Cậu Thuận
Dưới cậu là Thái là cậu Thuận, cậu Thuận sướng từ nhỏ, lúc ra đời ông ngoại tôi làm ăn khấm khá nên cậu được ăn học đến nơi đến chốn. Tôi còn nhớ hình ảnh mổi ngày chủ nhật cậu giặt bộ đồ đồng phục màu trắng, khi xả nước cuối cậu cho vào thau nước một mảnh giấy màu xanh lục, áo quần được xả xong sẽ trắng tinh. Và cậu còn có một cái mũ cối màu trắng bằng niềng niểng rất nhẹ, cậu lấy một loại phấn trắng đánh lên cho trắng tinh. Ấy là vào ngày mai thứ hai đầu tuần cậu phải làm lễ chào cờ. Nhìn cậu mặc bộ đồ trắng đồng phục hồi ấy và cái mũ trắng trông rất là chững chạc. Sau này lớn lên tôi được học trường Nam Tiểu Học, đối diện với trường Phan Chu Trinh, mỗi thứ hai hằng tuần, chúng tôi cũng làm lễ chào cờ, nhưng bậc tiểu học nên bọn tôi bên này chỉ có quần xanh và áo trắng.
Năm 1958, cậu đã học đệ tam trường Phan Chu Trinh. Thầy Trần Đại Tăng dạy Toán ra trường nhận lớp cậu là lớp đầu tiên. Gặp thầy Tăng tôi có hỏi thăm, thầy nói thầy còn nhớ hết tên học trò của lớp đầu tiên này. Trong lớp cậu có mấy người sau này là giáo sư bên trường Sao Mai, như thầy Tạ Quốc Bảo dạy tôi Anh văn chẳng hạn.
Học xong trường Phan Châu Trinh, thi đậu tú tài 1 thì cậu Thuận thi vào học trường Cao đẳng Sư phạm Huế. Ra trường sau hai năm cậu được đổi về Túy Loan làm hiệu trưởng một trường tiểu học công lập. Năm 1966, cậu bị động viên, đi học trường sĩ quan Thủ Đức, được bổ dụng làm việc ở Trung tâm huấn luyện Hòa Cầm. Năm 1970, cậu được biệt phái về Trường TH Phan Châu Trinh làm giám thị hành lang.
Hồi còn làm hiệu trưởng ở Túy Loan, cứ hằng tháng là cậu phải vào Hội An - thủ phủ của tỉnh lúc bấy giờ - để lãnh lương.
Cuối tháng của cậu là ngày vui của tôi. Cậu cùng đồng sự vào Hội An lãnh lương là tôi được dẫn đi theo. Đi theo cậu Thuận, tôi được ngồi trên yên sau chiếc xe Goebel, dù cái yên sau có nệm cao su bọc da nhưng đi đường xa, hai cái mông tôi đến nơi ê ẩm lắm. Vào Hội An, cậu chở tôi đến gởi ở quán ông Ba Huế, ông này là người Chà Và, nói tiếng Việt Nam rặt một giọng Quảng Nam. Bà vợ ông người Huế thứ ba nên ở đây người ta gọi ông là ông Ba Huế. Mấy đứa con ông cũng trạc bằng tuổi tôi, nhìn đen thui thui, nói một giọng Quảng Nam chất phác, mà lại có duyên tệ, người ta nói là đen giòn đó.
Cậu Thái và cậu Thuận
Sau khi lãnh lương xong, cậu và mấy đồng sự nam và nữ cùng vào quán. Tôi được cho ăn món hoành thánh xào chua ngọt. Một dĩa hoành thánh vàng nhân tôm xào, nước nhưn chua chua ngọt ngọt ăn mê tơi. Bạn cậu, người ăn cao lầu, người ăn bánh vạc, mì nước hoành thành nhân thịt heo nạc xíu. Mấy cậu còn kêu thêm bia Con Cọp. Tôi được uống chai Xá xị thơm lừng với nước đá mát rượi.
Ăn xong, tôi ngồi chờ mấy cậu nhậu nhẹt lai rai, nói chuyên râm rang. Tôi cầm cái vỏ chai bia Con Cọp lên xem. Đọc dòng chữ quảng cáo , bây giờ tôi vẫn còn nhớ trên chai bia có ghi: "Bia Larue chế tạo tại Chợ Lớn , trong một nhà máy kể vào hàng vĩ đại và tối tân nhất thế giới, La - ve này thêm sức mạnh, có rất nhiều sinh tố, sức bổ dưỡng vô song, phẩm chất thượng hạng, nên uống lạnh. 61 cl".
Sau này, thỉnh thoảng tôi cũng vào Hội An cùng bạn bè ăn lại món hoành thánh xào chua ngọt này, nhưng món này không còn ngon nữa. Ăn lại hư hết cái miệng và uổng tiền. Ông Ba Huế sau năm 1975 đã hỗn loạn tinh thần, có chính sách trục xuất ngoại kiều về nước, ông không có nước để về, có tin đồn ông đã tự tử chết, ông chết đi và đã mang theo cái bí quyết chế biến rồi chăng? Không biết vợ con ông nay trôi dạt phương nào...
Hình ảnh thường gặp ở Hội An ngày trước (nguồn: photo Vĩnh Tân)
Sau khi ăn xuống no nê xong, mấy cậu cháu tôi về lại Đà Nẵng, cái mông của tôi lại bị hành hạ một lần nữa, nhưng không sao, miễn được cậu tôi cho ăn món hoành thánh xào chua ngọt là số dách rồi.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|