THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh - Một câu chuyện tình

LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh - Một câu chuyện tình

Mục lục
LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh
Quê nội
Một câu chuyện tình
Chú Vinh
Quê ngoại
Ông ngoại
Bà ngoại
Về nhà mới
Cậu Bảo
Cậu Thái
Cậu Thuận
Dì Ba
Hoạt động bí mật
Ngày ba tôi ra tù
Đổi tiền và cải tạo công thương nghiệp
Tự cứu lấy mình
Đổi mới
Phụ lục
* Sửa nhà ông ngoại (2013)
* Nghi lễ đời người
* Thiết lập bàn thờ tổ tiên tộc Lương tại Đà Nẵng
* Giỗ tộc Lương tại Quảng Nam
* Trùng tu nhà thờ tộc Lê tại thôn Kì Vỹ - Gia Khánh - Ninh Bình (này xã Ninh Nhất -TP. Ninh Bình)
* Đám tang mợ Lý
Tất cả các trang

 

Một câu chuyện tình

Ba tôi thương bà nội lắm, muốn lấy vợ sớm để có người giúp đỡ mẹ già và ông đã hỏi vợ khi mới 16 tuổi! Ba tôi đi hỏi cô Xuyên bên Hoa Lư làm vợ. Mà con người có số thật. Ông nội tôi chấm số cha tôi là “Nhạn viễn trường xa”: Chim nhạn bay xa.

Hương lửa nồng thắm và những lục đục thường xuyên của đôi vợ chồng trẻ chưa được kéo dài bao lâu thì đất nước lại lao mình vào cuộc khói lửa đao binh. Ông đi vào cuộc chiến từ năm 1946. Hình ảnh cuối cùng của ba tôi là chia tay bà nội khi mới 18 tuổi. Lúc ấy, bà nội tôi mót trong cạp quần ra cho ông mấy hào cuối cùng để phòng thân. Chia tay bà nội tôi, ông nói: “Xong việc nước con sẽ về với U”. Và ông ra đi biền biệt.

Theo đoàn quân Nam tiến, ba tôi vào bộ đội và ông được học nghề y tá. Ông thông minh và thông hiểu chữ Nho, được phân công làm y tá trưởng của bệnh viện quân y dã chiến. Ông theo các mặt trận chống Pháp để cứu chữa thương bệnh binh. Số thương binh trong bệnh viện rất nhiều, tay nghề của ba tôi rút được nhiều kinh nghiệm trong thực hành, đôi khi ông phải thay bác sĩ làm những cas đơn giản rồi dần dần phức tạp. Và ông là người cầu tiến luôn học hỏi, ông đọc rất nhiều sách để mở mang kiến thức. Khi lớn khôn tôi cũng hay đọc ké bán nguyệt san Phổ Thông và Thời nay của ông để mở mang kiến thức. Những cuốn sách về y khoa dày cộm của ông khi đọc, tôi cũng lan man biết sơ sơ một vài bệnh. Tôi tự chữa cho mình bệnh ghẻ kinh khủng sau năm 1975. Người ta phao tin đồn bệnh này do bộ đội thiếu thốn, mang mầm bệnh trên tận dãy Trường Sơn mang về lây bệnh cho thị xã, khi nhắc lại chuyện này nhiều người còn đặt tên là là bệnh ghẻ “bộ đội”. Nghĩ lại thấy buồn cười.

Đúng như lời ba tôi hay dạy dỗ, ra đời học thức không bằng kiến thức. Muốn làm giàu kiến thức của mình không còn cách nào khác bằng thường xuyên đọc sách báo. Nhờ đọc tìm hiểu từ sách sách y khoa của ba tôi, tôi đã tự chữa lành bệnh ghẻ của mình một cách đơn giản chỉ bằng nước muối nóng. Nấu nước pha muối nóng khoảng 40 - 50 độ C ngâm chổ da bị ghẻ vào và chà xát, mấy con ghẻ bị muối diệt sạch. Cũng đơn giản.

Năm 1950 ông được kết nạp vào Đảng cộng sản. Khi về lại làng cũ, tôi có gặp một  bạn chí cốt của ba tôi. Ông bác này đi bộ đội cùng ngày với ba tôi, nhưng theo đoàn quân Bắc tiến. Nay đã ông đã nghỉ hưu, nhưng thoạt nhìn vẫn còn nét nhanh nhẹn của những chàng bộ đội trẻ thuở nào. Ông sống lại quá khứ, khi tôi ngồi tiếp chuyện. Những mảnh đời cơ cực của các chàng trai quê nội tôi sống lại trong ông. Họ không có con đường nào khác là xung phong đi bộ đội theo kháng chiến, để rời khỏi mảnh đất giàu tình người nhưng đói khổ quanh năm. Dù cho kháng chiến gian khổ, hy sinh nhưng vẫn còn được ăn no mặc ấm còn hơn ở quê luôn luôn thiếu ăn thiếu mặc. Ba tôi cũng vậy. Ông đi bộ đội để nhà bớt đi miệng ăn. Ở quê nhà, bà nội tôi mòn mỏi chờ con.

Khoảng thời gian 1950 bệnh viện quân y của ba tôi đóng ở Cây Sanh - Tam Kỳ,  cùng thời gian ấy gia đình bên ngoại tôi tản cư về đây sinh sống. Mẹ tôi gọi đây là vùng tự do, giặc Pháp ít đem quân càn quét đánh phá hơn những vùng khác. Nhưng thật đau thương thay! Trong một trận ném bom của giặc Pháp, dì Nữ tôi đã bị chết cháy vì bom napal, dì thứ Tám mẹ tôi thứ Năm, mặc dù cho dì đã kịp chạy xuống nấp dưới giao thông hào, năm đó dì mới tròn 17 tuổi bà ngoại tôi rất đau buồn vì thương nhớ dì suốt cả năm trời, có thể nói bà muốn chết theo con. Mẹ và hai dì tôi, dì Ba và dì Hiền mở quán ở vùng này, buôn bán linh tinh các thứ. Bộ đội quen miệng và đặt tên quán Ba Cô. Ba tôi cũng hay ra đây ăn uống mua vật dụng và nhân tiện làm quen và tán tỉnh bà. Thời trẻ cha tôi đẹp trai, mũi cao, cổ có trái khế, rất đàn ông, ăn nói lưu loát và tài ba hơn người. Mẹ tôi đã xiêu lòng.

Một thời gian sau hai người được sự đồng ý của ông bà ngoại, ba mẹ tôi gá nghĩa vợ chồng, anh đầu là Lương và tôi được sinh ra tại đây: Cây Sanh, Tam Kỳ.

Hồi nhỏ, tôi hay đái mế. Mẹ tôi bắt con nhện màu đen có mang ổ trứng màu trắng dưới bụng, đem nướng ăn để hết bệnh đái mế. Tôi học vở lòng ở trường của ông thầy Kính trong xóm Vạt Mả. Sau một buổi học về nhà, tôi hát: “Kẹo kéo Bắc kỳ, có tiền mà để làm gì, không mua kẹo kéo Bắc kỳ mà ăn”. Vào nhà gặp ba  tôi, ông hỏi cái thằng này mầy hát cái gì thế, rồi cú một cái đau điếng! Tôi ức lắm, tấm tức chờ chiều tối lúc mẹ đi chợ về mới hỏi. Mẹ giải thích, ba con là người Bắc kỳ mà con hát như vậy ổng nổi nóng! Bữa sau không nên hát như vậy nữa! Tôi chưa phân biệt được giọng nói của 3 miền, chỉ nghe cha nói cái giọng khác mẹ mà thôi.

Sau này lớn lần lên học ở trường Nam Tiểu Học, vào lớp nghe nhiều bạn nói nhiều giọng nói khác nhau tôi mới phân biệt được. Cô giáo lớp nhì của tôi còn bắt tôi sửa lại giọng nói cho dễ nghe, chứ tôi nói giọng Quảng chay khó nghe lắm. Ví dụ “con nai” tôi lại nói “con nưa”. Sau năm lớp nhì, tôi còn nhớ là cô Hồ, chia tay chúng tôi để nhận nhiệm sở mới ở Lâm Đồng, đối với bọn trẻ con chúng tôi hồi ấy nơi ấy xa lắm, chẳng biết đi bao giờ mới tới, buổi học cuối cùng với cô bọn tôi khóc xù xịt. Tôi nhớ ơn cô lắm, nhờ cô mà giọng nói của tôi ít “nhà quê” hơn.
*
Năm 1954, hai miền Nam Bắc ký hiệp định Genève. Bộ đội được tập kết trở ra Bắc. Năm 1952, bệnh viện quân y mà ba tôi đang là y tá đã được chuyển sang dân y. Cấp trên quyết định ông ở lại phục vụ bệnh viện, không tập kết ra Bắc. Lúc ấy, ai cũng nghĩ rằng, hai năm sau sẽ có cuộc tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà, những người đi tập ra Bắc kết lại được trở vào Nam. Nhưng cuộc chiến tương tàn này kéo dài mãi đến năm 1975 mới kết thúc. Gia đình ông ngoại tôi có 3 người đi mãi 21 năm sau mới gặp lại. Bác Mười cụt - chồng dì Ba là công nhân quốc phòng đang công tác tại xưởng may quân phục. Sao dì Ba không theo chồng ra Bắc? Tôi sẽ kể sau. Dì Bốn Đường theo chồng là chú Lôi đang là thợ đúc vũ khí của công binh xưởng quân khu V. Vậy là ông ngoại tôi có 3 người tập kết ra Bắc.

Theo hiệp định Genève, nước Việt Nam tạm thời chia thành hai miền Nam, Bắc. Vĩ tuyến 17B, nơi con sông Hiền Lương chảy từ nguồn Trường Sơn ra biển Đông (tỉnh Quảng Trị), được coi là ranh giới tạm thời giữa hai miền. Sau 2 năm, sẽ tổ chức hiệp thương, tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Nhưng điều ấy đã không xảy ra. Mỹ hất cẳng Pháp ra khỏi miền Nam ngày 2-12-1954. Tình trạng đất nước bị chia cắt kéo dài suốt 21 năm (1954 – 1975) mới chấm dứt. Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam ở phía Nam vĩ tuyến 17B thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa.

Giọng nói của tôi Quảng Nam chay, dù được sinh sống từ nhỏ ở phố phường Đà Nẳng, mẹ  tôi quê tận thôn Đại An, huyện Đại Lộc, có ngã ba sông gọi là sông Giao Thủy. Năm 1955, cha mẹ tôi cùng gia đình ông bà ngoại hồi cư về Đà Nẵng - hồi ấy gọi là vùng “tạm chiếm” - sinh sống. Gia đình ông bà ngoại tôi về ở xóm Tân thành - khu phố Nam Dương. Và tôi và mấy anh em tôi được sinh ra ở Quảng Nam nói giọng Quảng Nam, chứ không nói giọng Bắc như ba tôi.

Về người đàn bà mà ba tôi gá nghĩa năm 1944, mãi đến sau năm 1990 tôi mới có dịp về quê nội và nghe cô tôi kể lại tên là Xuyên. Sau năm 1975, ba tôi về quê có tìm gặp cô Xuyên. Hai mái đầu bạc gặp nhau tại nhà cô. Hai người nói với nhau những gì? Có trời mới biết. Hai người đã hóa thành thiên cổ. Viết đến đây tôi nhớ lại bài thơ Tình già của Phan Khôi:

Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa
Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai mái đầu xanh kề nhau than thở.
Ôi đôi ta tình thương thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẵn là không đặng;
Ðể đến rồi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau
Hay! Nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nở? Thương được chừng nào hay chừng nấy, chẳng qua ông trời bắt đôi ta phải vậy!
Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng, mà tính việc thủy chung?
Hai mươi bốn năm sau, tình cờ nơi đất khách gặp nhau!
Ðôi mái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung, đố nhìn ra được!
Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi! Con mắt còn có đuôi

Chuyện của ba tôi và cô Xuyên không phải là nhân tình nhân nghĩa mà là vợ chồng,  ba mươi bốn năm sau mới gặp lại. Không gặp lại nơi đất khách mà gặp lại nơi hai người đã dạm hỏi nhau. Tôi suy luận rằng chắc là khi chia tay hai người cũng liếc với nhau, con mắt không những có đuôi mà còn đứt luôn cái đuôi!

Tình cũ không rủ cũng đến. Ba tôi cứ vài năm lại mượn cớ về thăm quê một lần, mỗi lần đi cũng vài ba tháng. Mẹ tôi là người Quảng Nam tính tình bộc trực, ăn một cục nói một hòn. Mẹ tôi nghĩ rằng sau bao nhiêu năm làm vợ, đẻ một bầy con khôn lớn mà chẳng làm dâu ai cả. Cho nên mỗi lần ba tôi về quê nội là thường gởi tặng quà cáp về cho cô chú. Ngoài ấy, sau chiến tranh thiếu thốn đủ thứ, quà cáp gì trong Nam gởi ra cũng quí cả. ba tôi được đằng chân lân đằng đầu, tâm sự về cô Xuyên với mẹ tôi. Ruột dạ đàn bà, mẹ tôi thông cảm và thương cô Xuyên  lắm, bà nghĩ nôm na mình có chồng mà cô Xuyên lại làm dâu nhà chồng mình, mình phải biết ơn cô ấy. Mẹ tôi có gởi số tiền lớn ra giúp đỡ cô.

Sau nay, khi ba tôi đã mất, mẹ tôi có một lần về quê chồng. Có lẽ có là chuyến đi xa nhất của bà, kể từ ngày hồi cư về Đà Nẵng. Số phận một con người không tách khỏi số phận đất nước. Lạ kỳ thay, mấy mươi năm làm mẹ, làm vợ nhưng mãi đến khi gần đất xa trời mẹ tôi mới được về quê chồng. Em tôi, nhà thơ Lê Minh Quốc có viết bài thơ  “Mẹ về quê chồng” in trên tạp chí Văn nghệ quân đội (số tháng 10.2001) từ chuyện này:

Năm mươi năm làm dâu
Quê chồng xa lăng lắc
Lần đầu tiên đi về
Mẹ mừng rơi nước mắt

Đêm trằn trọc không yên
Ba con giờ đã mất
Sáng mai mẹ lên tàu
Anh con cầm tay dắt

Sông núi dài trước mặt
Bỗng dưng mẹ khóc òa
Lấy chồng mười bảy tuổi
Bảy mươi mới về nhà

Cỏ mọc bờ ruộng xa
Níu bước chân mẹ lại
Ba con bay về trời
Cánh diều xa tít mãi…

Thắp một nén nhang thơm
Trên bàn thờ ông nội
Chao ôi cái kiếp người
Như mây bay gió thổi

Được trở về quê chồng
Mẹ bây giờ mới thấy
Vui buồn thuở đầu tiên
Làm dâu năm mười bảy

Mẹ bần thần đứng lại
Vân vê vạt áo dài
Nhìn xuống đôi guốc mộc
Mòn vẹt gót chân chai…

Trở lại chuyện cô Xuyên. Quả là người con gái đáng phục, cô sang sống cùng cô Cớt tôi, làm tròn bổn phận dâu con, chung tay nuôi dưỡng mấy người con chị chồng nên người.

clip_image005

Ba tôi ảnh chụp năm 1955  

Mãi đến tận sau năm 1957, có người làng là lính kiều bào trở về. Ông này đăng lính Pháp đánh trận tận mãi bên Algerie - châu Phi, bị thương nặng rồi giải ngũ hồi hương. Năm ấy ông về làng cũng đứng tuổi rồi, nghe đâu ngoại tứ tuần. Ông lính kiều bào tìm đến cô Xuyên. Cô Cả tôi thay mặt bà nội tôi đứng ra se duyên chồng vợ cho họ. Cô Xuyên sinh được một cậu con trai. Cậu ấy tên Tài.

Cậu này có tìm vào thăm gia đình tôi năm 1994, ba tôi đã qua đời năm 1992, tự giới thiệu và nhận anh em tinh thần. Cậu này sau hòa bình làm ăn khá lắm, cậu theo nghề bên nội chạm khắc gỗ, hàng hóa được bán vào tận Sài Gòn và xuất cảng đi khắp nơi, sau này anh em chúng tôi gặp nhau  không thường xuyên lắm, dù không máu mủ ruột thịt nhưng qua mối tình dang dở của tôi và mẹ cậu ấy nên chúng tôi quý mến nhau như anh em ruột.

Tôi nghĩ, khi cô Xuyên đã “đi bước nữa” và có một người con an ủi tuổi già cũng làm cho lương tâm ba tôi bớt ray rứt. Chứ tình cảnh cô Xuyên sau bao năm vò vỏ đợi chờ đến hôm nay vẫn cô độc, chắc ông cũng đau buồn lắm. Chúng tôi cũng rất mừng cho cô. Ngày tôi ra đời là ngày ba tôi nhận được tin cô Xuyên có người mai mối.Vậy là ba tôi mãn nguyện.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com