LÊ HƯNG VKD: TÁO QUÂN - vua bếp mọi nhà

 

Màn đàm vui ngày Tết:
TÁO QUÂN - vua bếp mọi nhà

Năm hết Tết đến, mọi người đều như có thói quen nhớ và nhắc nhau cúng "vua bếp" vào ngày 23 tháng chạp; người miền nam gọi vua bếp là Táo Công, còn người miền bắc gọi là Táo Quân .... Theo Hán Việt từ điển của cố học giả Đào Duy Anh, thì ý nghĩa các từ vựng nêu trên như sau:
- táo: bếp nấu ăn
- công: người tôn trọng công bằng, không tư vị với ai ....
- quân: người cùng vai vế xưng hô với nhau, cùng là bạn thân gọi nhau....

 

ban_tho_ong_tao

Táo quân theo tranh dân gian Việt Nam

 

Theo cụ đông y sĩ Đẩu Sơn (Lê Lã Sảng) năm xưa kể lại cho con cháu: việc thờ cúng ông Táo bắt nguồn từ luật tục thờ "ngũ tự linh thần": Môn - Hộ - Tĩnh - Trung vị Khu - Táo (tức thần giữ cửa, thần giữ nhà, thần giữ giếng, thần giữ chính giữa nhà và thần giữ bếp) do các vua thời phong kiến đặt ra để thần dân làm theo.

Trong thực tế cuộc sống xã hội thì tục lệ cúng thần bếp được đông đảo người đời áp dụng hơn cả. Lý do chính vì gia chủ hàng ngày đều phải ra vào bếp, mọi sinh hoạt trong nhà thần bếp biết rõ cả! Mong được lòng vua bếp (táo quân, táo công), mọi người ưu tiên lễ cúng thần bếp nhiều hơn các vị thần kia, và hy vọng cuối năm Táo quân về TRỜI tấu trình thuận lợi cho gia đình mình! Từ đây trong văn hóa dân gian đã phát sinh khá nhiều câu chuyện vui - lạ về sự tích ông Táo - bà Táo ...

1/ Chuyện tình tay ba "một Bà hai Ông": 

Tình yêu thần Táo đậm đà
Thế gian híếm có: một Bà hai Ông !

Mối tình này được cụ lang Đẩu Sơn (dòng họ Lê -Lã tỉnh Hưng Yên) lý giải theo kỳ thư Kinh Dịch (bộ sách tríết học cổ đại của người Trung Hoa, bàn luận về sự vận động của 8 hiện tượng thiên nhiên: nuớc, lửa, trời cao, đất thấp, sấm chớp, giông gíó, núi đồi, đầm vũng ... các sách xưa gọi là "bát quái"....) Người trí thức nho học đã ký hiệu hóa tất cả 8 quái (còn gọi là 8 quẻ) nêu trên bằng các nét vẽ ngang: một vạch dài là DƯƠNG,hai vạch ngắn là ÂM; nên nhớ triết thuyết Âm Dương - Ngũ Hành trong Kinh Dịch là lý luận về mối quan hệ CHO&NHẬN luôn luôn diễn ra, để làm mới hơn mọi sự vật; khái niệm Dương là CHO RA, khái niệm Âm là NHẬN VÀO. Vì quẻ Ly (hiện tượng lửa) có ký hiệu nhị phân Âm Dương như sau:
................................           (dương)
............      ..............            (âm)
................................             (dương)

Bếp nấu ăn thì thường xuyên có khói có lửa, vậy quẻ Ly là tượng hình thần bếp (Táo công), gồm phần âm ở chính giữa, còn phía trên và phía dưới đều là phần dương. Miền bắc nước ta tạo cấu trúc lò bếp (gọi là "ông đầu rau") gồm 3 hòn đất nung (cao khoảng >20cm) có chân đế lớn, phía trên có mấu cong; hòn đất giữa đặt ở phía trong (gọi là "đầu rau cái", đánh dấu bằng một lỗ khoét sâu - nhỏ tượng trưng sinh thực khí Táo Bà), hai hòn đất còn lại ở hai bên phía trước (gọi là "đầu rau đực", biểu tượng hai Táo Ông). Sang thế kỷ 20, dân ta cách điệu bếp quẻ ly (3 đầu rau) bằng bếp kiềng, là dụng cụ hình cánh cung đúc bằng gang (hoặc sắt) có 3 chân trụ vững vàng:

Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân
(Tố Hữu - 1954)

Chuyện tình tay ba"1 bà 2 ông" đại lược theo truyền thuyết mẫu hệ (phụ nữ có quyền lấy nhiều chồng) như sau:
- Táo Bà yêu cả hai táo Ông; vì ghen tuông thường tình: táo Ông 1 châm lửa đốt đống rơm là nơi táo Ông 2 đang ngủ say (mưu đồ độc quyền chiếm hữu tình yêu của táo Bà !); táo Ông 2 rên la cầu cứu: táo Bà lao vào lửa cứu táo Ông 2, tiếp theo là táo Ông 1 cũng nhảy vào lửa cứu táo Bà .... Kết quả bi thảm: cả 3 người đều chết cháy (trong đống rơm lửa yêu & ghen !) ....

2/ Sự tích Táo quân chầu TRỜI chọn ngày 23 tháng chạp:

Kinh Dịch là bộ sách luận thuyết về quan hệ CHO & NHẬN luôn tồn tại trong bản chất mọi sự vật (được khái quát hóa như 2 phạm trù cơ bản cho mọi sự sống sinh vật,người xưa gọi là Dương & Âm), thế nên quá trình vận động Cho - Nhận (tức Dương & ÂM) cũng phải theo 5 qui phạm được mã số hóa (luật ngũ hành: kim - thủy - mộc - hỏa - thổ), trong đó mã số của hành Thổ là mã số trung tâm-mã số có thế lực quản lý các mã số của 4 hành còn lại - theo bát quái đồ Hậu Thiên Văn Vương:

 

lehungRRR


Mỗi tháng âm lịch có 29 hoặc 30 ngày, thì các ngày có mã số trung tâm hành Thổ (hàm ý là ngày tốt đẹp cho mọi việc) chỉ có 3 ngày:
- ngày mồng 5
- ngày 14 (vì 1 + 4 = 5)
- ngày 23 (vì 2 + 3 = 5)

Và do đó các vua chúa phong kiến ngày xưa muốn độc quyền sử dụng 3 ngày nêu trên, bằng cách truyền thông tâm lý đến thần dân câu ca dao bi quan: mồng năm, mười bốn, hăm ba / đi chơi cũng lổ nữa là đi buôn! Riêng "Táo quân" là "đặc phái viên thường trú" của nhà Trời, nên được phép chọn các ngày đẹp trong tháng chạp (12 âm lịch) hàng năm (tức các ngày 5, 14, 23) để về chầu Trời "báo cáo tổng kết" mọi hoạt động của gia chủ (mà Táo quân được phân nhiệm quản lý ); do đó các nhà Táo  chọn ngày 23 tháng chạp là hợp lý hơn cả: ngày đẹp cuối cùng của mỗi năm !

Cụ đông y sĩ ĐẨU SƠN cũng cho biết thêm: các hộ kinh doanh thuộc gia tộc Lê Lã - Hưng Yên xưa (thế kỷ 19 &20) thực tế áp dụng ... mới mẻ hơn trong việc chọn ngày ĐẸP, đó là:  

Ngày 5, mười 4, hăm 3,
Chơi không cũng Lãi, nữa là đi buôn ...

Điều này hàm nghĩa: không nên ám ảnh né tránh các ngày âm lịch 5 - 14 - 23 như nhiều người đã ngộ nhận bấy lâu nay !

(Lập Xuân Giáp Ngọ - 2014)
Lê Hưng VKD


Chú thích (nguồn sách tham khảo):


- Nghiệm lý phong hoà - thuỷ tú  -  NXB. Tổng hợp TP.HCM - 2007
- Dịch lý & phong thuỷ - NXB. Đồng Nai - 2012
- Biết mình - hiểu người, hài hoà cuộc sống - NXB. Tổng Hợp tp.HCM - 2012

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com