thơ nhân kỷ niệm 10 năm thành lập lực lượng Thanh niên xung phong, giải thưởng thơ của Hội nhà văn TPHCM… Chỉ tiếc ba tôi không thấy được sách của tôi đã in, mẹ tôi không đọc được những gì tôi đã viết hoặc người ta viết về tôi vì bà mù chữ.

Rồi tôi vấp ngã với tiểu thuyết “Xin lỗi ông là ai?”. Qua năm sau, tập thơ Tôi vẽ mặt tôi vừa phát hành đã bị phê phán trên báo chí từ Nam chí Bắc. Tôi ngã lòng. Nếu thi sĩ Phùng Quán tự nhủ: “Lúc ngã lòng tôi vịn câu thơ mà đứng dậy” http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tap-tho/672-toi-ve-mat-toi.html. Vịn vào thơ tức là vịn vào cõi tâm linh của chính mình. Tôi không có đủ bản lĩnh ấy, tôi chỉ biết vịn vào câu nói của ba tôi: “Rồi người ta cũng sẽ hiểu mình”. Tôi đứng dậy với một loạt tiểu thuyết lịch sử: Nguyễn Thái Học, Tướng quân Hoàng Hoa Thám, Nguyễn An Ninh - dấu ấn để lại do NXB Văn học ấn hành và liên tiếp được tái bản với iết bao lời khen thưởng. Không dừng lại đó, tôi tiếp tục thực hiện Tủ sách danh nhân Việt Nam dưới hình thức truyện tranh, và bây giờ tôi đang tiếp tục viết bộ sách nhiều tập Kể chuyện danh nhân Việt Nam (NXB Trẻ). Nhiều bạn văn nhụt chí sau những lần bị phê phán đã hỏi làm sao có thể viết tiếp được như thế? Tôi nhắc lại lời răn dạy của ba tôi. Câu nói ấy, tôi gìn giữ làm hành trang đi trên đường dài của đời mình và lấy đó làm phép ứng xử khi va chạm với hỷ, nộ, ái, ố… trên trần gian muôn mặt này.

LÊ MINH QUỐC


(nguồn: báo Thể thao & văn hóa ngày 13.4.1999)

 

VỀ QUÊ ĂN TẾT

Tôi đi giang hồ từ năm mười sáu
Còn quay đầu nhìn lại Ngũ Hành Sơn

Trong những ngày cuối năm, gió rét tràn về, lá vàng bắt đầu lãng du trên mặt phố Sài Gòn thì tôi lại nhớ đến câu thơ đã viết. Nhớ, vì đó là lúc tôi chuẩn vị quay về quê nhà Đà Nẵng. Ngày Tết, ai cũng có một quê nhà để về, không về được thì bức rức không nguôi. “Về quê ăn Tết” chỉ bốn từ bình dị như sắn, như khoai nhưng gợi trong tâm tưởng của bao người một âm vang da diết. Đôi lúc tôi lẩn thẩn tự hỏi, sao cứ phải là ăn Tết? Chẳng lẽ trong 365 ngày của một năm có lúc nào ta không ăn? Nghĩ như  thế quả là... ngốc. Tôi đã trách tôi như thế. Ăn trong ngày Tết, không chỉ đơn thuần là bửa ăn của những người đang sống trên dương thế. Mà còn là dịp cùng ăn với người quá cố, với Tiền nhân khuất bóng.

Ý nghĩa thiêng liêng của ăn Tết là chỗ đó.

Nhà văn hóa Phạm Quỳnh hoàn toàn chinh phục được cái suy nghĩ lẩn thẩn của tôi khi ông viết: “Tết không chỉ là ngày lễ của người sống; nó còn là, chủ yếu là ngày lễ của những người chết. Chính trong ba ngày Tết những người đã chết thực sự tham gia vào cuộc sống của gia đình và con cháu mình. Ngày hôm trước đó, bằng một lễ nhỏ người ta thỉnh rước tất cả họ về cùng dự Tết với gia đình. Rồi mỗi ngày hai lần người ta mời họ dùng hai bữa cơm chính, chưa kể các cuộc dâng trà, hoa quả, bánh trái. Cuối ngày thứ ba hay thứ tư, là lễ lớn tiễn đưa, và các linh hồn được coi như trở về thế giới bên kia, mang theo những lời chúc tụng và những lời tâm sự của người thân mà họ vừa chia sẻ cuộc sống trong mấy ngày và bây giờ họ để lại thế giới bên này, nhưng vẫn luôn theo dõi, ban phúc, bảo bọc”.

Ăn tết còn là dịp để bày tỏ lòng biết ơn. Thật lạ, ông bà ta luôn dạy con cháu phải biết ơn những gì, những ai đã giúp mình dù ít, dù nhiều trong quá khứ. Hãy nghe: “Giã ơn cái cối, cái chày/ Nửa khuya giã gạo có mày có tao”. Cứ nghe như  một lời thủ thỉ tâm sự. Cái chày, cái cối kia không còn là vật vô tri vô giác mà nó đã là người bạn của những lúc “tối lửa tắt đèn” có nhau. Xã hội Việt Nam thuở xưa sống bằng nghề nông, thường ngày “Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” thì ngày Tết “con trâu là đầu cơ nghiệp” cũng... ăn Tết. Chiều ba mươi Tết chuồng trâu, bò được dọn sạch sẽ và chúng được nghỉ xả hơi. Qua ngày mồng bốn, chúng được đưa ra đồng với cái lễ vui vẻ có cả bánh tét, bánh chưng hẳn hòi. Sau khi khấn vái, người ta dán giấy vàng mã lên sừng trâu bò, còn con nghé thì được dán giữa trán - như lời cầu chúc cho chúng luôn khỏe mạnh, không ốm đau. Cúng xong, bánh trái ấy được phân phát cho trẻ mục đồng. Ấy cũng là một cách bày tỏ lòng biết ơn với gia súc đã quanh năm gắn bó với mình “trên đồng cạn dưới đồng sâu”.

Thuở sinh thời nhà văn Sơn Nam có kể cho tôi biết về một “truyền thống” tốt đẹp trong làng báo Sài Gòn vào dịp Tết. Rằng, ấn phẩm báo Xuân, báo Tết thời trước ra đời ở trong Nam chính là từ tấm lòng “chịu chơi” của các vị chủ báo. Vào dịp cuối năm, sau khi quyết toán xong sổ sách trong một năm, chủ báo cho thực hiện ấn phẩm đặc biệt này và giao cho ký giả, công nhân in, tạp dịch trong tòa soạn được quyền in ấn, phát hành rồi chia nhau hưởng lợi. Nói nôm na ấy là cách thưởng “lương tháng 13” của chủ báo dành cho những người cộng sự đắc lực của mình trong suốt một năm cộng tác gắn bó. Từ đó, báo xuân được duy trì mãi cho đến nay.

Ít ai ngờ rằng,  ngay cả giếng trong nhà cũng... ăn Tết.

Tuổi thơ của tôi có những vạt mây trắng. Mây bay trên trời xanh lồng lộng bây giờ đã chìm khuất đâu đó trong trí nhớ, nhưng vạt mây từng soi bóng dưới giếng chắc vẫn còn. Giếng nhà ông ngoại. Cái giếng cũ kỹ ấy là một thời kỷ niệm khó quên. Nước trong vắt. Mỗi chiều, bà con láng giềng thường đến múc nước. Tình làng nghĩa xóm thân mật và gần gũi lắm. Trong tôi vẫn còn nghe vọng lên âm thanh của những chiếc gầu va vào thành giếng. Âm thanh của tuổi thơ nhiều mộng mị xa vời.

Lớn lên, có lần đọc một khúc dân ca của người Kampuchia, tôi nghĩ, đã có những cuộc tình bên cạnh giếng. Tại sao? Vì biết đâu trong đám trai làng ngày ấy, chắc rằng đã có lúc, có người tần ngần nhìn xuống giếng sâu và thì thầm trong tâm tưởng:

Anh đi ra giếng một mình

Chiếc bóng dưới nước long lanh đâu rồi?

Chỉ nhìn thấy bóng em thôi

Lúc em tắm để quên nơi giếng này

Tôi tạm dịch như thế. Và thích tứ thơ này. Khi người con trai thất tình, không thấy bóng mình chỉ thấy hình bóng người yêu năm xưa. Diụ vợi đến ngậm ngùi đau đớn. Ấy là do tôi tưởng tượng, chứ cái giếng ngay trước nhà, làm gì có ai dám đứng tắm.

Lớn lên, đi xa nhưng mỗi lần nhớ về tuổi nhỏ, trong tôi vẫn luôn hiện lên hình ảnh cái giếng đó. Nếu biết nói, chắc nó sẽ kể cho tôi nghe nhiều thăng trầm năm tháng đã đi qua. Nó sẽ kể rằng, một ngày nọ, đã xa lắc xa lơ, khi trong nhà không còn một hạt gạo bỗng nhiên sáng mồng một Tết có người đến thật sớm. Đến “đạp đất” mừng tuổi ông bà ngoại tôi chăng? Không, họ đến để mượn chiếc đòn gánh. Mượn trong ngày đầu năm là điều tối kỵ. Mà lại mượn cái đòn gánh đã mòn trên vai mẹ tôi từng ngày kiếm sống. Lạ quá đi chứ? Nào ngờ đó là một phép lạ. Vì ra giêng ngày rộng tháng dài, bỗng gia đình ông bà ngoại tôi làm ăn phát đạt. Các cậu, dì mua may bán đắc đến diệu kỳ. Những tiệm vàng mang chữ “Vĩnh” như Vĩnh Châu, Vĩnh Phát, Vĩnh Thuận... lần lượt được khai trương - một thời lừng lẫy ở chợ Cồn.

Chuyện này, mẹ tôi đã kể tôi nghe trong một ngày đứng bên thành giếng nhà ông ngoại.

Khi tôi đi bộ đội về, việc làm đầu tiên của tôi là lên lại nhà ông ngoại đề tìm lại ngày tháng tuổi thơ. Kỷ niệm tốt tươi nhất trong đời tôi vẫn là ngày mồng một Tết, anh em tôi mặc quần áo mới chúc ông bà sống lâu muôn tuổi, để rồi được dì, cậu, ba mẹ “lì xì” những đồng tiền mới đựng trong phong bì đỏ chói. Nhưng rồi, tôi bàng hoàng nhận ra cái giếng ngày cũ đã không còn. Ngày tháng cũ đã mất. Chính vì thế, trong tập thơ “Yêu em, Đà Nẵng” có một đoạn tôi viết:

Em đi qua vườn bàn chân bước vội

Nén nhang thơm trên bàn thờ ông ngoại

Thơm hoài nỗi buồn về khuya...

Quay về tuổi thơ không còn ai

Chỉ gặp trên mái ngói tiếng chim  lăn dài

  Vì nhiều lý do, các dì, cậu đã bán một phần căn nhà cũ của ông bà ngoại và người mua đã lấp cái giếng ấy, lấy thêm đất dựng nhà. Kỷ niệm cũ của tôi đã chìm sâu dưới đất. Đã chìm sâu cả trò chơi của tuổi thơ:

Nào oẳn tù tì! Cái gì? Cái kéo

Cũng kéo co nhau ngày Tết đến rồi

Nồi bánh chưng cười con chim le lưỡi

Chơi trò chơi nhỏ em gọi Tết ơi!

Bây giờ cũng gọi Tết ơi! Nhưng lại thấy xa xăm quá đỗi...

Nay, tôi đã bước vào lứa tuổi biết “sợ Tết”. Bởi sợ thời gian đi qua nhanh quá đỗi. Dù vậy, giếng nước nhà ông ngoại vẫn còn trong văn vắt trong tâm tưởng của tôi. Tôi lại nhớ đến Tết giếng, chiều ba mươi tết bà ngoại tôi dán tờ vàng mã màu son rực rỡ trên thành giếng, trên đặt mâm quà Tết rồi khấn vái bà Thủy Long. Xong lễ, bà thả gầu xuống múc một gầu nước trong vắt để cúng đầu năm.

Làm sao có thể quên được câu thành ngữ: “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Nhìn rộng ra, ta thấy, bao đời nay người ta dành ngày thiêng liêng nhất cho bên nội (cha), bên ngoại (mẹ) và thầy dạy nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và “tôn sư trọng đạo”. Năm nay, tôi sẽ khai bút đầu Xuân như thế nào? Chưa rõ. Nhưng chắc chắn tôi tâm trí của tôi sẽ nhớ đến mấy câu thơ còn ghi trong gia phả:

Cây có gốc mới sinh ra ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu
Người ta nguồn gốc từ đâu?
Có Tổ tiên trước rồi sau có mình
L.M.Q
(Tết năm Kỷ Sửu)

CÒN CHA GÓT ĐỎ NHƯ SON

Cha mẹ như núi Thái Sơn
Như nước trong nguồn nuôi con khôn lớn
Con lớn lên làm báo đời ngã ngớn
Làm kẻ tình si đi đứng giữa cõi đời

Đi đứng nghênh ngang huênh hoang tiếng cười
Con chạy rượt theo cuộc tình bạc bẽo
Ở quê  nhà cha già như trái héo
Cơn ho khan đục khoét hết đêm dài

Con vô tâm đi hết một đời trai
Trải vui buồn quay cuồng theo âm nhạc
Người tình phụ ném giọng cười khinh bạc
Con lại hào hoa đón nhận hết về mình

Lúc ấy cha nằm lắng đợi bước chân
Từng bước con về như thuở nào chập chững
Như lắng đợi từng phút giây linh ứng
Lìa khỏi trần gian nhắm mắt với xuôi tay

Con dửng dưng rượt đuổi cuộc tình dài
Nhan sắc đàn bà là đà qua trí nhớ
Quên bóng cha già kiệt dần từng hơi thở
Gọi con về gần trước lúc đi xa

Vĩnh biệt từ nay không còn gặp được cha
Con trở về nhà. Và lần đầu con khóc
Lần cuối cùng con rùng mình khi đọc
Câu ca thuở nào mẹ hát ru con:
Còn cha gót đỏ như son.

15.03.1991


MÙA XUÂN VỀ NHÀ CŨ


Trở về dưới mái nhà xưa
Chưa kịp chợp mắt cũng vừa chiêm bao
Tôi hiền như khói thuốc lào
Tan trong nhà cũ tôi chào tôi đây

Chào tôi nguyên vẹn chân tay
Mắt môi miệng mũi mặt mày còn tươi
Quay lui vui tuổi lên mười
Bỗng tôi xa lạ mấy mươi tuổi mình

Đèn soi trên vách lặng thinh
Giữa khuya sao ánh bình minh chói ngời
Tôi nhìn tôi khép nép ngồi
Trên thềm rêu mọc học bài dưới trăng

Ai lướt thướt bước trước sân
Không ai. Chỉ có bàn chân dế mèn
Vào phòng chào bức tường quen
Bàn tay tôi vịn nám đen đến giờ

Cúi đầu chào những giấc mơ
ôi về nhà cũ không ngờ gặp tôi
Gặp lại thơ ấu mừng vui
Cớ sao giọt lệ ngọt bùi ứa ra?


THƠ CỦA MẸ

Mẹ đã đi chợ về
Hồng tươi con cá quẫy
Như câu thơ ngũ ngôn
Nhịp nhàng và mềm mại
Kìa bài thơ thất ngôn
Là chùm đào trĩu trái
Tôi cầm đưa môi hôn
Nhớ quê nhà xa ngái
Kìa thơ tình cỏ dại
Là những bó rau xanh
Nằm trên bàn tay mẹ
Lem luốc bụi thị thành
Kìa vần thơ lục bát
Là những ký gạo ngon
Hạt ngọc từ xứ Quảng
Phiêu lạc đến Sài Gòn
Kìa bài thơ tứ tuyệt
Là nước mắm đậm đà
Từng giọt thơm điếc mũi
Sực nhớ lắm quê nhà
Mỗi ngày mẹ đi chợ
Đem về vô số thơ
Qua bài tay nội trợ
Cưu mang con từng giờ
Từng ngày trôi mải miết
Sống trọn vẹn với thơ
Nhưng thơ con  bất lực
Dù nuôi mẹ trong mơ
Trăm năm như chớp mắt
Mẹ đã đi chợ về

TẾT CỦA TUỔI THƠ

Tuổi thơ tôi đầy nắng
Mẹ dẫn đi chợ xa
Không qua sông lau trắng
Nhưng âm vang tiếng gà
Người đi như trẩy hội
Í ới gọi tên nhau
Cá tôm giẫy đành đạch
Bộn bề hoa với rau
Tôi lon ton theo sau
Mẹ tôi nhanh chân bước
Có mấy o tiểu thư
Mời mẹ mua gương lược
Không ven sông cỏ ướt
Sao lại gọi Chợ Cồn ?
Mời bà con mua “gộ” (*)
Tiếng rao nghe rất ngon
Nước mắm Nam Ô thơm
Khiến tôi thèm điếc mủi
Có ông ăn xin mù
Luộm thuộm cầm sáo thổi
Chạy theo mẹ chân mõi
Tôi đòi đến hàng chè
Đậu đen hay đậu ván ?
Ngọt lịm “ngậm mà nghe”
Phong bì Tết đỏ hoe
Bánh thuốc rê Cẩm Lệ
Hoa vạn thọ tròn xoe
Sao lại nhiều đến thế ?
Sợ trưa về nhà trễ
Mẹ nắm lấy tay tôi
Ngồi xích lô về ngoại
Nắng vàng lững thững rơi...
Tuổi thơ đã xa xôi
Bây giờ đi chợ Tết
Tôi lại dẫn mẹ tôi
Mua hàng trong “cốp-mắc” (**)

 

(*) gộ : gạo- phát âm theo kiểu của người dân Quảng Nam
(**) cốp-mắc : CO-OP mark


MẸ


Níu giữ anh ở lại với cuộc vui chỉ có thơ ?
Thơ viết viết hoa thì may ra
Chứ thơ viết thường cũng chẳng là gì cả
Nhưng anh là thi sĩ ?
Thi sĩ là ai quái quỷ ở cõi đời
Huống gì anh là kẻ lạc loài

Em ạ,
Níu giữ anh chỉ có thể bằng tiếng hát
Giai điệu dịu êm kỷ niệm thuở trai tơ
Anh lắng nghe với bao tà áo xanh đây mùa thu
Anh thổn thức lòng ta dăm con hạc gầy vút bay
Xòe ra mười ngón tay
Anh vuốt mặt và nghiêng chai xuống rót
Giọt rượu giọt bia giọt ái tình giọt đớn đau phiền muộn
Nốc cạn niềm vui lẫn lộn nỗi buồn
Anh ngồi lại mơ hồ tay vuốt mặt
Rưng rưng chiếc ghế cái mặt bàn ngổn ngang ly chén
Anh ngồi yên nghe từng nhịp đồng hồ
Trên đỉnh trời ngôi sao mọc như thơ
Chẳng là cái quái quỷ gì chỉ còn âm nhạc
Nhưng anh phải về
Chẳng có gì níu kéo anh rời khỏi cơn mê
Ngoài một điều duy nhất
Mẹ
Vâng, mẹ tựa cửa mẹ hiền lành mẹ nhẫn nại như đất
Chờ anh về từ lúc chiều đã khuất...

 

MẸ TÔI

Có những điều dễ nhớ lại mau quên
Đã cưu mang tôi sung túc ấm êm

Từng sống một thời trong nhung lụa
Có bao giờ biết mơ về về hạt lúa?

Hạt lúa to bằng cả bầu trời
Lại bé tẹo như chân lý mà thôi

Tôi đã lãng quên khi đầy đủ nhất
Hạt lúa giấu mình bình thường như sự thật

Tôi đã nhớ nhung lúc đói rã rời
Hạt lúa hiện về như một con người

Mỗi lúc cầm trên tay hạt lúa
Là tôi nghĩ đến mẹ tôi góa bụa


VẪN CÒN CÓ MẸ

(Tặng anh Bùi Nguyễn Kha, Khiêm và Tú)

Không gì bất hạnh hơn khi ta cài trên ngực đóa hồng
để suốt đời nhớ mẹ
dù thế nào ta cũng là đứa trẻ
một đứa trẻ cô đơn
suốt đời cô đơn
khi đã xa vòng tay của mẹ
lời kinh Phật là lời chia sẻ
nén nhang thơm đến tận cõi niết bàn
hương huệ thơm mênh mang
khiến ta buồn muốn khóc
mẹ tảo tần suốt một đời cực nhọc
để nuôi ta hoàn thiện trở thành người
trên đường đi, ta đã gặp hoa tươi
gặp tiếng cười, gặp niềm vui hạnh phúc
là lúc ấy mỗi ngày mẹ bạc tóc
âu lo nhìn theo mỗi bước ta đi
ta lớn lên xa vòng tay của mẹ nhu mì
ta xa những ngày mẹ một mình tựa cửa
ta đâu biết trong từng hơi mẹ thở
vẫn trái tim độ lượng gọi ta về
vẫn ân cần giọng nói
gọi tên ta ngay cả lúc ngủ mê
vẫn từng đêm chờ đợi
đợi ta về...
lúc ta quay về, mẹ đã đi xa
mẹ về hư không, mẹ về mây trắng
ta đã khóc bởi trong lòng trĩu nặng
muốn gọi mẹ ơi nhưng gọi đến bao giờ?
mẹ vẫn về trong mỗi lúc ta mơ
chở che cho ta trong đời thường mệt nhọc
đêm nay uống từng lời kinh Phật
ta ngước lên trời thấy từng giọt mưa rơi
giọt mưa rơi trên môi
mặn như nước mắt
ta đã nhủ lòng ta đừng khóc
sao vẫn còn đau nhói phía trái tim?

xin mẹ ngủ bình yên
trong cuộc đời ta vẫn còn có mẹ

 

MẸ

Khi con chim chích chòe hót vang ngọn cau
mẹ thức dậy ngồi bên bếp lửa
mùa đông xô vào cánh cửa
gió lạnh lẽo xẻo buốt xương
những cơn ho đục khoét hết đêm trường
mẹ trơ trọi biết lấy gì chống chọi?
giông bão đi qua
hằn vết nhăn trên trán mẹ già
con thơ dại trèo lên cây bưởi hái hoa
đỏng đảnh bước xuống vườn cà
đâu thấy bóng mẹ run lẩy bẩy
như một tàu chuối khô
cha con đã mỏi mệt bước giang hồ
trang sách đặt trên tay nghĩ ngợi
điếu thuốc lào lập lòe đêm tối
cát bụi cũng quạnh hiu
những đêm mưa ủ dột tiếng chim kêu
mẹ ru hời khắc khoải
mười tám tuổi con xa nhà đi bộ đội
đêm ngủ còn nghe mẹ gọi trong mơ
tiếng súng gầm lên trên trời Danrek
khúc dân ca rách nát
đồng đội con có người đã chết
còn há mồm để được gọi mẹ ơi!
đêm đêm con thắp ngọn sao trời
hỏi gà gáy ven sông
mẹ dậy lúc nào khi trời chưa kịp sáng
bếp lửa nhen lúc nào mà bây giờ còn ấm?
con hỏi chõng tre
từ lúc nào mẹ cựa mình thức trắng?
tưởng tượng một ngày kia
trăng treo trên vòm trời Đà Nẵng rất khuya
mẹ khỏe mạnh giã gạo
hương cau thơm rụng đầy sân nhà ông ngoại
thuở ấy mẹ mới về với cha
mới nghĩ vậy thôi con sung sướng khóc òa
một niềm vui vĩnh cửu...
 

GIẤC NGỦ CỦA MẸ

Có bao giờ mẹ ta ngủ hồn nhiên
Thanh thản nằm trên chõng tre sau bếp
Gió thổi nhức xương cuối mùa mưa rét
Mẹ cựa mình thao thức với chiêm bao

Mẹ ta nhớ nhiều cổ tích với ca dao
Dù chữ cắn đôi mẹ không biết đọc
Ta chưa thấy mẹ cười, chưa nghe mẹ khóc
Gương mắt dăm chiêu ngay lúc ngã lưng nằm

Ta lớn lên như cá lội biệt tăm
Xuôi ngược giữa dòng đời cay nghiệt
Có bao giờ mẹ được nằm trên bài thơ ta viết
Với những hương hoa phù phiếm ở trên đời

Ta cầm hương hoa đem vung vãi khắp nơi
Cho mối tình đầu, tình sâu, tình cuối
Thì lúc ấy mẹ ngồi trong bóng tối
Tựa cửa một mình chồng chọi với mùa đông

Ta lớn lên thắp triệu ngọn lửa hồng
Sưởi ấm trái tim bao tình-nhân-hóa-đá
Thì lúc ấy mẹ còng lưng quét lá
Khi đốt cháy lên không đủ ấm bàn tay

Đêm mẹ nằm co - ta nhớ cái cò gầy
Lặn lội bời sông, đầu ghềnh, cuối bãi
Đêm mẹ nằm nghiêng- ta nhớ dòng suối chảy
Lặng lẽ trôi qua giữa nóa động ồn ào

Bất chợt ta nhìn hai hố mắt mẹ sâu
Đã thấy sự lo toan, buồn phiền, mệt mỏi
Mẹ chỉ âm thầm và suốt đời lặng lẽ
Gương mắt đăm chiêu ngay lúc ngả lưng nằm

XUÂN AN MAY

DSCN0585b

(An May - Con gái út của em trai út)

Tuấn út nhà mình quả thật ngon,
Một chồng một vợ lại hai con.
Lương Thiện giữa trời như rừng thẳm,
Tâm Thảo trong nhà tựa núi non.
Trăm năm thân thế phù du mất,
Nghìn thuở gia phong vĩnh viễn còn.
Ân huệ trời cho An May đến,
Châu ngọc reo vang tiếng cười giòn.

LÊ MINH QUỐC



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com