BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết Chị HUYỀN SƯƠNG: Những tình huống oái oăm trong tình yêu - Tình huống 15: CÓ NÊN LẤY CHỒNG NƯỚC NGOÀI?

Chị HUYỀN SƯƠNG: Những tình huống oái oăm trong tình yêu - Tình huống 15: CÓ NÊN LẤY CHỒNG NƯỚC NGOÀI?

Mục lục
Chị HUYỀN SƯƠNG: Những tình huống oái oăm trong tình yêu
Lời giới thiệu: ĐỂ CUỘC ĐỜI ĐÁNG YÊU HƠN (Anh Bồ Câu)
Tình huống 1: HỠI ƠI VÌ LỠ CÓ… BẦU!
Tình huống 2: YÊU NHƯNG CHÀNG KHÔNG CHỊU… CƯỚI!
Tình huống 3: KHI CHÀNG HỌ SỞ “CHUYỂN” NÀNG CHO NGƯỜI KHÁC!
Tình huống 4: CHẤP NHẬN LÀM BỒ NHÍ ĐỂ ĐƯỢC… VIỆC LÀM
Tình huống 5: YÊU CHỊ NHƯNG LẠI TÁN… EM!
Tình huống 6: YÊU THÌ YÊU MÀ GHEN THÌ GHEN!
Tình huống 7: NẾU CHÀNG “QUẤT MÃ TRUY PHONG”?
Tình huống 8: LÀM GÌ KHI NGƯỜI THỨ BA XUẤT HIỆN?
Tình huống 9: KHI BẠN THẤY CHỒNG BẠN ĐANG ÔM CÔ GÁI
Tình huống 10: CHÀNG SẼ NGOAN NGÕAN NGHE LỜI BẠN NẾU…
Tình huống 11: CHA MẸ CHÀNG BẮT…. CON CỦA BẠN!
Tình huống 12: KHI ANH RỂ TÁN TỈNH CÔ EM VỢ
Tình huống 13: KHI CHÀNG TRẢ LỄ ĐÍNH HÔN VÌ… YÊU NGƯỜI KHÁC
Tình huống 14: KHI CHÀNG MUỐN… “TẠM ỨNG” TRƯỚC!
Tình huống 15: CÓ NÊN LẤY CHỒNG NƯỚC NGOÀI?
Tình huống 16: VÌ GIẬN CHỒNG NÊN LỠ… NGOẠI TÌNH!
Tình huống 17: PHẢI LÀM SAO…. KHI NÀNG TRANG ĐIỂM QUÁ LÂU?
Tình huống 18: LỠ YÊU NGƯỜI ĐÃ CÓ… VỢ!
Tình huống 19: KHI NÀNG THƯỜNG VỀ NHÀ MUỘN!
Tình huống 20: ĐANG ĐI HỌC NHƯNG LỠ…
Tất cả các trang

Tình huống 15:

CÓ NÊN LẤY CHỒNG NƯỚC NGOÀI?

Trong một buổi liên hoan vui vẻ, có người đã phát biểu như sau: “Lấy chồng ngoại quốc là điều vinh dự, điều đó không phải ai cũng đạt được! Nếu bạn không có nhan sắc thì ai cần để ý đến bạn? Và bạn nên nhớ rằng, người ngoại quốc vốn văn minh, giàu có, lịch sự nên họ chọn vợ rất chu đáo. Ta nên lấy đó làm điều sung sướng. Sau đây là những lý lẽ để ta tự hào:

- Bạn sẽ được đi du lịch nước ngoài, định cư cùng chồng một cách sung sướng với đầy đủ tiện nghi ở một nước văn minh.

- Bạn sẽ được cưng chiều vì ở nước ngoài người ta rất tôn trọng phụ nữ.

- Bạn có thể giúp ích cho gia đình bạn bằng đồng tiền bạn kiếm dễ dàng ở ngoại quốc.

- Bạn sẽ trở thành Việt kiều mà thỉnh thoảng khi về quê hương thì họ hàng, bà con lối xóm trọng vọng, kính nể.

Ngoài ra, còn rất nhiều lý do khác nữa. Do đó tôi ủng hộ chủ trương lấy chồng ngoại quốc của các bạn gái trẻ”.

Lúc đó bạn cũng có mặt, bạn phải phát biểu như thế nào khi mọi người yêu cầu bạn có ý kiến?


Bạn Tú Uyên (100/12 Thích Quảng Đức, P.5, Phú Nhuận, TPHCM):

Tôi không hoàn toàn đồng ý với bạn. Tại sao chúng ta phải lấy chồng nước ngoài? Bạn có nêu lên bốn lý do chính. Tôi xin trao đổi từng lý do một.

Bạn “phát biểu” bạn sẽ được đi du lịch nước ngoài, định cư cùng chồng một cách sung sướng với đầy đủ tiện nghi ở một nước văn minh. Vậy xin hỏi, lấy chồng trong nước bạn không được đi du lịch à? Về tiện nghi thì hiện nay trong nước đâu có thiếu, miễn vợ chồng bạn có tiền mà thôi. Thậm chí bạn chưa đủ tiền thì có thể mua trả góp đấy chứ. Lý do thứ hai bạn cho biết: “bạn được cưng chiều vì ở nước ngoài người ta rất tôn trọng phụ nữ”. Vậy ở nước ta phụ nữ không được tôn trọng hay sao? Luật pháp và hiến pháp qui định rất rõ ràng nên bạn cứ yên tâm. Thậm chí, nếu người chồng đánh vợ sẽ bị công an và tổ dân phố can thiệp ngay, đó là chưa nói đến sự giúp đỡ của hội phụ nữ nữa. Chỉ mới hai ý kiến nêu ra, tôi lập luận lại như thế thì cho thấy bạn đuối lý rồi phải không?

Lý do thứ ba bạn đã nêu rằng… Mà thôi, có lẽ cũng không cần phải nhắc lại nữa. Tôi cho rằng không nên lấy chồng nước ngoài, vì bạn có nhớ trong kho tàng ca dao của dân tộc ta có câu:

Có con mà gả chồng gần

Có bát canh cần nó cũng đem cho

Có con mà gả chồng xa

Một là mất giỗ hai là mất con.

Vì vậy, tôi cực lực phản đối ý kiến chủ trương lấy chồng nước ngoài của bạn.

 

L.V.T Nương (657 Điện Biên Phủ, Q.3, TPHCM):

Thứ nhất, bạn nói rằng: Lấy chồng ngoại quốc là điều vinh dự. Tôi thầm hỏi những điều kiện tiện nghi của chồng có thể khiến vợ anh ta thấy mình “vinh dự”? Hay chỉ cần cái “mác” người nước ngoài cũng là một “vinh dự” cho người vợ Việt Nam, mà không cần tính đến “chât tượng” đằng sau cái “mác” đó?

Thứ hai, bạn cho rằng “nếu bạn không có nhan sắc thì ai thèm để ý đến bạn?” Không biết thị hiếu thẩm mỹ của tôi có quá khắt khe hay không. Chẳng những tôi đã từng thấy tận mặt nhiều phu nhân người Việt của các ông mắt xanh mũi lõ không thể gọi là đẹp được, nếu không nói là nhan sắc dưới trung bình. Dễ hiểu thôi! Không phải tất cả những người ngoại quốc là những hoàng tử sang Việt Nam kén vợ đẹp, và cũng không phải tất cả thiếu nữ Việt Nam đều muốn đi “thử giày” mà “hoàng tử” trao cho, giống như trong truyện cổ tích.

Thứ ba, bạn ca ngợi những người ngoại quốc bằng những từ hoa mỹ như “văn minh, giàu có, lịch sự”. Tôi đồng ý với bạn rằng nhiều người trong số họ (không phải tất cả) văn minh, lịch sự. Tuy nhiên, chẳng lẽ ở ngoại quốc không có người nghèo? Và bạn có dám chắc rằng tất cả người ngoại quốc sang Việt Nam đều thành công và giàu có hay không?

Thứ tư, bạn cho rằng lấy chồng nước ngoài thì sẽ được “định cư cùng chồng một cách sung sướng ở một nước văn minh”. Có phải người quen của bạn thường kể bạn nghe cảnh sống thiên đường nơi xứ người, và bạn đã tin họ? Tôi đoán mò như thế, nếu không đúng thì xin thứ lỗi. Hay bạn nghĩ rằng tất cả những cô gái Việt Nam lấy chồng ngoại quốc đều đã từng nghèo khổ, bần cùng đến mức ra nước ngoài thấy ai cũng “văn minh” quá, “sung sướng” quá?

Thứ năm, bạn chẳng định rằng lấy chồng ngoại quốc thì “sẽ được cưng chiều vì ở nước ngoài người ta rất tôn trọng phụ nữ”. Theo tôi, “cưng chiều” và “tôn trọng” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, độc lập với nhau. Bạn có thể cưng chiều con chó, con mèo của bạn nhưng bạn có tôn trọng nó không? Bạn có thể tôn trọng một người thầy, nhưng bạn có… cưng chiều người thầy đó không? Bạn đã suy nghĩ kỹ chưa khi nói theo cấu trúc câu “cưng chiều vì tôn trọng”, mà theo tôi hiểu, bạn muốn diễn đạt rằng “cưng chiều” là kết quả của “tôn trọng”? Hơn nữa, xin bạn chỉ giáo cho thế nào là “tôn trọng”? Chẳng lẽ một vài cử chỉ “galăng” với phụ nữ đã được gọi là “tôn trọng phụ nữ” hay sao? Chẳng lẽ bạn không nghe thấy phụ nữ Mỹ đòi được đối xử bình đẳng và trả lương ngang bằng với nam giới đó sao?

Thứ sau, bạn nói “bạn có thể giúp gia đình của bạn bằng đồng tiền bạn kiếm dễ dàng ở ngoại quốc”. “Dễ dàng” đến mức nào? Mấy ngàn USD một tháng? Và bạn tiêu xài hết bao nhiêu trong khoản tiền mà bạn kiếm được “dễ dàng” đó? Theo tôi, câu nói của bạn nên đổi lại là: “Bạn có thể trợ giúp gia đình bằng khoản ngoại tệ bạn dành dụm được”.

Và còn điều cuối cùng tôi bất đồng với những ai nói rằng “Việt kiều được “trọng vọng, kính nể”. Đành rằng dân ta đến nay vẫn còn nhiều người vướng phải “hội chứng mê Việt kiều” nhưng tôi tin rằng cũng có không ít người như tôi – không “trọng vọng, kính nể” Việt kiều một cách chung chung như vậy. Có bao loại người mà tôi kính nể: người có công sinh thành, nuôi dưỡng giáo dục tôi, người có học thức hơn tôi, và người có bản lĩnh hơn tôi, thông minh hơn tôi. Tôi tuyệt nhiên không “kính nể” (chứ đừng nói gì đến “trọng vọng”) Việt kiều nếu “ngài” Việt kiều ấy không thuộc một trong ba loại người mà tôi vừa kể.

Bạn Thanh Thúy (khách sạn Hải Âu - Vũng Tàu):

“Nên lấy chồng nước ngoài” hay “không nên lấy chồng nước ngoài”? Thưa ra, theo tôi nghĩ, trong tình yêu không có khái niệm “nên” hay “không nên” mà chỉ có khái niệm duy nhất “yêu thật lòng” hay “yêu không thật lòng” mà thôi.

Xung quanh chúng ta đã và đang có không ít những cô gái xem tình yêu như trò đùa. Tình yêu được đem ra mua bán, đổi khác và “có đi có lại” như một món hàng. Không thiếu những cô gái nghĩ rằng muốn giàu sang, sung sướng thì phải lấy chồng ngoại. Nếu tình yêu chỉ đem lại vật chất thì tình yêu đó sẽ không tồn tại được mãi mãi. Và thật đáng thương hại cho những chàng trai, cô gái đang trong tình trạng thỏa mãn nhu cầu vật chất này.

Bạn Lê Phương Huyền (giáo viên):

Việc lấy chồng “nội” hay chồng “ngoại” tôi không có ý kiến. Điều mà tôi  muốn nói với bạn đó là quan đểim và cách nhìn nhận khi đứng trước lối rẽ mới vào cuộc đời mình. Chẳng lẽ bạn gạt bỏ yếu tố hàng đầu, yếu tố quyết định là tình yêu ư? Chỉ hai chữ thôi nhưng vô cùng quan trọng bạn ạ. Với tôi, tôi chỉ muốn chồng là người yêu mình, và ngược lại mà thôi. Chồng “nội” hay “ngoại” không quan trọng bằng việc nhận đúng ra đâu là tình yêu đích thực của cả hai. Điều này thực khó nhưng không phải là không thể làm được, phải không bạn? Bởi cuộc sống sẽ tẻ nhạt biết bao nếu thiếu đi tình thương yêu thật sự phải không các bạn?

Bạn Lê Ngọc Anh Thư (Lê Văn Sỹ, Phú Nhuận):

Tôi đã thật sự xúc động và cảm kích khi tận mắt chứng kiến và khi đọc báo thấy các gia đình hạnh phúc bên người chồng ngoại quốc. Người chồng này hết sức yêu thương vợ con và có một tấm lòng cao cả khi nuôi trong lòng một ước mơ hoài bão được đóng góp một phần tài năng, trí tuệ và vật chất để làm cho quê hương người vợ thêm giàu đẹp. Một kỹ sư người Mỹ, một trí thức quốc tịch Canada đã cùng vợ con trở về Việt Nam xây dựng đất nước, họ đã quay về cội nguồn dân tộc bằng cả trái tim và khối óc của mình, dù muộn còn hơn không. Không ai có thể quên được cội nguồn dù bất cứ thời gian và không gian nào, dù lấy chồng ngoài quốc tịch.

Đã là phụ nữ ai lại không mơ ước mình có một gia đình hạnh phúc, một người chồng để san sẻ những vui buồn, lo toan và thúc đẩy cả những ước mơ hoài bão để có được một tương lai tươi sáng. Theo tôi, lấy chồng ngoại rất có lợi để trau dồi kiến thức, mở rộng tầm nhìn với các nước văn minh tiên tiến, học được những kinh nghiệm quí báu nơi xứ người, rút ra những gì tinh hoa nhất để cùng nhau xây dựng đất nước mình. Lấy chồng ngoại không phải để ngủ quên trong giấc mộng giàu sang, thỏa mãn vờiu dục vọng thấp hèn mà quên đi bổn phận và trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và tổ quốc.

Thậm chí chồng “ngọai” còn là một người bạn tốt, giúp nhau xây dựng gia đình trong ấm ngoài êm bằng cách anh ta đã tìm hiểu mọi tập tục, văn hóa cội nguồn dân tộc của vợ không chỉ qua sách vở, cảnh trí, đền đài, mà chính cách sống và nhận thức nơi người vợ Á Đông nhân hậu của mình. Từ đó, họ có thể truyền bá và chứng minh cho dân tộc họ biết đất nước Việt Nam là một đất nước có truyền thống văn hóa vẻ vang, nhân ái. Người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, nhân hậu và chung thủy ắt hẳn là một tấm gương sáng cho nhiều phụ nữ trên thế giới noi theo. Ở đây, ngoài việc được sống đầy đủ sung sướng, người vợ Việt Nam còn cảm thấy thích thú và hãnh diễn khi tìm thấy những tư tưởng mới lạ, tân tiến theo đà phát triển của nền văn minh nước ngoài. Sự bất đồng ngôn ngữ, xa lạ với bản sắc văn hóa của người nước ngoài mất dần khi người vợ thật sự cảm nhận được hạnh phúc bên người chồng hết mực cao thượng này.

Tôi có một người bạn lấy chồng nước ngoài, nhờ sự động viên khuyến khích của người chồng, nay cô ta đã trở thành một nhân vật tiếng tăm, có tài đức để cống hiến cho xã hội.

Lấy chồng “ngoại”, chúng ta tiếp thu được một trình độ văn hóa – xã hội, nghệ thuật, khoa học… mới, từ đó ta tích lũy, đầu tư những kiến thức để giúp ích cho quê hương Tổ quốc. Theo tôi, xa xứ không có nghĩa là chối bỏ Tổ quốc mà là cơ hội tốt để nắm bắt những kinh nghiệm, trình độ chuyên môn để cải cách đất nước tốt đẹp hơn.

Nói tóm lại, chồng “ngoại” cũng tốt đấy chứ, nếu thực sự bạn và anh ấy để lại một dấu son trong tâm hồn, một tình yêu bắt nguồn từ sự rung động của con tim, một cách sống có ích cho nhân loại dù đi bất cứ nơi đâu, ở đâu. Phải không các bạn?

Lê Đình Nam (Công ty Holico – 117 Trần Phú, Q.5, TP.HCM):

Bạn ơi! Bạn có quá “lý tưởng hóa” lắm không khi cho rằng lấy chồng ngoại là điều vinh dự? Chúng ta không nên tô hồng cuộc sống ở xứ người vì cuộc đời là một sự đổi thay liên tục, những ước mơ khi đã đạt được rồi cũng phải trả một giá đắt. Tiền bạc, vật chất, sắc đẹp chưa hẳn đã làm nên hạnh phúc. Chỉ có tình cảm là ngọn lửa, là chất liệu nuôi sống mình đủ nghị lực để vươn lên làm lợi cho đời. Tình yêu không thể bắt nguồn từ tiện nghi, chốn văn minh đô hội mà chính là sự rung động của con tim, sự cảm thông chia sẻ và một tấm lòng thủy chung son sắ. Khi ở xa mới thấy hết nỗi buồn nhớ quê hương và tình người mặn nồng trong nước, bạn luôn sống trong u hoài, băng giá, nhất là trong một nước văn minh tiên tiến họ chạy đua với thời gian và tiền bạc. Mọi người đều sống xa cách dè dặt. Tâm hồn con người cũng bị băng hoại nhiều. Theo tôi, chỉ đáng được trọng vọng khi chúng ta biết sử dụng đồng tiền và trí tuệ ở xứ người về để xây dựng đất nước, xóa đi một phần nào những đau khổ, bất hạnh cho những người kém may mắn, giúp đỡ gia đình bè bạn.

Tôi rất ái ngại cho những gia đình có con gái lấy chồng nước ngoài, về nước huênh hoang tự đắc, mà thực chất đồng tiền họ kiếm ra chẳng dễ dàng tí nào.

Không chỉ ở nước ngoài, người phụ nữ mới được trân trọng, mà bất cứ ở đâu, giai đoạn nào, người phụ nữ cũng được ưu ái nếu họ biết giữ phẩm hạnh của mình.

Chưa kể những bất đồng về phong tục, ngôn ngữ, tập quán, khí hậu, tâm sinh lý… không phù hợp với nền tảng Á Đông, thử hỏi người phụ nữ có được hạnh phúc không? Hay chỉ là những mộng tưởng hão huyền? Dù có đi du lịch khắp noi thì câu châm ngôn: “Ta về ta tắm ao ta” vẫn là niềm tự hào dân tộc.

Tuy nhiên, nếu cuộc hôn nhân của bạn là kết quả của một tình yêu đích thực, thì bạn là kẻ may mắn học hỏi được những tinh hoa nơi nước bạn và tìm được một chỗ dựa tinh thần vững chắc bên người chồng lý tưởng của bạn.

Bạn Thanh Tâm (cựu học sinh trường Bùi Thị Xuân - Đà Lạt):

Sống trong  thời đại mà nền công nghiệp đang phát triển mạnh, việc mở cửa giao lưu với các nước bạn là cần thiết, từ đó phát sinh nhiều mối quan hệ nam nữ, nhất là vấn đề kết hôn với người nước ngoài. Tôi xin nêu một số nhược điểm khi lấy chồng ngoại quốc để chị em tham khảo.

Là con gái trong một gia đình đông anh em, tuy cha mẹ cố gắng bươn chải để lo cho chúng tôi ăn học, vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo túng. Tốt nghiệp phổ thông trung học xong, tôi nghỉ học và đi làm để giúp đỡ cha mẹ phần nào. Nhờ có nhan sắc và khá tiếng Anh, tôi được nhận vào làm thư ký cho một công ty nước ngoài. Nhờ duyên dáng, thông minh, nhạy bén trong công việc, tôi dành được cảm tình ưu ái nơi ông chủ, tình cảm phát sinh từ đấy. Từ những món quà đắt tiền, những đồng đô la ông chủ tặng, tôi dần dần sa lầy vào những cuộc hẹn hò, ái ân trao đổi… những lời hứa sẽ được làm vợ và sang bên kia bờ đại dương chung sống… và tôi đã phạm một lỗi lầm lớn là hiến dâng cái quí giá nhất của đời người con gái cho ông ta. Sống trong bạc vàng, nhung lụa nhưng sao tôi vẫn thấy cô đơn và hối hận.

Ngày qua ngày, cuộc sống của tôi trôi qua lặng lẽ, đơn điệu bên người chồng hờ. Tôi thèm được trở về mái ấm gia đình xưa, tuy nghèo nhưng hiền hòa, thanh cao và rộn rã niềm hạnh phúc. Cuối cùng, sự chia tay đã đến, anh lặng lẽ bỏ đi không một lời từ giã. Sau này tôi được biết anh đã có vợ, việc anh làm là cần thiết. Từ đấy, tâm hồn tôi hằn sâu một dấu ấn đau buồn, vết thương lòng làm tôi trăn trở, hoài nghi tất cả.

Số phận vẫn nghiệt ngã dành cho tôi. Một thời gian sau, tôi đính hôn với một ngoại kiều Pháp. Ngày xuất giá khăn gói lên đường đến xứ người, tôi như lạc lõng, bơ vơ. Hàng ngày đi làm về, anh lại tất bật với sinh hoạt gia đình, bè bạn; không có thời giờ dành riêng để tâm sự, hiểu tôi. Anh chỉ lo tôi bị ức chế về sinh lý.

Từ ngôn ngữ, sinh hoạt, khí hậu, tính tình, tôi không thích nghi được, từ đó sinh ra mâu thuẫn.

Càng ngày anh ấy và tôi càng xa cách nhau hơn. Tôi như một món hàng mất giá đem đi bỏ chợ. Bạn bè anh thường xuyên rủ anh đi chơi bời trác táng…. Ai đảm bảo cho tôi không bị lây nhiễm căn bệnh hiểm nghèo của thời đại?

Thêm nữa, khi dòng người du lịch đổ vào Việt Nam qua nhiều hình thức, có những chàng ngoại kiều dỏm chuyên lừa đảo những cô gái ham tiền để dẫn đến những đường dây sextour. Các bạn gái nên tỉnh táo lánh xa.

Chồng Việt Nam hầu hết đều thủy chung và coi trọng nền tảng đạo đức gia đình, biết cảm thông chia sẻ và trân trọng hạnh phúc hôn nhân.

Người đời vẫn dèm pha khi thấy một cô gái Việt Nam nhỏ thó bên những ông ngọai quốc to cao, không cân đối về thể chất và sức khỏe. Hạnh phúc chỉ thực sự có được khi được đúc kết bằng một tình yêu chân chính. Tất cả còn lại chỉ là phù du. Vật chất, tiền tài chỉ có tính cách nhất thời. Cái chính vẫn là tình yêu và trí tuệ. Đừng nên sống dựa dẫm vào người khác làm thui chột đi nhân cách và giá trị của mình.

Chắc hẳn câu ca dao:

Ta về ta tắm ao ta

Dù trong, dù đục, ao nhà vẫn hơn

Vẫn còn gái trị cho đến bây giờ, phải không các bạn?

Tất cả những ý kiến trên đây Huyền Sương mong rằng các bạn sẽ “ứng chiến” với lời phát biểu đặt bạn vào những tình huống nêu trên.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com