Khát vọng tuổi hai mươi
(tặng thế hệ tôi)
1.
Cứ hy vọng ngày vui rồi sẽ đến
Tôi cạo râu. Mặc áo mới. Ra đường
Em tóc ngắn. Guốc cao. Và răng khểnh
Đi giữa đời mà nói chuyện văn chương
Quên những đua đòi tầm thường nhỏ nhặt
Từng ám ảnh nhau trong lẽ sống đời thường
2.
Tôi quên đi ly cocktail liên kết
Nụ cười liên doanh xanh đỏ nghi ngờ
Xin thắp nén nhang tạ ơn người đã chết
Trên Trường Sơn cát bụi đẹp như mơ
Dòng máu chảy ngày xưa đông đặc lại
Đất đai bây giờ như trinh nữ phất phơ
3.
Những xã giao trao lời chào tiếp thị
Tay cầm tay hờ hững cứng như gươm
Sợ đồng đô la nên đâm ra mặc cảm
Cao ốc chênh vênh che khuất ngã tư đường
Tôi quên đi những lần tôi dại dột
Muốn bằng người - bỏ học để đi buôn (!)
4.
Tôi cố quên đi những lời quảng cáo
Phục vụ con người tiện lợi tiện nghi
Những lời lẽ không khuyên ai tiện tặn
Nếu có tiền thì chẳng thiếu thứ chi
Bao cô gái muốn đổi đời chóng vánh
Nhận ngoại quốc làm chồng - nhắm mắt bước đi.
5.
Thế hệ tôi lớn lên từ huyền thoại
Đêm ngủ chiêm bao đất nước hóa thành rồng
Chàng Thạch Sanh ngồi mộng mơ gác kiếm
Thành thị dân khi bán hết ruộng đất
Ai còn nhớ thịt xương đau trong đất
Đường ta đi đâu có trải hoa hồng
6.
Thế hệ tôi lớn lên sau huyền thoại
Xẻ dọc Trường Sơn bằng chính máu của mình
Dân tộc anh hùng lẽ nào chịu đói
Trên hành tinh đi tới phía bình minh
Nỗ lực nào làm nên huyền thoại mới
Khẳng định mình bằng trí tuệ thông minh?
7.
Tôi đang đi tìm nghĩa là tôi hy vọng
Ngày mai đây trên trái đất này
Muốn đứng thẳng thì bây giờ cúi xuống
Để dọn đường đi tới phía tương lai
Huyền thoại mới chưa cần ai đổ máu
Cần tình yêu Tổ quốc đặt trên vai
8.
Huyền thoại mới bắt đầu từ tuổi trẻ
Ý thức chưa cư ngụ ở thiên đường
Đất nước nghèo. Nghèo chính là cái nhục
Đừng phỉnh phờ khi đối diện tấm gương
Bóng với hình đừng vỗ về nịnh nọt
Ca ngợi nhau đục khoét hết đêm trường
9.
Phía chân trời sẽ bùng lên bão táp
Ai là người đánh thức một hồi chuông?
Tôi sực nhớ ông văn hào Lỗ Tấn
Dặn dò chân đi mãi sẽ thành đường
Tuổi hai mươi với tự tin Phù Đổng
Sẽ làm nên những huyền thoại phi thường?
LÊ MINH QUỐC
(nguồn: báo văn Nghệ TP.HCM - 1998)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|