Bến thơ sông Hàn
“Bến thơ tôi chính là bến sông Hàn”, câu thơ ấy chỉ một lần vang lên trong thơ Lê Minh Quốc, nhưng có sức chứa lớn và nặng. Đà Nẵng được anh nhớ, không dìu dặt như người khác nhớ Hà Nội hay náo nhiệt nhớ Sài Gòn mà thành phố ấy hiện ra khúc khuỷu, thảng thốt tình cờ triền miên.
Năm giờ sáng thức dậy giữa Sài Gòn, chợt gặp chú chuồn chuồn kim trong phòng tắm. Đối với nhiều người khác nghĩa lý gì đâu, nhưng với Lê Minh Quốc, con vật nhỏ nhoi ấy thật sự là bạn tri kỷ của anh: “Chao ôi chú chuồn chuồn kim quái quỷ / Sao mày biết tao nơi đây mà lại đến tìm? / Đà Nẵng – Sài Gòn một ngàn cây số / Gặp nhau rồi sao cứ lặng im?”. Và tâm hồn thi sĩ trân trọng âu lo: “Mày bay đi đâu? / Gương soi loáng thoáng khéo trượt chân? / Mày bay đi đâu? / Coi chừng vòi nước nóng”. Một hồn thơ biết nâng niu bảo vệ từ cái vật nhỏ nhoi như vậy, của quê hương, của tuổi thơ, sẽ luôn sống động và mạnh mẽ.
Đà Nẵng trong thơ Lê Minh Quốc hiện lên dưới nhiều góc độ, nhiều tâm trạng, nhưng lúc nào cũng đầy ắp tình người, tình đời. Anh đã vẽ thành phố quê hương và đã thốt lên: “Hoa khế rụng tím mặt đường ý tứ / Cầm tay nhau ấm áp khói lên xanh / Sương lơ đễnh vẫn còn bay cuống quít / Đà Nẵng ơi! Sao em quá hiền lành” (Cà phê). Thành phố ấy vừa thi vị nhưng cũng đầy chất con người bình thường: “Tôi nghe biển thét gào như em hoang dại / Lúc hờn ghen” (Mỹ Khê và Em). Nỗi nhớ ấy rất từng trải, già dặn nhưng bền lâu song cũng không kém phần hạnh phúc. Như một sáng xuân anh về Đà Nẵng ăn Tết: “Bất chợt một nhành mai / Huy hoàng như ánh sáng/ Ngồi xuống ngã tư đường / Chợ Cồn tô cháo trắng / Ngon như là quê hương”. Buổi gặp mặt giữa đứa con đi xa và ngôi nhà quê hương diễn ra thật mộc mạc và ấm áp. Phải có một tình yêu đằm sâu và trong sáng mới có thể vẽ được bức tranh xuân đẹp và gọn gàng với bố cục như vậy.
Sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, song trưởng thành ở Sài Gòn, hồn thơ Lê Minh Quốc được hạnh phúc nhớ. Yêu Đà Nẵng từng chân tơ kẽ tóc, từng đường phố, từng cơn mưa, từng khoảnh khắc nồng nàn tinh tế: “Hỡi thành phố lạ lùng như huyền thoại / Bất cứ ai hò hẹn trước cổng trường / Sẽ đều biết làm thơ để tặng người thương” (Gởi Đà Nẵng). Từ tình yêu riêng của nhà thơ với Đà Nẵng, bất cứ người đọc nào cũng cảm nhận được một thời tâm hồn trong đẹp nhất của mình. Thơ nâng cao tâm hồn con người lên cao là ở đó. Ký ức về Đà Nẵng trong thơ Lê Minh Quốc thấm đẫm chất thơ, một chất thơ có hình khối, âm thanh và mùi hương.
Hà Nội, tháng 11.1999
Đoàn Tuấn
(nguồn: Báo Thanh Niên số 1.12.1999)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|