Đời sống văn nghệ
Thứ ba, 17/07/2012, 16:27
Thất Sơn
Chưa từng có trang blog, cũng không phải là công dân mạng, Lê Minh Quốc bất ngờ ra mắt website tập hợp đầy đủ thông tin về anh. Cây bút xứ Quảng xem đây là cách để đến gần độc giả hơn.
Giao diện trang web của nhà thơ.
- Để ra mắt website này, anh chuẩn bị trong bao lâu?
- Ngay từ lúc vào nghề, tôi đã làm công tác tư liệu cho riêng tôi. Tất cả bài vở liên quan về đến mình, tôi đều gìn giữ cẩn thận, ghi lại cụ thể đã in báo nào, phát hành ngày nào… Vì thế, khi làm trang web, tôi chỉ thuê người nhập liệu là có thể post lên ngay. Tuy nhiên, đến lúc này mới là 1 phần 10 những gì đang có. Tư liệu vẫn còn bề bộn, chưa thể sắp xếp hết.
Điều khó khăn nhất, chắc chắn sẽ chẳng bao giờ làm được là còn nhiều, rất nhiều bản thảo viết từ thời sử dụng máy đánh chữ, nay đã thất lạc hết. Đã in tản mác trên báo, nhưng than ôi, gần 30 năm rồi còn gì, tôi không có thời gian để tìm kiếm lại. Những bài báo viết thời trẻ, thời náo nức đến với nghề, náo nức đi và náo nức viết nếu tìm lại được sẽ thú vị biết bao…
- Trang web có ý nghĩa gì với công việc sáng tác của anh?
- Trước đây, bài thơ kia, tác phẩm nọ in ở báo Y, NXB Z thì ít nhiều họ liên đới với mình về việc thẩm định chất lượng. Có nghĩa trách nhiệm được chia ra, nhưng với trang web cá nhân thì lại khác, phải chính mình gánh lấy trách nhiệm đó trước bạn đọc. Điều khiến tôi thích thú còn ở chỗ, đây là thư mục tương đối đầy đủ về Lê Minh Quốc. Tôi tin những bài thơ mình đã viết, những việc mình đã làm sẽ lọt vào “mắt xanh” của bạn đọc. Dù chỉ một người đọc và yêu thích, kể ra cũng đã là đủ rồi.
- Hiện tại anh đang viết gì?
- Tôi vừa trao NXB Kim Đồng bản thảo viết về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Sách sẽ phát hành đúng vào dịp khai trường năm nay. Loại sách này nằm trong Tủ “Nhà văn của em”, như tôi đã viết về nhà văn Sơn Nam trước đây. Có thể đến nay, đây là tập sách đầy đủ tư liệu nhất về “nhà văn có sách bán chạy nhất VN hiện nay”. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, NXB Kim Đồng và tôi cũng đều náo nức chờ lúc tập sách này phát hành rộng rãi.
Còn hiện nay viết gì? Tôi tự biết mình sẽ còn “trần ai khoai củ” với bộ sách Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Bộ này do tôi và NXB Trẻ, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ thực hiện. Viết cái gì đi nữa con người ta cũng có lúc cẩu thả, nhưng viết về sự hy sinh của các Mẹ thì không thể. Do đó, tôi đang tâm nguyện viết cuốn sách này bằng lòng tin của tâm linh. Có như thế may ra mới có thể đủ sức viết hết tiểu sử, công trạng hàng nghìn bà mẹ.
Nhà thơ Lê Minh Quốc.
- Anh quan tâm điều gì trong đời sống văn học nước nhà gần đây?
- Lý luận phê bình. Trong đời sống văn học hiện nay, các nhà lý luận phê bình đã “mũ ni che tai” chăng? Họ ở đâu trong bối cảnh văn học có nhiều chuyển biến như hiện nay? Trên mặt báo chỉ vài ba bài báo viết lớt phớt (do tòa soạn quy định số chữ); hoặc chỉ mới dừng lại ở điểm sách (do không phải là báo chuyên ngành) của vài nhà báo nhiệt tình đưa tin. Điều này rất đáng biểu dương, nhưng vẫn chưa đủ.
Chúng ta thấy thiếu những cây bút lý luận phê bình đánh giá chỉn chu một tác phẩm văn học như trước đây. Đừng nhìn đâu xa, gần thôi, sau thế hệ các anh, các chị Lại Nguyên Ân, Lê Ngọc Trà, Vương Trí Nhàn, Huỳnh Như Phương, Lưu Khánh Thơ, Nguyễn Ngọc Thiện, Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Hữu Sơn… đâu là lực lượng kế thừa đủ bản lĩnh, trình độ, công tâm như vậy?
- Anh đang đọc gì?
- Thú thật, sau một ngày mệt nhoài với công việc ở tòa soạn, đêm đêm tôi chỉ muốn chìm đắm trong… truyện tranh. Sách gối đầu giường của tôi bao giờ cũng là những Lucky Luke “người bắn súng nhanh hơn cái bóng của mình”, Tin Tin, Astérix, Donald, Xì trum, Benoit “tí hon thần lực”… Quái lạ, đọc đi đọc lại vẫn không thấy chán. Nói thì nói thế, bên cạnh đó, cuốn sách tôi đang đọc lai rai, chậm rãi, đọc từ từ mỗi đêm vẫn đang là cuốn Trò chuyện triết học của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn. Ông này viết có duyên không chịu được.
- Cuốn sách thế nào khiến anh hứng thú?
- Chẳng hạn như cuốn sách tôi vừa kể trên. Nghĩa là tác giả biết chuyển tải vấn đề gì, dù lớn hay nhỏ cũng như đang trò chuyện, tâm tình với bạn đọc; chứ không phải “dạy” người đọc. Vừa đọc xong tập truyện ngắn Gạt nước mắt đi của nhà văn trẻ Võ Diệu Thanh, tôi cũng hứng thú như vậy. Nói cách khác, một tác phẩm hấp dẫn tôi không hẳn là ở đề tài mà chính là khả năng của họ khi sử dụng con chữ, sử dụng tiếng Việt. Đọc văn là đọc chữ, chữ càng hay, càng tài hoa thì đọc càng sướng.
- Lâu rồi sao anh chưa ra tập thơ nào?
- "Ngoảnh mặt sang Tề, e Sở giận
Quay đầu về Sở, sợ Tề ghen".
Chẳng rõ có phải thơ của Hồ Xuân Hương đó không? Nói thì nói vậy thôi, sang năm sẽ in tập thơ tình dành cho một người.
- Gần đây, nhà văn Đoàn Thạch Biền và Nguyễn Đông Thức, hai người anh thân thiết của anh có thực hiện chuyến hành trình kết hợp làm từ thiện. Anh nghĩ sao về hành trình của họ?
- Tôi khâm phục họ. Có thể ghi nhận lần đầu tiên có hai nhà văn Việt Nam làm từ thiện bằng những chuyến đi như thế. Lật lại văn học sử, từ thời tiền chiến các văn nghệ sĩ rất khoái “giang hồ vặt” cũng chỉ là nhằm giải quyết căn bệnh “thèm đi” trong một đời sống, một xã hội quá ngột ngạt. Họ đi để mà đi chứ không vì mục đích gì khác. Tô Hoài, Vũ Trọng Can… từng vào đến Sài Gòn với trong túi không còn một xu. Nguyễn Bính lang thang xuống tận Hà Tiên. Nguyễn Tuân phiêu bồng sang đến Hong Kong đóng phim Cánh đồng ma cũng chỉ là chuyến đi cho thỏa chí giang hồ…
Với hai nhà văn Đoàn Thạch Biền và Nguyễn Đông Thức lại khác. Họ đi vì đau đáu với những trẻ em nghèo ở vùng sâu, vùng xa đang cần sự giúp đỡ của các mạnh thường quân. Chuyến đi không cần PR mà tự bản thân nó đã tạo được hiệu ứng vang dội trong xã hội.
Khoảng giữa tháng 8 này, hai anh lại đi bởi ánh mắt, giọng nói của em em nghèo đã níu kéo, mời gọi… Thật hạnh phúc, sung sướng biết bao cho nhà văn bước ra khỏi “tháp ngà” công chức để đến với những số phận quá đáng yêu trong cuộc sống này.
- Vì sao anh vẫn chưa thực hiện chuyến du hành nào trong đời dù cũng là người có "máu đi"?
- Xin trích lại một đoạn trong bút ký Du lịch của người câm mà tôi đã viết dăm năm trước để thay cho câu trả lời: "Tôi thèm đi. Thèm được đến những chân trời xa. Để tẩy rửa tâm hồn. Nhất là những khi ý thức được mình đã sắp mọc rễ trên cái ghế của một người làm việc mẫn cán và lúc nào cũng lo sợ đến cái trách nhiệm của mình. Vì thế làm sao có thể thản nhiên ra đi một cách nhẹ nhàng. Cơm áo từng ngày bủa vây chân đi. Bủa vây dày đặc đến nỗi nó hình thành một thói quen và tôi chấp nhận thói quen ấy như một sự tự nguyện. Tôi nghĩ mà chán cho tôi”. Vâng, nghĩ mà chán cho tôi (cười).
(nguồn: http://evan.vnexpress.net/News/doi-song-van-nghe/2012/07/11013-le-minh-quoc-lap-web-vi-ban-doc/)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|