Chuyên đề “Mùa hè của con trẻ” mở ra trong tuần qua xoay quanh câu hỏi trẻ nên học hay nên chơi trong dịp hè đã nhận được rất nhiều sự chia sẻ của độc giả. Cuộc trao đổi của chúng tôi với Nguyễn Nhật Ánh - nhà văn chuyên viết cho tuổi mới lớn - góp thêm một góc nhìn thú vị về vấn đề này.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh giao lưu với độc giả nhỏ tuổi - Ảnh: Nguyễn Tường Huy
Thưa anh, anh vui lòng cho biết thời nhỏ anh đã học như thế nào? Vào dịp hè, anh có phải tiếp tục… cắp sách đi học như các em hiện nay không?
Tôi nhớ thời tôi còn nhỏ, lúc học cấp 1 hoàn toàn không có chuyện đi học hè. Lên cấp hai, tới lớp 7 tôi mới ôm tập đi học hè lần đầu tiên. Cũng không phải do nhà trường hay ba mẹ bắt đi, chỉ là do bạn bè rủ rê, ham vui mà đi.
Thế thời của anh chuyện học hè không phải do nhu cầu về nâng cao trình độ học tập sao?
Lên cấp 3, bọn học trò chúng tôi mới bắt đầu học hè có ý thức. Nhưng không phải học sinh nào cũng đi học hè. Chỉ có hai trường hợp. Một, học sinh nào quá yếu một môn nào đó (như ngoại ngữ, văn, toán, lý, hóa…) thì đi học hè môn mình yếu để lấy lại căn bản. Hai, học sinh nào quá yêu thích một môn nào đó, dù đã đứng nhất lớp về môn đó vẫn thích đi học hè (tất nhiên thọ giáo những bậc danh sư) để bổ sung, khám phá những kiến thức mới nhằm thỏa mãn niềm say mê. Chứ hồi trước không có chuyện người người học hè, nhà nhà học hè như ngày nay.
Các nhà giáo dục cho rằng các bậc phụ huynh nên hướng dẫn các em “Học mà chơi, chơi mà học”. Anh tâm đắc điều này ra sao?
Điều này hoàn toàn đúng đắn, đặc biệt với các học sinh trung - tiểu học. Bởi ở bậc học này, các em cần được rèn luyện không chỉ trí tuệ mà còn cả tâm hồn lẫn thể chất. Ngay cả trí tuệ cũng không nên nghiêng hẳn về nhồi nhét kiến thức mà nên dạy cho các em phương pháp tư duy - đó là công cụ quan trọng giúp các em phát huy óc sáng tạo và tính độc lập trong nghiên cứu khi đặt chân lên giảng đường đại học. Tôi thấy học sinh trung học, kể cả tiểu học bây giờ học quá nhiều. Có em không có cả thời gian để ngủ chứ chưa nói là để chơi. Tất nhiên mỗi thời đại có mỗi yêu cầu khác nhau, nhưng đừng để các em đánh mất tuổi thơ khi bắt các em quanh năm chỉ biết vùi đầu vào tập. Chưa kể, nhìn tỷ lệ học sinh đeo kính cận ngày càng cao, nhìn các em bé tí mà xách chiếc cặp hoặc đeo chiếc ba lô to tướng, sao tôi thấy ái ngại cho sức khỏe của các em quá!
Nhưng các em bây giờ vẫn chơi đấy chứ. Các game online ra mắt ngày càng nhiều…
Game online có sức hấp dẫn cúa nó, và nếu nội dung của trò chơi lành mạnh cũng đáp ứng được nhu cầu giải trí của các em. Nhưng sa đà vào game online thì các em ngồi một chỗ nhiều quá, con mắt thì mệt mỏi. Hồi bé, tôi và bạn bè chủ yếu chơi các trò chơi vận động, các trò chơi ngoài trời. Bây giờ tất nhiên không thể bắt các em phải chơi những trò chơi hồi xưa như chơi u, cướp cờ, đánh trận giả… nhưng có lẽ tỷ lệ các trò chơi vận động, đặc biệt các trò chơi với bóng, nên chiếm một tỷ lệ thích hợp.
Để có thể biết về kỷ niệm vui chơi dịp hè thời đi học của anh, bạn đọc có thể đọc trong những tác phẩm nào?
Bộ truyện Kính vạn hoa có rất nhiều tập viết về những kỳ nghỉ hè vui nhộn của bộ ba Quý ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh. Trong các tác phẩm viết cho tuổi mới lớn, tôi dành riêng truyện Hạ đỏ để kể chuyện một cậu bé ở thành phố về quê nghỉ hè. Nếu hồi bé tôi cũng học bù đầu như các em bây giờ, chắc chắn tôi sẽ không trở thành nhà văn viết cho tuổi thơ, vì lớn lên tôi chẳng có gì thú vị để kể lại…
Lê Minh Quốc
(thực hiện)
(nguồn:http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130705/mua-he-cua-con-tre-ky-2-nha-van-nguyen-nhat-anh-dung-de-cac-em-danh-mat-tuoi-tho.aspx)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|