Rước tượng GS Trần Đại Nghĩa về trường học

Nhân dịp ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12, tối 18/12, tại một quán nhậu nằm ở hẻm 192 Phan Văn Hân, quận Bình Thạnh, TP.HCM, nhà thơ Lê Minh Quốc (đại diện cho nhà điêu khắc Tô Sanh) đã bàn giao bức tượng bằng đá hoa cương tạc giáo sư, viện sĩ, thiếu tướng Trần Đại Nghĩa cho nhà thơ Phạm Hồng Danh, để nhà thơ rước về đặt ở Trường THPT Vĩnh Viễn (quận Tân Phú, TP.HCM).

Năm 1992, nhà điêu khắc Tô Sanh có tạc một bức tượng thiếu tướng, GS-viện sĩ Trần Đại Nghĩa bằng đá hoa cương màu đỏ nặng hơn 200kg. Sinh thời, cụ Trần Đại Nghĩa rất thích bức tượng này và để lại bút tích cảm ơn nhà điêu khắc Tô Sanh đã tạc tượng mình. 

Hiện cụ Tô Sanh tuổi đã cao, sức yếu đang sống trong nhà dưỡng lão Thị Nghè, còn cha đẻ của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam Trần Đại Nghĩa cũng đã qua đời. Bức tượng Tô Sanh tạc GS Trần Đại Nghĩa đặt trước cửa căn hộ nhà cụ Tô Sanh ở hẻm 192 Phan Văn Hân, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Nhưng từ ngày cụ Tô Sanh vào viện dưỡng lão, căn nhà được cho thuê và chủ thuê mở quán nhậu, nên bức tượng GS Trần Đại Nghĩa không biết đặt đâu.

 

 

tran-dai-nghiaresize
Nhà thơ Lê Minh Quốc (giữa) và nhà thơ Phạm Hồng Danh thắp hương trước khi rước tượng Trần Đại Nghĩa về trường THPT Vĩnh Viễn


Một lần, nhà thơ - nhà giáo Phạm Hồng Danh đến quán này và thấy tượng GS Trần Đại Nghĩa nằm chơ vơ ở quán nhậu nên cám cảnh. Biết nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc thân quen với cụ Tô Sanh, nên Phạm Hồng Danh đã nhờ Lê Minh Quốc liên lạc với cụ để xin rước tượng về đặt ở Trường THPT Vĩnh Viễn của anh. Cụ Tô Sanh đã viết giấy ủy quyền cho Lê Minh Quốc làm việc ý nghĩa này.

Nhà thơ Lê Minh Quốc cho biết: “Ai đời quán nhậu lại để bức tượng tạc chân dung danh nhân Trần Đại Nghĩa? Tủi hổ vong linh người đã khuất quá! Vì cụ Trần Đại Nghĩa quê Vĩnh Long nhưng học tại Pháp rồi về nước kháng chiến theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Tên Trần Đại Nghĩa là do Bác đặt. GS Trần Đại Nghĩa chế tạo vũ khí nhờ tự học. Được biết, cụ đã tự học tiếng Đức để đọc các tài liệu chế tạo vũ khí của Đức. Và tính tình cụ rất hiền lành đến độ nhiều người cho rằng, cụ là… ông bụt đi đúc súng chống ngoại xâm. Với tấm gương tự học, yêu nước của GS Trần Đại Nghĩa, tượng của ông rất đáng được đặt tại trường học để thế hệ trẻ noi gương”. 

Nhà thơ Phạm Hồng Danh nói: “Cụ Trần Đại Nghĩa tên thật Phạm Quang Lễ, cụ và tôi có nhiều điểm tương đồng. Ví dụ như cụ làm nhà giáo thì tôi cũng là nhà giáo, cụ là quân nhân thì tôi cũng từng là quân nhân. Tôi quý trọng cụ nên rước tượng cụ về ”. 

Biết việc nhà điêu khắc Tô Sanh sức yếu, nhiều bệnh tuổi già, nhà thơ Phạm Hồng Danh đã hỗ trợ một phần kinh phí để cụ an dưỡng tại nhà dưỡng lão Thị Nghè khi xin rước tượng Trần Đại Nghĩa về trường học của anh. 

H.NHÂN
(nguồn: http://www.thethaovanhoa.vn/xa-hoi/ruoc-tuong-gs-tran-dai-nghia-ve-truong-hoc-n20131221074339695.htm Báo Thể thao & Văn hóa)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com