Rước tượng GS Trần Đại Nghĩa về trường học - * Tượng cố GS. Trần Đại Nghĩa và lời hứa 30 năm

Mục lục
Rước tượng GS Trần Đại Nghĩa về trường học
* Di dời tượng GS. VS Trần Đại Nghĩa về trường THPT Vĩnh Viễn
* Rước tượng GS Trần Đại Nghĩa về trường học
* Đoạn kết có hậu cho bức tượng Trần Đại Nghĩa
* Nhà điêu khắc Tô Sanh tặng tượng GS.TS Trần Đại Nghĩa cho trường học
* Tượng Trần Đại Nghĩa dời từ cửa quán nhậu về sân trường
* Tượng cố GS. Trần Đại Nghĩa và lời hứa 30 năm
* 'Se duyên' cho tượng
* Nỗi lòng tượng đá
Tất cả các trang

Tượng cố GS. Trần Đại Nghĩa và lời hứa 30 năm

 

nghia-1

Bút tích của cố GS. Trần Đại Nghĩa

Sau một thời gian dài “tìm duyên” cho tượng, cuối cùng tượng cố GS. Trần Đại Nghĩa đã được tác giả tặng cho Trường THPT Vĩnh Viễn, TP.HCM.

Nhân duyên

Đêm 18-12, tượng chân dung cố GS. Trần Đại Nghĩa được tạc bởi nhà điêu khắc tài hoa Tô Sanh nhân sinh nhật lần thứ 80 của GS đã được tác giả tặng cho Trường THPT Vĩnh Viễn. Gần 22 năm nay, tượng đặt trong căn hộ chung cư hẻm 192 (đường Phan Văn Hân, Q.Bình Thạnh) của nhà điêu khắc Tô Sanh. Đầu năm 2013, ông Sanh đã về ở trong Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè và căn hộ đã cho thuê. Hiện, ông đã gần 90 tuổi, bệnh tật bủa vây. Vì lẽ đó, những ngày cuối đời, ông mong muốn tượng cố GS. Trần Đại Nghĩa được đặt ở một nơi trang trọng, nhằm giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần tự học, tự rèn của GS.
Lần đến thăm nhà điêu khắc Tô Sanh ở trung tâm dưỡng lão, nhà báo Lê Minh Quốc được ông tin tưởng giao cho việc tìm nơi đặt tượng. Hay tin, nhà giáo Phạm Hồng Danh, người sáng lập Trường THPT Vĩnh Viễn đã đặt vấn đề đưa tượng về trường và được tác giả đồng ý. Ông Danh chia sẻ: “Như một nhân duyên, cố GS. Trần Đại Nghĩa và tôi có cùng họ Phạm (tên khai sinh của cố GS là Phạm Quang Lễ -  PV), cùng là nhà giáo và cũng là người lính. GS. Trần Đại Nghĩa là một tấm gương tự học mà thế hệ trẻ cần noi theo. Việc đặt tượng tại trường cũng không nằm ngoài ý nghĩa giáo dục học sinh tinh thần tự học ấy”. Đáp lại nghĩa cử của nhà điêu khắc Tô Sanh, ông Phạm Hồng Danh đã hỗ trợ chi phí vật tư, thù lao tạc tượng để tác giả có điều kiện thuốc thang.
Khi hay tin tượng cố GS. Trần Đại Nghĩa được đưa về một nơi khác, người dân “hẻm tượng” ai nấy cũng bùi ngùi, tiếc nuối như sắp phải xa một người mà họ yêu kính. Bác Nguyễn Văn Hải chia sẻ: “Ngày ngày qua lại, tượng GS. Trần Đại Nghĩa rất đỗi thân quen, cứ như ông vẫn còn sống, gần gũi với chúng tôi. Từ nay chúng tôi không còn được nhìn thấy nữa, buồn lắm”. Mắt bác Hải cũng như những người hàng xóm khác như sáng lên, mọi ưu tư gần như tan biến khi chúng tôi cho biết tượng sẽ được đặt ở Trường THPT Vĩnh Viễn. “Thế thì tốt quá, tượng được đặt ở nơi cần đặt, xứng với tầm vóc của GS, đúng với tinh thần và ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm. Ông Sanh vui lắm đây”, bác Hải tiếp.
Chuyện của 50 năm trước

 

nghia-2

Ông Phạm Hồng Danh (bìa phải) thực hiện nghi lễ trước khi đưa tượng về Trường THPT Vĩnh Viễn

Nhà điêu khắc Tô Sanh có ý định tạc tượng chân dung GS. Trần Đại Nghĩa từ năm 1962. Tuy nhiên, thời gian này GS đang lọt vào tầm ngắm của người Mỹ. Mặc dù vậy, năm ấy ông đã cất công ra Hà Nội tìm gặp GS để đặt vấn đề. Vì nhiều lý do khách quan mà mãi 30 năm sau, ông Tô Sanh mới bắt tay thực hiện tượng chân dung của GS. Trong bài Lời hứa hẹn 30 năm mới thực hiện, nhà điêu khắc Tô Sanh có viết: “Tôi đến thăm nhà của GS, kỹ sư Trần Đại Nghĩa nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 80 của GS (năm 1992). Nhà GS ở cuối ngõ vắng, nằm trong Q.1, TP.HCM. Một người phụ nữ cao niên, giọng Bắc ra cổng, nhìn tôi rồi hỏi, hơi sửng sốt: “Ông hỏi ai? Tìm ai?”. “Tôi trả lời tìm GS. Trần Đại Nghĩa. Tôi và GS là chỗ quen biết cách đây 30 năm, nay đến thăm. Chắc lâu ngày GS quên tên, xin bà nói lại rằng có một người mà GS đã hứa cách đây 30 năm để làm tượng chân dung thì GS nhớ ra”. Người phụ nữ sau này tôi biết là “Trần Đại Nghĩa phu nhân”, nhíu mày lẩm bẩm nói: “Sao việc này mình không biết nhỉ?, rồi nói lớn: “Ông chờ đây, có ông ấy ở nhà đấy”. Một lúc sau, phu nhân trở xuống vẻ tươi cười: “Xin mời anh vào. Anh là anh Tô Sanh phải không? “Đến lượt tôi sửng sốt…”.
Nhà điêu khắc Tô Sanh được giới điêu khắc gọi là “người chép sử bằng tượng”. Tượng của những nhân vật lẫy lừng trong cách mạng Việt Nam như Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, tình báo Phạm Xuân Ẩn… và những nhà chính trị, quân sự, nhà khoa học, văn nghệ sĩ trong và ngoài nước được ông thực hiện rất duyên và rất hồn. Ông đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Người có bộ sưu tập chân dung danh nhân nhiều nhất Việt Nam”.
Bài, ảnh: Trần Tuy An
GS. Trần Đại Nghĩa hài lòng về tượng của mình
Tượng cố GS. Trần Đại Nghĩa được nhà điêu khắc Tô Sanh thực hiện vào năm 1992 bằng đá hoa cương, nặng trên 200kg. Ngày 27-9-1992, đến thăm nhà điêu khắc Tô Sanh, được chiêm ngưỡng tượng của mình, GS. Trần Đại Nghĩa rất hài lòng về thần sắc, cái hồn mà tác giả đã gửi gắm qua tượng. Bức tượng có giá trị không chỉ ở thần thái mà còn ở bút tích của người được tạc tượng. Bút tích ấy được tác giả gìn giữ trên 20 năm và đã bàn giao cho ông Phạm Hồng Danh, có ghi: “Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của tôi, xin cảm ơn anh Tô Sanh đã nhiệt tình làm tượng chân dung tôi…”.
(Nguồn: http://giaoduc.edu.vn/news/an-toan-giao-thong-659/tuong-co-gs-tran-dai-nghia-va-loi-hua-30-nam-220658.aspx)


Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com