BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Khêu ngọn lửa ấm

LÊ MINH QUỐC: Khêu ngọn lửa ấm

 

pncn-13.10

 

Trong từ ngữ tiếng Việt, thật lạ lùng có những từ chỉ mới vừa thốt ra, tự sâu thẳm tâm hồn đã thấy ấm áp, gần gũi và yêu mến vô cùng. Tôi nghĩ đến “cây lúa”. Trên đồng cạn dưới đồng sâu, từng nhánh lúa trĩu hạt luôn gợi về mùa vàng no ấm. Đã thế, hạt lúa khi rụng về Đất Mẹ, lúc ấy lại bắt đầu một Sự sống mới. Sự sống ấy tiếp tục sinh sôi trong dòng đời bất tận. Ngọn lửa nuôi sống con người lại nhen lên từ hạt mầm bé nhỏ ấy. Không gì có thể hủy diệt được.

Và cũng kỳ diệu thay, có những con người ngay sau khi họ từ giã “cõi tạm”, lại có thể khêu dậy ngọn lửa ấm trong tiềm thức của người đang sống.

Trong những ngày này, hình ảnh dòng người chỉnh tề, lặng lẽ đến thắp nén nhang vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khiến tôi nghĩ về ngọn lửa ấm. Họ đến từ nhiều vùng miền, có thể trong đời chưa một lần diện kiến, chưa chạm mặt nhưng tự sâu thẳm tâm hồn là niềm ngưỡng mộ về một tài năng, một nhân cách. Nhìn vào từng đôi mắt chứa chan từng giọt lệ, tôi đã thấy ở đó niềm thương tiếc về một Con Người. Một con người xứng đáng viết hoa, bởi lúc sống đã tận hiến cho cộng đồng, bằng tất cả những gì mình đã có. Tôi nghĩ rằng, khi đứng trước một người đã mất, lúc ấy, con người tầm thường chúng ta luôn tự vấn một câu hỏi: “Những ngày qua, mình đã sống như thế nào?”.

Sống trên đời, đi hết hành trình một kiếp người chao ôi biết bao nhọc nhằn, trần ai khoai củ, lên bờ xuống ruộng. Để có được sự tĩnh tại, an nhiên ấy trong tâm hồn thật không dễ dàng. Không khác gì bảo gió đứng yên, không khác gì níu lại dòng sông đang chảy. Bởi có những lúc, trong sự vận động của dòng đời, ta vọng động lúc này, ta ngoắt ngoảy chỗ kia chẳng khác gì “tâm viên ý mã”. Biết làm sao được, những cơm áo gạo tiền, những mưu sinh kiếm sống đã có lúc đẩy bàn chân bước chệch ra khỏi con đường đã chọn. Lúc ấy, có thể những toan tính vụn vặt đời thường đã khiến ta dễ dàng thỏa hiệp vục mặt xuống bụi bặm những mong thu vén một chút hư danh…

Rồi có lúc, ta giật mình tự hỏi: “Những ngày qua, mình đã sống như thế nào?”. Loay hoay một chốc, ngoảnh lại, đã thấy gần hết một đời người. Vì lẽ đó, có những con người khi nhắm mắt xuôi tay chỉ là dấu chấm đơn độc cuối cùng kết thúc một câu văn. Hỡi ôi! Có những câu văn lại không có ý nghĩa gì, thậm chí còn sai lệch về cú pháp.

Ngược lại, có những con người, với cái chết của họ lại mở ra một trang viết mới cho thế hệ sau. Trang viết đó khêu lại ngọn lửa ấm từ tinh thần của Tướng Giáp. Ngọn lửa đó là bài học giản dị và vĩ đại về một giá trị sống mà lúc sinh thời ông đã xác tín mãnh liệt. Dưới gầm trời này không có gì đứng yên, bất động mà luôn có sự vận động, thay đổi theo tâm thức thời đại. Thế nhưng lại có những giá trị bất biến, dù Đông  hay Tây cũng đều có một mẫu số chung. Một trong những giá trị ấy, của nhiều người biết sống, của Tướng Giáp vẫn là sự ý thức tồn tại của mình chính, không gì khác, “từ Nhân dân mà ra”.

Đã đành, vĩnh biệt một con người bao giờ cũng có những lời tiếc thương, như thế vẫn chưa đủ. Điều cốt lõi, có ý nghĩa thiết thực nhất là hãy làm sống lại tinh thần của người đã khuất.

Hạt lúa đem lại ấm no cho con người, khi chết đi lại tiếp tục khơi dậy một mầm sống mới. Và cũng kỳ diệu thay, có những con người ngay sau khi họ từ giã “cõi tạm”, lại có thể khêu dậy ngọn lửa ấm trong tiềm thức của người đang sống. Ngọn lửa ấy, đang có. Ấm áp và lan tỏa trong cộng đồng, từng ngày…

 

L.M.Q

(nguồn: Báo PNCN  ngày 13.10.2013)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com