Thả hồn về Đà Nẵng
Mỗi người viết thường có một nơi chốn để bắt đầu ra đi, để mong mỏi trở về, để quay quắt nhớ thương trong lúc đời mình bồng bềnh trôi trong cô đơn hư ảo. Đó có thể là một làng quê bên sông, một xóm biển nép mình bên đồi cát trắng hay cả một phố thị đông vui, ồn ào sức sống như Đà Nẵng của Lê Minh Quốc.
Ở tuổi 40, Lê Minh Quốc bất chợt tính lại sổ đời và nhận ra:
Bạn bè tuổi thơ nào có còn ai
Đứa trúng đạn ở chiến trường Tây Nam
Đứa vượt biên qua Mỹ
Đứa kiếm ăn sang Lào
Lặng lẽ
Cái lặng lẽ dường như bàng bạc suốt tập thơ tạo cho người đọc cái cảm giác yên bình, nồng ấm, khác rất xa với cái vẻ bề ngoài ồn ào, cái sự chạy đua viết và sống của Lê Minh Quốc.
Đà Nẵng trong thơ Lê Minh Quốc là một thành phố của sự vọng tưởng, của mây nước, của những giọt cà phê buồn trong quán vắng đêm đông, của những chuyến trở về cuối năm như chớp biển. Vì thế mà anh đã tự hỏi mình:
Sao tôi không hóa ra thành mây
Bay phiêu lãng dưới vòm trời Đà Nẵng
Sao tôi không hóa thân làm con sóng
Trong hư vô réo gọi bến sông Hàn
Ra đi, trở về, rồi lại ra đi. Anh như con chim bay tìm nơi cầu thực, mỗi năm đến hẹn lại về. Cứ mỗi lần như vậy, Lê Minh Quốc dần cảm nhận được một điều rất riêng:
Xa Đà Nẵng thì tôi còn sống được
Nhưng một đời chỉ sống nửa trái tim.
Tôi cũng có một Đà Nẵng của mình, thành phố của cây và lá, của nắng và bão, của giày sô lính trận và khói lựu đạn cay, nhưng chưa bao giờ đạt tới cái tình yêu mà Lê Minh Quốc có:
Đà Nẵng nhập vào tôi và tan ra qua hơi thở
Tan ra qua mạch máu
Tan ra qua tiếng kêu run rẩy đôi môi.
Qua sáu tập thơ in riêng chung đã xuất bản, dường như anh vẫn còn lang thang đi kiếm tìm một điều gì đó lúc bổng lúc trầm, đến tập thơ thứ bảy: “Yêu em - Đà Nẵng” Lê Minh Quốc mới xác định:
Ngày rong chơi Sài Gòn
Đêm nằm ngủ thả hồn về Đà Nẵng
Phạm Sỹ Sáu
(Nguồn: báo Văn hóa- Thể thao - Du lịch số tháng 12.1999)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|