Nỗi lòng tượng đá
Việc tìm được chỗ đứng đúng với công năng lẫn giá trị của những tượng điêu khắc dường như ngày một khó khăn hơn, khi quy hoạch không gian đô thị luôn thiếu cái nhìn đúng về những tác phẩm nghệ thuật này.
Tượng về với trường
Nhân Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân 22/12, tối ngày 18/12, nhà thơ Lê Minh Quốc, đại diện cho nhà điêu khắc Tô Sanh đã bàn giao bức tượng bằng đá hoa cương tạc cố Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa cho nhà thơ Phạm Hồng Danh rước về đặt ở Trường THPT Vĩnh Viễn, quận Tân Phú, TP.HCM.
Chuyện bắt đầu từ năm 1992, nhà điêu khắc Tô Sanh có tạc một bức tượng cụ Trần Đại Nghĩa bằng đá hoa cương đỏ, nặng hơn 200 kg. Sinh thời, cụ Trần Đại Nghĩa rất thích bức tượng này và đã để lại bút tích cảm ơn nhà điêu khắc Tô Sanh. Bức tượng được đặt trước cửa căn hộ của cụ Tô Sanh ở hẻm 192 Phan Văn Hân, Bình Thạnh, TP.HCM.
Điều đáng nói ở đây là do lý do sức khỏe, cụ Tô Sanh phải vào Viện dưỡng lão, và cho thuê lại căn hộ này. Người thuê lại dùng mặt bằng ấy kinh doanh một... quán nhậu. Vô hình chung, bức tượng Trần Đại Nghĩa quý giá năm nào giờ không biết đặt đâu.
Biết việc tượng Trần Đại Nghĩa nằm ở quán nhậu, nhà thơ, nhà giáo Phạm Hồng Danh không khỏi chạnh lòng. Tìm hiểu những người thân quen với điêu khắc gia Tô Sanh, ông quyết tâm xin rước tượng về đặt ở khuôn viên Trường THPT Vĩnh Viễn.
Nhà thơ, nhà giáo Phạm Hồng Danh chia sẻ: "Tôi quý trọng cụ nên muốn được rước tượng cụ về chứ thấy để tượng danh nhân như cụ ở quán nhậu thì rất phản cảm!". Mong muốn của ông cũng là ước nguyện của nhà điêu khắc Tô Sanh. Ông nhanh chóng đồng ý và đã viết giấy ủy quyền cho nhà thơ Lê Minh Quốc làm việc ý nghĩa này.
Theo nhà thơ Lê Minh Quốc, cụ Trần Đại Nghĩa quê Vĩnh Long, học tại Pháp và về nước tham gia kháng chiến từ những ngày đầu khởi nghĩa. Tên Trần Đại Nghĩa cũng là do Bác Hồ đặt. Giáo sư Trần Đại Nghĩa chế tạo vũ khí nhờ tự học. Tính tình cụ rất hiền lành đến độ nhiều người cho rằng, cụ là... ông bụt đi đúc súng chống ngoại xâm.
"Tấm gương tự học, yêu nước của cố Giáo sư Trần Đại Nghĩa rất đáng để tượng của ông đặt tại trường học cho thế hệ trẻ noi theo. Với một danh nhân yêu nước như thế, bức tượng chân dung cụ phải có một vị trí xứng đáng, chứ không thể đặt ở quán nhậu, điều này thật thật không phải đạo", nhà thơ chia sẻ.
Vẫn còn nhiều trôi nổi
Biết việc nhà điêu khắc Tô Sanh sức yếu, nhiều bệnh tuổi già, nhà thơ Phạm Hồng Danh cũng đã hỗ trợ một phần kinh phí để cụ an dưỡng. Biết tác phẩm của mình được kịp thời trân quý ở thời gian cuối đời đã an ủi điêu khắc gia này rất nhiều.
Tuy nhiên, thực tế không có nhiều tác phẩm, tác giả điêu khắc có được may mắn như thế. Không khó để thấy rằng, không gian dành cho tượng điêu khắc ở các thành phố lớn đã và đang thiếu thốn suốt thời gian qua.
Điểm lại, ngoài tượng đài được sáng tác từ những "đơn đặt hàng" của các cơ quan chức năng, tác phẩm điêu khắc có được từ những trại sáng tác nhiều đầu tư may mắn thì được đem ra công viên xếp đặt tùy tiện và chẳng được bảo quản, không may mắn thì chịu cảnh... trùm mền.
Không chỉ thiếu không gian trưng bày, thiếu thị trường tiêu thụ cũng là lý do khiến tượng điêu khắc ngày càng co mình trong... kho của chính tác giả. Họ vẫn miệt mài sáng tác, trưng bày với bạn bè, rồi phải tự tìm không gian trong nhà mình để lưu trữ, đợi có dịp thì mang ra trưng bày mươi ngày ở một triển lãm nào đó.
Thậm chí, một số điêu khắc gia trẻ còn phải liên kết với nhau để tìm đến doanh nghiệp giới thiệu tác phẩm để tìm đầu ra cho đứa con tinh thần.
Khó khăn chồng thử thách, sẽ không quá lời khi cho rằng chẳng còn bao nhiêu đất cho nghệ thuật điêu khắc tỏa sáng trong làng mỹ thuật Việt Nam. Bài toán quy hoạch không gian đô thị tương lai liệu có để mắt tới loại hình nghệ thuật này? Câu trả lời chính là số phận cho điêu khắc Việt.
TRẦN HOÀNG NHÂN
(nguồn: http://www.doanhnhansaigon.vn/online/van-hoa-nghe-thuat/su-kien/2013/12/1078823/noi-long-tuong-da/)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|