Rước tượng GS Trần Đại Nghĩa về trường học

Mục lục
Rước tượng GS Trần Đại Nghĩa về trường học
* Di dời tượng GS. VS Trần Đại Nghĩa về trường THPT Vĩnh Viễn
* Rước tượng GS Trần Đại Nghĩa về trường học
* Đoạn kết có hậu cho bức tượng Trần Đại Nghĩa
* Nhà điêu khắc Tô Sanh tặng tượng GS.TS Trần Đại Nghĩa cho trường học
* Tượng Trần Đại Nghĩa dời từ cửa quán nhậu về sân trường
* Tượng cố GS. Trần Đại Nghĩa và lời hứa 30 năm
* 'Se duyên' cho tượng
* Nỗi lòng tượng đá
Tất cả các trang
tran-dai-nghia-RR-anh-nay
Danh nhân Trần Đại Nghĩa (1913-1997)

Di dời tượng GS. VS Trần Đại Nghĩa về trường THPT Vĩnh Viễn
 
Theo kế hoạch, sau ngày 22/12, bức tượng cố Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa do kỷ lục gia, nhà điêu khắc Tô Sanh sáng tác được nhà thơ Lê Minh Quốc, Phạm Hồng Danh và Trường Trung học phổ thông Vĩnh Viễn đưa về Trường trưng bày như một biểu tượng về tinh thần hiếu học cho học sinh noi theo.

tuong22.12.13

Bức tượng GS. VS, Anh hùng Trần Đại Nghĩa trước khi di dời về trường trung học phổ thông Vĩnh Viễn.



  Nhà thơ Lê Minh Quốc cho biết, bức tượng được ông Tô Sanh thực hiện năm 1992 nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Giáo sư, Viện sĩ (GS. VS) Anh hùng Trần Đại Nghĩa. Đây cũng là tác phẩm duy nhất trong bộ sưu tập khổng lồ của nhà điêu khắc Tô Sanh về tượng chân dung các danh nhân, anh hùng Việt Nam được  nhà điêu khắc sử dụng chất liệu là đá hoa cương.

Sinh thời, GS Trần Đại Nghĩa đã rất cảm kích và thích tác phẩm này. Với tác giả, đây cũng là tác phẩm được dành nhiều tâm sức và rất tâm đắc. Thế nên sau này, mặc dù hầu hết các sáng tác đều được lão nghệ sĩ trao tặng cho các bảo tàng và nhiều đơn vị khác thì bức tượng GS Trần Đại Nghĩa vẫn được ông giữ lại cho riêng mình.

Vì tuổi cao sức yếu, những năm gần đây, nhà điêu khắc Tô Sanh đã vào sống tại Viện dưỡng lão TP HCM. Ngôi nhà riêng của ông trong hẻm 92 đường Phạm Văn Hân, quận Bình Thạnh, TP HCM được cho thuê, trở thành quán  bán hàng ăn uống. Tác phẩm cũng trở nên lạc lõng, chơ vơ giữa những thực khách ồn ào.

Biết chuyện về bức tượng, nhà thơ Lê Minh Quốc đã cùng nhà thơ Phạm Hồng Danh thuyết phục tác giả đưa bức tượng về trưng bày tại Trường trung học phổ thông Vĩnh Viễn, TP HCM như một biểu tượng về tinh thần hiếu học, lao động sáng tạo và yêu nước cho học sinh noi theo.

Tối ngày 18/12, nhà thơ Lê Minh Quốc, Phạm Hồng Danh và trường phổ thông trung học Vĩnh Viễn đã làm lễ rước tượng về trường. Sau khi hoàn thành bệ đỡ và các công tác chuẩn bị khác, bức tượng chính thức an vị và trở thành một phần không thể thiếu của ngôi trường nói trên.

N.H

(nguồn: http://www.cand.com.vn/vi-VN/xahoi/2013/10/218384.cand)


Rước tượng GS Trần Đại Nghĩa về trường học

Nhân dịp ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12, tối 18/12, tại một quán nhậu nằm ở hẻm 192 Phan Văn Hân, quận Bình Thạnh, TP.HCM, nhà thơ Lê Minh Quốc (đại diện cho nhà điêu khắc Tô Sanh) đã bàn giao bức tượng bằng đá hoa cương tạc giáo sư, viện sĩ, thiếu tướng Trần Đại Nghĩa cho nhà thơ Phạm Hồng Danh, để nhà thơ rước về đặt ở Trường THPT Vĩnh Viễn (quận Tân Phú, TP.HCM).

Năm 1992, nhà điêu khắc Tô Sanh có tạc một bức tượng thiếu tướng, GS-viện sĩ Trần Đại Nghĩa bằng đá hoa cương màu đỏ nặng hơn 200kg. Sinh thời, cụ Trần Đại Nghĩa rất thích bức tượng này và để lại bút tích cảm ơn nhà điêu khắc Tô Sanh đã tạc tượng mình. 

Hiện cụ Tô Sanh tuổi đã cao, sức yếu đang sống trong nhà dưỡng lão Thị Nghè, còn cha đẻ của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam Trần Đại Nghĩa cũng đã qua đời. Bức tượng Tô Sanh tạc GS Trần Đại Nghĩa đặt trước cửa căn hộ nhà cụ Tô Sanh ở hẻm 192 Phan Văn Hân, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Nhưng từ ngày cụ Tô Sanh vào viện dưỡng lão, căn nhà được cho thuê và chủ thuê mở quán nhậu, nên bức tượng GS Trần Đại Nghĩa không biết đặt đâu.

 

 

tran-dai-nghiaresize
Nhà thơ Lê Minh Quốc (giữa) và nhà thơ Phạm Hồng Danh thắp hương trước khi rước tượng Trần Đại Nghĩa về trường THPT Vĩnh Viễn


Một lần, nhà thơ - nhà giáo Phạm Hồng Danh đến quán này và thấy tượng GS Trần Đại Nghĩa nằm chơ vơ ở quán nhậu nên cám cảnh. Biết nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc thân quen với cụ Tô Sanh, nên Phạm Hồng Danh đã nhờ Lê Minh Quốc liên lạc với cụ để xin rước tượng về đặt ở Trường THPT Vĩnh Viễn của anh. Cụ Tô Sanh đã viết giấy ủy quyền cho Lê Minh Quốc làm việc ý nghĩa này.

Nhà thơ Lê Minh Quốc cho biết: “Ai đời quán nhậu lại để bức tượng tạc chân dung danh nhân Trần Đại Nghĩa? Tủi hổ vong linh người đã khuất quá! Vì cụ Trần Đại Nghĩa quê Vĩnh Long nhưng học tại Pháp rồi về nước kháng chiến theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Tên Trần Đại Nghĩa là do Bác đặt. GS Trần Đại Nghĩa chế tạo vũ khí nhờ tự học. Được biết, cụ đã tự học tiếng Đức để đọc các tài liệu chế tạo vũ khí của Đức. Và tính tình cụ rất hiền lành đến độ nhiều người cho rằng, cụ là… ông bụt đi đúc súng chống ngoại xâm. Với tấm gương tự học, yêu nước của GS Trần Đại Nghĩa, tượng của ông rất đáng được đặt tại trường học để thế hệ trẻ noi gương”. 

Nhà thơ Phạm Hồng Danh nói: “Cụ Trần Đại Nghĩa tên thật Phạm Quang Lễ, cụ và tôi có nhiều điểm tương đồng. Ví dụ như cụ làm nhà giáo thì tôi cũng là nhà giáo, cụ là quân nhân thì tôi cũng từng là quân nhân. Tôi quý trọng cụ nên rước tượng cụ về ”. 

Biết việc nhà điêu khắc Tô Sanh sức yếu, nhiều bệnh tuổi già, nhà thơ Phạm Hồng Danh đã hỗ trợ một phần kinh phí để cụ an dưỡng tại nhà dưỡng lão Thị Nghè khi xin rước tượng Trần Đại Nghĩa về trường học của anh. 

H.NHÂN
(nguồn: http://www.thethaovanhoa.vn/xa-hoi/ruoc-tuong-gs-tran-dai-nghia-ve-truong-hoc-n20131221074339695.htm Báo Thể thao & Văn hóa)


Đoạn kết có hậu cho bức tượng Trần Đại Nghĩa

 

Đường hẻm số 192 đường Phan Văn Hân- quận Bình Thạnh- TPHCM có quán nhậu mang tên Cà ri Chà, do cựu nhà báo Vương Liễu Hằng mở ra, chủ yếu để dành cho bạn bè tụ tập và… buôn chuyện. Chuyện mở quán nhậu ở Sài Gòn chẳng có gì lạ, nếu trước cửa quán không có một bức tượng khá lớn được đặt từ lâu.

 

trandainghiatienphong

Lúc di dời tượng GS-VS Trần Đại Nghĩa

Theo Vương Liễu Hằng, từ ngày thuê nhà để mở quán, chị đã thấy bức tượng đặt ở đó. Cho đến một ngày nhà thơ Lê Minh Quốc ghé quán nhậu, sững sờ: “Thôi chết! Đây chính là bức tượng của Giáo sư - Viện sỹ Trần Đại Nghĩa. Còn quán nhậu này chính là căn nhà cũ của nhà điêu khắc Tô Sanh”.

Tìm hiểu thêm, nhà thơ mới biết cụ Tô Sanh vì không có gia đình ở cùng nên đã vào cư ngụ những năm cuối đời tại Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè - TPHCM. Bức tượng Trần Đại Nghĩa là của cụ Tô Sanh tạc, nhưng vì không có chỗ đặt nên cụ đành phải để ở nhà cũ.

Theo nhà thơ, cụ Tô Sanh là một trong những nhà điêu khắc giỏi của Việt Nam, thời còn khỏe cụ từng tạc trên 300 bức tượng Bác Hồ, Bác Tôn, những vị lãnh đạo Cách mạng nổi tiếng khác như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… và cả những nhà khoa học, nghệ sỹ, nhà tình báo tiếng tăm: Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Vũ Khiêu, Lưu Hữu Phước, Trà Giang, Phùng Há, Phạm Xuân Ẩn… Cụ Tô Sanh đã được trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là người điêu khắc chân dung nhiều nhất Việt Nam.

Có một điều khá thú vị là hầu hết những bức tượng chân dung đó cụ không bán, khi thì tặng gia đình người thân của những bức chân dung, khi thì tặng các công viên hay bảo tàng, trong đó có một bức tượng bán thân rất lớn về Hồ Chủ tịch được nhà điêu khắc tặng cho trung tâm dưỡng lão Thị Nghè.

Bức tượng Giáo sư - Viện sỹ Trần Đại Nghĩa này là bức duy nhất của Tô Sanh được tạc bằng đá hoa cương. Đây là một kỳ công của nhà điêu khắc bởi khó nhất trong tạc tượng là sử dụng chất liệu đá, người làm phải vô cùng tỷ mỷ, cẩn thận và phải mất rất nhiều thời gian cho bức tượng. Hơn 1 năm trời kỳ công nhà điêu khắc mới làm xong bức tượng.

Vì là bức tượng đá hoa cương duy nhất nên nhà điêu khắc đã giữ làm kỷ niệm. Sau đó, giáo sư Trần Đại Nghĩa đã tới xem và viết thư gửi cho Tô Sanh: “Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của tôi, tôi xin cảm ơn anh Tô Sanh đã nhiệt tình làm bức tượng chân dung tôi. Xin chúc anh và quý quyến dồi dào sức khỏe, hạnh phúc”. Đó là vào năm 1992.

Lê Minh Quốc kể: “Nhìn bức tượng của một Giáo sư- Viện sỹ nổi tiếng mà lại nằm ở ngay đầu quán nhậu, tôi không cầm lòng. Bác Tô Sanh sức yếu, phải vào viện dưỡng lão nằm thì không trách bác được. Nhưng chúng tôi, những người làm văn hóa, phải có trách nhiệm gì với bức tượng chứ?”. Nhà thơ chia sẻ điều đó với bạn bè. Gần như ngay lập tức, một nhà thơ khác là Phạm Hồng Danh đã nhận lời ngay: “Tôi có một ngôi trường trung học, nếu được bác Tô Sanh đồng ý, tôi sẽ đưa bức tượng về đây để trưng”.

Nói là làm. Lê Minh Quốc trực tiếp liên hệ với cụ Tô Sanh. Nhà điêu khắc đã đồng ý để cho Phạm Hồng Danh đưa bức tượng Trần Đại Nghĩa về trường THPT Vĩnh Viễn- Tân Phú- TPHCM. Tối 18/12, cả 2 nhà thơ cùng bạn bè long trọng tổ chức buổi lễ rước tượng Trần Đại Nghĩa. Rất nhiều người dân trong xóm đã tới xem rước tượng. Nhiều người xúm vô giúp đưa tượng lên xe, dọn dẹp hẻm rộng để xe đi.

Sáng 19/12, những học trò trường Vĩnh Viễn ngỡ ngàng thấy một bức tượng đặt trang trọng giữa sân trường. Nhà thơ Phạm Hồng Danh cười: “Tôi không nghĩ đây là việc thiện mà coi như trách nhiệm của mình với danh nhân, với những người từng góp công sức rất lớn cho cuộc sống hôm nay. Và những danh nhân đó cũng sẽ giúp chúng tôi dạy các em trở thành người có ích cho xã hội”.

Trọng Thịnh

(nguồn: http://www.tienphong.vn/Page/PrintView.aspx?ArticleID=664644) 

 

Nhà điêu khắc Tô Sanh tặng tượng GS.TS Trần Đại Nghĩa cho trường học

Chiều 18.12, nhà thơ Lê Minh Quốc được ủy quyền của nhà điêu khắc Tô Sanh trao lại bức tượng của cố GS.Viện sĩ Trần Đại Nghĩa cho THPT Vĩnh Viễn. Bức tượng này được nhà điêu Tô Sanh tạc vào năm 1992, nhân ngày sinh nhật lần thứ 80 của GS.Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.

Suốt cuộc đời mình Tô Sanh nặn rất nhiều tượng danh nhân và đã được Trung tâm Kỷ lục Việt Nam ghi nhận điều này. Nhưng đây là bức tượng duy nhất hoàn toàn làm từ đá hoa cương, nặng 200kg được nhà điêu khắc Tô Sanh đặt ở nhà riêng của ông tại quận Bình Thạnh.

Hiện nay ông đã ngoài 80 tuổi, sống trong viện dưỡng lão Thị Nghè, ông đã đem tặng hầu hết các bức tượng của mình…Chỉ duy nhất bức tượng GS.Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là vẫn còn để trước nhà của ông từ đó đến nay.

Nhà thơ Phạm Hồng Danh - Chủ tịch sáng lập trường THPT Vĩnh Viễn- Tân Phú, TP.HCM đã ngỏ ý đưa bức tượng về đặt tại trường và được ông đồng ý ngay. Nhà thơ Lê Minh Quốc là người được ủy quyền trao bức tượng này cho đại diện trường THPT Vĩnh Viễn, với mong muốn các thế hệ học sinh của trường có tinh thần tự học như cố GS. Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.

Đại diện trường THPT Vĩnh Viễn nhân dịp này tặng 20 triệu đồng cho nhà điêu khắc Tô Sanh dưỡng lão.

H.Tr

(nguồn: http://www.baovanhoa.vn/vanhoavannghe/59720.vho)


Tượng Trần Đại Nghĩa dời từ cửa quán nhậu về sân trường

Sau một năm nằm lạc lõng trước cửa quán nhậu, bức tượng đá hoa cương do điêu khắc gia Tô Sanh tạc nhà khoa học nổi tiếng được dời đến trường học.

Nhà thơ Lê Minh Quốc chia sẻ với VnExpress, dịp cuối năm, anh và các văn nghệ sĩ vừa làm được điều mà ai cũng cảm thấy nhẹ lòng. Đó là tìm được địa điểm hợp lý để di dời bức tượng bằng đá hoa cương, nặng hơn 200 kg, tạc chân dung Giáo sư Trần Đại Nghĩa về sân một trường học.

Hơn một năm nay, căn hộ nhỏ của nhà điêu khắc Tô Sanh - nằm trong con hẻm của đường Phan Văn Hân, quận Bình Thạnh, TP HCM - được ông cho một người thuê lại để kinh doanh hàng ăn uống. Điêu khắc gia, do tuổi già, sức yếu, lại không có người thân chăm sóc, đã vào Viện dưỡng lão Thị Nghè, Bình Thạnh sống.

Trước khi vào Viện dưỡng lão, Tô Sanh trao tặng hết hàng trăm bức điêu khắc nhiều kích cỡ mà ông dày công thực hiện trong suốt thời gian dài. Những bức tượng này vốn gắn bó với lão nghệ sĩ từ lâu.

to-sanh-1293-1387795677

Từ trái qua: nhà thơ Lê Minh Quốc và nhà thơ Phạm Hồng Danh khấn tượng trước ngày di dời về trường học.


"Dù đã tặng đi hết các tác phẩm đầy tâm huyết của mình, có một bức tượng lớn bằng đá hoa cương, nặng hơn 200kg tạc chân dung của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là Tô Sanh vẫn giữ trước căn nhà cũ từ những năm 1990. Ngay cả khi cho thuê nhà cũ, ông vẫn không muốn tặng bức tượng đi vì rất quý nó và chưa tìm ra được nơi chốn thích hợp để gửi gắm tác phẩm", Lê Minh Quốc kể.

Tô Sanh quý bức tượng chân dung Trần Đại Nghĩa không chỉ vì tượng được làm từ chất liệu tốt mà vì chính vị giáo sư đã làm mẫu trực tiếp để điêu khắc gia tạc chân dung mình. Năm 1992, sau khi xem qua bức tượng, nhà khoa học nổi tiếng đã viết cho Tô Sanh bức thư tay dành nhiều lời cảm ơn và khen ngợi. Bức thư được Tô Sanh cất giữ rất cẩn thận, trong đó có dòng ghi: "Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của tôi, tôi xin cảm ơn anh Tô Sanh đã nhiệt tình làm tượng chân dung tôi...".

 

to-sanh-2-1345-1387795677

Điêu khắc gia Tô Sanh tạc tượng trực tiếp cố nghệ sĩ Hồ Kiểng. Hiện nay, Tô Sanh khá yếu. Ông không còn làm được công việc mình yêu thích mà chỉ hàng ngày quanh quẩn ở Viện dưỡng lão.

Chị Vương Liễu Hằng, người thuê gian nhà của Tô Sanh để lập quán nhậu chia sẻ, chị và người dân xung quanh đều hiểu rõ về lai lịch của bức tượng hoa cương này và quý tài nghệ của điêu khắc gia cao tuổi. "Từ khi mở quán đến nay, tôi cứ canh cánh chuyện kiếm 'nhà mới' để dời tượng cụ về cho trang trọng hơn. Chứ để đây, hàng ngày, khách ra vào nhìn cũng ái ngại. Không ai muốn bức tượng đứng lẻ loi ở nơi không phù hợp thế này", chị Hằng nói.

Vốn quen biết và mến mộ điêu khắc gia Tô Sanh từ lâu, Lê Minh Quốc thường dành thời gian đến thăm lão nghệ sĩ này. Lê Minh Quốc cũng là bạn của chị Vương Liễu Hằng. Khi được nghe về chuyện bức tượng và nỗi niềm của nghệ sĩ già, nhà thơ đã kể cho nhiều bạn bè của mình như: nhà văn Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Đông Thức, nhà thơ Trần Hoàng Nhân... Qua nhiều mối quan hệ, cuối cùng, một trong những người bạn của anh là nhà thơ Phạm Hồng Danh ngỏ ý được dời bức tượng về đặt ở sân một ngôi trường trung học mà anh làm chủ tịch hội đồng quản trị, nằm ở quận Tân Phú, TP HCM.

"Khi tôi vào Viện dưỡng lão báo tin cho điêu khắc gia Tô Sanh, ông rất vui khi tượng Trần Đại Nghĩa sẽ được đặt ở trường học. Bởi Trần Đại Nghĩa là một nhà khoa học, nhà kỹ sư quân sự nổi tiếng về tự học. Ông là tấm gương khuyến học rất lớn cho thế hệ trẻ Việt Nam", Lê Minh Quốc tâm sự.

Ở tuổi 80, hiện sức khỏe của điêu khắc gia Tô Sanh khá yếu. Suốt một đời gắn bó với công việc điêu khắc, ông thực hiện được hơn 300 bức tượng chân dung, hầu hết là những người nổi tiếng và được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục gia. Nhiều người còn gọi ông là "nhà viết sử bằng tượng".

Thoại Hà

(nguồn: http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/san-khau-my-thuat/tuong-tran-dai-nghia-doi-tu-cua-quan-nhau-ve-san-truong-2927611.html)


Tượng cố GS. Trần Đại Nghĩa và lời hứa 30 năm

 

nghia-1

Bút tích của cố GS. Trần Đại Nghĩa

Sau một thời gian dài “tìm duyên” cho tượng, cuối cùng tượng cố GS. Trần Đại Nghĩa đã được tác giả tặng cho Trường THPT Vĩnh Viễn, TP.HCM.

Nhân duyên

Đêm 18-12, tượng chân dung cố GS. Trần Đại Nghĩa được tạc bởi nhà điêu khắc tài hoa Tô Sanh nhân sinh nhật lần thứ 80 của GS đã được tác giả tặng cho Trường THPT Vĩnh Viễn. Gần 22 năm nay, tượng đặt trong căn hộ chung cư hẻm 192 (đường Phan Văn Hân, Q.Bình Thạnh) của nhà điêu khắc Tô Sanh. Đầu năm 2013, ông Sanh đã về ở trong Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè và căn hộ đã cho thuê. Hiện, ông đã gần 90 tuổi, bệnh tật bủa vây. Vì lẽ đó, những ngày cuối đời, ông mong muốn tượng cố GS. Trần Đại Nghĩa được đặt ở một nơi trang trọng, nhằm giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần tự học, tự rèn của GS.
Lần đến thăm nhà điêu khắc Tô Sanh ở trung tâm dưỡng lão, nhà báo Lê Minh Quốc được ông tin tưởng giao cho việc tìm nơi đặt tượng. Hay tin, nhà giáo Phạm Hồng Danh, người sáng lập Trường THPT Vĩnh Viễn đã đặt vấn đề đưa tượng về trường và được tác giả đồng ý. Ông Danh chia sẻ: “Như một nhân duyên, cố GS. Trần Đại Nghĩa và tôi có cùng họ Phạm (tên khai sinh của cố GS là Phạm Quang Lễ -  PV), cùng là nhà giáo và cũng là người lính. GS. Trần Đại Nghĩa là một tấm gương tự học mà thế hệ trẻ cần noi theo. Việc đặt tượng tại trường cũng không nằm ngoài ý nghĩa giáo dục học sinh tinh thần tự học ấy”. Đáp lại nghĩa cử của nhà điêu khắc Tô Sanh, ông Phạm Hồng Danh đã hỗ trợ chi phí vật tư, thù lao tạc tượng để tác giả có điều kiện thuốc thang.
Khi hay tin tượng cố GS. Trần Đại Nghĩa được đưa về một nơi khác, người dân “hẻm tượng” ai nấy cũng bùi ngùi, tiếc nuối như sắp phải xa một người mà họ yêu kính. Bác Nguyễn Văn Hải chia sẻ: “Ngày ngày qua lại, tượng GS. Trần Đại Nghĩa rất đỗi thân quen, cứ như ông vẫn còn sống, gần gũi với chúng tôi. Từ nay chúng tôi không còn được nhìn thấy nữa, buồn lắm”. Mắt bác Hải cũng như những người hàng xóm khác như sáng lên, mọi ưu tư gần như tan biến khi chúng tôi cho biết tượng sẽ được đặt ở Trường THPT Vĩnh Viễn. “Thế thì tốt quá, tượng được đặt ở nơi cần đặt, xứng với tầm vóc của GS, đúng với tinh thần và ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm. Ông Sanh vui lắm đây”, bác Hải tiếp.
Chuyện của 50 năm trước

 

nghia-2

Ông Phạm Hồng Danh (bìa phải) thực hiện nghi lễ trước khi đưa tượng về Trường THPT Vĩnh Viễn

Nhà điêu khắc Tô Sanh có ý định tạc tượng chân dung GS. Trần Đại Nghĩa từ năm 1962. Tuy nhiên, thời gian này GS đang lọt vào tầm ngắm của người Mỹ. Mặc dù vậy, năm ấy ông đã cất công ra Hà Nội tìm gặp GS để đặt vấn đề. Vì nhiều lý do khách quan mà mãi 30 năm sau, ông Tô Sanh mới bắt tay thực hiện tượng chân dung của GS. Trong bài Lời hứa hẹn 30 năm mới thực hiện, nhà điêu khắc Tô Sanh có viết: “Tôi đến thăm nhà của GS, kỹ sư Trần Đại Nghĩa nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 80 của GS (năm 1992). Nhà GS ở cuối ngõ vắng, nằm trong Q.1, TP.HCM. Một người phụ nữ cao niên, giọng Bắc ra cổng, nhìn tôi rồi hỏi, hơi sửng sốt: “Ông hỏi ai? Tìm ai?”. “Tôi trả lời tìm GS. Trần Đại Nghĩa. Tôi và GS là chỗ quen biết cách đây 30 năm, nay đến thăm. Chắc lâu ngày GS quên tên, xin bà nói lại rằng có một người mà GS đã hứa cách đây 30 năm để làm tượng chân dung thì GS nhớ ra”. Người phụ nữ sau này tôi biết là “Trần Đại Nghĩa phu nhân”, nhíu mày lẩm bẩm nói: “Sao việc này mình không biết nhỉ?, rồi nói lớn: “Ông chờ đây, có ông ấy ở nhà đấy”. Một lúc sau, phu nhân trở xuống vẻ tươi cười: “Xin mời anh vào. Anh là anh Tô Sanh phải không? “Đến lượt tôi sửng sốt…”.
Nhà điêu khắc Tô Sanh được giới điêu khắc gọi là “người chép sử bằng tượng”. Tượng của những nhân vật lẫy lừng trong cách mạng Việt Nam như Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, tình báo Phạm Xuân Ẩn… và những nhà chính trị, quân sự, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong và ngoài nước được ông thực hiện rất duyên và rất hồn. Ông đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Người có bộ sưu tập chân dung danh nhân nhiều nhất Việt Nam”.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
GS. Trần Đại Nghĩa hài lòng về tượng của mình
Tượng cố GS. Trần Đại Nghĩa được nhà điêu khắc Tô Sanh thực hiện vào năm 1992 bằng đá hoa cương, nặng trên 200kg. Ngày 27-9-1992, đến thăm nhà điêu khắc Tô Sanh, được chiêm ngưỡng tượng của mình, GS. Trần Đại Nghĩa rất hài lòng về thần sắc, cái hồn mà tác giả đã gửi gắm qua tượng. Bức tượng có giá trị không chỉ ở thần thái mà còn ở bút tích của người được tạc tượng. Bút tích ấy được tác giả gìn giữ trên 20 năm và đã bàn giao cho ông Phạm Hồng Danh, có ghi: “Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của tôi, xin cảm ơn anh Tô Sanh đã nhiệt tình làm tượng chân dung tôi…”.
(Nguồn: http://giaoduc.edu.vn/news/an-toan-giao-thong-659/tuong-co-gs-tran-dai-nghia-va-loi-hua-30-nam-220658.aspx)


'Se duyên' cho tượng

Tư gia của họa sĩ - điêu khắc gia Tô Sanh nằm trên đường Phan Văn Hân (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) trước đây là một “kho” lổn ngổn đầy tượng danh nhân, tượng phải dựng cả ngoài lề đường.

 

khactuong

 

Tô Sanh nay đã già yếu, vào sống trong Nhà dưỡng lão Thị Nghè, nhà xưởng của ông cho người khác thuê làm quán nhậu. Kho tượng cũng đã dời đi nhưng trước cửa vẫn còn pho tượng bán thân của thiếu tướng - viện sĩ Trần Đại Nghĩa (bằng đá hoa cương, nặng trên 200 kg). Qua sự “mối mai” của nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà thơ Phạm Hồng Danh đã điều đình với họa sĩ Tô Sanh để rước tượng về đặt tại Trường PTTH Vĩnh Viễn (Q.Tân Phú, TP.HCM) - nơi anh đang là chủ tịch HĐQT.

H.Đ.N

(nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20131221/se-duyen-cho-tuong.aspx)


 


Nỗi lòng tượng đá


Việc tìm được chỗ đứng đúng với công năng lẫn giá trị của những tượng điêu khắc dường như ngày một khó khăn hơn, khi quy hoạch không gian đô thị luôn thiếu cái nhìn đúng về những tác phẩm nghệ thuật này.

Tượng về với trường

Nhân Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân 22/12, tối ngày 18/12, nhà thơ Lê Minh Quốc, đại diện cho nhà điêu khắc Tô Sanh đã bàn giao bức tượng bằng đá hoa cương tạc cố Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa cho nhà thơ Phạm Hồng Danh rước về đặt ở Trường THPT Vĩnh Viễn, quận Tân Phú, TP.HCM.

Chuyện bắt đầu từ năm 1992, nhà điêu khắc Tô Sanh có tạc một bức tượng cụ Trần Đại Nghĩa bằng đá hoa cương đỏ, nặng hơn 200 kg. Sinh thời, cụ Trần Đại Nghĩa rất thích bức tượng này và đã để lại bút tích cảm ơn nhà điêu khắc Tô Sanh. Bức tượng được đặt trước cửa căn hộ của cụ Tô Sanh ở hẻm 192 Phan Văn Hân, Bình Thạnh, TP.HCM.

Điều đáng nói ở đây là do lý do sức khỏe, cụ Tô Sanh phải vào Viện dưỡng lão, và cho thuê lại căn hộ này. Người thuê lại dùng mặt bằng ấy kinh doanh một... quán nhậu. Vô hình chung, bức tượng Trần Đại Nghĩa quý giá năm nào giờ không biết đặt đâu.

Biết việc tượng Trần Đại Nghĩa nằm ở quán nhậu, nhà thơ, nhà giáo Phạm Hồng Danh không khỏi chạnh lòng. Tìm hiểu những người thân quen với điêu khắc gia Tô Sanh, ông quyết tâm xin rước tượng về đặt ở khuôn viên Trường THPT Vĩnh Viễn.

Nhà thơ, nhà giáo Phạm Hồng Danh chia sẻ: "Tôi quý trọng cụ nên muốn được rước tượng cụ về chứ thấy để tượng danh nhân như cụ ở quán nhậu thì rất phản cảm!". Mong muốn của ông cũng là ước nguyện của nhà điêu khắc Tô Sanh. Ông nhanh chóng đồng ý và đã viết giấy ủy quyền cho nhà thơ Lê Minh Quốc làm việc ý nghĩa này.

Theo nhà thơ Lê Minh Quốc, cụ Trần Đại Nghĩa quê Vĩnh Long, học tại Pháp và về nước tham gia kháng chiến từ những ngày đầu khởi nghĩa. Tên Trần Đại Nghĩa cũng là do Bác Hồ đặt. Giáo sư Trần Đại Nghĩa chế tạo vũ khí nhờ tự học. Tính tình cụ rất hiền lành đến độ nhiều người cho rằng, cụ là... ông bụt đi đúc súng chống ngoại xâm.

"Tấm gương tự học, yêu nước của cố Giáo sư Trần Đại Nghĩa rất đáng để tượng của ông đặt tại trường học cho thế hệ trẻ noi theo. Với một danh nhân yêu nước như thế, bức tượng chân dung cụ phải có một vị trí xứng đáng, chứ không thể đặt ở quán nhậu, điều này thật thật không phải đạo", nhà thơ chia sẻ.

 

Vẫn còn nhiều trôi nổi

Biết việc nhà điêu khắc Tô Sanh sức yếu, nhiều bệnh tuổi già, nhà thơ Phạm Hồng Danh cũng đã hỗ trợ một phần kinh phí để cụ an dưỡng. Biết tác phẩm của mình được kịp thời trân quý ở thời gian cuối đời đã an ủi điêu khắc gia này rất nhiều.

Tuy nhiên, thực tế không có nhiều tác phẩm, tác giả điêu khắc có được may mắn như thế. Không khó để thấy rằng, không gian dành cho tượng điêu khắc ở các thành phố lớn đã và đang thiếu thốn suốt thời gian qua.

Điểm lại, ngoài tượng đài được sáng tác từ những "đơn đặt hàng" của các cơ quan chức năng, tác phẩm điêu khắc có được từ những trại sáng tác nhiều đầu tư may mắn thì được đem ra công viên xếp đặt tùy tiện và chẳng được bảo quản, không may mắn thì chịu cảnh... trùm mền.

Không chỉ thiếu không gian trưng bày, thiếu thị trường tiêu thụ cũng là lý do khiến tượng điêu khắc ngày càng co mình trong... kho của chính tác giả. Họ vẫn miệt mài sáng tác, trưng bày với bạn bè, rồi phải tự tìm không gian trong nhà mình để lưu trữ, đợi có dịp thì mang ra trưng bày mươi ngày ở một triển lãm nào đó.

Thậm chí, một số điêu khắc gia trẻ còn phải liên kết với nhau để tìm đến doanh nghiệp giới thiệu tác phẩm để tìm đầu ra cho đứa con tinh thần.

Khó khăn chồng thử thách, sẽ không quá lời khi cho rằng chẳng còn bao nhiêu đất cho nghệ thuật điêu khắc tỏa sáng trong làng mỹ thuật Việt Nam. Bài toán quy hoạch không gian đô thị tương lai liệu có để mắt tới loại hình nghệ thuật này? Câu trả lời chính là số phận cho điêu khắc Việt.


TRẦN HOÀNG NHÂN

(nguồn: http://www.doanhnhansaigon.vn/online/van-hoa-nghe-thuat/su-kien/2013/12/1078823/noi-long-tuong-da/)

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com