Tác giả Lê Minh Tâm (ảnh chụp tại Hải Hậu - Nam Định năm 2001)
Lời giới thiệu
1.
Hồi ký, tự truyện… là một thể loại khó viết. Rất khó. Bởi thói thường do “tốt khoe, xấu che” nên ít ai có thể dám bộc bạch hết suy nghĩ của mình. Có lần tôi hỏi nhà văn Nguyễn Quang sáng, tại sao không viết hồi ký? Ông cười khà khà, đại khái, chẳng lẽ tao chỉ toàn kể tốt về tao? Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ. Chẳng hạn, học giả Vương Hồng Sển dám viết hồi ký Hơn nửa đời hư đó sao? Đọc rất ngậm ngùi thú vị.
Theo tôi thể loại hồi ký chỉ thật sự có giá trị khi con người ấy có một tầm vóc lớn lao, mỗi gia đoạn của cuộc đời họ đều gắn với thăng trầm của một đất nước, một dân tộc.
Chẳng hạn, Tự phán của chí sĩ Phan Bội Châu, dù tự nhận cuộc đời cụ chỉ là một chuỗi thất bại, nhưng khi đọc, thế hệ sau lại học được biết bao là kinh nghiệm của thế hệ tiên phong khai đường mở lối trong sự nghiệp cứu nước.
Những nhân vật lừng lẫy ấy, khi đọc hồi ký của họ, chúng ta sẽ thấy hết sức thú vị vì có những chi tiết trong đời họ đã góp phần bổ sung cho chính sử, giúp ta hiểu chính sử rõ hơn.
Họ là những con người đã tạo ra thời cuộc.
Hiểu thời cuộc thông qua số phận một con người cụ thể, còn gì thú vị hơn?
2.
Lịch sử một đất nước được thể hiện qua chính sử. Đúng rồi. Nhưng vẫn chưa đủ. Chính các tập gia phả của mỗi dòng tộc, ngọc phả của các đời vua… có những chi tiết cụ thể, những con người cụ thể đặng khắc họa và bổ sung cho chính sử, giúp chính sử sinh động hơn, “thật” hơn và cũng “đời” hơn. Bên cạnh đó, tôi còn muốn nhấn mạnh đến các tập hồi hý, tự truyện, tự thuật… của các cá nhân khác.
Thế nhưng.
Có ai cần đọc những tập sách thuộc thể loại đó của những kẻ “thường thường bậc trung” như chúng ta không? Chắc không, nếu tập sách đó chỉ đóng khung trong cái cuộc đời của chính họ. Mà họ không nổi tiếng, không là người của công chúng thì chẳng ai buồn ghé mắt đến. Nói như thế, vì hiện nay đã có hẵn công ty chuyên viết hồi ký cho người khác. Ai cũng được. Miễn là đóng tiền đầy đủ. Loại hồi ký này có tên chung “hồi ký bình dân”. Gần như chìm vào quên lãng.
Nói đi cũng phải nói lại.
Gần đây nhất có nhiều hồi ký, tự truyện của những con người bình thường vẫn tạo được dư luận kìa mà. Tại sao? Bởi những hồi ký đó đạt được nhiều yêu cầu, ở đây tôi chĩ muốn nhấn mạnh: 1.Số phận của họ quá khốc liệt, thăng trầm dữ dội nên dù chuyện thật nhưng ta cứ như tưởng hư cấu của văn chương; 2. Viết về một cuộc đời bình thường như bao người khác, nhưng qua đó, ta lại thấy tái hiện lại tình hình xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa… của cả một thời, thời họ đã sống.
Thế thì, thể loại này do ai viết cũng được. Vấn đề đặt ra là viết như thế nào.
Hồi ký Khúc tiêu đồng của ông Hà Ngại là một thí dụ sinh động. Dù viết cho riêng mình, chỉ viết lại những gì mắt thấy tai nghe, không hư cấu nhưng tập sách đó rất có giá trị nếu chúng ta cần biết về khoa cử, hát bội, sinh hoạt chợ búa, đời thường dân dã… của cuối thời Nguyễn. Những thông tin đó quý báu, hấp dẫn hơn cả tài liệu “chính quy” vì chính nó đã được kể từ người trong cuộc, từ tình tiết cụ thể…
Muốn vậy, người viết phải có biệt tài quan sát, có trí nhớ tốt, có tài liệu v.v… để đủ sức tái hiện lại một thời đại mà họ đã sống. Mà thông tin của sự tái hiện đó phải gắn với cái chung, được nhiều người cùng quan tâm.
3.
Tập sách các bạn đang đọc đây, tôi tạm gọi "tự truyện" là của ông Lê Minh Tâm - anh tôi. Có những điều quý báu của người nay, nhưng với người kia lại không là gì cả. Và ngược lại. Điều ấy là lẽ thường tình. Tập sách này, tác giả tự bạch rằng:
“Tôi chỉ muốn viết lại những gì tôi đã trải qua suốt cuộc đời tôi. Biết đâu con cháu mai sau, sẽ đọc. Dù nhận thức không nổi tiếng nhưng tôi vẫn viết với ý nguyện kể lại cho người thân biết sơ qua những biến cố lớn, nhỏ thăng trầm đã xẩy ra trong gia đình tôi. Không phải nhà văn chuyên nghiệp, tôi cũng cố gắng ghi lại những gì mình đã sống và đã nhớ, nếu không viết lại ắt hẳn có ngày sẽ quên phéng đi mất. Những cảm nhận này chỉ cảm nhận riêng tư, những kỷ niệm về cuộc sống riêng tư, muốn chia sẻ cùng người thân. Những biến động to lớn của đất nước được tôi dẫn chứng từ những trang có thể gọi là uy tín trên net, được in nghiêng và dặt trong ngoặc kép. Tôi viết về quê cha và quê mẹ. Về gia đình nội ngoại về những kỷ niệm với bà con thân thuộc. Về cuộc chiến mà ba tôi đã tham gia đến ngày 29/3/1975. Dầu sao cũng có thể cho thế hệ đời sau biết chút ít về những gì cha ông họ. Những nhân vật có thật trong truyện này có thể viết nối dài nội dung ra thêm? Chung tay viết nối hầu câu chuyện có thực thêm phần súc tích”.
Tập sách này không có tựa. Tôi đặt tựa “Khêu ngọn đèn xanh”. Là lấy ý từ bài thơ Ngọn đèn xanh của thi sĩ Quách Tấn, viết năm 1951 (in trong tập Mùa cổ điển, tái bản lần 2 tại miền Nam năm 1960):
Quán không hò hẹn đón đưa nhau,
Khêu ngọn đèn xanh gạn bể dâu.
Thương tớ, mái gương dường ướm tuyết,
Mừng ai, khóe phụng vẫn nguyên thu.
Hoa, lòng nỡ gởi trời U cốc?
Bút, mộng không rời nợ Bích câu.
Muốn mượn chén trăng hòa viễn ý
E dòng lệ ngọc khóc minh châu…
LÊ MINH QUỐC
(VIII.2012)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|