BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết Chị HUYỀN SƯƠNG: Những tình huống oái oăm trong tình yêu - Tình huống 12: KHI ANH RỂ TÁN TỈNH CÔ EM VỢ

Chị HUYỀN SƯƠNG: Những tình huống oái oăm trong tình yêu - Tình huống 12: KHI ANH RỂ TÁN TỈNH CÔ EM VỢ

Mục lục
Chị HUYỀN SƯƠNG: Những tình huống oái oăm trong tình yêu
Lời giới thiệu: ĐỂ CUỘC ĐỜI ĐÁNG YÊU HƠN (Anh Bồ Câu)
Tình huống 1: HỠI ƠI VÌ LỠ CÓ… BẦU!
Tình huống 2: YÊU NHƯNG CHÀNG KHÔNG CHỊU… CƯỚI!
Tình huống 3: KHI CHÀNG HỌ SỞ “CHUYỂN” NÀNG CHO NGƯỜI KHÁC!
Tình huống 4: CHẤP NHẬN LÀM BỒ NHÍ ĐỂ ĐƯỢC… VIỆC LÀM
Tình huống 5: YÊU CHỊ NHƯNG LẠI TÁN… EM!
Tình huống 6: YÊU THÌ YÊU MÀ GHEN THÌ GHEN!
Tình huống 7: NẾU CHÀNG “QUẤT MÃ TRUY PHONG”?
Tình huống 8: LÀM GÌ KHI NGƯỜI THỨ BA XUẤT HIỆN?
Tình huống 9: KHI BẠN THẤY CHỒNG BẠN ĐANG ÔM CÔ GÁI
Tình huống 10: CHÀNG SẼ NGOAN NGÕAN NGHE LỜI BẠN NẾU…
Tình huống 11: CHA MẸ CHÀNG BẮT…. CON CỦA BẠN!
Tình huống 12: KHI ANH RỂ TÁN TỈNH CÔ EM VỢ
Tình huống 13: KHI CHÀNG TRẢ LỄ ĐÍNH HÔN VÌ… YÊU NGƯỜI KHÁC
Tình huống 14: KHI CHÀNG MUỐN… “TẠM ỨNG” TRƯỚC!
Tình huống 15: CÓ NÊN LẤY CHỒNG NƯỚC NGOÀI?
Tình huống 16: VÌ GIẬN CHỒNG NÊN LỠ… NGOẠI TÌNH!
Tình huống 17: PHẢI LÀM SAO…. KHI NÀNG TRANG ĐIỂM QUÁ LÂU?
Tình huống 18: LỠ YÊU NGƯỜI ĐÃ CÓ… VỢ!
Tình huống 19: KHI NÀNG THƯỜNG VỀ NHÀ MUỘN!
Tình huống 20: ĐANG ĐI HỌC NHƯNG LỠ…
Tất cả các trang

Tình huống 12:

KHI ANH RỂ TÁN TỈNH CÔ EM VỢ


“Do chưa có nhà nên anh rể phải về ở nhà của cha mẹ bạn. Thời gian gần đây, những lúc chị bạn đi làm thì anh rể hay buông lời tán tỉnh bạn. Vừa là tình chị em, vừa là anh rể. Bạn giải quyết ra sao cho thật khéo léo tình huống… éo le này?”

 

Trần P. Minh Trâm (79 Mai Thị Lựu, Q.1, TP.HCM):

Đây là một tình huống phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tìm cách giải quyết khéo léo, tế nhị; vừa giúp mình thoát khỏi tình trạng khó xử đối với anh rể, vừa giữ gìn được hạnh phúc cho người chị. Một quan hệ anh rể – em vợ thật sự đúng nghĩa phải mang tính chất anh trai – em gái. Người anh rể trong trường hợp này hay buông lời tán tỉnh em vợ khi vợ đi vắng rõ ràng không đứng đắn và ít nhiều có ý đồ không đàng hoàng rồi. Ở đây chúng ta tạm chưa nói đến những biểu hiện, những hành động đi xa hơn những lời tán tỉnh. Điều cần làm là chúng ta phải ngăn chặn ngay lại những lời tán tỉnh của ông anh rể “yêu quí”. Hãy tỏ ra nghiêm với anh ta, “chỉnh” anh ta mỗi khi anh ta định buông lời tán tỉnh mình… Có thể “chỉnh” anh ta bằng những lời lẽ nhẹ nhàng nhưng thấm thía, ví như “em không thích anh đùa với em như thế”. “Anh là chồng của chị em, anh nên xử sự sao cho người ngoài nhìn vào khỏi chê cười anh không biết cách”. “Anh nên cư xử sao cho em còn nể và tôn trọng anh”. “Anh là anh rể của em, em rất kính trọng anh và coi anh như anh ruột của em. Anh nói những lời như vậy nghe không được đâu!...”

Những lời lẽ này nhằm nhắc nhở anh ta nhớ lại vị trí và trách nhiệm của mình trong gia đình, đồng thời ngầm thông báo rằng bạn không thích anh ta tán tỉnh, anh nên thôi ngay đi. Chúng ta cũng phải cố gắng hạn chế đến mức tối thiểu những cơ hội anh ta có thể ở riêng với bạn trong nhà để tán tỉnh bạn. Tránh nói chuyện hay đùa với anh ta. Trong khi anh ta chỉ mới tán tỉnh bạn, chứ chưa có hành động nào đi quá xa, bạn không nên cho chị bạn biết chuyện này, để tránh gây rạn nứt trong quan hệ vợ chồng của chị. Có thể nói với mẹ, hay một người nào trong gia đình mà bạn tin cậy nhất để có sự ủng hộ cần thiết, ví như tạo điều kiện cho chị bạn và chồng ra ở riêng.

Điểm tế nhị mấu chốt trong trường hợp này là nên giữ kín chuyện này, đừng làm ồn ào, bàn tán trong gia đình và hàng xóm, để giữ thể diện cho gia đình, cho người chị và cả người anh rể. Có thể bạn sẽ bĩu môi vì cho rằng người anh rể trong trường hợp này chẳng đáng được như thế. Có thể là như vậy, nhưng anh ta chưa đi quá xa. Vả lại, để bảo vệ hạnh phúc gia đình của người chị, bạn phải thật khéo léo, đừng làm cho sự việc trầm trọng hơn lên. Nếu bạn làm to chuyện, kể với chị mình và những người khác trong gia đình đầy đủ mọi chi tiết, bạn chẳng giúp ích gì hơn. Quan hệ của bạn với người anh rể sẽ trở nên lấn cấn, không thể nào quay về bình thường được nữa. Cuộc sống của chị bạn và anh rể chắc chắn sẽ có xáo trộn và xung đột, có thể dẫn đến tan vợ – bi kịch cho chị bạn – một người phụ nữ yêu chồng.

Nếu sau khi bị cảnh cáo “riêng”, anh ta vẫn chứng nào tật nấy, không thay đổi thì bạn mới nên nghĩ đến những biện pháp cứng rắn hơn.

Lợi (Mỹ Tho) thay vì trả lời thì kể lại tình trạng của mình rất súc tích, hấp dẫn, thiết tưởng cũng là một cách trả lời rất hay cho tình huống này:

“Lúc ấy tôi còn là một cô gái tuy không đẹp mặn mà, sắc sảo, nhưng không đến nỗi nào. Là một giáo viên trường tỉnh, đến kỳ nghỉ hè tôi thường lên nhà chị để giúp việc nhà, đến ngày tựu trường tôi mới về đi dạy. Thời gian đầu không có gì xảy ra. Cho đến một hôm chị tôi bị bệnh, phải vào nhà thương Từ Dũ để mổ và cắt bỏ phần tử cung và buồng trứng. Từ đó, chị tôi không còn sinh hoạt bình thường với chồng nữa. Anh chị đâm ra cau có và gây gổ nhau luôn. Mùa hè năm đó, tôi lại lên phụ chị tôi như mọi năm, thì anh rể tôi tỏ tình và có nhiều cử chỉ sàm sỡ đối với tôi. Tôi rất ghét cử chỉ đó, đôi lần tôi muốn bỏ về ngay, nhưng chị còn bệnh nên tôi cố ở lại. Cuối cùng chịu không nổi, tôi nói thật với chị tôi, mong chị sẽ dùng lời lẽ khuyên lơn chồng, để vẹn toàn tình cảm chị em. Không ngờ chị tôi lại trả lời: “Chị có ý nói với em việc ấy, bây giờ chị cảm thấy không còn gần gũi anh ấy được. Mà anh ấy còn sung sức, nếu không thì anh sẽ tìm người con gái khác, họ vào đây chiếm hết gia tài chị, chi bằng em vì chị, vì tương lai các cháu, mà cũng không thiệt thòi gì cho em. Em nên bằng lòng với anh rể em đi. Anh chị hứa lo cho em đầy đủ và không để em buồn đâu”.

Trời ơi! Nghe xong tôi choáng váng muốn xỉu. Bạn biết không, tôi khóc nức nở, tôi không hiểu phải xử tríra sao? Cuối cùng tôi xin ý kiến ba mẹ tôi và ba mẹ cũng một ý với chị tôi, vì bấy lâu nay ba mẹ tôi sống nhờ tiền phụ cấp của anh rể tôi. Thế là hết tương lai rực của một cô gái đang xuân. Một cô giáo có bao kẻ đeo đuổi, không thể có một tấm chồng sao mà lại làm thế ấy? Tôi đau buồn toan tự tử, nhưng vào trường lớp thấy học trò tự nhiên tôi đỡ buồn. Tôi không trả lời liền, nhưng hè năm sau tôi không lên  nhà chị nữa, ông anh rể lại về và nói: “Nếu em chịu anh, anh sẽ mua vàng, mua quần áo đẹp… cho em. Anh sẽ thường lo cho em đủ thứ…”. Tức giận quá, tôi quát: “Anh là con người vô liêm sỉ, anh không biết xấu hổ khi nói ra những câu nói ấy sao? Tôi thà chết chứ không chịu anh đâu!”

Anh rể tôi không nói gì, bỏ ra về. Tôi không ngủ suốt đêm, thầm cầu nguyện sao cho thoát khỏi cảnh ngang trái ấy. Cầu mong sao cho ông anh tôi sẽ thức tỉnh mà về lo cho chị tôi.

Thật ra, trong tôi không có tí gì tình yêu với anh rể tôi, đôi khi còn thấy ghét, nhất là những lúc anh giở trò tỏ tình với tôi.

Theo bạn, sự việc rồi sẽ ra sao? Năm sau, có người đến xin cưới và tôi bằng lòng lấy chồng… Thời gian ấy dù ba má, chị tôi hơi buồn, nhưng dù sao tôi cũng an phận rồi. Anh rể tôi hối hận và trở lại yêu thương chị như xưa. Dù chồng tôi không giàu có, nhưng vợ chồng tôi rất hạnh phúc. Giờ đây anh chị tôi và các cháu đang ở Mỹ, thỉnh thoảng có về và vui vẻ khi thấy vợ chồng tôi hạnh phúc.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com