Có nhiều cách giải thích về nguồn gốc của Tết Trung thu. Tuy nhiên, để có một kết luận chuẩn xác rằng tục ăn Tết Trung Thu ở Việt Nam có từ lúc nào, theo tôi là khó. Ngay cả các nhà nghiên cứu văn hóa như Phan Kế Bính, Đào Duy Anh, Nhất Thanh, Toan Ánh… khi viết về ngày Tết Trung thu cũng miêu tả, chứ không đi sâu vào truyền thuyết ra đời của nó. Chỉ biết, rằng từ xa xưa, dân tộc ta đã có tục ăn Tết Trung thu rồi.
Trung thu xưa và nay
Ngày xưa, người ta quan niệm rạch ròi đây dịp này dành cho trẻ con. Trong năm ngoài Tết Nguyên đán, người lớn còn có Tết khác, vậy không hà cớ gì phải “giành” với trẻ con. Thường là ngày ấy, ba mẹ mua cho con cái các loại bánh dẻo, bánh nướng, mua các lồng đèn cá chép, đèn ông sao… Tuy nhiên, ở nông thôn, người ta tự làm lấy. Đêm tối trẻ em kéo nhau đi từ nhà này qua ngõ nọ, trên tay có cầm lồng đèn sặc sỡ đủ màu, trong thắp nến tỏa ánh sáng lung linh và ca hát vang trời, vui vẻ, nhộn nhịp. Lúc trăng lên rủ nhau “phá cỗ”, cùng ngắm ông trăng tròn. Ngoài ra còn có các đoàn múa lân, múa sư tử, nhà nào thích thì gọi vào, tiền thưởng treo trên ngọn cây tre cao. Màn múa lân rộn rã trong tiếng trống “tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh…”, rồi động tác ông Địa giễu trò ngộ nghĩnh gây cười cho trẻ con. Hấp dẫn nhất là lúc đoàn lân leo lên cao giật tiền thưởng của chủ nhà...
Ngày nay, Tết Trung thu cũng thế thôi. Chẳng khác gì mấy. Có điều, ngày xưa thiếu thốn, dịp này được ăn bánh ngọt, có bột, có đường là ngon, là sung sướng rồi. Ngày nay, đời sống đã sung túc, cuộc sống nhộn nhịp hơn nên cảm giác ăn bánh, “thưởng trăng” có lẽ không còn thi vị như xưa. Ngay cả trẻ con chung một xóm, một ngõ, một làng cũng ít thân thiết như thế hệ trước nên việc rủ nhau cùng rước đèn không phải nơi nào cũng còn.
* Trung thu là tết thiếu nhi
Những ngày đến rằm tháng tám, lũ trẻ con chúng tôi háo hức lắm. Từ mấy ngày trước, dăm bảy đứa bạn đã túm tụm nhau vót nan, mua giấy kiếng và trổ tài làm lồng đèn. Dễ làm nhất là đèn bánh ú, khó làm nhất là đèn cá chép… Làm xong, đứa nào cũng cất kỹ, xin tiền ba mẹ mua nến sẵn, để dành đến ngày rước đèn. Rước đèn còn có cái vui hồi họp là nếu không cẩn thận, hoặc gió lay khiến cây nến ngả là cái đèn phừng phựt cháy ngay. Lại có năm, chúng tôi được nhà trường tổ chức rước đèn chung. Cả lớp được cô giáo dẫn đi xuống phố, vừa đi vừa hát vang các bài hát trung thu: “Tết Trung Thu rước đèn đi chơi/ Em rước đèn đi khắp phố phường/ Lòng vui sướng với đèn trong tay/ Em múa ca trong ánh trăng rằm…”; hoặc: “Các em thích cười muốn lên cung trăng/ Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang/ Các em thích cười muốn lên cung trăng/ Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang…”. Những ca khúc ấy sống mãi trong ký ức tươi đẹp của tuổi thơ.
Trong xã hội hiện đại, quan hệ giữa người với người đã “thực dụng” hơn. “Thực dụng” không hẵn là xấu, nên hiểu là trong mối quan hệ ấy con người ta muốn đạt đến hiệu quả nhanh hơn. Không phải mất thời gian vào các “nghi thức” xã giao rườm rà, muốn “đi thẳng vào vấn đề” nhanh hơn, gọn hơn. Chính vì thế, không riêng gì tết Trung thu mà các lễ tiết truyền thống khác cũng đã có sự thay đổi. Thời buổi này, Tết Trung thu cũng là dịp người lớn tạo quan hệ. Do đó, mới có chuyện hộp bánh trung thu đến hàng triệu đồng, thậm chí nhiều triệu đồng. Khoảng cách ấy nói lên điều gì? Người lớn chỉ mượn nó làm cái cớ để bày tỏ tình cảm, xã giao, quan hệ cho đôi bên chứ không phải vì trẻ nhỏ.
Trung thu văn hóa, truyền thống
Truyền thống văn hóa của một dân tộc không phải là cái bất biến, nó phải thay đổi phù hợp với cuộc sống hiện tại. Đó mới là sự vận động biện chứng. Không thể khư khư ôm lấy những giá trị cũ đã hình thành, ra đời từ xã hội nông nghiệp để áp dụng máy móc vào xã hội công nghiệp. Không thể quay lại như thời chúng tôi, ba mẹ làm bánh, các con tự làm lồng đèn… nữa. Mọi thứ đã có sẵn trong siêu thị rồi. Mà có muốn cũng khó bởi thời gian đâu?
Nên giữ chăng cái cái cốt lõi của tinh thần tết Trung thu. Theo tôi, đó là dịp cả gia đình hoặc có thêm bà bạn quay quần bên nhau vừa ăn bánh, vừa chuyện trò bởi mấy khi có dịp ngồi chia sẽ, tâm tình trong nhịp sống vội vã mỗi ngày. Cũng là lúc các bậc phụ huynh cùng “thưởng trăng” với con, qua đó gieo trong tâm hồn con trẻ tình yêu thiên nhiên, sống chậm…
Đời sống bây giờ đã sung túc hơn, các trò chơi cũng nhiều hơn. Đứa trẻ có thể tìm thú vui ngày chiếc diện thoại di động, Ipad, máy vi tính... Cái bánh ngọt không còn hấp dẫn như trẻ nhỏ thời chúng tôi nữa. Tôi nghĩ rằng, ngày rằm tháng Tám nên là dịp cả gia đình nên cùng han huyên, trò chuyện và là dịp Tết của trẻ con thì cần khéo léo tìm hiểu nguyện vọng, ước mơi của con…. Trong xã hội của thời @ này, nỗi âu lo lớn nhất của cộng đồng, theo tôi vẫn la sự vô cảm của các thành viên. Nếu một đứa trẻ thiếu quan tâm với thế giới chung quanh là điều đáng âu lo. Nếu được, dịp này vài ba gia đình thân tình cùng phối hợp với nhau đưa con em mình đến vui chơi với trẻ em mồ côi cùng trang lứa ở các khu trung tâm. Qua đó, các em sẽ hiểu và yêu thương nhiều những số phận bất hạnh đó. Điều đó, có gì là khó, nếu ta ý thức rằng nguồn gốc Tết Trung thu là dành cho trẻ con. Gieo mầm yêu thương ở trẻ con trong dịp này cũng là ý nghĩa cốt lõi của Tết Trung thu đó thôi.
L.M.Q
(nguồn: Tuần san SGGP thứ bảy 31.8.2013)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|