THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh - Đổi mới

LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh - Đổi mới

Mục lục
LÊ MINH TÂM - Khêu ngọn đèn xanh
Quê nội
Một câu chuyện tình
Chú Vinh
Quê ngoại
Ông ngoại
Bà ngoại
Về nhà mới
Cậu Bảo
Cậu Thái
Cậu Thuận
Dì Ba
Hoạt động bí mật
Ngày ba tôi ra tù
Đổi tiền và cải tạo công thương nghiệp
Tự cứu lấy mình
Đổi mới
Phụ lục
* Sửa nhà ông ngoại (2013)
* Nghi lễ đời người
* Thiết lập bàn thờ tổ tiên tộc Lương tại Đà Nẵng
* Giỗ tộc Lương tại Quảng Nam
* Trùng tu nhà thờ tộc Lê tại thôn Kì Vỹ - Gia Khánh - Ninh Bình (này xã Ninh Nhất -TP. Ninh Bình)
* Đám tang mợ Lý
Tất cả các trang

 

Đổi mới

Sau cơn mưa trời lại sáng , dần dần cái án tư sản mại bản của gia đình tôi tự dưng bị xóa bỏ cũng giống như bất thình lình nó cột vào!

Đọc lịch sử cận đại Việt Nam, tôi cảm nhận một vị đại thần, đã hy sinh trọn đời vì nước nhưng chung cuộc ngài đã uống thuốc độc tự vẩn. Hãy nghe lời người đã khuất mà chính cuộc đời là tấm gương soi. Phan Than Giản (1796-1867) Hình chụp năm 1863 nhân dịp ông cầm đầu sứ bộ sang Pháp để xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ. Ở Pháp cả 2 tháng nhưng không gặp được vua Napoléon đệ tam, ông đành trở về Việt Nam với vài lời hứa hẹn của Pháp, nhưng khi về đến Việt Nam thì Pháp đã chiếm thêm 3 tỉnh miền Tây.  Vua bổ nhiệm cho ông trấn thủ miền Nam, tới năm 1867 thì toàn lảnh thổ Nam kỳ rơi vào tay Pháp .Không hoàn thành sứ mệnh ông uống thuốc độc tự vẩn, sau khi để lại di chúc cho con cháu và khuyên là không nên làm chính trị.

Ba tôi không ví bằng vĩ nhân nói trên, nhưng cuộc đời ba chìm bảy nổi, kết cục bi thương, mòn mỏi chết dần trên giường bệnh, không tiền chữa chạy đến nơi đến chốn. Thời gian này tôi ở nhà để làm vàng lậu, tôi gần gũi ba tôi nhất.

Cuộn phim về cuộc đời ông được chiếu chậm lại.

DSCN0577

Các cháu nội, ngoại bên mộ ba tôi vào ngày Tết

Những năm tháng thiếu niên phải phụ việc cho ông bếp Từa gọi là ông chú để kiếm cơm, ông bếp Từa là lính kiều bào, lý lịch dính dáng đến thực dân phong kiến đã hành hạ ba tôi một thời gian khi đi bộ đội. Sau ngày hòa bình lập lại, làm ăn sinh sống hạnh phúc cùng vợ con ở Đà Nẵng nhưng rồi, ba tôi lại kết nối làm công việc cách mạng mà ông cho là sẽ đem nhiều tự do hơn cho dân miền Nam, phải chịu tù tội, phải chịu nhiều thương tích. Vợ con khốn khổ. Rồi đất nước được thống nhất, chưa mừng được bao lâu, theo chú Vinh xem quẻ cho cha, chú bảo ba tôi nặp đại nạn: “Đại tiểu hao trùng phùng”. Năm ấy may không có hung tinh chiếu vào, chứ có chắc cha tôi mạng vong!

 

phan-mo-ba

Phần mộ của bà tôi - ông Lê Văn Châu

Ông Trần Thận, Hồ Nghinh và Trần Duy Hưng có ghé lại thăm cha tôi mỗi năm vào dịp Tết, không như những lần đến lén lút trong thời kỳ hoạt động, trước khi các ông đến, hai cảnh vệ súng ống oai nghi chạy thẳng vào nhà tôi quan sát trước tất cả, khoảng ½ giờ sau các ông mới đến thăm! Mấy ông chỉ ghé lại khoảng 5 phút, vài câu chúc tụng và một ít quà tết gọi là và lên xe đi ngay. Nhưng từ sau ngày gia đình bị qui vào hàng ngũ tư sản mại bản, không thấy mấy ông ấy bén mảng.

Phải nói là cuối cuộc đời, ba tôi  rất dằn vặt, số mệnh đã đưa đẩy ông xa quê hương, khổ cả cuộc đời để tìm cái không có. Cuộc đời đưa đẩy cha tôi chọn theo con đường tham gia cách mạng. Cái hạnh phúc trong tay là gia đình hạnh phúc ba tôi bỏ qua một bên. Để rồi cuối cuộc đời được đối xử như một kẻ thù bởi cái lý lịch tư sản tư sản mại bản. Sau cuộc trường chinh của đất nước, sau cuộc cải tạo công thương nghiệp toàn quốc, anh em tôi phải làm lại từ đầu. Không một ưu ái gì của chính quyền mới. Làm lại tất cả từ đống đổ nát. Tất cả.

Sau này, khi Lê Minh Quốc - em tôi vào làm việc tại TP.HCM thì có gửi đơn nhờ báo Thanh Niên can thiệp. Vấn đề anh em chúng tôi đặt ra không phải đòi lại những gì đã mất trong cái gọi là "cải tạo công thương nghiệp" - chính là Danh Dự của ba tôi và gia đình tôi. Báo Thanh Niên đã lên tiếng. Sự can thiệp nhanh chóng này, một phần do các anh Tổng và Phó Tổng Biên tập Nguyễn Công Khế, Nguyễn Thanh Tịnh từng là bạn tù với ba tôi lúc ở Đà Nẵng. Sau đó, Quốc có viết bài "Lời cảm ơn muộn màng" đặng tri ân nghĩa hiệp đó (in báo Thanh Niên số ra ngày 3.1.1993). Bài viết như sau:

Untitled-3

"Buổi trưa. Tôi đến tòa soạn báo Thanh Niên với tâm trạng thấp thỏm. Trên tay là bản thảo bài viết về chuyện gia đình tôi. Một nỗi oan ức cần được báo chí lên tiếng bênh vực. Đó là chuyện một gia đình từng là cơ sở cách mạng nội thành, ba tôi là Đảng viên từng bị đày ra Côn Đảo và những nhà lao ở Đà Nẵng. Thế nhưng, đến ngày sau giải phóng lại bị quy là gia đình tư sản. Bị cải tạo công thương nghiệp. Bị tịch thu toàn bộ tài sản. Nỗi oan ức đó, ba tôi làm nhiều đơn khiếu nại, nhưng không nơi nào giải quyết. Đến ngày ba tôi từ trần, tôi quyết định viết lại sự việc này nhờ báo Thanh Niên bênh vực.

Buổi trưa hôm đó, tại nhà ăn của báo Thanh Niên, người tiếp tôi là nhạc sĩ Phan Bá Chức. Vừa ăn cơm trưa, anh vừa đọc bài viết về hồ sơ của vụ việc mà tôi đính kèm theo. Anh nói: “Vụ việc này tôi có nghe anh Nguyễn Công Khế nói qua rồi. Bây giờ ông về đi!”. Tôi trở về nhà bằng tâm trạng âu lo, liệu chừng báo Thanh Niên can thiệp được bao nhiêu phần trăm? Một tuần lễ sau bài báo của tôi được đăng lên. Bài báo này đã làm tôi sung sướng muốn khóc, ít ra ở nơi chín suối ba tôi cũng toại nguyện, vì nỗi oan ức của mình đã được dư luận báo chí giải tỏa phần nào.

Cứ tưởng rằng, bài báo đăng lên là chìm vào quên lãng. Nhưng không! Ngay tại thành phố Đà Nẵng, sau ngày bài báo ấy in lên, mẹ tôi đã nhận được thư của ông chủ tịch UBND tỉnh QNĐN mời lên trả lại một phần tài sản đã tịch thu! Chuyện ấy cứ ngỡ là trong mơ, là “cổ tích của thế kỷ”. Mười mấy năm trôi qua, ba tôi đã làm biết bao nhiêu đơn, gõ cửa biết bao nhiêu chỗ, nhưng nào có ai giải quyết đâu! Vậy mà, báo Thanh Niên vừa lên tiếng thì đã vọng lại những tín hiệu đáng mừng. những tín hiệu của sự công bằng xã hội mà báo Thanh Niên đã góp phần tích cực.

Sau này, anh Phan Bá Chức có viết thành mẩu tin ngắn, biểu dương sự tiếp thu kịp thời của tỉnh QNĐN về vấn đề mà bài báo đã nêu. Điều đó, đối với gia đình tôi là một kỷ niệm, hơn thế nữa, một ơn nghĩa khó quên đối với báo Thanh Niên. Mẹ tôi, vốn là người nông dân quê mùa, lam lũ làm ăn, một chữ cắn đôi cũng không biết đọc, biết viết. Thế mà, sau khi báo Thanh Niên đã đem lại những kết quả như thế, thì bà cũng ứng khẩu mà đọc câu nôm na:
 

Rằng cám ơn báo Thanh Niên
Bài đăng lên. Kết quả liền. Quý thay!
Vàng được trả lại mấy “cây”
Muối dưa đắp đổi tháng ngày thong dong.

Dù nôm na nhưng xuất phát tự đáy lòng của một người mẹ. Xin hãy cho tôi được xem đấy là những lời cám ơn đối với báo Thanh Niên. Dù bây giờ, tôi mới nói ra điều đó. Dẫu có muộn màng".

Khi viết những dòng chữ này tôi nguyện cho ba tôi đến được nơi mà ông đã mơ tưởng trong suốt cả cuộc đời. Nơi không bao giờ có thật trên trần thế. Ông đã hy sinh một cuộc đời để đi tìm cái không bao giờ có thật. Anh em chúng tôi mong muốn ông đến được nơi này và ở lại đời đời nơi đây. Cái mà cha tôi đã bỏ suốt một cuộc đời đi tìm. Priez pour lui.

LÊ MINH TÂM

(Viết xong nhân ngày giỗ cha lần thứ 21 – 28 tháng giêng  năm Tân Mẹo)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com