Yêu em, Đà Nẵng
Với mạch thơ “nhớ về”, “gửi đến”, “chia sẻ” và “từ biệt” làm nên một câu chuyện thơ cảm động, Lê Minh Quốc vừa mới “trình làng” tập thơ thứ 7 của mình: Yêu em, Đà Nẵng. Đấy là những bài thơ của “tuổi 40” như một câu thơ của anh “Tuổi bốn mươi làm sao tươi tắn nụ cười”. Cũng có phần như vậy, thơ Lê Minh Quốc có chút gì lặng lẽ, trăn trở, những vẫn chân thật và tuôi chảy dào dạt, bởi vì “Trong ngực tôi rộn ràng một trái tim đỏ thắm”. Bố cục của tập thơ như bố cục một truyện thơ, bắt đầu là quê nhà đi vào thơ anh tự nhiên như đất trời, như hơi thở, như cuộc sống. Những tên đất, tên người cũng trở nên thân thuộc và bầu bạn. Có lúc thật say đắm:
Đà Nẵng, tôi thèm hôn em ngay giữa bến xe
Gió xoáy bụi mịt mờ
Đứa con xa quê từng đêm nằm nhớ
Thèm trong mơ được thấy quê nhà
(Gửi Đà Nẵng (2)
Đà Nẵng hiện ra trong thơ anh vừa rất riêng (qua dấu ấn kỷ niệm, vừa khá phổ biến). Chẳng hạn, “Đà Nẵng hiền lành và bẽn lẽn như một nàng dâu”… “Tà áo em khép lại buổi chiều xanh. Và chiều xưa muôn thuở vẫn còn xanh (Chiều xưa); “Đà Nẵng nhập vào tôi và tan ra qua hơi thở. Tan ra qua mạch máu. Tan ra qua tiếng kêu run rẩy đôi môi. Em chính là cuộc sống của tôi” (Lộc biếc). Những khi nhớ về quê nhà, anh có câu thơ thật da diết cảm động:
Quê nhà ở tận đâu đâu
Gặp đồng hương nhớ nôn nao quê nhà
Ở gần đây chứ đâu xa
Nghe giọng nói gặp quê nhà vậy thôi
(Quê nhà)
Có thể tìm thấy nhiều chi tiết về quê nhà, thật riêng tư, sâu sắc mà rất ấm nồng. Trong đó, hình ảnh Mẹ thật thân thương và biểu cảm:
Dù nuôi mẹ trong mơ
Trăm năm như chớp mắt
(Thơ của mẹ)
Mẹ đã đi về quê
Căn nhà như sững lại
(Chiều ra đứng ngõ sau)
Lê Minh Quốc “đã yêu từng ngày, sống từng đêm” với vòm trời Đà Nẵng, và cho đến tuổi 40, anh vẫn còn giữ “Một mùi hương nguyên vẹn buổi ban đầu”.
Trần Hữu Lục
(nguồn: Tạp chí Văn số 98 tháng 12.1999)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|