KHUÔNG VIỆT: Nhà báo Việt Nam đầu tiên được cấp thẻ nhà báo của Liêp hiệp quốc

 

KHUONGVIETRRR

Nhà báo Khuôn Việt và Thẻ Nhà báo do Liên hiệp quốc cấp

 

Hơn mười năm trước, lúc tòa soạn Báo PN còn ở 188 Lý Chính Thắng, có một nhóm bạn sinh viên Khoa Báo chí trường Khoa học Xã hội - Nhân văn đến gặp tôi. Các bạn có nhờ tôi xem qua công trình khảo sát một số báo, tạp chí trước 1945 do các bạn thực hiện. Qua trao đổi, hầu như tôi không góp ý gì nhiều, chỉ hướng dẫn một vài chi tiết trong đề cương để các bạn tiếp tục làm tốt nhất công việc khó khăn này. Không rõ sau đó, công trình về báo chí Việt Nam của các bạn đã đến đâu?

Chiều nay, sắp xếp lại tài liệu, tôi tình cờ tìm lại được. Đọc kỹ, thấy hữu ích nên công bố cho mọi người tham khảo. Xin cám ơn các bạn sinh viên đã tin cậy trao tôi tài liệu này. Và tôi sẽ post lần lượt dần, không biên tập gì thêm. Tất nhiên, người đọc có thể trao đổi thêm điều này điều kia, nhưng giá trị ở đây là các bạn đã tiếp xúc tư liệu gốc nên rất đáng tin cậy. Thiết nghĩ, việc làm đáng khâm phục của các bạn sinh viên có thể giúp ích cho nhiều người - nhất là những ai quan tâm đến sự hình thành và phát triển của nền báo chí nước nhà.

Cẩn chí,

L.M.Q


Nhà báo KHUÔNG VIỆT tên thật là Lý Vĩnh Khuông, bút hiệu Phong Vũ , Việt Hà, Trần Văn Hai. Sinh năm 1912, quê làng Bãi Xàu, tỉnh Sóc Trăng. Con ông Lý Tái Sanh và bà Phạm Thị Tố cư ngụ và làm việc tại Sài Gòn. Xuất thân là nhân viên thư viện của soái phủ Nam kỳ ở đường Langrandière (nay là Thư viện KHXH Tp. HCM) và có chân trong Uỷ Ban văn học Phan Thanh Giản của Hội Đức Trí Thể Dục Nam Kỳ.

Ông là một cây bút viết liên tục trên báo Tri Tân (Hà Nội).

Từ năm 1941, ông là người đầu tiên nghĩ ra việc thiết lập Mục lục Tạp chí Nam Phong.

Năm 1942, Khuông Việt trúng giải nhất kỳ tuyển chọn "Một thiên ký sự thuộc phạm vi Nam sứ" do báo Tri Tân tổ chức. Đây là một cuộc thi mà một cây bút bình thường không phải dễ đoạt giải. Chuyên đề của ông có tên là "Lãnh sự Việt NAm ở Sài Gòn", cùng năm này ông xuất bản quyển Tôn Thọ Tường. Sau ngày đế quốc Anh giúp thực dân Pháp tái chiếm Sài Gòn, Khuông Việt bỏ làm dấn thân vào các hoạt động văn hoá, xã hội..

Năm 1944, khi Hội Quốc ngữ Nam kỳ thành lập, ông được cử là Tổng thư ký.

Năm 1947, ông làm chủ nhiệm báo Nay...Mai.

Sau đó, ông sang chậu Âu đại diện cho Đảng Xã Hội Việt Nam tại Pháp rồi kẹt luôn ở Paris.

Sống ở Pháp (những năm 1948 - 1955) ông vẫn viết cho các báo ở Sài Gòn, nhất là trên tờ Mới với bút hiệu Việt Hà. Trong thời gian này nhiều lần ông tham dự các hội nghị Quốc tế với tư cách là kí giả. Năm 1948, Khuông Việt được Liên đoàn SFIO cử sang Pháp với tư cách đại biểu để dự đại hội lần thứ 40 của Đảng Xã hội Pháp tiến hành, tại Paris. Và ông cũng là người đầu tiên được cấp thẻ báo chí Liên Hợp quốc nhân chuyến đi này.

Mấy năm sau Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn không tờ báo nào của người Việt có đủ khả năng về tài chính để gửi một đặc phái viên ra nước ngoài theo dõi khóa họp thường kỳ của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ). Vậy mà ngày 18/9/1948, một nhà báo Việt Nam được cấp thẻ báo chí LHQ chỉ ba ngày trước khóa họp ĐHĐ tại Paris. Đó là Khuông Việt (Lý Vĩnh Khuông) với tư cách ký giả tờ Công Chúng.

Công Chúng là một tờ tuần báo cho Trần Trấn Quốc làm Giám đốc với bộ mới số 1 ra vào tháng 6/1948. Chủ bút là Nam Quốc Cang rất hăng hái "đâm mấy thằng gian", ít lâu Nam Quốc Cang bị ám sát (ngày 6/5/1950). Một tờ tuần báo thì không cần phải nhanh về tin tức thế giới, đến mức phải gửi một đặc phái viên đến Paris để lấy tin sốt dẻo. Ngay cả nhật báo, thời đó và về sau nữa, chỉ cần lấy lại tin của các hãng thông tấn lớn của nước ngoài như AFP, Reuters, UPI, AP là đủ.

Trước khi lên đường dự đại hội, Khuông Việt có giấy chứng nhận là phóng viên của tờ Công Chúng. Nếu Khuông Việt không được cử đi Pháp dự Đại hội Đảng xã hội Pháp, thì báo Công Chúng không đủ sức chơi "ngông" gửi một đặc phái viên đi Paris theo dõi phiên họp thường kỳ ĐHĐ/LHQ. Đây chỉ là một việc tiện thể mà thôi.

Khuông Việt được cấp Thẻ nhà báo LHQ ngày 18/9/1948, với tư cách ký giả báo Công Chúng, nhưng thật ra tờ báo này đã trình bản từ sau 45, ngày 6/8/1948. Dù sao, Khuông Việt cũng là người Việt Nam sớm nhất ở Sài Gòn được nhận Thẻ báo chí của LHQ.

Sau hiệp định Genève, ông trở về sống ẩn dật ở Phú Nhuận. Trong thời gian này ông cũng có viết một số sách như: Người Nhật với Đông Dương và một hồi ký dài trong đó có chương quan trọng về Truyền bá quốc ngữ, Thanh niên tiền phong, Cứư đói...

Trong cuộc đời làm báo, ông viết rất nhiều bài khảo cứu có giá trị trên các báo: Tri Tân, Thanh Nghị... ở Bắc kỳ và Nam kỳ tuần báo, Đại Việt tạp chí... ở Nam kỳ.

Khuông Việt là nhà báo, nhà nghiên cứu nghiêm túc, điều này được thể hiện rất rõ qua các bài viết, tác phẩm của ông.

Chia sẻ liên kết này...

Add comment