Lai lai rồi rổn rảng… cười
1.
“Văn là người”? Trật lấc. Ít ra trong trường hợp của gả Hai Đầu Méo. Thoạt nhìn bản mặt của gã, tôi luôn sực nhớ đến cái tựa rất oách của nhà văn bậc thầy Nam Cao: “Cái mặt không chơi được”; hoặc nói như ngôn ngữ của thời “sát thủ đầu mưng mủ” là “chán như con gián”. Ai đời, trong những cuộc trà tam tửu tứ, thiên hạ đua nhau huyên thuyên ba hoa chích chòe, tranh nhau “nổ” tào lao xích đế thì gã cứ ngồi ngậm câm như thóc. Đôi lúc, khoái chí quá, gã mới nhếch mép cười một chút, rất hà tiện.
Thế không đáng ghét là gì?
Vậy mà tôi không ghét. Bởi gã có tài.
Khi đọc lai rai những tiểu phẩm ký bút danh Hai Đầu Méo, tôi không tin là gã. Tôi biết quá mà, gã là nhà văn tên tuổi đã có những tiểu thuyết gây đình đám, đã có vài tập tản văn nặng trĩu một tấm lòng cố hương núi Ấn sông Trà… Vậy chẳng lẽ gã lại nhảy qua lãnh vực viết châm biếm nữa à?
Sực nhớ nhà thơ Thanh Thảo có tập sách lý luận Ngón thứ sáu của bàn tay. Thì ra, có những người khi họ chỉ chơi sở đoản nhưng cũng “ăn đứt” sở trường của người khác.
2.
Tập sách của Hai Đầu Méo đã viết những gì?
Khi viết châm biếm, trào lộng mua vui cho độc giả chỉ những ai yếu bóng vía mới ngồi tưởng tượng những chuyện trên trời dưới biển. Những chuyện ấy, nếu có cười được, cũng chỉ thoáng qua. Cái hay, cái giỏi là phải bám chắc lấy hiện thực của đời sống đang ngồn ngộn diễn ra và nhìn “lệch chuẩn” nhằm tạo ra tiếng cười. Có như thế, cái cười ấy mới có ý nghĩa xã hội. Tách tiếng cười ra khỏi hiện thực xã hội, tựa như vớt cá ra khỏi nước. Chính giá trị hiện thực đó giúp cho tiếng cười đứng trên những cái “chọc léc” tào lao và vô bổ.
Ở đây, vốn có lợi thế của một nhà báo, Hai Đầu Méo luôn đi trong dòng thông tin thời sự. Nhờ vậy, vấn đề anh phát hiện ra “đúng chóc” với tâm lý người đọc. Thật ngộ nghĩnh, khi mùa giáng sinh trong lúc thiên hạ nhớ đến ông già Noel thì anh lại nhớ đến…. bà già Noel; vụ “oan Thị Kính” của mắm tôm rền rã một thời, lúc đó anh đã kịp thời có “Lại Thị Mắm Tôm”; rồi chuyện bi hài huếch hoách trong thế giới showbiz cũng là đề tài muôn hình vạn trạng để anh khai thác…
Đọc kỹ, ta sẽ thấy những bài viết liên quan đến hậu trường, phía sau cánh gà văn nghệ vẫn xuất sắc nhất. Từ chuyện làm phim, viết sách, thi ca sĩ v.v… đã đọng lại trong tôi những tiếng cười bi hài, lắm khi phải gật gù như nhân vật của Hai Đầu Méo: “Tèo buột miệng thở dài”… Không thở dài sao được, chẳng hạn về những cái lố nhố lăng nhăng của cái thời gì mà lạ thật: Thiên hạ đổ xô nhau tranh nhau… cái giấy chứng nhận kỷ lục! Kỷ lục à? Không khó miễn là, nói như Hai Đầu Méo phải có “ý tưởng”. Và đây là một “ca” của ý tưởng nhằm đạt cái hư danh chảnh hoảnh, hoe hoét mà Hai Đầu Méo đã viết: “Thành công nổi bật nhất của ông là giúp công ty Ẩm thực cháo lòng thực hiện kỉ lục “Chiếc bánh quẩy bự nhất VN”. Nghe tin đó Văn Tèo hân hoan đến xem, nóng lòng muốn nếm thử một khúc quẩy. Nhưng, vì tình bạn thân thương Cu Mách bỏ nhỏ rằng: “Ngó chơi thì được, không nên ăn, còn nếu ăn thì phải thủ sẵn trong túi thuốc trị… tiêu chảy cấp”!
Lại nữa, một trong những yếu tố gây cười, tôi nghĩ phải là sự liên tưởng của thủ pháp “chuyện nọ xọ chuyện kia” để tạo thêm hiệu ứng khác. Từ “Ca sĩ xấu xí” (nhại cuộc thi “Tài năng nước Anh đã áp dụng tại VN) anh “đá giò lái” sang chuyện tưởng chừng như trớt quớt: “Phải làm gì? Còn làm gì hay hơn nữa là tức tốc đi đến thẩm mỹ viện”.
Thủ pháp này, Hai Đầu Méo vận dụng “có nghề” lắm…
3.
Ủa? Vậy Hai Đầu Méo là ai?
Cái phần “bí mật” này, tôi xin dành lại cho độc giả. Thật ra, ai là ai cũng chẳng gì quan trọng cả. Cái điều cần thiết khi bạn bỏ tiền ra mua tập sách trào phúng, bạn có cười được hay không? Với tập này, tôi tin là được. Nhưng cái bản mặt của gã, nếu gặp bạn sẽ chẳng bao giờ cười được, vậy cần biết rõ về gã để làm gì?
LÊ MINH QUỐC
(VIII.2012)
(nguồn: tập tiểu phẩm Váy ơi là váy (NXB Hội Nhà văn - 2013) của Hai Đầu Méo
< Lùi | Tiếp theo > |
---|