TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định YỆU EM, ĐÀ NẴNG - 3. Khi đứa con lưu lạc trở về

YỆU EM, ĐÀ NẴNG - 3. Khi đứa con lưu lạc trở về

Mục lục
YỆU EM, ĐÀ NẴNG
1. Bến thơ sông Hàn
2. Yêu em, Đà Nẵng
3. Khi đứa con lưu lạc trở về
4. Vũng Tàu gợi nhớ về… Đà Nẵng
5. Yêu em, Đà Nẵng
6. Thả hồn về Đà Nẵng
7. Lê Minh Quốc với ký ức Đà Nẵng
8. Yêu em, Đà Nẵng
9. Yêu em, Đà Nẵng
10. Tập thơ mới của Lê Minh Quốc
11. Yêu em, Đà Nẵng
12. Yêu em, Đà Nẵng
13. Yêu em, Đà Nẵng
14. Phần hồn Đà Nẵng của Lê Minh Quốc
Tất cả các trang

Khi đứa con lưu lạc trở về

(Bài thơ Về quê ăn Tết của Lê Minh Quốc)

Bạn có để ý thấy, hằng năm, cứ vào độ giáp Tết, xe đò từ Bắc vào Nam thường trống rỗng, còn xe đò từ Nam ra Trung, ra Bắc thì đầy nhóc những người là người. Tàu lửa cũng vậy. Chỉ có máy bay, cái phương tiện giao thông không dành cho những người lao động nghèo, là chưa biết thế nào. Xa xứ, quanh năm làm ăn vất vả nhưng lòng lúc nào cũng đau đáu ngóng về quê, ngày giáp Tết, những người miền Trung ở TP.HCM lại “tìm đường thăm quê”. Những chuyến tàu, chuyến-xe-một-chiều ấy thật cảm động. Bài thơ của Lê Minh Quốc chạm đúng nỗi niềm của người xa xứ khi chạm bàn chân xuống đất quê, chợt thấy “Chân đi không chạm đất…”:

Chuyến tàu lướt trong đêm

Đi về miền xa lắc

Tôi dỗ tôi ngủ yên

Mưa còn đang dè dặt

Bước xuống một sân ga

Lạnh run từng chân tóc

Tôi gặp lại quê nhà

Như chạm vào gió lốc

Trái tim bỗng run lên

Từng âm thanh khô khốc

Vòm cây ngủ ven đường

Thở thì thào mệt nhọc

Đi trên con đường quen

Thấy nhói trong lồng ngực

Người tình cũ lãng quên

Chập chờn trên ký ức

Hàng rào trước nhà em

Lẻ loi hoàng hoa cúc

Đà Nẵng đêm cuối năm

Sương lờ mờ trước mặt

Con đường Triệu Nữ Vương

Có tôi đang dè dặt

Trở về trên quê hương

Chân đi không chạm đất…

Một bài thơ ngũ ngôn, ý tân mà giọng cổ, nhưng trên tất cả, là cái tình thật với quê nhà của một đứa con xa, lâu ngày mới có dịp trở về. Tâm trạng của những đứa con lưu lạc khi chạm vào mặt đất quê hương, bao giờ cũng rối bời. Quá khứ, hiện tại, kỷ niệm, nhớ thương chợt trào lên cùng một lúc, dù giọng thơ kể lể, thì vẫn không giấu được cái không mạch lạc của hình ảnh, cái đột nhiên của tâm trạng. Không nghĩ ngợi gì, mà như thế là đúng, chỉ hoàn toàn cảm xúc, chỉ buông thả con người mình cho những xúc cảm, chỉ lâng lâng lên những nỗi niềm, muốn nói mà không nói hết được. Ai xa quê lâu ngày, có dịp về thăm lại, sẽ cảm nhận được tình cảm ấy.

“Tôi gặp lại quê nhà - như chạm vào gió lốc” - hai câu thơ rất hay, và rất chính xác. “Con đường Triệu Nữ Vương - Có tôi đang dè dặt” cũng là một tâm trạng đúng nữa: người con lưu lạc bao giờ cũng có những giây ngập ngừng, những thoáng dè dặt khi đặt bước chân ngay trên đất quê nhà. Biết những gì mình từng yêu thương, chia sẻ có còn nguyên vẹn hay đã đổi thay? Vui mà buồn, mừng và lo, hồi hộp và lạnh lùng, đầu nặng mà chân nhẹ… Quê nhà là như thế, và chỉ thế thôi cũng đủ cho một đời ta đau đáu, vọng tưởng, nhớ thương và nuối tiếc….

Thanh Thảo
(nguồn: báo Đà Nẵng cuối tuần ngày 27.2.2000)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com