Trong vòng mươi năm trở lại đây, một loạt di cảo của cố nhà thơ Trần Dần được xuất bản. Lập tức Hội Nhà văn Hà Nội đã trao cho ông nhiều giải thưởng cao quý. Thú thật, ban đầu tôi không tin lắm vào ban thẩm định tác phẩm. Bởi chưa bao giờ các giải thưởng lại vàng thau lẫn lộn như hiện nay, thậm chí còn có những “tôn vinh” ngoài giá trị văn học. Thế nhưng, khi đọc đến tiểu thuyết Những ngã tư và những ngọn đèn (NXB Hội Nhà văn) của Trần Dần, tôi đã thay đổi suy nghĩ đó. Thì ra, với tiểu thuyết, Trần Dần đã cách tân, đã thể nghiệm trước các nhà văn VN nhiều lắm.
Đây là tiểu thuyết tình cảm? Trinh thám? Hình sự? Hiện thực? Có tất. Về hình thức, ông quan niệm: “Chữ đầu đánh luôn từ dòng đầu, không thụt vào. Coi như cuốn sách gồm từng ô, như ô ruộng đầy chữ”; “y” thay thành “i”; giữ nguyên chữ nhiều nguyên âm như xìì, khèè, suỵttt… v.v..”.
Thật ra biểu hiện hình thức chỉ là chuyện nhỏ.
Cái đáng kể nhất phải là cách viết của ông. Hầu hết các nhân vật khi đứng trước độc giả đều xưng “tôi”. Nhân vật chính là Dưỡng có thời gian dính líu với Pháp, y kể lại chuyện cuộc đời mình bằng những dòng ghi chép trong nhật ký. Y có vợ là Cốm và mối quan hệ của y cũng khá phức tạp với một lũ bạn “cùng hội cùng thuyền” như Tình Bốp, Lily, Đoành, Chắt, Ngỡi… Dưỡng xưng tôi khi viết nhật ký. Người đọc nhật ký này cũng xưng tôi. Ngoài ra còn có những nhân vật luôn bám sát và hướng Dưỡng về con đường tốt như ông Trung trố, chị Hòa, anh Thái… cũng xưng tôi.
Cái giỏi của tác giả là qua đối thoại và tự sự mà tính cách nhân vật hiện lên rõ mồn một. Không ai lẫn vào ai. Mỗi người một tính cách riêng biệt.
Độc đáo nhất còn là nhân vật không có tên, tác giả gọi gọn lỏn “sọ” - chính là cái bóng của Dưỡng. “Trò chuyện” giữa y và “sọ” là những đoạn nhằm phân tích suy nghĩ, độc thoại nội tâm của y. Trong khi đó, có những lúc chị Hòa, Cốm lại tự kể chuyện của mình để nối vào mạch chuyện chung của Dưỡng. Đã thế về thời gian lại có những đổi thay lẫn lộn, chẳng hạn ngày tiếp quản Thủ đô, nhật ký của Dưỡng lại ghi ngày mồng Một Tết, thời gian di chuyển từ năm 1955 đến năm 1966 và ngược lại; thứ bảy nhầm sang chủ nhật… Rõ ràng ý thức về thời gian cũng là một cách thể hiện tâm trạng của nhân vật, chứ không riêng gì tình tiết của câu chuyện mà tác giả đang kể.
Một cách thể hiện Những ngã tư và những ngọn đèn, với nhà văn VN gần như chưa mấy ai thử nghiệm. Và bây giờ cũng vậy. Nói cách khác, Trần Dần đã chọn cho mình một đường đi độc đạo. Ông hoàn thành tiểu thuyết này năm 1966, sau khi được Sở Công an Hà Nội cấp giấy phép vào trại giam và tiếp xúc với ngụy binh thời Pháp để lấy chất liệu hoàn thành tác phẩm nhưng sau đó không in. Mãi đến năm 1988, Sở Công an Hà Nội trả lại bản thảo cho ông và ông lại tiếp tục sửa chữa, chủ yếu về văn phong.
Tôi dám cam đoan rằng, nếu ai đã cầm tiểu thuyết này lên, sẽ không thể buông xuống nửa chừng. Hấp dẫn và hấp dẫn đến lạ thường. Một lần nữa, Trần Dần lại tạo ra sự kinh ngạc và bất ngờ đối với thế hệ chúng ta.
L.M.Q
(nguồn: Báo PN TP.HCM, bút danh LÊ VĂN NGHỆ)
Ghi chú:
Trước đây khi phụ trách chuyên mục Thơ và tuổi trẻ của Tuổi Trẻ online, tôi đã giới thiệu bài thơ Tình của Trần Dần như sau:
"Tình yêu" của Trần Dần
06/11/2006 15:02 (GMT + 7)
TTO - “Em đọc kỹ/ trang thơ này nhé”. Lời nhắn nhủ của nhà thơ Trần Dần dành cho người tình Bùi Thị Ngọc Khuê - sau này là người bạn đời - cũng là điều mà tôi muốn gửi đến bạn yêu thơ.
Đọc kỹ, ta sẽ thấy một quan niệm về tình yêu của Trần Dần được thể hiện từ nhiều góc độ khác nhau, rất mới. Mới, bởi ở đó ông đã sử dụng nhiều chất liệu từ cuộc sống, từ bản thân mình. Mà qua đó, ta sẽ buột miệng thốt lên “Ồ tài tình nhỉ!”. Hình thức thơ “bậc thang” đã giúp cho người đọc cảm nhận được nhịp ngắt quãng cần thiết của từng câu thơ...
Văn bản bài thơ này vừa công bố lần đầu tiên trên báo Tiền Phong. Một lần nữa xin được gửi đến bạn thơ TTO (Nhà thơ Lê Minh Quốc).
TÌNH YÊU
Gửi em K, những ngày phải xa nhau
Em ơi
anh không ngủ được
bốn đêm rồi!
Nhớ em
đường phố Sinh Tử
đen cả mũi
mùi than
mùi bụi
Nhớ gian nhà
bây giờ
lùi lủi
một mình em
Em ạ,
Tình yêu không phẳng lặng bao giờ
Nó đè sóng,
đè mưa
nổi bão...
Tình yêu
không phải chuyện
đưa cho nhau
ngày một bó hoa
Nó là chuyện
những đêm ròng
không ngủ
tóc tai bù
như những rặng cây to
nó vật vã
những đêm trời lộng gió
Tình yêu
không phải là
kề vai mơ
sầu mộng dưới trăng mòn
mà phải sống
phải cởi trần
mưa nắng
phải mồ hôi
chảy đẫm
tận buồng gan
Tình yêu không phải
chuyện ngàn năm
kề sát má
mà bỗng dưng -
một quả tim chung
phải bổ nó
làm
đôi
người một nửa
người
ôm một nửa...
Tình yêu
không phải là
những chiếc toa đen
con tàu cuộc sống
tùy chuyến đi
mà cắt bỏ
hoặc nối thêm
Mà tự nó là
một ĐẦU TÀU HỎA
có nghìn toa
buổi - sáng
buổi - không đèn
Triệu mã lực
con tàu điên
tàu dại
nó đâm bừa
gãy cẳng
ngày đêm
nó hú chết
thời gian
khoảng cách
nó rú lên
trên trái đất
chưa người
chưa xã hội
chưa luân thường
ước lệ...
Tình yêu không phải
chuyện bạ sao yêu
cũng được
nó lạ lùng
như giữa một trời sao
triệu triệu ánh
Chỉ có anh
đã khản tiếng
kêu gào
mới gọi được
vì - sao - em
hay khóc
Và có em
đi mải đến mê
người
mới dừng lại
ôm mình anh
buồn tủi
vì - sao - anh
rốc lửa
xém bên trời...
Tình yêu
không phải
có hoặc không
cũng được!
mà nó như là
những vần thơ
những bắp thịt
những đường gân
tổ quốc
* * * * *
Em ơi
em lại khóc
em à?
Gian nhà vắng
con chó nằm nó rú...
Anh mới đấm lên trời
dăm quả đấm
bây giờ anh
ngồi
chết
một gian buồng
bốn bức tường
nó giữ chịt người
anh
để giáo dục anh về nhiều chuyện
và chuyện yêu
- là chuyện chúng mình...
Em đọc kỹ
trang thơ này nhé
Em đếm xem
bao chữ
bao vần
cũng tựa bao đêm
em ngắm sao trời
em đã thấy
một vì sao
ngất ngưởng
vì - sao - anh
nó chuyển bến bên trời
đuôi nó cháy - đúng là
vì sao dữ
Anh cho phép
em khóc nhiều
khóc nữa
Em ơi
tình yêu em
không có tuổi bao giờ
mươi thế kỷ
vì sao
anh
vẫn cháy...
TRẦN DẦN
(nguồn:
http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/Van-hoc/Tho-va-tuoi-tre/170954/%E2%80%9CTinh-yeu-cua-Tran-Dan.html
< Lùi | Tiếp theo > |
---|