Cho đến nay, giới nghiên cứu sử học nước nhà vẫn chưa “giải mã”: Ai là người trực tiếp viết “Chiếu Cần Vương”? Không thể là vua Hàm Nghi, lúc đó ngài chỉ mới 12 xuân xanh. Chiến tướng Tôn Thất Thuyết chăng? Cụ là một võ tướng, nhân vật số một Viện Cơ mật, không phải là người giỏi về văn học. Thế thì, văn bản được công bố được công bố từ ngày 13.7.1885 tại căn cứ kháng chiến Tân Sở (Quảng Trị), chỉ có thể do Thăng Hiệp biện Đại học sĩ Phạm Thận Duật ( 1825- 1885) viết.
Ảnh cụ Phạm Thận Duật chụp ngày 14.4.1883 tại Thiên Tân (Trung Quốc) khi đi sứ Trung Quốc. Nguồn: Phạm Thận Duật - cuộc đời và tác phẩm (NXB KHXH - 1989)
Dự đoán này vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Nhưng về cái chết oanh liệt của cụ thì nay đã rõ: Trên đường bị giặc Pháp đày đi đảo Tahiti cùng với các nhân vật chủ chiến, cụ bị bệnh mất, xác bị quẳng xuống biển. Không còn tăm tích.
Dù vậy, với nhiều nhân vật, “thác là thể phách, còn là tinh anh”. Phạm Thận Duật là một người như thế. Hiện nay, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã đặt tên “Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật” - nhằm ghi ơn một người đã Sống vì Nước. Danh thơm ấy không mất đi. Giải thưởng này do hậu duệ của cụ tài trợ, nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu: “Nó càng làm rõ nét hơn một đặc thù của hoạt động sử học ở nước ta là nó chỉ có thể phát triển một khi gắn với như cầu đời sống của nhân dân, một nhân dân vốn sâu đậm trong tâm thức cái nguyên lý sống “Dân ta phải biết sử ta”.
Điều này, ta càng thấy rõ qua những giải thưởng về sử học tương tự, rất đáng được dư luận biểu dương. Đó là Giải thưởng Trần Văn Giàu dành cho các tác phẩm có giá trị trong hai lĩnh vực: Lịch sử và Lịch sử tư tưởng về khu vực bộ, Nam Trung bộ và TP.HCM; Giải thưởng Lê Văn Hưu của Khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn- Đại học Quốc gia Hà Nội dành cho sinh viên xuất sắc trong học tập.
Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng nếu nhìn qua lãnh vực nghe nhìn có tính thời thượng, hẳn ta không chạnh lòng. Chỉ nhìn vào số lượng, đố ai có thể biết hết được hiện nay có bao nhiêu “giải thưởng” về ca hát đang tồn tại? Nó đã được cổ xúy và “tôn vinh” nhằm chiếm lĩnh hầu hết các phương triện truyền thông đến độ người thưởng thức phải bội thực. Liệu đất nước ta có cần kíp, có bức bách đến độ phải tìm cho ra các “ngôi sao” ca nhạc bằng mọi giá, bằng mọi cuộc thi rầm rộ, liên tục như hiện nay không? Chỉ những ai thần kinh không bình thường, mới có thể gật đầu bảo: “Có”.
Nói như thế, không phải chúng tôi phủ nhận vai trò của âm nhạc trong đời sống tuổi trẻ. Nhưng các tổ chức, liều lượng các cuộc thi như thế nào, nếu không chính người trẻ sẽ bị nhận thức lệch lạc về cái nghề ca hát.
Trở lại với Giải thưởng Phạm Thận Duật, tôi xin kể một câu chuyện nhỏ: Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn - nguyên Giám đốc Bảo tàng Cung đình Huế đã bảo vệ đề tài “Đồ sứ VN ký kiểu tại Trung Hoa từ 1804 đến 1924 hiện đang lưu trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế”. Sau 15 năm đèn sách nghiên cứu ông đã bảo vệ thành công tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Thế nhưng, không ngờ bốn tháng sau không rõ căn cứ vào đâu, vì lý do gì mà Hội đồng Bảo vệ Bí mật Nhà nước và các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng luận văn của ông “đã làm lộ bí mật Nhà nước”.
Tin đâu như sét đánh ngang!
Suốt một thời gian dài, ông đã “sống trong sợ hãi” và “kêu oan” cầu cứu khắp nơi nhưng không ai giải thích. Nhưng như một điều kỳ diệu, luận văn của ông đã được Giải thưởng Phạm Thận Duật trao giải Nhì. Nhờ thế nỗi oan của ông mới được giải tỏa. Ông tâm sư: “Những người tổ chức giải thưởng này hẳn rất tự hào với những gì họ đã đóng góp cho giới sử học nước nhà. Nhưng có lẽ họ không nghĩ rằng, có một giải thưởng mà họ trao cách đây sáu năm chính là chiếc phao cứu sinh cho sinh mệnh chính trị của một người”.
Với sự hoạt động lặng lẽ của các giải thưởng về sử học nước nhà - dù lặng lẽ trong dòng chảy của nhiều hoạt động xã hội, nhưng đem lại nhiều hiệu quả tích cực, tôi luôn nghĩ đến... các doanh nhân Việt. Tôi nghĩ đã đến lúc nếu cần đổ tiền P.R cho sản phẩm của mình qua các chương trình nặng tính chất “nghe nhìn”, họ có thể góp một tấm lòng với giới sử học chăng? Thiết nghĩ đó mới là bước đi lâu dài, cố tầm chiến lược. Nếu không thông qua các giải thưởng về sử học nhằm giáo dục về lòng yêu nước, nghĩa đồng bào thì liệu sản phẩm của họ có được người trong nước sử dụng như một cách tự ý thức?
L.M.Q
(nguồn: báo PNCN ký bút danh LÊ VĂN NGHỆ)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|