BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết Lê Minh Quốc: VIẾT NHƯ ĐỜI SỐNG

Lê Minh Quốc: VIẾT NHƯ ĐỜI SỐNG

1.


“Làm thơ là một sự phi thường”, đã có lúc thi sĩ Hàn Mặc Tử rú lên trong niềm đau sảng khoái tột cùng. Tôi nghĩ, tâm thế của nhà báo cũng không khác.

Từng ngày họ phải sống trong tâm thức của sự say mê nhọc nhằn qua từng con chữ. Tâm thức ấy không chai lì, xơ cứng mà phải từ cảm hứng sáng tạo. Ngày lại ngày, dòng dòng thời sự cuồn cuộn đổ vào trang viết, nếu không có cảm hứng sáng tạo thì làm sao có thể đi hết một đời cùng hành trình chữ nghĩa? Nhờ vậy, có những nhà báo đã thành danh trong nghề nhưng bài viết của họ không lặp lại, luôn tìm tòi cách thể hiện mới.

Với tập sách này, sẽ không thừa khi nhắc lại, đây là thành quả lao động bền bĩ của các nhà báo nữ thuộc CLB Nhà báo nữ TP.HCM. “Sân chơi” này do Hội Liên Hiệp Phụ nữ TP.HCM tổ chức hiệu quả và có tiếng vang trong dư luận xã hội từ nhiều năm qua.

 

viet-nhu-la-sontg

 

2.


Thử hỏi, phụ nữ viết báo có gì lạ? Chắc chắn có. Khi một tay lựa chọn từng cây kim, sợi chỉ trong siêu thị cho chồng con; tay kia đã phải cầm bút. Khi một chân bước ra chợ với nhiều lo toan cho mái ấm; chân kia đã phải bước ra ngoài xã hội thu thập tin tức. Sự nhịp nhàng giữa riêng và chung được san sẻ hài hòa. Chính điều này cho thấy, phụ nữ làm báo nhọc nhằn hơn nam giới. Mà kỳ lạ thay, có những đề tài khi họ viết chắc chắn hay hơn đồng nghiệp nam.

Đề tài gì vậy?

Thưa, khi họ viết về nhân vật nữ. Hoặc “người của công chúng” tạo được dấu ấn trong cộng đồng; hặc người bình dị trong đời nhưng khi đọc, ta vẫn thấy mới. Rất mới. Tại sao? Hơn ai hết, họ hiểu tận chân tơ đến kẽ tóc của nhân vật, chỉ do họ cùng giới tính. Vì cùng giới tính nên giữa nhà báo và nhân vật có thể dễ dàng “nhỏ to tâm sự” cùng chia sẻ những thông tin, nỗi lòng thầm kín nhất.

Tập sách này đặc biệt là chỗ đó. Khó lẫn lộn với bất kỳ một tập sách nào khác bởi cách lựa chọn độc đáo: Nhà báo nữ viết về nhân vật nữ. Nhìn hoa hồng qua con mắt của hoa hồng. Tức cái nhìn ấy, tự bản thân nó đã có sự đồng cảm, chia sẻ mà cánh đồng nghiệp nam còn lâu mới có thể chạm tay đến được.

 

3.

 

Góp mặt trong tập sách này, xin được kể ngẫu nhiên đến các nhà báo Thế Thanh, Đinh Thị Thanh Thủy, Nguyễn Thị Khánh Tâm, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Lê Huyền Ái Mỹ, Trầm Hương, Cát Vũ, Phan Ngọc Thường Đoan, Quỳnh Lệ, Đỗ Ngọc, Thục Oanh, Hương Nhu, Nghi Anh, Đức Phong, Các Ngọc, Minh Ngọc, Hồng Liên, Tố Phương… Có cả nhà báo”, người chị cả của những nhà báo, với nụ cười đôn hậu, duyên dáng, một bút lực rắn rỏi: bà Thân Thị Thư.

Những cánh hoa hồng hàng hàng lớp lớp cùng góp mặt trong một tập sách, tự nó đã là một sự hấp dẫn.

Còn có sự hấp dẫn nào hơn, trong danh sách ấy gồm nhiều thế hệ cầm bút. Có người sau nhiều năm lăn lộn với nghề đã tạm rời chuyến tàu, quay về bến đỗ nhưng vẫn đăm chiêu, trăn trở bên trang viết; có người vừa hăm hở bước lên tàu đi về những chân trời sáng tạo đang mở ra trước mắt…

Một bữa tiệc buffet bày biện ngon mắt. Không việc gì phải vội vàng. Cứ nhẩn nha. Cứ chậm rãi. Đọc chậm. Sẽ phát hiện ra những điều, tưởng quen thuộc nhưng lại đủ sức đem lại hương vị mới.

 

4.


Hương vị đa dạng từ tập sách này là hầu hết các nhân vật nữ không gói gọn trong một lãnh vực nào. Cây đàn thập lục réo rắt nhiều cung bậc khác nhau. Cuộc sống luôn phong phú và sống động lạ thường bởi có những con người bình dị, rất bình thường như chính đời sống của họ kỳ diệu như cổ tích.

Có thể ở đây, ta gặp một cải lương chi bảo Bạch Tuyết, một con người sinh ra chỉ có nhiệm vụ gắn bó sân khấu và làm đẹp cho sân khấu nhưng lại có duyên với chuyện viết lách; là nghệ sĩ Ái Như, Thoại Miêu, Hoàng Cúc, diễn viên Trúc mai…; là các nhà thiết kế Minh Hạnh, Seoul, Anna Võ Ngọc Thụy Anh… Tên tuổi của họ đã là một “đẳng cấp”. Ở đây, không chỉ cái nhìn mà nhà báo ghi nhận từ hào quang của ánh đèn rực rỡ mà còn là tự sự đời thường của họ nhưng chưa mấy ai biết đến.

Có thể kể đến các bà Hoàng Thu Nhạn, Nguyễn Thị Yên Thảo, Hai Ánh… phía sau nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn - chính họ đã tạo nên hào quang cho nhiều chiến công lừng lẫy. Có thể kể đến cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ - phu nhân nhà tư sản Trịnh Văn Bô, gia đình cụ đã ủng hộ Nhà nước Cách mạng hơn 5.000 lượng vàng và một số ngôi nhà lớn ở Hà Nội, trong đó có di tích lịch sử 48 Hàng Ngang nơi Hồ Chủ tịch viết Tuyên ngôn độc lập…

Sẽ làm một thiếu sót nếu không nhắc tới các gương mặt nữ đã có nhiều đóng góp như các bà Lê Thị Lượng - nữ doanh nhân thành đạt trên đất Lào; bà Lê Thị Thu Nguyệt - nữ Anh hùng biệt động Sài Gòn năm xưa; chị Phan Thị Hòa, trạm trưởng Trạm thủy văn  huyện  miền núi Con Cuông (Nghệ An)… Thậm chí trong các gương mặt nữ ấy, còn khó quên với nữ nhà báo Thục Minh - “thân gái dặm trường” ở xứ người tác nghiệp v.v…

“Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”.

Có lẽ, sau khi khép lại tập sách này, câu thơ đó trong Truyện Kiều sẽ nhẹ nhàng vọng đến trong trí nhớ của người đọc.

 

L.M.Q

(nguồn: Tập sách Quà tặng từ ngòi bút của Hội LHPN TP.HCM - 20.10.2013)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com