Ngày ba tôi ra tù
Ba tôi thụ án ở Côn Đảo hai năm, nhà tù cũng là trường học. Án tù đã chịu lãnh thời gian dài, ông được nới lỏng cho ra ngoài và được giao việc ở tạm y tế nhà lao. Ba tôi có nghề y nên có phần ưu ái. Ở tù với cơm hẩm gạo thiu, tù nhân bị bệnh trĩ rất nhiều. Ông tự tìm tòi học hỏi, xin được thuốc về để chữa bệnh trĩ cho bạn tù và đã làm nên kỳ tích.
Phương pháp của ba tôi, ông gọi là thắt múi trĩ. Ông bôi một loại thuốc gì đó, tôi quên mất tên, khi bôi thuốc này vào, hậu môn sẽ mở rộng ra, những búi trĩ bị lôi nằm ra bên ngoài, rồi chích thuốc tê trực tiếp vào đó. Ba tôi lại lấy chỉ nilon nhà binh cột chặt nó từ gốc, làm cho búi trĩ vỡ ra bằng cái pan y tế. Sau đó, bôi nitrat bạc vào, nitrat bạc sẽ ăn mòn dần búi trĩ này; rồi lại bôi một loại thuốc nữa cho hậu môn co trở lại vị trí ban đầu. Mỗi ngày ông cho bôi nitrat bạc một lần, tùy theo búi trĩ nhỏ lớn, thời gian cũng khoảng độ nửa tháng là lành hẵn.
Năm 1970, ba tôi ra tù và ông trở thành người chữa bệnh trĩ nổi tiếng ở Đà Nẵng dạo ấy. Tiếng lành đồn xa. Nhiều cas bệnh nặng phải nằm lại ăn ngủ nhà tôi hằng tuần.
"Sau Tổng tiến công Mậu Thân, Quân Giải phóng bị đẩy ra xa và suy yếu trầm trọng Các đơn vị quân sự chịu thương vong lớn, các lực lượng chính trị bị bộc lộ và bị triệt phá gần hết, thương vong cao hơn hẳn những năm trước. Thậm chí đã có ý kiến trong giới lãnh đạo Quân Giải phóng là cho giải tán các sư đoàn, trung đoàn chính quy quay trở về lối đánh du kích. Họ không còn khả năng đánh lớn tại miền Nam và phải rút lui về các chiến khu tại vùng nông thôn, miền núi hoặc đi ẩn náu tại bên kia biên giới Lào và Campuchia, phải 3- 4 năm sau lực lượng của họ mới hồi phục lại được. Trong các năm sau Mậu Thân, từ 1969 đến 1971, là thời gian Quân lực Việt Nam Cộng hòa chủ động tiến công lùng đánh Quân Giải phóng, triệt phá phong trào chính trị của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ở nông thôn và thành thị. Đó là cơ sở để giới quân sự Mỹ và Việt Nam Cộng hòa cho rằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã thất bại"(Wikipedia.org/chiến tranh Việt Nam).
Có thật như Wikipedia nhận định như trên không, chúng ta thử đọc một bài báo nói về giai đoạn này.
"Phát huy thắng lợi trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao trong hai năm 1970 - 1971, quân giải phóng đã quyết định mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam trong năm 1972.
- Ngày 30/3/1972, quân giải phóng tấn công vào Quảng Trị, Từ đó mở rộng tiến công ra khắp chiến trường miền Nam và kéo dài trong năm 1972.
- Trong năm 1972, Quân giải phóng đã tấn công địch trên quy mô lớn với cường độ mạnh và ở hầu hết các địa bàn chiến lược quan trọng của Việt Nam Cộng Hoà ; chọc thủng 3 tuyến phòng thủ mạnh nhất của địch ở Quảng Trị, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
- Trong 3 tháng đầu, quân giải phóng đã loại khỏi vòng chiến hơn 20 vạn quân Việt Nam Cộng Hoà , giải phóng một vùng lãnh thổ rộng lớn với hơn 1 triệu dân.
- Sau đòn tấn công bất ngờ của quân giải phóng , quân Việt Nam Cộng Hoà được sự yểm trợ của không quân và hải quân Mỹ đã phản công mạnh, gây cho quân giãi phóng nhiều thiệt hại. Đồng thời, Mỹ cũng tiến hành ném bom và bắn phá miền Bắc trở lại.
- Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 cho thấy, quân Việt Nam Cộng Hoà với quân số hơn 1 triệu được trang bị hiện đại vẫn không đủ khả năng để “tự đứng vững” và “tự gánh vác lấy chiến tranh” khi quân viễn chinh Mỹ rút lui. Trước tình thế đó, Mỹ đã tuyên bố “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến tranh – tức là thừa nhận sự thất bại của Việt Nam hóa chiến tranh" (Theo: tuoitrebentre.com).
Khi ba tôi trở về từ Côn Đảo, mẹ tôi làm lại nhà. Mẹ tôi quyết định làm nhà lầu là để cho bà con thiên hạ biết về sự giỏi giang của bà, dù cho chồng ở tù nhưng một thân một mình bà vẫn ăn nên làm ra, nay có tiền xây nhà lầu, và thêm một ý nữa là để cho địch không dòm ngó vào gia đình tôi nữa. Mẹ tôi bắt chúng phải suy nghĩ là cha tôi đã bỏ ý định tham gia giúp đỡ quân giải phóng, bởi ông đã chí thú làm ăn và xây nhà lầu, hưởng hạnh phúc bên vợ con. Chí thú làm ăn!
Các em tôi thời gian ba tôi bị tù Côn Đảo
Căn nhà ngói hai gian bị đập bỏ phần trước, đúc lên ba tấm bê tông, cái đường luồng đi ra nhà sau cũng được đúc nốt. Vậy là căn nhà của chúng tôi trở thành một căn nhà lầu ba gian, ba tầng. Ai ai trong gia đình cũng nuối tiếc về căn nhà ngói cũ của gia đình tôi, nhất là cậu Thái, cậu nói: “Chị Năm quá phí phạm, cái nhà còn mới quá mà đập ra xây lại, căn nhà ngói mới xây được 10 năm”.
Căn nhà lầu đúc này mẹ tôi phải bỏ ra ba trăm năm mươi lạng vàng. Một số tiền quá lớn. Một chiếc xa Honda thời điểm đó chỉ trị giá ba lượng vàng.
Căn nhà lầu xây xong cha tôi ở chưa được bao lâu, năm 1971 một người của Mặt trận Dân tộc Giải phóng lại tìm đến, N.T.K thay cho ông sáu Hưng đến liên lạc với ba tôi để nối kết hoạt động lại. Dượng Sỏ tôi đã bị bắn chết ở Hòa Cường nên cậu Thái tôi được thế vào vị trí. Dòng máu muốn thống nhất vẫn chảy trong cha tôi.
Năm 1972, N.T.K bị bắt, vào tù bị đánh dã man quá không thể nào không khai ra ba tôi. Thời gian này tôi phải học để thi tú tài nên không biết chức vụ của N.T.K là gì? Tôi nay cố tìm tài liệu để hiễu thêm nhưng không biết nằm ở đâu. Lại một lần nữa ba tôi bị bắt giam.
Lần này chúng bắt giam ông tại Kho đạn đường Đào Duy Từ, cậu Thái cũng bị bắt vào đây, hai anh em gặp nhau trong tù. Cậu Thái là Việt cộng nguy hiểm, là cảnh sát viên của Việt Nam Cộng hòa nhưng lại làm nội tuyến cho cộng sản, với nhiệm vụ vẽ bản đồ ty cảnh sát Gia Long gởi lên căn cứ! Thời gian này, các anh em trong phong trào đấu tranh SVHS như Nguyễn Công Khế, Nguyễn Thanh Tịnh (sau năm 1975 là Tổng và Phó tổng biên tập báo Thanh Niên)… cũng ở tù chung.
Ngày đó, N.T.K, ba tôi và cậu Thái cùng nhiều người nữa bị đưa ra Tòa án quân sự lưu động. Tòa án này được thành lập tại Sài Gòn, thời gian xét xử diễn ra trong ngày, không thể nào nói chuyện chạy chọt ở đây cả, ba tôi lại bị kêu án 1 năm tù giam, cũng với tội danh phá rối an ninh trật tự. Ngày ra tòa, tôi có nhận ra N.T.K dù bị đánh ghê lắm, cái mặt sưng to gấp rưỡi bình thường.
Tôi chỉ đứng ngoài nhìn xe tù chở ba tôi và mấy người nữa bị còng tay giải vào vành móng ngựa. Quân cảnh và cảnh sát đông dày, tôi không thể nào vào được bên trong nghe xử án. Tòa xử tập thể chóng vánh, sau đó tất cả bị còng tay và đưa lên xe bịt bùng về trại giam. Ba tôi nước da có vẻ như tái đi, màu trắng bủng và ốm hơn khi ở nhà, cậu Thái hồng hào hơn. Cậu Thái chưa có vợ và rất lạc quan, vào tù rồi còn lo gì nữa? Cứ ăn ngủ thoải mái. Cậu không lo cho bản thân và ngoài ra cậu chẳng còn lo cho ai nữa. Ông bà ngoại tôi đã quá vãng hết rồi.
Sau năm 1975, N.T.K có đến nhà xin lỗi vì bị đánh đập quá sức dã man, và cảnh sát có hình ảnh chụp trộm Kháng đi cùng ba tôi nên không thể quanh co chối tội được. Và cậu Thái khi ra tù đã xác nhận, chính cậu, khi ngồi nói chuyện ngoài hàng hiên ở nhà ông ngoại tôi với K. khoảng 5 giờ chiều, có thoáng thấy một bóng người đi vào lối nhà bà năm Lý, phía hông nhà chụp hình vào. Cậu không thấy đèn flash chớp, nhưng khi bị cảnh sát trưng bằng cớ cậu thấy hình mình và N.T.K rất rõ. Rồi thời gian ngắn sau cho đến bây giờ, tôi không còn gặp lại N.T.K nữa.
Ba mẹ tôi - ảnh chụp sau ngày ba tôi ra tù
Năm 1973, tôi vào Sài gòn ghi danh học Đại học Luật khoa, ba tôi vẫn còn trong tù. Tôi còn nhớ những năm tôi còn học trung học, tình hình chiến sự khắp miền Nam từ vỉ tuyến 17 tỉnh Quảng Trị trở vào đến tận Cà Mau rất khốc liệt, bọn nam sinh chúng tôi được tính tuổi đi quân dịch theo năm học. Đến 18 tuổi là phải đậu Tú tài 1 và năm sau phải đậu tú tài 2, và năm sau nữa phải vào đại học. Tòa thị chính thị xã Đà Nẵng sẽ cấp cho một tờ giấy gọi là “Giấy hoãn dịch vì lí do học vấn”. Nếu anh nào bị ở lại một năm là phải đi lính.
Tôi cùng những người đồng cảnh ngộ, bị khuyết tật một phần thân thể năm 1972 đúng tuổi đi quân dịch, cũng phải vào Trại Nhập ngũ để trình diện lấy “Giấy hoãn dịch vĩnh viễn” vì tàn tật hiển nhiên. Ở lại trong ấy một tháng, tôi lấy được giấy tờ sau khi ra hội đồng y khoa khám tuyển, rồi trở về đi học lại. Năm 1972 là năm khốc liệt nhất, bạn bè cùng trường cùng lớp đi lính rất nhiều.
Căn cứ theo học vị, anh nào có bằng trung học sẽ đi vào trường hạ sĩ quan Đống Đa - Nha Trang; nếu không thì vào trường Đồng Đế, lăn lê bò toài ở quân trường 6 tháng, ra trường được gắn lon trung sĩ. Anh nào có bằng tú tài 1 được vào học trường sĩ quan Thủ Đức, thời gian huấn luyện 12 tháng, ra trường được gắn lon chuẩn uý. Anh nào có bằng tú tài 2 được vào học trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, trường này đào tạo sĩ quan chuyên nghiệp, thời gian học 4 năm, ra trường được gắn lon thiếu uý. Hơn một cái bằng được gắn hơn một cái lon! Bằng Võ bị Quốc gia Đà Lạt tương đương với bằng kỹ sư.
Hồi ấy con đường vào đại học rộng thênh thang. Có một số trường của chính phủ đào tạo nhân sự cho quốc gia, sau khi ra trường được bổ nhiệm sở trên toàn miền Nam, muốn vào học mấy trường này phải qua một cuộc thi tuyển. Có thể kể ra mấy trường như sau Đại học Y khoa, Đại học Dược khoa, Đại học sư phạm (Huế và Sài Gòn ), Đại học Phú Thọ Sài Gòn (cơ khí). Đại học Phú Thọ còn đào tạo hệ cao đẳng nữa, thời gian học 2 năm v.v… Còn Trường Đại học Quốc gia Hành chánh tại Sài Gòn, phải thi qua một cuộc thi gọi thi concourt, có nghĩa trường chỉ nhận mỗi năm một sỉ số nhất định, sinh viên được lấy vào có điểm cao, tính từ trên xuống, chứ không phải thi tuyển chọn anh nào đủ điểm là được vào. Thi kiểu này rất khó, dù sức học cao thi có điểm trên trung bình, nhưng khi trường xét duyệt từ trên xuống có thể điểm của mình lại chưa đạt. Khi ra trường được bổ nhiệm chức vụ tương đương phó, quận trưởng. Học ở mấy đại học này ra sẽ được chính phủ bổ nhiệm sở, trở thành công chức, làm ăn lương và được miển quân dịch, khỏi đi lính.
Học sinh trường sao Mai Đà Nẵng - tôi đứng góc trái (nguồn: internet)
Còn ngoài ra các trường đại học khác như Đại học Văn khoa, Đại học Luật khoa có thể đến ghi danh để học, khỏi thi tuyển. Trên là mấy trường đại học công lập. Ngoài ra còn một số trường đại học tư thục, sinh viên có thể đóng tiền vào để học như Đại học Vạn Hạnh, Minh Đức (Sài Gòn), Viện Đại học Đà Lạt... Năm 1974, mới mở Đại học Cộng Đồng tại Đà Nẵng. Tha hồ, muốn chọn trường nào thì chọn. Được vào học đại học là một niềm vinh dự cho bọn học sinh chúng tôi. Sỉ số sinh viên toàn miền Nam hồi ấy được thống kê chỉ có 200.000 sinh viên trên tổng số dân 23, 24 triệu dân miền Nam. Được vinh dự ghi tên vào sỉ số ít oi đó sao không hãnh diện cho được? Nhưng phải học hành siêng năng, mỗi năm một lớp, năm nào thi rớt là coi như tương lai cuộc đời được mấy trường sĩ quan quân đội đón nhận. A lê! Đi lính! Cho nên vì động cơ thoát khỏi đời lính nên sinh viên hồi ấy học hành rất chăm ngoan. Năm ấy tôi đậu tú tài 1 (1972). Tôi được ba mẹ thưởng cho chuyến đi Nha Trang chơi mùa hè năm đó, sướng ru.
Vào Sài gòn tôi liên lạc thường xuyên với gia đình bằng thư, biết rằng sau khi mãn hạn tù, hằng tháng ba tôi phải lên trình diện với chi cuộc cảnh sát và không được rời nơi cư trú.
"Hiệp Định Paris là hiệp định chấm dứt Chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam do 4 bên tham chiến: Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa ký kết tại Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973. Lê Đức Thọ và Henry Kissinger, hai nhân vật chủ yếu trong cuộc đàm phán, đã được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1973.Hiệp định Paris là hiệp định được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ soạn thảo để đảm bảo cho việc Hoa Kỳ ra khỏi chiến tranh. Đối với Hoa Kỳ đây là cách họ ra khỏi cuộc chiến mệt mỏi này một cách chính đáng. Đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng thì hiệp định này là bước thứ nhất trong hai bước để đi đến thắng lợi cuối cùng. Đối với Việt Nam Cộng hòa thì hiệp định này là một tai ương lớn đối với chính thể của họ và đặt sự tồn tại của Việt Nam Cộng hòa trước một nguy hiểm trong một tương lai gần.
Từ cuối năm 1973, quân giải phóng đã đánh trả các cuộc “bình định lấn chiếm” của Việt Nam Cộng hòa để bảo vệ vùng giải phóng. Nhiều nơi còn tổ chức tấn công vào những căn cứ xuất phát các cuộc hành quân của đối phương mở rộng vùng giải phóng, củng cố thế chủ động.
Cuối năm 1974 đầu 1975, quân giải phóng mở hoạt động quân sự Đông - Xuân đánh vào hai hướng chính là đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ; giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long và đường 14 cùng với 50.000 dân và loại khỏi vòng chiến hơn 3.000 lính Việt Nam Cộng hoà.
Từ cuối năm 1973 đến đầu năm 1975, quân giải phóng đã hợp nhất các sư đoàn chủ lực thành các quân đoàn lớn, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam:
Tháng 10/1973 lập quân đoàn 1 đóng ở Bắc Bộ.
Tháng 5/1974 lập quân đoàn 2 đóng ở Trị Thiên.
Tháng 7/1974 lập quân đoàn 4 đóng ở Đông Nam Bộ.
Tháng 3/1975 lập quân đoàn 3 đóng ở Tây Nguyên.
Đồng thời với các hoạt động quân sự, quân dân miền Nam còn đẩy mạnh tấn công Việt Nam Cộng hoà trên các mặt trận chính trị, ngoại giao... Ở các vùng giải phóng, nhân dân tích cực khôi phục và đẩy mạnh sản xuất nhằm ổn định đời sống và tăng nguồn dự trữ chiến lược" (www.forum. suctre.net).
Đến cuối ngày 28 tháng 4 tất cả các tuyến phòng thủ đã bị chọc thủng tại tất cả các hướng, quân Giải phóng có thể đi ngay vào thành phố. Các lực lượng chính trị thứ ba dàn xếp để đưa Đại tướng Dương Văn Minh lên làm tổng thống trong ngày 28 tháng 4 năm 1975. Ngay khi nhậm chức để tiến hành đàm phán Tổng thống Dương Văn Minh yêu cầu người Mỹ ra đi "(www.wikipedia.org/hiệp định Paris).
Gia đình chúng tôi cũng không thoát khỏi sự khó khăn chung, công việc làm ăn buôn bán của mẹ và mấy dì tôi sa sút thấy rõ vào trong khoảng thời gian này. Mỹ đã cắt viện trợ quân sự, chỉ viện trợ nhỏ giọt để chính quyền Việt Nam Cộng hòa thoi thóp. Người Mỹ đã lần lượt rút quân, số đô la khổng lồ chi tiêu ở miền Nam không còn dồi dào nữa. Miền Nam hồi ấy sống hoàn toàn dựa vào tiền viện trợ Mỹ. Công nghiệp, nông nghiệp chẳng thể bù đắp vào đâu cho nền kinh tế. Xuất cảng lại chẳng có gì. Cuộc sống thật là bế tắt.
Những ngày ăn học ở Sài Gòn, ba tôi thường viết thư vào tâm sự, khuyên nhủ tôi cố gắng học hành thành tài hầu có thể cáng đáng gia đình sau này. Ông đánh giá tình hình kinh tế suy thoái này khó có thể gượng dậy. Phần anh Lương thi rớt tú tài hai, hết tuổi hoãn dịch vì lý do học vấn đã phải vào trường sĩ quan Thủ Đức rồi.
Hằng tuần được xe GMC chở mấy anh lên sài Gòn chơi vào mỗi chủ nhật. Xe thả anh và các bạn tại ngả tư Hiền Vương - Trương Minh Giãng. Cả đoàn cuốc bộ về chỗ tôi thuê nhà trọ học. Chúng tôi hồi ấy thuê nhà tại khu cổng xe lửa số 6, đường Trương Minh Ký - Gia Định. Chúng tôi chẳng có gì chiêu đãi sang trọng, chỉ có những bữa cơm trưa đạm bạc, rau muốn chấm chao hay chấm nước mắm ớt tỏi. Tiền cha mẹ gởi vào hàng tháng đủ chi tiêu. Nhưng tất cả bọn sinh viên xa nhà chúng tôi không có kinh nghiệm chi tiêu nên tháng nào cũng hụt cả. Anh em được gặp nhau suốt thời gian anh Lương có phép về Sài Gòn.
Lần cuối cùng gặp nhau, chúng tôi buồn lắm, không biết cuộc đời lính chiến sẽ đưa đẩy anh về đâu? Chỗ tôi trọ học có một sạp báo, hằng ngày chúng tôi ra đó đọc báo cọp, thỉnh thoảng gởi cho cô bán báo ít tiền gọi là, hồi ấy báo bán lẻ không hết được trả lại cho nhà phát hành. Qua tin tức báo chí, tim tôi se thắt khi nghĩ đến ngày anh Lương tôi phải bị đưa ra mặt trận. Quân giải phóng muốn nuốt chững miền Nam bằng cả quân sự lẫn chính trị, trong lúc anh Lương tôi đang đứng về phái đối nghịch! Đang học được những đứa bạn đồng môn Sao Mai của tôi tử trận của những khóa Thủ Đức trước, cả bọn rất đau buồn, lại càng gắng học hơn. Nhưng chúng tôi đâu có biết rằng mình đang học về môn Luật của một quốc gia đã bị khai tử ngày 27 tháng 1 năm 1973. Ngày Hiệp định Paris được ký kết !
"Đối với Việt Nam Cộng hòa thì hiệp định này là một tai ương lớn đối với chính thể của họ và đặt sự tồn tại của Việt Nam Cộng hòa trước một nguy hiểm trong một tương lai gần" (đã dẫn).
"Do kết quả của Chiến dịch Phan Rang - Xuân Lộc và các trận tấn công của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tại đồng bằng sông Cửu Long, đến ngày 25 tháng 4 năm 1975 Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã mất hầu hết các vị trí then chốt trong tuyến phòng thủ từ xa quanh Sài Gòn. Thành phố lúc này trở thành một ốc đảo chỉ còn giao lưu với bên ngoài bằng đường không. Tuy nhiên, đến ngày 26 tháng 4, các hãng hàng không nước ngoài đã đổi hướng tất cả các chuyến bay quá cảnh Tân Sơn Nhất và hủy bỏ hầu hết các chuyến bay đến và đi từ Sài Gòn. Đại sứ quán các nước lần lượt đóng cửa, hạ cờ. Theo mô tả của nhà báo Pháp Paul Drayfrus, thành phố này đã gần như điên loạn và đang chứng kiến sự kết thúc của một chế độ .
Sau khi tiêu diệt cụm chốt cuối cùng của QLVNCH tại cầu Thị Nghè gồm 4 xe tăng và 6 lô cốt chỉ trong vòng 15 phút, tiểu đoàn xe tăng 1 (lữ đoàn 203) đã tiếp cận cổng Dinh Độc Lập qua ngả Thảo Cầm Viên. Xe tăng 843 lao vào húc cánh cổng phụ bên trái của dinh nhưng bị kẹt lại. Còn xe tăng 390 húc đổ cánh cổng chính và tiến vào sân Dinh Độc Lập. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận ra khỏi xe 843, lấy lá cờ trên xe của mình đem vào treo lên cột cờ trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút.
Sau này, khi trả lời phỏng vấn của một số nhà báo tại Sài Gòn về quyết định đầu hàng ngày 30 tháng 4 của mình, ông Dương Văn Minh cho rằng: Sài Gòn và xã hội miền Nam đã mục ruỗng, nhất là càng về cuối thì tình hình càng trở nên hỗn loạn, không sao kiểm soát được... Trước sức mạnh vũ bão của Quân giải phóng, Quân lực Việt Nam Cộng hòa không còn đủ sức chống cự, chỉ có quyết định đầu hàng không điều kiện là điều hợp thời duy nhất mà thôi" (đã dẫn).
Một đất nước bị thất trận, mọi bộ máy chính quyền tự nó vô hiệu. Tất cả mọi hoạt động xã hội ngưng. Trường đại học đóng cửa. Tôi tìm đường về Đà Nẵng bỏ lại Vĩnh - em kế khi ấy cúng đang học thi tú tài ở đây. May mà sau thời gian ngắn Vĩnh cũng về lại nhà, chứ có chuyện gì không hay xãy ra, tôi ân hận suốt đời. Trong thâm tâm cứ nghĩ là về nhà xin tiền vào lại dắt Vĩnh ra. Một mặt tôi bán chiếc xe Suzuki được 10 ngàn, thằng Long nùng nhận tiền giùm, nhưng không đưa lại cho Vĩnh. Sau này thằng Long nùng bị xe tông chấn thương sọ não và chết sau đó.
Tôi đi từ Sài Gòn về Đà Nẵng không có một đồng, chỉ một ít tiền lẻ ăn đường qua ngày, mọi phương tiện đều xin quá giang. Về đến Quảng Ngãi, vào nhà máy đèn tìm cậu Bảo để xin tiền xe về Đà Nẵng, nhà cậu không còn lấy một đồng, cậu làm nhà máy đèn chỉ nhận hằng tháng một bao gạo! Lính nghĩa quân địa phương Việt Nam Cộng hòa gác nhà đèn hồi trước cũng đã bỏ chạy hết rồi, mợ tôi còn bị mất một số tiền cơm tháng với họ! Mãi hơn một tuần sau, cậu mợ mới tìm ra cho tôi mấy trăm để đi xe đò về. Về đến nhà chưa kịp mừng đã bị ba tôi mắng té tát vì tôi đã bỏ Vĩnh lại Sài Gòn.
Văn chương chữ nghĩa chẳng hay
Trở về làng cũ học cày cho xong
Tôi ban ngày ra chợ Cồn để phụ với mẹ tôi, bấy giờ chúng tôi đang sống dưới chế độ quân quản của chính quyền mới. Công việc làm ăn của dân thường vẫn tiếp tục như cũ, xã hội thay đổi dần dần. Tôi ra chợ được dượng mười Xin chồng dì Hiền và cậu Thái chỉ cho cách làm nữ trang. Đây là một công việc thủ công , nhìn qua là tôi đã biết làm, cái khó của nghề đã có hai người trên chỉ dẫn, tôi thành nghề rất mau.
Thời gian này nghề vàng làm ăn lại trở nên phát đạt, người người bán vàng để làm lộ phí quay về quê cũ, người làm ăn có tiền chỉ chí thú sắm vàng để phòng thân, chứ đồng tiền của chính quyền cũ không biết mất giá trị hồi nào không hay. Ác hơn nữa là có tin đồn thất thiệt, nhà nước sẽ có cuộc tổng kiểm kê toàn dân, ai có vàng lá sẽ bị tich thu, vàng nữ trang thì khỏi bị, vậy là bao nhiêu vàng lá của dân mang ra làm nữ trang tất, tiền công làm nữ trang rất cao, chỉ có làm nhẩn tròn là rẻ nhất và tiện dụng. Vậy là tôi phải làm việc suốt ngày, làm nhẩn tròn ròng rã mấy năm, mỗi ngày qua tay tôi đập gõ phải 5 lượng vàng, tiền công thu được bằng mua 1 chỉ vàng! Thời gian ấy cán bộ công nhân viên nhà nước lương cũng chỉ khoảng trên dưới một chỉ vàng! Tất cả tiền làm được tôi giao hết cho mẹ tôi, ba tôi rất hài lòng về tôi thời gian này.
Với trình độ học vấn của tôi lúc ấy, tôi còn tìm hiểu để làm thêm phân kim, một cái nghề cho lợi nhuận rất cao. Tôi tinh luyện lấy vàng thật và bạc ròng những hợp kim có vàng, có bạc. Cũng biết rằng vàng đi vào công nghiệp chiếm tỉ lệ rất cao, khoảng 20% sản lượng trên toàn thế giới, những người của chính quyền cũ biết vàng nằm ở đâu trong những thiết bị chiến, họ lùng xục đi tìm, đào bới khắp mọi nơi về bán lại cho tôi để tôi phân kim lấy vàng và bạc.
Thời gian này ba tôi tiếp quản chính quyền. Ông bận bịu suốt ngày đêm với công việc, chính quyền mới còn sơ khai, cho nên ông không có thời gian ngưng nghỉ. Ông được đề cử làm khối trưởng, phường tôi có bốn khối. Mẹ tôi cũng vậy, bà lại sinh hoạt với chính quyền mới bên hội phụ nữ. Bà tự hào là cựu hội viên Hội phụ nữ Cứu quốc thời chống Pháp ở Cây Sanh - Tam Kỳ. Buổi tối đi làm về tôi phải sinh hoạt với đoàn thể thanh niên.
Sinh hoạt cái gì? Ra hội trường ngồi nghe cán bộ ở trên về dạy chính trị! Ra để nghe về cuộc chiến thắng vĩ đại năm 1975. Nghe về viễn tưởng tương lai tốt đẹp khi nước nhà đã thống nhất và tiến lên xã hội chủ nghĩa. Tôi đã làm ăn có tiền, tôi cứ ngỡ tình hình mãi tiến triển thế này, chủ nghĩa xã hội không chóng thì chày chúng tôi sẽ đi đến đích, lòng tràn ngập phơi phới tình yêu Tổ quốc, một Tổ quốc thống nhất đang đi lên chủ nghĩa xã hội.
Gia đình tôi đang phơi phới đi lên con đường xã hội chủ nghĩa đúng như lời cán bộ truyền đạt vào những đêm sinh hoạt thanh niên.
Đùng một cái.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|