Vài thông tin về GIA ĐỊNH BÁO - tờ báo Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam - * NỘI DUNG, HÌNH THỨC VÀ NGÔN NGỮ CỦA GIA ĐỊNH BÁO

Mục lục
Vài thông tin về GIA ĐỊNH BÁO - tờ báo Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam
* QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA GIA ĐỊNH BÁO
* Những thay đổi trong thời gian Gia Định Báo tồn tại
* NỘI DUNG, HÌNH THỨC VÀ NGÔN NGỮ CỦA GIA ĐỊNH BÁO
* Ngôn ngữ trong Gia Định báo
* CÁC SỐ GIA ĐỊNH BÁO CÒN LƯU GIỮ ĐƯỢC TRÊN GIẤY tại Thư viện Lịch sử TP.HCM
* CÁC SỐ GIA ĐỊNH BÁO CÒN LƯU GIỮ ĐƯỢC Tại Thư viện Khoa hoc TH TP.HCM
Tất cả các trang


NỘI DUNG, HÌNH THỨC VÀ NGÔN NGỮ CỦA GIA ĐỊNH BÁO

1.    Nội dung

a.    Chủ trương và quan điểm của Gia Định Báo:

Như đã nói ở phần trên khi cho ra đời tờ báo này, mục đích của chính phủ Pháp là nhằm thực hiện thành công công cuộc khai thác thuộc địa của chúng. Báo chí được xem là một công cụ hữu hiệu để lôi kéo quần chúng, lôi kéo nhân dân nghe và làm theo chính quyền. Tuy vậy , từ khi ra đời cho đến 1869, điều mà tờ báo làm được là thông tin đến nhân dân những quyết định, những chính sách của chính quyền lúc bấy giờ thông qua phần Công vụ.

Đến tháng 9/1869 khi Trương Vĩnh Ký làm Chánh tổng tài, Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút, hai ông đã dùng tờ báo để phục vụ cho mục đích của mình, đó là:

-Cổ động tân học
-Góp phần phát triển chữ quốc ngữ
-Cổ động cho việc học chữ quốc ngữ

Trong cuốn sách viết về Trương Vĩnh Ký xuất bản năm 1958, Khổng Xuân Thu cho rằng:
“Thật ra thoạt tiên đây ( Tức Gia Định Báo- tác giả chú thích) chỉ là một tờ thông tin cho các tay thông ngôn chính phủ Nam Kỳ(của thực dân) cóp nhặt tài liệu…Có thể bảo rằng Gia Định Báo dưới thời quản nhiệm của E.P chỉ là một bản dịch Việt văn của tờ Courrier de Saigon không hơn không kém…”

Khi Trương Vĩnh Ký phụ trách tờ báo, ông có chủ trương : “Cách nói tiếng An Nam ròng” viết chữ quốc ngữ phải: “trơn tuột như lời nói”. Trong một thới gian khá dài tờ Gia Định Báo đã làm được điều mà Trương Vĩnh Ký chủ trương.

Trương Vĩnh Ký có công lớn trong việc cổ động cho cách học mới và truyền bá chữ quốc ngữ. Theo ông, chỉ có văn hoá mới có thể kết hợp được tình giao hảo của Pháp quốc và Việt Nam thời bấy giờ. Mặt khác, ông muốn đem học vấn của mình phổ biến sâu xa trong quần chúng. Với những lợi khí tinh thần đó, Trương Vĩnh Ký đã thể hiện dần dần trên Gia Định Báo sau đó. Những năm sau khi ông không còn trực tiếp làm ở Gia Định Báo, tờ báo vẫn còn giữ được chủ trương của ông. Điều này thể hiện ở những bài văn xuôi, những bài thơ, những lời khuyên bảo… đăng trên các số báo.

Dù thế nào đi chăng nữa mục đích của tờ báo vẫn là phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa của chính quyền thực dân. Mục đích này không thể mất đi, có điều nó tồn tại dưới những bài, tin trên báo một cách kín đáo. Và khi tờ báo không còn thực hiện được những gì mà chính quyền trông đợi, nó đã bị đình bản.

b.    Các thể tài trên Gia Định Báo

Lê Thái Bằng trong giáo trình “Lịch sử báo chí” giảng dạy ở đại học Vạn Hạnh những năm 1969-1970, cho rằng Gia Định Báo có 4 phần:

-Phần Công vụ: gồm tin tức, thông cáo của chính quyền, các nghị định, thông tư, sắc lệnh, chỉ thị…

-Phần Ngoài công vụ: sinh hoạt về canh nông, kỹ nghệ, thương mại, tài chính… Đôi khi có thêm những bản dịch về tin chiến sự hay tình hình địa phương.

-Phần Thứ vụ: gồm các bài về khoa học như: vệ sinh, vạn vật, hoá học, vật lý hoặc những cải tiến xã hội cùng những bản dịch phóng tác thi văn ngoại quốc và chữ quốc ngữ.
-Phần Tạp vụ: đăng những quảng cáo, rao vặt, cáo thị…

Theo Nguyễn Ngu Í và Huỳnh Văn Tòng thì lúc ban đầu, Gia Định Báo có hai phần:

-Công vụ: chỉ thị, thông tư, nghị định, dụ, biên bản hội đồng quản hạt…

-Tạp vụ: lời rao, tin tức…

Từ khi giao cho hai ông Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của, với sự cộng tác của Tôn Thọ Tường, Trương Minh Ký…nội dung tờ báo phong phú hơn vì có thêm những bài khảo cứu, nghị luận, sưu tầm, bình giải về tục ngữ, ca dao, những sáng tác thi ca…

Nghiên cứu các số báo còn giữ được ở Thư viện Khoa học tổng hợp Tp.HCM và Thư viện Lịch sử Tp.HCM, chúng ta thấy rằng: thật ra phần Tạp vụ ngày càng phong phú, đa dạng với nhiều thể loại. Cho nên những năm sau báo cải tiến và chia thành: Ngoài công vụ và Thứ vụ. Trong 15 năm đầu, ngoài các bài ở phần Công vụ, các bài còn lại đều đăng ở phần Thứ vụ. Như vậy, thời gian sau, tờ báo có bốn phần rõ ràng: Công vụ, Ngoài công vụ, Thứ vụ và Quảng cáo .

Sự xuất hiện của bốn phần cho thấy Gia Định Báo đã biết chia các thông tin thành từng loại, từng dạng cụ thể. Cách chia này sẽ tạo được hiệu quả cao trong quá trình tiếp nhận thông tin của người đọc, đồng thời thể hiện tính đa dạng của các thể loại thông tin trên tờ báo này.

Năm 1893, cách chia 4 phần như trên không còn tồn tại nữa, tờ Gia Định Báo lúc này có 3 phần: Công vụ, Tạp vụ và Quảng cáo.

Năm 1898, Gia Định Báo có hai phần: Công vụ và Thứ vụ. Trang Quảng cáo không còn trên báo nữa

Trong phần mục lục số báo năm 1909, ta lại thấy ghi 4 phần: Công vụ, Cấp bằng thuyên bổ, Thứ vụ và Lời rao.

Các nhà nghiên cứu trước đây cũng không nhắc gì đến phần Quảng cáo. Thật ra, Quảng cáo xuất hiện trên Gia Định Báo từ rất sớm nhưng lại nằm dưới dạng “lời rao” đăng trong phần Tạp vụ. Đến năm 1882, phần Ngoài công vụ được phân cách với phần Công vụ bởi 2 gạch ngang, phần Thứ vụ phân cách với phần Ngoài công vụ một gạch ngang, phần Quảng cáo cũng phân cách với phần Thứ vụ bởi một gạch ngang nhưng không có hàng chữ in “Quảng cáo” như hàng chữ “Thứ vụ” hay “Ngoài công vụ”.

Sau manchette của báo, sau những dòng in giá bán, nơi phát nhựt trình, trên Gia Định Báo có phần ”Tóm lại”:

-Năm 1895 in là “Mục lục”
-Số 12 năm 1898 in là “Mục thứ ”
-Số báo năm 1909 lại in là “Mục lục”

Phần này xuất hiện từ lúc nào không rõ nhưng từ số báo 11 năm 1872 đã thấy có. Đây là phần tóm tắt nội dung của các phần Công vụ, Thứ vụ và Tạp vụ, giúp cho người đọc nắm nhanh nhất những thông tin đăng trong các trang báo. Phần này in với cỡ chữ nhỏ hơn cỡ chữ thông thường trong các bài báo. Phần này luôn được cải tiến và và ngày một hoàn chỉnh hơn.

Phần tóm lại in trên số báo 11 ( ra ngày 26/4/1872)

TÓM LẠI NHỮNG LỜI ĐINH ĐÃ ĐEM VÀO
NHỰT TRÌNH NAY:
PHẦN CÔNG VỤ
Lời nghị trả làng Xuân – trì lại cho nguyên hạt Trà – Vinh. – Lời nghị chuẩn 500 quan tiền phát cho kí lục Trần – như – thông, vì người ấy phải trận lửa cháy đêm 28 qua ngày 29 avril, hoa hết của cải. – Lời nghị chuẩn 1515 quan tiền, giao cho quan tham biện Tây – ninh lo mà làm phước cho những nhà phải hoả hoạn. – Cái bổ viên chức bổn quốc. – Chuẩn cấp 400 quan tiền cho cai tổng đặt ở Bến – tre, để mà đền phần thiệt hại cùng tưởng công cai tổng ấy. – nghị thưởng lính Vinh – Long, có công dẹp giặc ngày tháng février. – Lời trong thơ quan tuần phủ Bình – thuận tư cho quan Nguyên – soái.
TÓM LẠI
PHẦN TẠP VỤ
Các án hội đồng thẩm xét án lại. – Chuyện cọp tại huyện Bình – long. Tiếp theo chuyện sân chim Kiên – giang.

Mẫu tóm lại trên số báo năm 1885

TÓM  LẠI

Công vụ. – Tin dây thép của ông Thống binh Bắc – kỳ gởi cho quan khâm mạng. – Lời nghị cử một hội phái viên để mà tra xét về việc hưu trí phải tính cho các viên quan chức việc trong đạo lính tập Annam. – Lời nghị cử ông Douville, là commis principal hạng nhứt tại dinh Thượng thơ, làm diễn bộ cho hội đồng Quản hạt. – Lời nghị tại Saigon sẽ lập một trường thông ngôn tiếng Annam, tiếng Trung-quàc, tiếng Cao-mên, tiếng Xiêm. – Lời nghị định thức lệ thi vào trường thông ngôn, cùng là bài vở học, bài vở thi trong lúc thôi học. –  Lời nghị định đến ngày mồng 7 avril 1885, sẽ khai trường thông ngôn, lại đến ngày 30 mars thì cho thi vào trường. – Lời nghị chuẩn 100 đồng bạc chẩn cấp cho những người bị cháy nhà tại Rạch-giá. – Lời nghị chuẩn 150 đồng bạc, chẩn cấp cho những người bị cháy nhà tại làng Tân-niên-dòng. – Lời nghị chọn các người lảnh việc dạy dỗ trong trường thông ngôn. – Cấp bang đổi chỗ, cho nghỉ, cắt chức.
Ngoài công vụ. –  Các lời dặn bảo cùng các lời rao. –  Hoá hạng chở tới Chợ-lớn. – Giá gạo.


Phần tóm lại (mục lục) in trên Gia Định Báo số 6 năm 1898
MỤC LỤC
----------------
CÔNG VỤ
----------------
ĐÔNG – DƯƠNG TỔNG – THỐNG PHŨ VỤ
----------------
Lời nghị quan Tổng  - thống truyền chỉ dụ ban hành điều luật ngày mồng 6 avril 1897 châm chước điều 174 trong bộ luật hình. – Sớ tấu. – Thượng dụ. – Luật điều.
----------------
NAM – KỲ THỐNG – ĐỐC PHU VỤ
----------------
Lời nghị quan Thống - đốc Nam – kỳ, cấp bằng cho Võ – Hữu – Cao làm phó tổng hạng nhứt.
----------------
CẤP BẰNG, THUYÊN BỔ
----------------
THỨ VỤ
----------------
Các lời rao bảo.

Mẫu tóm lại trên Gia Định Báo năm 1909
&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&

    Phần Công vụ

Đây là phần thể hiện rõ nhất tính chất công báo của Gia Định Báo. Phần này đăng những nghị định tăng thưởng, trừng phạt, bổ nhiệm, những thông cáo, cấm chỉ, những án lệ, cấp bằng, thuyên chuyển hoặc biên bản những phiên họp của Hội đồng quản hạt…Càng về sau, phần Công vụ đăng nhiều tin, bài đa dạng chứ không chỉ dừng ở nghị định. Ví dụ như, Gia Định Báo số 15 năm 1875 dành hơn 2 trang để thông tin về việc thi thông ngôn, kí lục từ thể lệ thi, ngày thi, cách thi… Nhìn chung thì những thông tin liên quan đến giáo dục xuất hiện thường xuyên ở Gia Định Báo.

Năm 1898 tờ báo đưa phần ”Cấp bằng, thuyên bổ” thành một mục của báo chứ không còn đăng chung như các số báo những năm trước nữa.

Ví dụ : Gia Định Báo số 7 ngày 02/01/1900:

“Vì lời nghị quan quyền Thống-đốc nam-kỳ, ngày 25 janvier 1900:
Phê y công việc tuyển cử cho Liêu-Kiêm làm phó ban trưởng Triều-Châu tại tĩnh Cần Thơ”
“Vì lời nghị quan quyền Thống-đốc nam-kỳ, ngày 25 janvier 1900:
Chuẩn cho Nguyễn-văn-Tánh, là cai tổng Bình-hưng tãi tĩnh Thủ-dầu-một được nghỉ mà dưỡng bịnh ba tháng cùng ăn nữa phần lương”
“Vì lời nghị quan quyền Thống-đốc nam-kỳ, ngày 25 janvier 1900:
Lê-xuân-Kiểng, quàn lính hầu tại dinh quan Thống-đốc, phải truất hai ngày lương quản hạt”.

Trong những năm 1890, mục công vụ chia thành hai phần riêng biệt:

-    Đông Dương tổng thống phủ vụ: đăng những hoạt động của chính quyền Pháp ở Cao Miên và Lào
-    Nam Kỳ thống đốc phủ vụ: đănh những hoạt động của chính quyền thực dân ở Nam Kỳ.
-    
Các tin, bài ở phần Công vụ mang phong cách ngôn ngữ hành chính, công vụ. Đăng những nghị định tăng thưởng cho những người có công, những người gián tiếp giúp ích cho chính phủ Pháp như Trương Vĩnh Ký, Trần Đại Học, Lê Văn Thế…

Ví dụ: Gia Định Báo số 4, ngày 03/02/1883

“Chiếu theo điều 31, nhãn thứ V, lời dụ ngày mồng 4 Mai 1881.
Y theo lời quan thượng thơ tỏ bày
Nghị cho các thơ kí kể tên sau này, đặng kể là đậu và cứ từ ngày mồng 1 Janvier 1883, mà lãnh thêm tiền phụ thưởng năm là bốn chục đồng bạc
-Trần-đại-Học, là thơ kí hạng chứt tại Bình Hoà
-Lê-văn-Thế, là thơ kí hạng nhì tại Toà Thông-ngôn nơi dinh Thượng-thơ”.

Những thông tin như thế này ít nhiều đã lôi kéo những người trí thức làm việc cho chính phủ Pháp. Yù đồ này thể hiện rõ hơn khi có số báo dành trọn 2 trang đăng những nghị định cấp đất cho những người hoạt động, giúp việc trong chính quyền thực dân lúc đó.

Bên cạnh đó, tờ báo cũng đăng những nghị định mang tính trừng phạt của chính quyền đối với những người mà chính quyền cho là phản nghịch, nhằm răn đe, ngăn chặn những hành động nổi dậy, đấu tranh chống lại chính quyền của người dân bản xứ lúc này.

Ví dụ:
“Le Gouverneur de la Cochichine francaise, officier de la Légion d’honneur et de L’Instruction publique,
Tuân y chỉ dụ ngảy 25 Mai 1881,
Vì có tờ tham quan biện ở Bà-rịa, ngày mồng 10 févrie 1884,
Vì trong tờ ấy nói tên Lê-văn-Lợi, nguyên là người Bình-thuận, vâng lời các người làm đầu trong hội, vào hạt Biên-hoà, Bà-rịa mà thám thính;
Vì khi hỏi nó tại Bà-rịa và tại Saigon, nó chịu xưng rõ ràng công việc nó là như vậy.

NGHỊ ĐỊNH

Khoản thứ nhứt. – Tên Lê-văn-Lợi phải giải giam tại cù lao Côn-nôn. Bây giờ còn cần nó tại khám Saigon, cho đến khi có tàu chơ.û
Khoản thứ hai. – Quan Thượng-thơ quiền thi hành theo lời nghị này Vì còn phải gởi cho quan Bộ thuỷ kiên các Quản hạt chuẩn định.
Saigon, ngày 26 Mars 1884”

Trong suốt hơn 40 năm tồn tại, phần Công vụ trên Gia Định Báo có tác dụng giúp người đọc hiểu hơn đường lối chính sách của nhà cầm quyền trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Những độc giả chính của Gia Định Báo - những công chức người Việt làm việc trong bộ máy chính quyền - xem đấy là những thông tin cần thiết và thiết thực đối với họ.

Khi báo ra một tháng 4 kỳ, những nghị định đăng trong báo rất mới. Và phần Công vụ không có trường hợp in đi in lại một nội dung, một tin, bài như ở phần Tạp vụ hay Quảng cáo.

Hạn chế của phần Công vụ là câu chữ dài dòng, khó hiểu. Do thời đó, phong cách hành chính, công vụ mới manh nha. Những nghị định luôn có những câu giống nhau được lặp đi lặp lại gây nhàm chán.

Ví dụ câu:
“Y theo lời quan thượng thơ tỏ bày”
“Vì lời nghị quan Khâm mạng”…

Trong năm 1882, phần Công vụ của một số báo có thêm mục “Nhóm hội đồng quản hạt”. Thực chất đây là biên bản ghi lại cuộc họp của những người làm việc trong hội đồng quản hạt. Đầu tiên là giờ mở hội, tên  những người có mặt, nội dung cuộc họp và ngày họp tiếp theo. Cuộc họp tổ chức lần đầu tiên vào tháng 12 năm 1881. Điều này được suy luận bởi cơ sở sau: số báo thứ 1 năm 1882 đăng: “Lời kiết nhện nhóm ngày mồng 10 décembre 1881- nhóm kỳ thứ ba”, cứ cách 2,3 ngày nhóm lại họp kỳ tiếp theo cho đến khi kết thúc.

Cuộc họp hội đồng quản hạt lần I diễn ra 19 kì (họp 19 lần), kéo dài từ tháng 12 năm 1881 đến 13/01/1882. Đây là những cuộc họp rất quan trọng thời bấy giờ nhằm bàn bạc, giải quyết các vấn đề xảy ra trong xã hội, kiến nghị, đơn từ…

Số trang của Gia Định Báo tăng trong suốt thời gian Nhóm hội đồng quản hạt họp để đăng lại nội dung các kỳ họp (từ số 1 đến số 15 năm 1882). Đây là phần cung cấp cho độc giả nhiều thông tin quan trọng bởi đăng khá chi tiết những ý kiến, kiến nghị vế tất cả những vấn đề trong xã hội của những người có thẩm quyền trong hội đồng quản hạt.

Số trang dành đăng cho cuộc họp chiếm hơn 30% tổng số trang của 15 số báo đầu tiên. Sau khi “Nhóm hội đồng quản hạt lần I” kết thúc, tờ báo lại phát hành 4 trang như thường lệ. Đến “Nhóm hội đồng quản hạt lần II” bắt đầu từ ngày 06/11/1882 cho đến ngày 19/12/1882gồn 26 kỳ họp, báo lại tăng trang. Trong 420 trang báo từ số 41 đến số 48 năm 1882 và từ số 1 đến số 20 năm 1883 có 99 trang dành in “Nhóm hội đồng quản hạt”.

    Phần Ngoài công vụ

Phần này thường đăng những lời rao, lời sửa lại (đính chính) các nội dung không đúng mà các số báo trước đó đã đăng.

Có khi là tin điện từ các nơi gửi về Saigon. Thông tin không bó hẹp trong phạm vi Saigon mà đề cập đến cả các vùng lân cận.

Đặc biệt những bài ghi rõ “Biên rút trong giấy nguyệt đề”. Khi Gia Định Báo phát hành một tháng 4 kỳ thì số báo tuần cuối của tháng luôn có phần này. Nội dung là thông tin tình hình vụ mùa, tình hình kinh tế ở các nơi như: Bạc Liêu, Châu Đốc, Cần Thơ, Rạch Giá, An Giang, Bà Rịa, Vũng Tàu, Gò Công, Long Xuyên, Mỹ Tho…

&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&

    Tín điện các nơi gởi về

Phần này xuất hiện trên Gia Định Báo không nhiều.

&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&

    Lời rao

Thể loại này giống như dạng thông báo thường đăng ở những trang Quảng cáo trên báo chí ngày nay. Một số lời rao là dạng thông tin “cần tuyển người” như  cách dùng hiện nay.
Ví dụ:
“Lời rao về sự bán đất.
Quan thượng thư làm lời rao cho ai nấy đặng hay:
Nhà nườc muốn bán một sở đất ở tại làng Cần-thạnh, tổng Cần-giờ hạt tham biện Saigon, vuông vức 37,771 thườc tây,
Bên bắc giáp một cái rạch;
Bên nam cách bãi biển
Bên đông giáp bãi biển và rạch Cần-giờ
Bên tây giáp rạch
Bản đồ sở đất ấy để tại toà tham biện Saigon, ai có việc xin mua, sẽ tới đó mà coi.
Ai có kêu xin sự gì, thì quan tham biện Saigon sẽ xét cho, nội trong kỳ ba tháng, y theo lời nghị ngày 29 décembre năm 1871, nói về sự phát mãi điền thổ.
Hạng ấy kể từ ngày mồng 5 aout năm 1875, là ngày đem lời rao vào nhựt trình Saigon.”
( Gia Định Báo số 16/1875)
“ BÁN CỦA CÔNG

Ngày thứ hai mồng 5 juin 1893, tám giờ buổi mai, sẽ phát mãi chừng 4 súc gỗ vớt được tại sông Thị-nghè.
Nhà nước không biết chắc số cây, thứ cây gì cùng tốt xấu thế nào, ở dưới nước làm sao không biất, cứ việc bán, hễ bán rồi hư mục làm saothí người mua cũng phải chịu.”
( Gia Định Báo số 20/1893)

“Tại Trà-vinh có khuyết một thầy giáo tổng, bạc tháng 12 đồng. Ai muốn lãng chức ấy thì phải làm đơn cho quan tham biện sở tại đó, cùng phải có cấp bằng thi đậu.”
“Tại hạt Sốc-trăng có khuyết giáo tổng có cấp bằng thi đậu
Mỗi tháng ăn từ 12 cho đến 16 đồng bạc, tuỳ theo tài năng
Chính mình phải tới dinh quan tham-biện mà xin”
“Tại sở Tân-đáo cùng sở giảo nghiệm, có khuyết hai người giảo nghiệm nhơn thân khách, đồng viên ăn 300 đồng bạc. Mà phải biết tiếng Langsa cùng chữ tàu cho giỏi, phải tới tại toà Tân-đáo đường Adran tại Saigon mà trình diện chớ để trể.”
( Gia Định Báo số 7/1900)

Những mẩu như thế này vừa ngắn gọn lại vừa dễ hiểu, không rối rắm như ngôn ngữ ở phần Công vụ. Đặc điểm của các lời rao là không bao giờ có tít tựa ngoài một từ “Lời rao” in ở đầu, nhưng cũng khi có khi không.

Một loại Lời rao nữa thường xuất hiện trên Gia Định Báo là “Lời rao bảo” có nội dung khuyên nhủ, bảo ban. Loại này xuất hiện rất ít trên Gia Định Báo vì các loại bài có nội dung giáo dục thường xuất hiện trên báo dưới dạng một đoạn văn xuôi, một bài thơ…Còn dạng nhắn nhủ, khuyên bảo trực tiếp rất ít.

Ví dụ:

“Quan lại bộ thượng thơ làm lời rao
Ví có một hai khi học trò ở các trường trên, học chưa đủ bỏ nhà trường mà đi tưởng mình đã giỏi dễ kiếm việc làm cho mau lợi cho mình: Chúng nó tưởng như vậy thì lầm lắm, nên ta phải nói cho chúng nó biết, như bỏ việc học hành làm vậy, thì là sự thiệt hại cho mình, và uổng công đã học nữa chừng mà bỏ đi.
Vậy những học trò đã có thi đậu thì mới được đi làm thầy giáo tập hay là thông ngôn, kí lục chữ nho, chữ tây, còn những người không đậu thì chẳng được làm cái việc ấy.
Những học trò khi học không đủ bỏ trường mà ra thì đến sau thi không có lẽ nào mà đậu cho đặng, vì học hành còn ít lắm, và nó chẳng được lãnh việc dạy, thông ngôn, kí lục, chúng nó phải chịu làm những việc nhỏ mọn, và nhiều khi cũng không được làm, bởi vì quan thượng thơ định rằng: mấy người ấy không đặng làm việc nhà nước”.
( Gia Định Báo số 16, ngày 15/07/1875)


    Lời sửa lại

Sự xuất hiện của đính chính trên Gia Định Báo cho chúng ta thấy rằng ngay từ khi xuất hiện, báo chí việt ngữ đã thể hiện được tính tôn trọng độc giả, quan tâm đến tính chính xác của thông tin.

Gia Định Báo số 16, ngày 04/07/1874 xuất hiện một đoạn đính chính như sau

“CẢI CHÁNH

Trong lời nghị có in một chỗ là nói thông ngôn Hanh sẽ làm việc cùng ông Petrus Ký, mà sao tự vị của ông Philastre làm. Phải hiểu tự vị ấy là của ông Petrus Ký.”
Mặc dù đoạn cải chánh này không được rõ ràng lắm, nhưng đây là lời đính chính đầu tiên tìm thấy trong những số báo đọc được của 10 năm đầu. Các số báo từ năm 1880 đến 1885 thỉnh thoảng vẫn có lời sửa lại, những lời sửa này rõ ràng hơn.

Ví dụ:

“Nhựt trình số 32, có nói chuyện chim phụng-hoàng, con heo rừng với con mèo phụng-hoàng = sửa lại là chim ưng; còn câu thứ nhì ấy có chỗ in là một mình = sửa lại là một bầy”
“Nhựt trình số 33, chuyện luận về cầm thú. Câu đầu = có câu nói là tham đồ bất tác = ấy là bất túc. Còn câu = Dữ là voi độc chiếc, vân vân, biết cứu mình = sửa lại là biết sức mình”.
( dgb số 34, ngày 13/10/1883)

Ngoài ra, phần Ngoài công vụ cũng đăng những qui định, qui tắc, thông báo của chính phủ..giống như trong phần Công vụ, tuy nhiên thông báo, qui định đăng ở phần này mang tính chất phổ biến, gần gũi và liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Thông báo, qui định này có lúc nằm độc lập, có lúc được in trong mục “lời rao”.

Ví dụ:
“Xin thiên hạ đừng bỏ vào hộc thơ, tại phòng chánh sơ Thơ-từ, nhỡng gói to bít miệng học, cản trở những thơ sau bỏ không chạy thâu tứ trong đồ đựng thơ. Phải đem giao cho chúc việc thâu phát đồ gởi.
Phải dặn cho kỷ kẻ đi giấy, kẻ lảnh việc, cùng tôi tớ đem đồ đi gởi”.
( Gia Định Báo số 19/1895)

Trong phần Lời rao, Gia Định Báo số 10/1900 có đoạn như sau:

“LỜI RAO
Quan Đốc-lý thành phố Saigon, kinh cho nhơn dân đặng hay đã có chịu lấy phép đánh chuông trong khi có hoả hoạn như sau nầy:
1-Dấu hiệu chữa lữa. – Đánh 2 lượt chuông từ 25 cho tới 30 tiếng, cách nhau 2 phúc đồng hồ;
2-Dấu hiệu chỉ chỗ hoả hoạn. – chuông đánh cách khoản, từ tiếng một mà chỉ hướng:
Chuông đánh một tiếng, chỉ hướng thứ nhứt;
Chuông đánh 2 tiếng, chỉ hướng thứ hai;
Chuông đánh 3 tiếng, chỉ hướng thứ ba;
Lượt chuông đánh một tiếng, chỉ hướng thứ tư.
Các hướng ấy định ra như sau nầy
Hướng thứ nhứt. – Từ nhà-thờ Nhà-nước cho tới sông Thị-Nghè về phía tây-bắc.
Hướng thứ hai. – Từ nhà-thờ Nhà-nước cho tới sông Thủ-thiêm,đàng Catinat phía tây-nam.
Hướng thứ ba. – Từ nhà-thờ Nhà-nước cho tới sông Bến-nghé, phần đất Nhà-nước phía dông nam.
Hướng thứ tư. – Từ nhà-thờ Nhà-nước cho tới tháp nườc, làng Tân-định về phía đông bắc”.

Phần Ngoài công vụ (Tạp vụ) là phần cung cấp nhiều thông tin gần gũi với đời sống, sinh hoạt lúc bấy giờ. Cách hành văn ở phần này cũng dễ hiểu hơn phần Công vụ. Nếu như phần Công vụ chủ yếu dành cho các công chức chính quyền thời bấy giờ thì số lượng độc giả ở phần Tạp vụ đông hơn bởi thông tin ở phần này gắn kết với nhiều đối tượng độc giả hơn. Ngoài những thông tin đã nêu, trong những năm đầu, phần Tạp vụ thỉnh thoảng còn đăng cách nấu rượu, cách trồng chàm, làm chàm…khá kỹ và chi tiết, đăng trong nhiều kỳ báo.
Xét ở một góc độ nào đó, phần Tạp vụ trên Gia Định Báo có nhiều chức năng: thông tin, giáo dục, hướng dẫn…Bài đăng ở phần này lặp đi lặp lại rất nhiều lần, đặc biệt là những bài có tính chất thông báo.

    Phần thứ vụ

Phần Thứ vụ xuất hiện khi Gia Định Báo đã tồn tại hơn 15 năm. Đây là phần đăng những bài mang tính văn học, những vấn đề có tính khoa học, kỹ thuật, y tế…trong các năm 1895 ở phần này đăng giá của Nam Kỳ công báo và Gia Định Báo. Các loại bài đăng ở phần này không chỉ giúp cho tờ báo trở nên phong phú, đa dạng mà còn mang lại cho độc giả những điều mới lạ, những kiến thức mới trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và văn học nghệ thuật.

Phần Thứ vụ đăng 2 loại bài chủ yếu:

-Loại thứ nhất có tính chất phổ biến kiến thức phổ thông về khoa học, y tế, kỹ thuật…
-Loại thứ hai là những sáng tác, dịch thuật về văn học, nghệ thuật sống. Thường là những đề tài nói về đạo đức, những bài học luân lý ở đời. Một số bài ở dạng trích dịch từ các báo khác hoặc sưu tầm.
Cả hai loại đều viết bằng văn xuôi hay văn vần, cách dùng từ ngữ dễ hiểu, không sử dụng nhiều từ khoa học.

    Nhóm bài phổ biến kiến thức

Nói về kinh tế hay các nghề thủ công như đồ sành, đồ sứ, cách trồng cây ca cao…

Về khoa học, có bài nói về khí hậu : gió, hàn, sương mù…hay nói về động vật như chim chóc, trâu nước, cá mập…

Ví dụ:

Về động vật:
“Nước Syrie, nước Egypte, nước Persa cùng nhiều xứ bên nam cỏi đông, bên bắc phương Afrique thường mắc nạn châu chấu, cào cào cũng như mắc nước lữa vậy. Nó bay cả đám, mù trời, hể đâu có cây trái nó liền vủ xuống, ăn phá sạch trơn. Nó đậu lấp một hai dặm đất, phá tan chỗ này rồi, bay qua chỗ khác, cất lên ào ào như dông bảo. Trên mặt đất chẳng còn bông cỏ, cây cối còn những cộng không; muôn vật xơ xác, dừng như mắc tiết đông thiên lạnh lẽo quá chừng. Hể như nó phá một xứ rồi cũng muốn dời qua xứ khác, thí nó cất lên trên cau, rần rần bay đặt như mây đen, áng cả mặt trời.
…Đốt rơm cỏ mà an nó cũng không sợ, đào lỗ cho sâu nhử nó cũng không mắc. Bên nước Egypte, nước Syrie, dân sự thường bị hại, mà một hai khi nhờ có gió nam, gió đông nam thổi mạnh, đưa tấp nó ra ngoài biển, nó chết cả đoàn, xác trôi các đầy mé biển”.

Về khoa học kỹ thuật:

Về y tế:

&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&

    Nhóm bài sáng tác, dịch thuật có tác dụng giáo dục

Loại bài có tính chất văn học khá phong phú, đa dạng và có một vị trí nhất định trong sự phát triển của chữ quốc ngữ, của nền văn học nước ta. Một số bài đăng ờ phần này cho đến ngày nay đọc lại vẫn thấy có giá trị giáo dục sâu sắc. Ngay từ những số báo đầu tiên, ở phần Tạp vụ đã đăng “Đại Việt sử ký” kéo dài qua rất nhiều số báo. Đến lúc có phần Thứ vụ thì Gia Định Báo thường đăng trên phần này những bài văn xuôi, những bài thơ…nhờ vậy tính văn học được nâng cao, ngôn ngữ trau chuốt hơn trước. Những người viết trong mục này là những người rất nổi tiếng thời đó như: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Tôn Thọ Tường, Trương Minh Ký…Trong đó, Trương Minh Ký là người viết thường xuyên và đều đặn hơn cả.

Những bài thơ, những đoạn văn ngắn đăng trong phần này mang tính giáo dục cao về đạo đức, cách sống ở đời, phê phán thói hư tật xấu, giải thích về ngạn ngữ…

Ví dụ: Gia Định Báo số 42/ 1897
KHUYÊN ĐỪNG CỜ BẠC
Võ Thành Đức

Đã sanh ra đứng làm người,
Đủ năm tạng phủ đủ mười tay chơn
Có thân nên tiếc với thân,
Lánh xa chỗ đục, tìm gần nơi trong.
Tai có lỗ, mắt có tròng,
Nghe đều lợi hại khỏi vòng thị phi.
Lời xưa ngạn ngữ còn ghi,
Lợi thời có hại, tham thời có thân
Sỉ hay suy cổ nghiệm câm,
Khỏi sa khe dọc, khỏi lầm đường đê.
Trong trời các việc mọi nghề,
Nhiều phương mưu thực, lắm nghề sanh nhai.
Thiếu chi những đạo lý tài,
Vào trong lục nghệ ra ngoài bá công.
Sao không trạch thiện nhi tùng,
Chẳng suy lợi hại khỏi vòng dật du
Lạ chi đổ bát môn cù,
Người hèn cũng tới đứa ngu cũng vào.
Tranh nhau trí thấp tài cao
Nơi trao vàng nén, nơi trao bạc đồng.
Đánh liều may có rủi không
Đặng đàng Phước Kiến, thua làng Quảng Đông
Đến khi sàng tận nang không,
Biết ai tráng sỷ anh hùng là ai
Rồi ra than đất trách trời,
Đã không hằng sảng lại dời hằng tâm.

Cùng nhau tính lén lo thầm
Đứa toan chức quỷ, đứa làm mưu gian.
Năm ba hiệp lũ vầy đoàn,
Đón sông cướp của, chận đàng trộm trâu.
Gặp cơn thiện ác đáo đầu,
Pháp nghiêm lẻ chánh dễ đâu thứ tình.
Bước chơn nhắm cửa ngục hình,
Đủa tre phải nát chén sành phải tan.
Bát tiên tứ thánh mấy bàn,
Còn chi tài mển, thôi rằng cầu âu,
Tam yêu dầu có phép mầu,
Dám đam lưng túc đến hầu cửa quan.
Có thân trước chẳng giữ dàng,
Để khi đến thế phàn nàn ai binh
Làm cho dơ dạng dáy hình
Uổng công tạo hoá sanh thành bấy lâu.
Từ đây sấp nhẫn về sau
Nên chừa những nết nên tu những lòng
Mấy người nông sỷ thương công
Cứ theo nghề cũ chớ lung chơi bời
Hoạch tài như nước đầy vơi
Nếu tham lợi nhỏ ắt vời hại to
Vì thương nên phải thầm lo,
Hơn thua mọi lẽ dặn dò các nơi
Nôm na mượn bút vẽ lời,
Gọi là chút đỉnh với đời phải chăng!”

Tục ngữ Annam (Gia Định Báo số 40/1895)

“Đa tài luỵ thân
Nghĩa là, tài nhiều thì rối nhọc mình; chữ tài ấy có hai nghĩa một là nghĩa của cải, một là nghĩa tài năng, người ta hay lấy nghĩa trước, một sự lo đặng lo mất, thì cực biết mất, huống chi có người phải chết vì sự tiền của”
(Paulus Của sưu tầm và giảng nghĩa)

Ngạn ngữ (Gia Định Báo số 14/1882)

“Lời ngạn ngữ Tây
Xem ra người ta thường có gió thổi tới đàng lái mà làm điều chẳng phải, còn sự phải làm thì mắc gió ngược. Nghĩa là làm dữ thì dễ, làm lành thì khó”
“Núi đẻ
Hòn núi kia chuyển bụng gầm hét rất lớn đến đổi ai ai nghe tiếng cũng chạy đến, cũng tưởng nó chắc sanh ra một cái thành to hơn Paris: ai ngờ nó sanh ra một con chuột lắc”
Trương Minh Ký
Ví dụ văn xuôi có tính giáo dục
“Nước kỳ diệu
Có một người đàn bà kia rất ở khó, vì bị chồng nó la rầy, đánh khảo mỗi ngày. Mới đi kể nỗi thảm cơn sầu nó với một bà già lân cận, có người nói bà hàng xóm nầy khôn lanh lắm, có kẻ lại kêu là bà bóng. Bà ấy nghe các đều nó than nan, lại bỡi cũng biết tính nết rỏ ràng con mẹ ấy hay cảu rảu, còn lảo chồng thì hung hăng, nên múc đầy một ve nước trong sạch đem để trên bàn; ra dấu cùng nói những tiếng quái kỳ theo hơi bóng giọng chàng; rồi trao cái ve đó cho người đàn bà lân cận mà nói nghiêm chỉnh rằng “Cất cho kỷ lưỡng nước này, mỗi khi thấy chồng thiếm nổi giận, thì ngậm lấy một búng, ngậm vậy mãi đừng có nuốt, cho đến hết nóng giận: tôi dám chắc với thiếm, hễ khi thiếm có nước ấy trong miệng, thì chồng thiếm không đánh thiếm chút nào”. Người đàn bà đó cảm ơn bà già lân cận, và giữ làm y theo lời dặn bảo. Vậy chẳng bao lâu nó tin bà đó là bà bóng, vì trong tám ngày trọn mà có nước ấy, thì chồng nó chẳng đánh đập lần nào hết. Song lẽ khi ve hết nước, thì nó phiền lắm, liền đi tới nhà bà già màø xin nước cho đầy ve. Bà ấy mới nói cùng nó rằng: “Thiếm không cần mần chi nữa, vì nước tôi cho thiếm đó thì là nước sông. Nước ấy cản họ khỏi đánh thiếm, bởi vì trong lúc thiếm ngậm nó trong miệng, thiếm không nói đặng. Vậy thôi thiếm trở về nhà, khi thấy chồng thiếm có đổ quạu, thì đừng có chọc giận, đừng có mắn nhiếc; mà phải làm như thể thiếm có ngậm một bũng nước, đừng nói năng chi hết, rồi thì khỏi bị đòn”
Diễn quốc ngữ: Trương Minh Ký

Phần Quảng cáo
Sự xuất hiện của Quảng cáo trên tờ Gia Định Báo cho thấy rằng ngay từ những ngày đầu mới xuất hiện báo chí Việt ngữ, người ta đã biết dùng phương tiện báo chí để phục vụ cho việc phát triển kinh tế, tiếp thị. Ở phần Ngoài công vụ, các Lời rao lúc ấy cũng có dạng thuộc loại Quảng cáo, tuy nhiên, trên Gia Định Báo, phần Quảng cáo là phần được bố trí tách biệt. Mặc dù không xuất hiện đều đặn trong suốt thời gian tồn tại nhưng Quảng cáo trên Gia Định Báo phần nào cho thấy diện mạo của Quảng cáo trên báo chí những ngày đầu.
Vẫn chưa xác định chính xác trang Quảng cáo bắt đầu xuất hiện từ số báo nào (do sự thiếu hụt các số báo), nhưng đến số 1 năm 1882, ta đã thấy phần Quảng cáo được tách riêng, mặc dù lúc đấy tờ báo cũng không để là Quảng cáo. Phần Quảng cáo được in hẳn 1 trang cuối của tờ báo. Trang Quảng cáo là trang không thay đổi nhiều trong một thời gian dài.
Trong bốn năm, từ 1882 đến 1885, trang Quảng cáo dành đăng chủ yếu sản phẩm của nhà thuốc Pharmacie Reynaucl (sau đổi là Pharmacie Lévier). Khi có những người khác cần Quảng cáo, cần đăng thông tin, giới thiệu… tờ báo cắt bỏ một số sản phẩm của nhà thuốc này và cho đăng phía dưới. Nhưng chủ yếu ở trang Quảng cáo vẫn là các loại dược phẩm.
Một điều đáng chú ý ở đây là những thông tin dù được đăng ở phần này vẫn dùng “Lời rao”. Có thể là trong thời gian đó, đây là một phần khác trong tờ báo nhưng người ta chưa dùng từ “Quảng cáo” để gọi. Việc phân biệt “Lời rao” ở phần Tạp vụ và lời rao ở phần Quảng cáo rất khó bởi vì có lúc Lời rao ở phần Tạp vụ cũng chính là một Quảng cáo. Tuy nhiên cũng có thể thấy là đa số Lời rao trong phần Tạp vụ mang tính thông báo, mang tính nhà nước, được phát đi từ một tổ chức, cá nhân có quyền hành trong xã hội, còn Lời rao ở phần Quảng cáo thì mang tính cá nhân hơn, của người dân, cá nhân bình thường trong xã hội.
Sau đây là một số ví dụ lời rao đăng trong phần Quảng cáo


LỜI RAO
Trạng-sư TRẦN-NGUYÊN-HANH cho nhơn dân hay, tôi đã khai toà làm thầy-kiện ở tại NHÀ KHÁNH HỔ (công -xi a-phiến củ) sẵn lòng mà lo tất tính những việc ai nấy xin giúp, hoặc kiện cáo, hoặc chỉ phép, hoặc làm đơn tuỳ theo mỗi việc.
Có ở nhà từ chiều đứng bóng cho tới giờ thứ sáu”
(Gia Định Báo số 31 đến 37/1882)
Chợ Lớn, ngày mồng 6 septembere 1882
Lời xin ai nấy đặng hay, thằng con tôi là kỳ Phải, học hành thì ít, hoang dâm cờ bạc thì nhiều, như có vay muợn bạc tiền của ai, thì đòi lấy nó, chớ vợ chồng tôi không biết tới, xin ai nấy thương vợ chồng tôi già cả, thì đừng cho nó vay mượn sự gì hết, thì tôi lấy làm cám-ơn.
HÀ-MINH-CHÂU ký
(Gia Định Báo số 32/1882)
LỜI RAO. – có mất tại Saigon một chùng chìa kháo, có khi ba cái. Ai có được, phải tới chỗ làm việc Gia Định Báo, người ta cũng phát thưởng”.
(Gia Định Báo số 4/1883)
Sau đây là một số ví dụ về lời rao đăng trong phần Ngoài công vụ:
&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&
Năm 1893, trang Quảng cáo có sự thay đổi lớn về mặt nội dung cũng như hình thức. Nếu như trước đây không có dòng nào ở trang đầu giới thiệu hay nhắc gì đến phần Quảng cáo thì ở số 19 năm 1893, sau dòng ghi ngày phát nhựt trình có in:
“Các lời rao bán đều về phần ông TAILHADES ở đường Yokohama(nhà in củ Bock) thâu”
Xem trang Quảng cáo số báo này, chúng ta dễ dàng nhận ra sự thay đổi nội dung (cách dùng từ ngữ để Quảng cáo) cũng như hình thức (cách trình bày để bắt mắt người đọc).
Trong một khảo luận, Nguyễn Hải Lộc cho biết: “trong những số báo năm 1895, việc Quảng cáo sách và nhà thuốc Holbé được in trên khổ giấy lớn đỏ hoặc xanh bằng hai thứ chữ Việt và Tàu”.
Dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong Gia Định Báo nhưng Quảng cáo là phần có nhiều cải tiến nhất. Ngôn ngữ Quảng cáo phần nào hiện đại hơn các phần khác. Tuy nhiên các trang Quảng cáo ít nhiều có tính cố định, điều đó chứng tỏ rằng không có nhiều đơn vị, cơ sở tham gia đăng Quảng cáo. Có thể là do lúc bấy giờ người dân bản xứ chưa biết đến tác dụng của Quảng cáo, chưa biết cách dùng Quảng cáo để phát triển công việc buôn bán của mình. Hầu hết các lời rao trên Quảng cáo đều thuộc về các cơ sở của người Pháp.

Số báo 13/1888 có đăng như sau

“Ai có chuyện gì đem vô Gia Định Báo, thì sẽ gởi cho ông NICOIER lập hảng bán sách tại Saigon trong mỗi một tháng cứ ngày 11 và ngày 26 ông ấy sẽ thâu cho, giá tiền cũng như đã định về những chuyện đem vào Gia-Định Công-Văn. 20 hàng đầu là một quan, các hàng sau là 50 cent. Như có in lại thì lấy giá phân nửa khi mới in vào.”
Đoạn trên cho biết cách thức, giá tiền khi muốn đăng một mẫu quảng cáo trên Gia Định Báo. Cũng chưa biết rõ là giá này có thay đổi hay không.
“Các lời rao báo về phần ông HOLBÉ, là chủ tiệm bán thuốc ở đường Catinat số 8, thâu” (Gia Định Báo số 1/1891)
Sau đổi qua ông RIAND tại Hotel des Ventes ở đường Catinat: “Cứ theo lời định hội Mật-nghị ngày 27 mars 1895 thì ông Riant được phép thế cho ông Beer mà nhận lãnh lời rao trong Nam-kỳ công văn cùng Gia Định Báo ”
Hình thức của trang Quảng cáo năm 1897 là một điều đáng chú ý. Trang báo không chia 2 cột như thường lệ nữa, các chữ in rất to. Khổ chữ ở trang Quảng cáo lớn hơn cả khổ chữ ở manchette, lại in đậm nét. Chiều cao của hàng chữ lớn nhất ở trang Quảng cáo là 24 cm, trong khi đó chiều cao của manchette chỉ có 15 cm. Nhìn toàn bộ tờ báo này có thể nhận ra rằng trang Quảng cáo là trang nổi bật và gây ấn tượng nhất.
&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&

2.    Hình thức
a.    Manchette (tên báo)
Theo những thống kê trên những số báo đọc được thì manchette của Gia Định Báo thay đổi 4 lần.
Manchette thứ 1
Manchette đầu tiên là 3 chữ Hán: Gia Định Báo ở trên rồi đến 3 chữ quốc ngữ Gia Định Báo. Chiều cao của 3 chữ Hán là 30 cm, chiều cao của 3 chữ quốc ngữ là 12 cm. Dưới đây là hình thức của manchette đầu tiên:
&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&
Manchette này cho chúng ta thấy rằng ngay từ ngày ra đời, chính phủ Pháp chưa bỏ hẳn chữ Hán. Bởi vì thời gian đó người dân biết chữ Hán chủ yếu, chữ quốc ngữ ít người biết đọc biết viết. Việc dùng 3 chữ Hán ngay ở manchette cho thấy Pháp muốn phổ biến tờ báo rộng rãi đến người dân, muốn người dân biết đến sự xuất hiện của tờ báo này. Từ những ngày đầu thì 3 chữ Gia Định Báo cũng chưa có dấu đầy đủ. Chữ Đ cũng không có dấu (-): “GIA DỊNH BÁO”. Điều này được lý giải như sau: khi muốn xuất bản tờ báo bằng chữ quốc ngữ trên đất Nam Kỳ, người Pháp cho đúc chữ từ bên Pháp rồi mang sang. Những mẫu tự quốc ngữ đươc viết giống  như tiếng Pháp thì không có gì khó mà khó ở chỗ những chữ, những dấu thanh mà ở Pháp không có.
Manchette thứ 2
Manchette thứ 2 in 3 chữ quốc ngữ Gia Định Báo phía trên, 3 chữ Hán xuống dưới. Không biết chính xác manchette này bắt đầu dùng từ năm nào, nhưng năm 1872 đã thấy. Cỡ chữ lớn hơn manchette thứ nhất. Chiều cao của 3 chữ Gia Định Báo là 30cm, gấp đôi manchette ban đầu, chiều cao của 3 chữ Hán giữ nguyên như manchette đầu tiên. Manchette này cũng cho thấy chữ quốc ngữ được đánh giá cao hơn so với trước.
Dưới đây là hình thức của manchette thứ hai:
&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&
Ngay từ manchette đầu tiên thì phía trên manchette đã in ngày tháng phát hành báo. Phía trên tay phải là ngày tháng dương lịch, phía bên tay trái là ngày tháng âm lịch viết theo âm Hán. Manchette thứ hai vẫn in ngày tháng phát hành nhưng ngày tháng âm lịch không còn viết theo âm Hán nữa mà viết rõ ràng theo nghĩa Việt với đầy đủ dấu.
So với manchette đầu thì manchette thứ hai thể hiện rõ việc phổ biến chữ quốc ngữ hơn .
Manchette thứ 3
Manchette thứ 3 bắt đầu sử dụng từ số 26 năm 1880. Những chữ Hán trên báo mất đi, chỉ còn lại ba chữ Gia Định Báo. Chiều cao là 15cm.
Dưới đây là hình thức của manchette thứ ba:
&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&
Kiểu chữ trong manchette cũng thay đổi. Nghĩa là đây không phải là manchette cũ được cải tiến mà là một manchette mới của tờ báo. Cách trình bày ngày tháng phát hành- năm thứ- số báo cũng gọn gàng và đẹp hơn. Không còn dùng hai hàng như trước, phía trên manchette chỉ có một hàng. Manchette này trình bày rõ ràng, nằm giữa 4 đường kẻ ngang (2 trên, 2dưới). Có lẽ đây là giai đoạn chữ quốc ngữ đã phổ biến trong quần chúng nhân dân.
Manchette thứ tư:
Là manchette có đầy đủ dấu, cỡ chữ và kiểu chữ như thứ ba. Tuy nhiên phía trên in 2 hàng chữ Pháp.  
Dưới đây là hình thức của manchette thứ tư :
&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&&

b.    Khổ giấy, số trang, cách đánh số trang
Tờ Gia Định Báo được in trên khổ giấy 24  32cm
Số trang của tờ báo không ổn định, tăng giảm thất thường tuỳ theo bài vở, nội dung mà tờ báo cần đăng tải. Trong những năm đầu tiên thường chỉ có 4 trang. Nhưng đôi khi cũng có một vài số thêm 2 trang, 4 trang và in trên đầu những trang đó hàng chữ “Phụ thêm Gia Định Báo”.
Ví dụ như số 4/1874 trang phụ thêm này đăng lịch các cuộc đua ghe, cách trình bày có khác hơn những trang thường: có đóng khung, in chữ nhỏ hơn. Số 10/1874 in một loạt danh sách (họ, tên) những người được nhà nước Pháp thưởng. Thường thì những bài đã đăng ở trang thường xuyên không đăng trong trang phụ thêm, nhưng đặc biệt, số 24 ra ngày 07/11/1874 thì trang phụ thêm lại đăng “Đại Việt sử ký”, đây là một bài dài đã được đăng trong nhiều số báo tuy không liên tục.
Những năm đầu, Gia Định Báo không đánh số trang nhưng về sau ta thấy trên báo xuất hiện số trang. Số trang đặt ngay phía trên đầu tờ báo. Trang có manchette thì không ghi số trang. Những trang mang số chẵn thì số trang nằm trên đầu phía trái. Những trang mang số lẻ thì số trang nằm trên đầu phía phải. Cách đánh số trang không giống như cách đánh của báo chí ngày nay. Ngày nay, báo chí đánh trang theo số báo, còn Gia Định Báo đánh trang theo năm.
Ví dụ như năm 1882, số 1 có 8 trang, đánh số 2,3,4,5,6,7,8; đến số 2 của năm 1882, trang có manchette không đánh, trang thứ 2 của số này đánh số 10, cứ tiếp tục như vậy cho đến số cuối cùng của năm. Sang số báo thứ 1 của năm 1883 thì trang có manchette không đánh, trang thứ 2 của số này đánh số 2.
Với cách đánh số trang như vậy, nếu đóng tất cả các số báo trong năm thành một cuốn, ta sẽ có một cuốn sách đánh trang liên lục.
Cách đánh trang như trên là phổ biến trong Gia Định Báo. Tuy nhiên, có năm, các số báo được đánh đến 100 rồi đánh lại từ số 1. Và đôi khi có sai sót trong việc đánh số trang. Ví dụ: số báo thứ 39 năm 1885, trang cuối đánh số 376, như vậy, số báo 40, không đánh trang có manchette, trang thứ 2 của số 40 này phải đánh số 378, nhưng lại in là 374.
c.    Giá tiền, ngày và nơi phát hành của Gia Định Báo.
Giá tiền
Từ số 4 năm 1865 cho đến số báo đề ngày 02/06/1900 giá tiền thay đổi tất cả 7 lần. Đấy là chưa thống kê được từ năm 1900 cho đến lúc tờ báo đình bản cũng như trong những số báo không tìm thấy giá báo.
Số 4 năm thứ I ngày 15/07/1865, dưới manchette có in:
“Tờ báo này mỗi tháng tây cứ ngày rằm in ra một lần, ai muốn mua cả năm phải trả 6 góc tư”.
Số 1 năm 1882, in giá mua báo dài hạn bằng đồng quan Pháp:
“Ai muốn mua thì tới dinh quan thượng lại tại Saigon cho người ta biết tên, mua trót năm thì giá 20 francs, mua 6 tháng thì 10 francs, mà mua 3 tháng thì 5 francs”.
Giá báo này từ số 13 ngày 15/06/1880 đã thấy áp dụng.
Đến số 21 năm 1882 giá báo được tính bằng đồng bạc Việt Nam:
“Ai muốn mua thì tới dinh quan Lại bộ thượng thơ, tại Saigon cho người ta biết tên, mua trót năm thì giá 4 đồng bạc, mua 6 tháng thì 2 đồng, mà mua 3 tháng thì 1 đồng”.
Năm 1891:     Mua trọn năm 5 đồng
Mua 6 tháng thì 2 đồng rưỡi
Mua 3 tháng thì 1 đồng 1 quan 2 tiền.

Từ số 33 năm 1897, giá báo:     Một  năm là 6$67
Mua 6 tháng là 3$33
Mua 3 tháng là 1$67.
Giá tiền này không in trong phần manchette nữa mà in trong phần Tạp vụ, ví dụ như sau:
“         NAM-KỲ CÔNG BÁO
Một năm là ………………………………..6 $ 67
Sáu tháng    ………………………………..4 $
Ba tháng      ………………………………..2 $
Mỗi số         ………………………………..0 $ 17
GIA-ĐỊNH-BÁO
Một năm là ………………………………..6 $ 67
Sáu tháng    ………………………………..3 $ 33
Ba tháng     ………………………………..1 $ 67
Nam-kỳ công báo mỗi tuần in 2 lần, cứ thứ hai cùng thứ năm thì phát; còn Gia-Định-Báo mỗi tuần in một lần, cứ ngày thứ ba thì phát. Ai muốn mua thì viết thơ cho phòng ba dinh Hiệp-lý Nam-kỳ.”

Theo Huỳnh Văn Tòng ở số báo 02/06/1900 giá là 8 đồng một năm nhưng ông không nhắc đến giá mỗi số báo là bao nhiêu.
Như vậy kể từ 1882 cho đến 1900, trong khoảng thời gian 8 năm, giá báo tăng gấp đôi, từ 4 đồng lên 8 đồng. Điều này cho thấy vật giá thời này tăng rất nhanh. Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là giá báo vẫn giữ nguyên chứ không lên xuống theo số trang. Ví dụ năm 1882, báo 4 trang và báo 16 trang đều cùng một giá.
Ngày phát hành
Gia Định Báo phát hành không đều đặn trong những năm đầu.
Ban đầu, báo ra mỗi tháng 1 lần vào ngày 15, sau đó mỗi tháng in hai lần. Đến năm 1884, ra 4 số một tháng và phát hành vào ngày thứ ba mỗi tuần. Tuy dưới manchette ghi là”Phát hành hàng tuần vào ngày thứ ba” nhưng thật ra có khi ra ngày thứ bảy như số 12/1882, có khi ra ngày thứ tư như số 1/1882, có khi ra ngày thứ sáu như số 10/1882. Riêng năm 1891, báo phát hành đều đặn vào ngày thứ ba trong tuần.
Thống kê số kỳ ra báo trong năm 1882, ta thấy như sau:
Tháng giêng                      2 kì    (số 1,2)
Tháng hai            3 kì    (số 3,4,5)            
Tháng ba            4 kì    (số 6,7,8,9)
Tháng tư            3 kì    (số 10,11,12)
Tháng năm            5 kì    (số 13,14,15,16,17)
Tháng sáu            4 kì    (số 18,19,20,21)
Tháng bảy            5 kì    (số 22,23,24,25,26)
Tháng tám            4 kì    (số 27,28,29,30)
Tháng chín            5 kì    (số 31,32,33,34,35)
Tháng mười            4 kì    (số 36,37,38,39)
Tháng mười một        4 kì    (số 40,41,42,43)
Tháng mười hai        5 kì    (số 44,45,46,47,48)
Nơi phát hành Gia Định Báo
Nơi phát hành Gia Định Báo cũng thay đổi liên tục nhưng thường tập trung ở các dinh quan, khi thì dinh quan thượng lại ở Saigon, khi thì ở dinh quan Hiệp lí Nam kỳ, khi thì phòng thông ngôn dinh quan thống đốc Nam Kỳ(số 32/1895).
Hình thức phát hành có một bước cải tiến rõ rệt đấy là chuyển đổi từ trực tiếp đến mua cho đến khi cần thì gởi thư đến. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được là gởi theo đường bưu điện hay là có người trực tiếp mang đến phát tận nhà.
d.    Trình bày, in ấn trong Gia Định Báo
Cách trình bày bài vở trong Gia Định Báo ở những số đầu không có phân cách rõ ràng ngoài việc xuống hàng. Càng về sau, tờ báo trình bày càng rõ ràng hơn khi sử dụng những dấu gạch ngang để tách bài này với bài khác dù bài dài hay ngắn.
Tờ báo chia thành hai cột cố định trong hơn 40 năm tồn tại của mình. Cách phân bố các nội dung, các phần hầu như không thay đổi. Điều này giúp người đọc có thể tiép cận nhanh chóng nội dung mình cần nhưng cũng gây nhàm chán. Cách sử dụng trang cuối để Quảng cáo là cách sử dụng có tính toán, khoa học. Tuỳ theo bài vở mà phần Thứ vụ có thể dài hay ngắn nhưng thường thì phần này nằm ở trang kề cuối.
Trong giai đoạn báo chí chưa hề có hình ảnh, Gia Định Báo đã sử dụng các dạng chữ nghiêng, chữ đậm, chữ nhỏ hơn cỡ chữ thông thường để làm cho tờ báo sinh động. Cách dùng những ô kẻ trong Gia Định Báo cũng cho thấy một sự cải tiến của tờ báo này. Gia Định Báo sử dụng hình thức viết tằt bằng nhiều ký hiệu. Có lúc dùng dấu chấm và các chữ như “id”(idem), có lúc sử dụng dấu gạch ngang ( trang Quảng cáo dùng “–“ thay cho “rượu”), có lúc dùng ký hiệu “>>”.
“…Ông Lê-văn-Trước, chủ đất sanh ngày mồng một mars 1859 tại Tân-hoà (Nam-kỳ), ngụ tại đó;
>> Nguyễn-ngọc-Kỳ, thơ-ký tại dinh Hiệp-lý Nam-kỳ, Sàigòn, sanh ngày mồng 3 mars, 1870 tại Tâ-đông-thượng.
>> Lê-phát-Thanh, chủ đất…”
(Gia Định Báo số 27/1897)

So với báo chí ngày nay thì hình thức của Gia Định Báo không được đánh giá cao. Nhưng đặt vào hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ thì cách trình bày của Gia Định Báo vẫn hơn hẳn, người đọc có thể đọc một mạch các thông tin, cách bố trí bài vở đơn giản, mạch lạc và dễ hiểu và không thể phủ nhận những đóng góp lớn lao, những cố gắng mà tờ báo đã làm được.
Gia Định Báo đã có sự cố gắng trong việc duy trì đều đặn báo tuần, ra đúng ngày, ngay cả khi tăng trang đến 12,14 trang vẫn giữ đúng tiến độ phát hành.
Tờ Gia Định Báo được in Typo. Đây là phương pháp lâu đời do Gutenberg phát minh. Phương pháp này dùng in tất cả sách báo Việt Nam từ 1865 đến 1970. Chưa tìm được tài liệu nào nói rõ hơn về việc in ấn tờ báo này, chỉ có một số thông tin như sau:
Từ 1880 cho đến số 18/1885, trang cuối đều ghi  “Saigon - Bản in nhà nước”
Từ số 19/1885 ghi “Bản in quản hạt”
Số 2 ngày 06/01/1891 có in “Saigon - Bản in nhà hàng REY và CURIOL số 4, đường d’ Adran là nhà in do Ô. REY và Ô. CURIOL làm chủ, nhận in sổ sách, nhựt-trình, bì Thơ, Thiệp tây, sách Bộ sở, Bộ sanh từ và Hôn-thú, sổ buôn bán, giấy đòi nợ, có đóng bìa sách mạ vàng”.
Năm 1895, phía  dưới trang cuối ghi: ”SAIGON – Imprimerie Nouvelle, CLAUDE. Et C.”.



Add comment